TÔI TRUNG ĐỨC MA-RI-A
Các
tôi trung của Đức Ma-ri-a thực sự đông vô số. Chúng tôi chỉ chọn
ra năm vị dưới đây vì các ngài đã và vẫn còn ảnh hưởng đến lòng
tôn sùng Đức Ma-ri-a trong Giáo Hội, đó là: thánh Ép-rem Xi-ri-a,
thánh Bê-na-đô, thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho, thánh
An-phong-sô Li-gô-ri và thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê.
1. Thánh Ép-rem Xi-ri-a (306 - 373)
Vị đại tiến sĩ của Giáo Hội Xi-ri-a có lẽ ra đời trong một gia
đình có đạo khoảng năm 306 tại miền Ni-si-bi (Nisibis), xứ Mê-sô-pô-ta-mi-a.
Ngài được đức giám mục sở tại dạy dỗ. Theo truyền thuyết, ngài
đã tham dự Công Đồng Ni-xê-a (325), kết thân với thánh Ba-si-li-ô
và nhiều lần thăm viếng các ẩn sĩ Ai Cập. Ngài được phong phó
tế nhà thờ Ni-si-bi năm 338, nhưng không chịu tiến chức linh mục.
Khi người Ba Tư chiếm đóng Ni-si-bi năm 363, ngài cùng nhiều giáo
dân khác trốn sang Ê-đét-sa, một lãnh thổ thuộc Rô-ma. Tại đây
ngài đã lập một trường thần học danh tiếng. Thánh Ép-rem qua đời
năm 373. Giáo Hội đã tôn phong ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm
1920 và lập lễ kính trong phụng vụ toàn Giáo Hội ngày 9 tháng
6.
Các công trình của thánh Ép-rem được soạn bằng tiếng Xi-ri-a và
truyền lại đến nay. Một số vẫn còn ở nguyên ngữ Xi-ri-a, một số
khác đã được dịch ra tiếng Ác-mê-ni (Armenia) và Hy Lạp. Các nhà
chuyên môn đã gắng lọc ra những nguyên tác chính cống của ngài
từ kho tàng lưu truyền Đông Phương trước kia vốn gán lầm cho ngài.
Là một nhà chú giải Thánh Kinh, thánh Ép-rem thích dùng hình thức
thi ca, nhưng về mặt vần điệu thì khác xa những hình thức văn
chương của chúng ta ngày nay.
Thánh Ép-rem lôi kéo chúng ta đến với lòng sùng kính rất sâu xa
đối với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, nhưng khó mà tìm ra được một dòng
thơ thể hiện rõ nét lòng sùng kính của ngài, vì thi ca của ngài
thường dài dòng nhưng sâu sắc, người ta thường trích khổ thơ diễm
kiều sau đây:
“Ôi Chúa Giê-su, chỉ mình Chúa và Mẹ Chúa, là những Đấng xinh
đẹp hoàn hảo,
Không một tì tích nơi Chúa,
Cũng không một lầm lỡ nơi Mẹ.”
Một số người cố ý gạn trong khổ thơ trên một ý về ơn vô nhiễm
nguyên tội. Nhưng như thế là vượt quá xa ý tưởng thần học của
vị thánh tiến sĩ. Những lời trên đơn giản chỉ ca ngợi cuộc sống
trinh bạch của Đức Ma-ri-a, cuộc sống phản chiếu sự thánh hảo
của Con Mẹ, và ơn sủng Mẹ được Thiên Chúa ban.
Thánh Ép-rem vừa là một mẫu gương, vừa là một phấn khích cho lòng
tôn sùng tín thác - được Thánh Kinh nuôi dưỡng - đối với Đấng
đã ban cho chúng ta “Hoa Trái sự sống” và là mô phạm cho chúng
ta về mọi nhân đức Ki-tô giáo. Bài thánh ca ngợi khen Đức Ma-ri-a
của ngài đáng được đọc đi đọc lại và suy gẫm nhiều lần:
“Đức Ma-ri-a đã ban cho chúng ta Quả Phúc chan chứa ngọt ngào,
Thay cho quả đắng cay
Mà E-và đã hái từ cây sự chết;
Và cả trần gian tìm được niềm vui nơi Hoa Trái lòng Mẹ.
