TRÁI TIM VÔ NHIỄM MẸ MA-RI-A
Xem:
- Niềm Vui Mẹ Ma-ri-a
- Nỗi Đau Mẹ Ma-ri-a
1.
Từ Phúc Âm Thánh Lu-ca đến Thời Đại Chúng Ta
Lòng
tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ có nền tảng trong Phúc Âm. Thánh Lu-ca
đã hai lần ghi nhận: “Đức Ma-ri-a ghi nhớ tất cả những sự việc
ấy và suy niệm trong lòng” (2:19); và “Mẹ Ngài ghi nhớ tất cả
những điều ấy trong lòng” (2:51). Nhưng, “trong lòng đầy miệng
mới nói ra” (Mt 12:34), vì thế lời kinh Magnificat đã cho chúng
ta thấy sự phong phú diệu kỳ trong tâm hồn vương giả mà khiêm
hạ của Đức Ma-ri-a.
Theo
Đơ-ít (L. Deiss), Trái Tim Mẹ Ma-ri-a là “trái tim ngợi ca tán
tụng Thiên Chúa, và bài ca của Mẹ không phải là bài ca cô lẻ về
lịch sử của một tâm hồn nhưng là bài ca về lịch sử ơn cứu độ cho
toàn Dân Chúa... Đó là một trái tim hát mừng sự giải thoát cho
người nghèo Đức Gia-vê, bởi vì nơi Mẹ mọi người nghèo cùng chúc
tụng Thiên Chúa quang vinh và nhân từ... Trong chiều kích Giáo
Hội ấy, lời kinh Magnificat sẽ là một bài ca tạ ơn chuyên dùng
trong phụng vụ của Tân Ước và lòng đạo đức Ki-tô giáo.”
Nhờ
công truyền bá của thánh An-sen-mô (+1109), Ê-a-mơ (Eadmer, +1141),
thánh Bê-na-đô (1153) và Hớt Xanh Víc-to (Hugh of Saint Victor,
+1140), lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ Ma-ri-a đã nở rộ thành một lòng
tôn sùng mang tính cách tư đúng nghĩa và xứng hợp. Nhưng lòng
tôn sùng này còn được cổ động đặc biệt qua các tác phẩm của thánh
Ma-tin-đa Hác-kê-bon (Mathilda Hackeborn, 1241-1298), thánh Giê-tru-đê
Cả (1252-1302), và thánh Bơ-ri-gít-ta người Thụy Điển (1303-1373).
Tuy nhiên, vị đáng được gọi là “tiến sĩ Trái Tim Mẹ” chính là
thánh Bê-na-đi-nô thành Si-ê-na. Trong Trái Tim Mẹ, thánh nhân
nhìn thấy bảy lò lửa bốc lên thành bảy ngọn lửa, tức là bảy hành
vi yêu mến được diễn tả qua bảy lời Đức Mẹ trong Phúc Âm.
Sau
giai đoạn suy thoái ngắn ngủi trong thế kỷ XV, đến thế kỷ XVI
lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ lại bùng lên mạnh mẽ đến độ sang
thế kỷ XVII lòng tôn sùng ấy trở nên phổ biến đối với những linh
hồn chiêm niệm và những người có lòng yêu mến Mẹ Chúa Giê-su.
Thánh Gio-an Êu-đê (+1680) - theo lời thánh Giáo Hoàng Pi-ô X
- là “vị giáo phụ, tiến sĩ và tông đồ của lòng tôn sùng hai Thánh
Tâm Giê-su và Ma-ri-a trong phụng vụ.” Theo Đức Thánh Cha, lòng
tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt nhờ những
biến cố Đức Mẹ hiện ra tại phố Bắc (Rue de Bac, 1830) và Fa-ti-ma
(1917). Ngày 31 tháng 10 năm 1942, kỷ niệm 25 năm ngày Đức Mẹ
hiện ra tại Fa-ti-ma, Đức Pi-ô XII đã tận hiến toàn thể gia đình
Ki-tô giáo khắp thế giới và nhân loại cho Trái Tim Đức Mẹ, rồi
đến ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài lại truyền cho toàn thể Giáo
hội mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Ma-ri-a.
2.
Những Suy Tư Thần Học
Theo
phụng vụ, lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ có một lý do
xác đáng. Phụng vụ công nhận và tôn vinh Trái Tim Mẹ như biểu
tượng của thực thể tình yêu của Mẹ: Mẹ đã hiến mình với trọn vẹn
ý thức, hiểu biết, và tự do để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng Mẹ
cho tình yêu của Người và để cứu độ nhân loại. Vì vậy, việc tôn
sùng Trái Tim Mẹ Ma-ri-a có một giá trị tinh thần vĩ đại lôi cuốn
và hướng dẫn ý chí cũng như cuộc sống của chúng ta về với Chúa
Ki-tô và tha nhân. Trái Tim Đức Mẹ như một biểu hiện hiệu quả
của ân sủng. Do đó, một việc tôn sùng như thế rất đáng được phát
triển trong một thời đại cần đến “sự trưởng thành ki-tô” và tinh
thần trách nhiệm đối với tha nhân và với lịch sử như hiện nay.
Thánh
Kinh, giáo phụ, và Huấn Quyền Giáo Hội đã cung cho lòng tôn sùng
Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Ma-ri-a những nền tảng thần học giá trị.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II tuyên bố: “Khi Sứ Thần truyền tin, Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn
và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian” (LG 53). Trong tông
thư Đấng Cứu Độ Nhân Loại (Redemptor Hominis, 22), Đức Gio-an
Phao-lô II nhận định rằng: “Chúng ta có thể nói mầu nhiệm Cứu
Độ đã được thành hình nhờ Trái Tim Đức Trinh Nữ thành Na-da-rét
khi Mẹ thưa Xin Vâng. Từ giây phút đó, Trái Tim Trinh Khiết Từ
Mẫu ấy luôn luôn theo sát công cuộc của Con Mẹ và vươn đến với
tất cả những ai được Chúa Ki-tô ôm ấp và tiếp tục ôm ấp trong
tình yêu vô cùng của Người.”
Tôn
sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Ma-ri-a có nghĩa là chiêm ngắm khối
tình yêu hiền mẫu Mẹ Thiên Chúa đã cống hiến trong mầu nhiệm cứu
độ và trong cuộc sống của Giáo Hội. Cũng có nghĩa là qua đó tin
nhận Trái Tim Mẹ là dấu chỉ rất toàn vẹn và dẫn đưa đến tình yêu
Thiên Chúa Cha. Cũng có nghĩa là phó mình cho Trái Tim Đức Ma-ri-a,
Mẹ Chúa Ki-tô, Mẹ Giáo Hội để sống mầu nhiệm cứu độ đầy sức mạnh
với tất cả chiều sâu và trọn vẹn, để hiến mình phục vụ anh chị
em trên thế giới.
3.
Tận Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Ma-ri-a
Chúng
ta có thể kết thúc đề mục ngắn ngủi này bằng cách ghi nhận một
số thành quả đặc biệt mà lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ Ma-ri-a tất
yếu sẽ sinh ra trong những tâm hồn thực hiện việc tôn sùng này.
Theo lời F. A-ganh (F. Arrgain), những thành quả đó gồm:
* Một
sự hiểu biết sâu xa và hệ thống về mầu nhiệm Đức Ma-ri-a
*
Một quyết tâm đạo đức nghiêm chỉnh, được hỗ trợ bằng hành vi tận
hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ.
*
Một phương thế dễ dàng và đảm bảo đạt đến được sự hợp nhất với
Chúa Ki-tô, Đấng ngự trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Ngài.”
A.
Rum
|