Cây Nho Đồng Trinh đã sinh ra Trái
Mùi vị thơm ngon
Đem lại niềm hân hoan cho những người đau khổ.
E-và và A-đam tràn ngập sầu thương
Đã nếm được nước sự sống
Và được an ủi.
Thánh thiện trong thân xác, toàn mỹ trong linh hồn, trinh bạch
trong tâm trí,
Thành thực trong trí khôn và hoàn hảo trong tình cảm.
Thanh khiết, trung thành, tâm tịnh và từng trải trong thử thách,
Đức Ma-ri-a tràn đầy mọi nhân đức.”
H.
Hô-tanh
2. Thánh Bê-na-đô (1090 - 1153)
Thánh Bê-na-đô là một trụ cột của phong trào sùng kính Đức Mẹ
trong thời đại của ngài, một phong trào mà dòng Xi-tô giữ một
vai trò nổi bật. Vào dòng năm 1113, thánh nhân sáng lập đan viện
Cơ-le-vô (Clairvaux) năm 1115, về sau phát triển ra mươi lăm đan
viện khác. Địa vị của Đức Ma-ri-a trong các tác phẩm của ngài
tuy có giới hạn tương đối nhưng rất đặc sắc so với những giáo
thuyết đương thời và truyền thống sau đó về Mẹ. Theo Cha Rơ-nê
Lô-ran-tanh (René Laurentin): “Thánh Bê-na-đô đã tạo ra những
biểu ngôn đẹp nói lên niềm tin vào Mẹ và truyền lại cho hậu thế
mặc dù ngài cũng bị giới hạn ở một vài điểm.”
Các tác phẩm Thánh Mẫu chính yếu của ngài là: De Laudibus Mariae
(Ca Tụng Đức Mẹ; gồm bốn bài giảng mầu nhiệm Truyền Tin (Lc 1:26
tt); ba bài giảng lễ Đức Mẹ Dâng Con; ba bài giảng lễ Truyền Tin;
một bài giảng lễ Sinh Nhật Mẹ (bài giảng về máng chuyển ơn); năm
bài giảng về Mẹ Lên Trời; một bài giảng về tuần bát nhật Mẹ Lên
Trời (super signum: điều lạ vĩ đại); một bài giảng lễ Cắt Bì và
Dâng Chúa Trong Đền Thờ; một bài cho mùa Vọng và lá thư số 174
gởi các kinh sĩ tại Li-ông nhân dịp lễ Mẹ Chịu Thai mới được thiết
lập. Ngoài ra, trong các tác phẩm khác, ngài cũng đề cập ít nhiều
đến Đức Mẹ.
Lòng sùng kính Đức Mẹ của thánh Bê-na-đô lấy phụng vụ làm tâm
điểm. Ngài đặt địa vị của Mẹ vào chương trình cứu độ và trình
bày tầm quan trọng của lòng sùng kính Đức Mẹ mà chúng ta phải
có trong đời sống ki-tô hữu. Thánh nhân trình bày hai chủ điểm:
mầu nhiệm Nhập Thể, trong đó Đức Ma-ri-a cộng tác với lời Fiat;
và mầu nhiệm Mẹ Lên Trời.
Đức Ma-ri-a đưa ta đến gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa. Mẫu tính
của Mẹ đã ảnh hưởng nhưng không làm tổn hại đức đồng trinh. Đức
khiêm nhượng của Mẹ đã làm Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, làm Nữ
Vương, Bà Chúa của thế giới, làm Đấng Trung Gian trên trời trước
tòa Đấng Trung Gian duy nhất, làm Mẹ mọi dân tộc. Mẹ là Chiếc
Thang cho các tội nhân và là Cửa Thiên Đàng. Thánh Bê-na-đô trình
bày lòng sùng kính của những thế kỷ trước đối với Đức Trinh Nữ
Ma-ri-a và dành cho Mẹ một dấu ấn không phai nhòa trong Giáo Hội
Tây Phương. Tuy nhiên, Ngài cảm thấy không cần phải đính thêm
vào triều thiên đặc ân của Mẹ viên ngọc bội vô nhiễm nguyên tội.
Theo ngài, Đức Mẹ không cần một “vinh quang giả” không phù hợp,
vì thế Giáo Hội hoàn vũ không cần phải ca khen Mẹ như thế làm
gì.
Cũng nhờ thánh Bê-na-đô, Truyền Thống Giáo Hội sau này đã rút
ra được những lời trong kinh Hãy Nhớ và hứng khởi cho bài ca vãn
Đấng Trinh Tuyền (Inviolate).
3. Thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho (1683 - 1716)
Thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho chào đời ngày 31 tháng
1 năm 1683 tại miền Ắp-pơ Bơ-ri-ta-ni (Upper Britanny) xứ Mong-pho
suya Mơ (Montfort-sur-Meu), vì thế ngài đã nhận tên Mong-pho để
kỷ niệm hồng phúc Thánh Tẩy. Là con út trong gia đình mười tám
người con, trong số có ba linh mục và hai nữ tu, ngài được các
tu sĩ dòng Tên, những người con thiêng liêng của cha Lan-lơ-măng
(Lallemant) giáo dục, sau đó còn được các cha Xuân-bích huấn luyện,
nhờ đó mà ngài hấp thụ được tinh thần linh đạo sâu sắc của trường
phái Pháp Quốc. Từ năm 1700 đến năm 1716, ngài đi truyền giáo
khắp mười giáo phận miền Tây nước Pháp. Thánh nhân kiệt sức và
qua đời năm 43 tuổi tại Xanh Lô-răng suya Se-vơ (Saint Laurent-sur-Sèvre)
để lại hai dòng tu vừa được thành lập là dòng Nữ Tử Đấng Khôn
Ngoan và dòng Bạn Đồng Hành Đức Ma-ri-a. Sau khi nhân qua đời,
hai dòng này đã phát triển mạnh mẽ. Ngài được Đức Pi-ô XII tôn
phong hiển thánh ngày 20 tháng 7 năm 1947.
Người ta có cảm tưởng thánh nhân cũng được hồng ân tái sinh Thánh
Tẩy đặc biệt như thánh Phao-lô. Như thánh Tông Đồ, ngài rất ghét
sự dữ và hết sức mềm mỏng với Chúa Thánh Thần. Những người biết
ngài từ thời thơ ấu và niên thiếu cho rằng Đức Trinh Nữ đã “chiếm
đoạt” ngài ngay từ ngày Rửa Tội như Chúa Giê-su đã chiếm đoạt
thánh Phao-lô vậy. Mối liên liên kết bí nhiệm với Đức Ma-ri-a
trở thành “một cảnh vực thần linh” (divine milieu) trong đời sống
tinh thần và công cuộc tông đồ của ngài.
Thánh nhân đã đi bộ trên hai mươi lăm vạn cây số để hoạt động
và để lại một số lượng tài liệu trước tác đáng kể, tất cả được
viết theo quan điểm của một người làm công tác mục vụ. Trong số
một trăm bốn mươi sáu bài ca nguyện viết tay của ngài, tổng cộng
hơn hai vạn dòng chỉ có hai mươi bốn bài thực sự ngợi ca Đức Mẹ,
nhưng hầu như mọi chỗ đều nhắc đến Thánh Danh Mẹ, xin Mẹ ban ơn
hoán cải, luyện tập đời sống nhân đức, hợp nhất với Chúa Ki-tô
và bền vững đến cùng.
Tác phẩm “Bí Mật Đáng Ngưỡng Mộ của Kinh Mân Côi Rất Thánh” của
thánh nhân là một tác phẩm rút gọn quyển “Kinh Mân Côi Huyền Nhiệm”
của cha An-tô-ni-ô Tô-ma O.P.. Trong tác phẩm của mình, thánh
Mong-pho minh chứng linh hồn sẽ tìm được sức mạnh thiêng liêng
và nhiệt huyết tông đồ từ lòng sùng kính rất bình dị là kinh Mân
Côi. Tác phẩm “Yêu Mến Sự Khôn Ngoan Muôn Đời” tổng hợp linh đạo
yêu mến Chúa Ki-tô của ngài, trong đó có một chương đặc biệt nói
về lòng sùng kính Đức Ma-ri-a được trình bày như một phương thế
kỳ diệu để đạt đến sự hiệp nhất với Chúa Giê-su, Thượng Trí của
Thiên Chúa.
Sau khi qua đời, thành công lớn của ngài là hai tác phẩm về Đức
Mẹ đã được phổ biến khắp thể giới, truyền bá phương thế sống lòng
sùng kính Đức Mẹ riêng của ngài, tức là con đường “Làm Nô Lệ Tình
Yêu.”
Nhất là tác phẩm “Bí Mật Đức Ma-ri-a” viết dưới dạng một lá thư
hướng dẫn đường thiêng liêng, đề cập đến một phương thế giúp cho
linh hồn “hiệp nhất với Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a.” Tác phẩm
thứ hai lớn và nổi tiếng hơn, cuốn “Thành Thực Sùng Kính Mẹ Ma-ri-a”
đã được dịch ra hơn năm mươi thứ tiếng, bàn về một phương thế
thiêng liêng giúp kinh hồn thể hiện trọn vẹn cuộc sống Chúa Giê-su,
đó là sống với Mẹ và nhờ Mẹ. Tác phẩm này được viết thích hợp
cho mọi bậc sống. Chủ đề trọng tâm là khía cạnh tông đồ của đời
sống ki-tô hữu.
Cha Mong-pho đã được Phúc Âm thúc bách và ngài đã sống trọn Phúc
Âm từng nét. Chính trong Phúc Âm, ngài đã tìm gặp được tấm gương
cho cuộc sống lệ thuộc Đức Mẹ, đó là mẫu gương Chúa Giê-su lệ
thuộc Đức Mẹ suốt quãng đời ẩn khuất của Người. Mẹ đã đúc nên
“Đầu” thì Mẹ cũng đúc nên các chi thể. Hành vi tận hiến theo thánh
Mong-pho công nhận và mời gọi chúng ta hãy sống trọn mối tình
yêu thơ thảo đối với Mẹ Ma-ri-a.
Hành vi tận hiến, một hành vi đã được Thầy Dạy Chân Lý đích thật
là Chúa Giê-su sửa dọn suốt ba mươi năm trường để dẫn đưa chúng
ta đến sự lệ thuộc và tích cực noi gương Đức Ma-ri-a và Chúa Ki-tô,
những mẫu gương thể hiện hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn chúng
ta. Tận hiến trên lý thuyết suông không đủ, cần phải được thể
hiện bằng hành động trong cuộc sống hằng ngày.
Thái độ nội tâm mà thánh Mong-pho muốn trình bày theo trường phái
linh đạo Pháp Quốc được gọi là “luyến kết” (adherence), chú trọng
thái độ nội tâm hơn các hành vi bên ngoài. Vì thế, ngài rất uyển
chuyển đối với những hành vi tôn sùng Đức Mẹ bên ngoài. Ngài chú
trọng đến bốn hành vi nội tâm sau đây:
1) Nhờ Đức Ma-ri-a mở lòng cho Chúa Thánh Thần hoạt động.
2) Sống thân mật trong tinh thần kết hợp.
3) Ý thức về tình yêu mẫu tử của Mẹ Ma-ri-a.
4) Dốc tâm phục vụ Mẹ Ma-ri-a và nhờ Mẹ phụng sự Chúa Ki-tô. Đó
là linh hồn của mọi hoạt động bên ngoài được hướng về mục đích
sao cho Nước Chúa mau hiển trị.
Thánh Mong-pho có lợi điểm là ngài viết bằng ngôn ngữ bình dân
của thế kỷ XVIII (tại Pháp). Nhưng ưu điểm lớn nhất của ngài chính
là ở chỗ ngài có thể sử dụng ngôn ngữ của kinh nghiệm bản thân
trong cuộc sống thần bí và truyền giáo. Đó là điều làm cho thánh
nhân trở thành một văn gia xuất sắc của Giáo Hội về tinh thần
Nô Lệ Tình Yêu. Khắp thế giới nơi đâu người ta cũng nghe nói:
“Tôi đã tận hiến cho Đức Mẹ theo tinh thần thánh Mong-pho.”
O.
Lơ Bo-nhơ
4. Thánh An-phong-sô Li-gô-ri (1696 - 1787)
Chào đời tại thành phố Na-pô-li (Naples) ngày 27 tháng 9 năm1696,
thánh An-phong-sô là người đã sáng lập dòng Chúa Cứu Thế năm 1732.
Từ năm 1762 đến năm 1775, ngài làm giám mục giáo phận thánh A-ga-ta
thành Gốt (Agatha of Goth). Ngài qua đời tại Pa-ga-ni (Pagani)
ngày 1 tháng 8 năm 1787. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1839,
tiến sĩ Hội Thánh năm 1871, và quan thầy các nhà luân lý và các
linh mục giải tội năm 1950.
Cả cuộc đời, ngài trổi vượt về lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa. Nhiều
lần Đức Mẹ đã can thiệp chữa bệnh, ưu đãi, hiện ra và dạy dỗ cho
ngài. Với tâm tình biết ơn Mẹ, ngài đã viết:
“Con chân nhận rằng, nhờ Mẹ can thiệp con mới đón nhận được hết
những gì tốt đẹp cho cuộc đời con: ơn trở lại, ơn thiên triệu
nên thánh và biết bao ơn khác. Mẹ cũng biết con muốn nhìn thấy
mọi người yêu mến Mẹ như Mẹ đáng mến và muốn chứng tỏ lòng tri
ân trước hằng hà sa số hồng ân Mẹ ban, con đã dốc hết tâm lực,
ở khắp mọi nơi, chung cũng như riêng, không ngừng nói về Mẹ để
khắc ghi nơi mọi tâm hồn lòng sùng kính hữu ích và dịu dàng đối
với Mẹ” (lời nguyện đầu trong tác phẩm Vinh Quang Đức Mẹ).
Ảnh hưởng và bằng chứng về lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài được
thể hiện qua các vịnh khúc, nhất là bài “Ôi Hy Vọng Đẹp Xinh của
Tôi.” Nhưng công trình Thánh Mẫu nổi tiếng nhất của ngài là tác
phẩm “Vinh Quang Đức Mẹ,” được xuất bản thành hai quyển năm 1750.
Đó là thành quả sau nhiều năm trong công tác mục vụ của ngài.
Mặc dù quá biết rằng giới trí thức tại Na-pô-li bị ảnh hưởng tư
tưởng của Guy-đơn-pheo Mu-ra-tô-ri (Widenfeld Muratori) và bè
Giăng-xê-nít (Jansenist) khinh thường lòng sùng kính Đức Mẹ, nhưng
thánh nhân không muốn dùng thể văn bút chiến trong tác phẩm của
mình. Ngài chọn lời văn trình bày minh bạch cốt “giúp anh chị
em tín hữu không cần phải tốn kém vất vả mà có được những bài
học nung nóng lòng họ yêu mến Đức Mẹ; nhất là giúp cho các linh
mục những tài liệu để giảng thuyết cho có kết quả về lòng sùng
kính Mẹ Chí Thánh của chúng ta” (lời mở đầu tác phẩm Vinh Quang
Đức Mẹ).
Trong lời cổ động kinh Lạy Nữ Vương (quyển I) và phần các lễ kinh
Đức Mẹ (quyển II), thánh An-phong-sô viết theo một dàn bài ba
phần. Ngài trình bày:
a) Phần giáo lý minh giải một đặc ân hay một tước hiệu nào đó
của Đức Ma-ri-a, rồi dùng nhiều chứng cứ của các giáo phụ và thần
học gia để hỗ trợ.
b) Một câu chuyện minh họa để lôi kéo trí tưởng tượng của độc
giả.
c) Một lời nguyện, lồng nền tảng giáo lý vào tâm tình yêu mến
Đức Mẹ.
Qua ba phần ấy, thánh nhân muốn phác họa Đức Ma-ri-a như một con
người sống động, một hiền mẫu yêu thương cầu bầu cho cuộc đời
các tội nhân nam nữ, một người mẹ giúp chúng ta vượt thắng chán
nản và hướng đưa chúng ta đến các nhiệm tích và thực hiện các
công việc từ thiện Ki-tô giáo.
Tác phẩm Vinh Quang Đức Mẹ thành công nhanh chóng và đến nay vẫn
được yêu chuộng. Có thể nói rằng đó là tác phẩm Thánh Mẫu “bán
chạy số một,” đã được xuất bản trên tám trăm lần bằng nhiều thứ
tiếng.
Lời văn hơi lê thê của tác phẩm cho ta biết nguồn gốc phương nam,
và có thể không được hợp lắm với người phương bắc với tính khá
bảo thủ. Ngoài ra, các điển tích và phép lạ có thể cũng không
được chính xác theo nghiên cứu sử học. Nhưng nhìn chung, tác phẩm
Vinh Quang Đức Mẹ vẫn là một kiệt tác trên lãnh vực cầu nguyện
và thần học chiêm niệm trong một xã hội đang xuống dốc. Trong
khi sử gia Lu-đô-vi-cô An-tô-ni-ô Mu-ra-tô-ri (Ludovico Antonio
Muratori) thất bại trong nỗ lực cố gắng “thanh tẩy” lòng tôn sùng
Đức Ma-ri-a, thì thánh An-phong-sô đã thành công trong việc làm
sống động lòng tôn sùng ấy. Phương pháp của thánh An-phong-sô
có thể được coi như một hứng khởi cho các vị hoạt động mục vụ
muốn phát triển lòng yêu mến Đức Mẹ nơi quần chúng trong thời
đại của chúng ta.
Đơ
Phi-ô-rê
5. Thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê (1894 -1941)
Là một tông đồ và thần học gia của Đức Mẹ Vô Nhiễm, người tu sĩ
Ba Lan dòng Phan-xi-cô này đã thành lập tại Rô-ma một tổ chức
lấy tên là Chiến Binh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Militia Immaculata). Mục
đích của tổ chức là “đem toàn thể thế giới về cho Chúa Ki-tô nhờ
Mẹ Vô Nhiễm.”
Giáo thuyết Thánh Mẫu của thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê khởi sự
từ Lộ Đức, nơi thánh nhân đã bị choáng ngợp trước lời Đức Mẹ xưng
mình cho Bê-na-đê-ta: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”
Cha Kôn-bê lý luận rằng: Tại Lộ Đức, Đức Ma-ri-a đã không nói:
“Ta là Người được Đầu Thai Vô Nhiễm.” Điều này nhắc lại giáo lý
Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được Đức Pi-ô IX công bố năm 1854, bốn năm
trước khi có sự kiện Lộ Đức. Câu trả lời của Đức Mẹ lại là: “Ta
là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Nói cho xác đáng, chỉ mình Thiên
Chúa mới có thể tự xưng như thế. Nếu Đức Ma-ri-a xưng mình cũng
một cách giống như Thiên Chúa vậy, là vì Mẹ đại diện cho sự thuần
khiết tinh tấn của Chúa Thánh Thần.
Nhờ Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được đầu thai vô nhiễm, và cũng nhờ
quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được kén chọn để cưu mang Con
Thiên Chúa. Vì giữa Chúa thánh Thần và Mẹ Ma-ri-a có một tương
quan mật thiết, nên cha Kôn-bê kết luận rằng: tận hiến cho Đức
Mẹ Vô Nhiễm cũng chính là hiến mình đúng nghĩa và trọn vẹn cho
Chúa Thánh Thần, nguồn ân sủng, “Linh Hồn của Giáo Hội” như thánh
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nói (LG7). Về điểm này ta có thể nói
cha Kôn-bê là một vị tiền hô cho Công Đồng.
Người tôi trung này của Đức Ma-ri-a đã muốn dùng mọi phương thế,
kể cả cái chết để minh chứng giáo thuyết của mình. Ngài khao khát
“được nghiền nát thành bụi đất” cho Nước Thánh Tâm Chúa Giê-su
trị đến qua Mẹ Vô Nhiễm. Thiên Chúa đã khứng nhận nguyện vọng
của ngài đến từng nét. Cha Kôn-bê đã xúc động và tình nguyện thế
chỗ một người tử tù, cha bị kết án để đói cho đến chết trong ngục
thất tại trại tập trung Ốt-chơ-guýt (Auschwitz). Đề nghị của ngài
được chấp nhận. Ngài bị đem đi và mười lăm ngày sau ngài đã chết
vì một mũi thuốc độc, ngày 14 tháng 8 năm 1941. Hôm sau, ngày
lễ Đức Mẹ Lên Trời, thi thể của ngài bị hỏa thiêu.
Ngày 17 tháng 10 năm 1971, ngài được Đức Phao-lô VI tôn phong
chân phước. Đến ngày 10 tháng 10 năm 1982, Đức Gio-an Phao-lô
II tôn phong ngài lên bậc hiển thánh. Lễ kính thánh nhân hàng
năm vào ngày 14 tháng 8, đúng ngày qua đời của ngài.
H.M.
Man-tô Bô-ga-mi
|