|
CHÚA THÁNH THẦN VÀ ĐỨC
MA-RI-A
Xem:
- Chúa Ba Ngôi và Đức Ma-ri-a
Tân Ước đã liên kết Đức Ma-ri-a với Chúa Thánh Thần qua hai sự
kiện. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, bản văn chỉ gợi ý rằng: Đức Ma-ri-a
hiện diện trong nhà Tiệc Ly cùng cầu nguyện với cộng đoàn trước
khi bầu chọn thánh Mát-thi-a, và dịp thứ hai là dịp Chúa Thánh
Thần hiện xuống (TĐCV 1:14). Nhưng cả hai thánh sử Mát-thêu và
Lu-ca đều nhấn mạnh đến sự kiện Đấng Mê-si-a đầu thai trong cung
lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Trong Phúc Âm Mát-thêu, người ta thấy
Đức Ma-ri-a mang thai “nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần” (1:18);
và lời xác nhận với Thánh Giu-se: “Bà đã thụ thai chính nhờ phép
Chúa Thánh Thần” (1:20). Trong Phúc Âm Lu-ca, Sứ Thần loan báo
cho Đức Ma-ri-a rằng Hài Nhi sẽ được gọi là “Con Đấng Tối Cao”
và “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu Đa-vít tổ phụ Ngài” (1:32).
Rồi khi Đức Ma-ri-a hỏi, Sứ Thần đã nói thêm: “Chúa Thánh Thần
sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng của Đấng Tối Cao phủ bóng trên
Bà; vì thế Hài Nhi Thánh ra đời sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”
(1:35).
Như vậy, chính do hiệu quả hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Đức
Ma-ri-a mà Đấng thừa kế ngai báu Đa-vít trong một triều đại được
tiên báo là vô tận (Lc 1:33) sẽ được mang danh hiệu Con Thiên
Chúa. Là Con Thiên Chúa, Ngài thừa kế ngai báu Đa-vít (1: 31-32)
vì quyền năng Đấng Tối Cao “sẽ phủ bóng,” đồng thời “Chúa Thánh
Thần sẽ đến trên Bà.”
Ngay từ khi thời đại quân chủ Ít-ra-en còn sơ khai, tước hiệu
“Đấng được Xức Dầu của Thiên Chúa” tức là Mê-si-a (Mê-si-a trong
tiếng Hy Bá có nghĩa là được xức dầu, giống như tiếng Ki-tô trong
tiếng Hy Lạp) có liên quan đến việc Thánh Thần Chúa (1Sm 10:6;
11:3; 16:13) hay Thần Khí Thiên Chúa (1Sm 10:10) ngự đến trên
những người được tuyển chọn. Tại các nước lân bang, vua chúa “được
xức dầu” nhân danh một uy quyền siêu nhân. Chẳng hạn đại đế các
vương quốc Mê-sô-pô-ta-mi-a, Sa-gông (Sargon) và Na-ram-sin (Naram-sin)
được gọi là những vị được “xức dầu của A-nu,” thần minh tối thượng.
Các tiểu vương Ca-na-an, như Ta-cu (Taku) chẳng hạn cũng được
“xức dầu” nhân danh đại đế Pha-ra-on, còn Pha-ra-on thì tự coi
mình là một thần minh. Sao-lê đã cứu dân Do Thái khỏi ách người
Am-mon (Amanonte), và Đa-vít đã cứu dân khỏi quân Phi-li-tinh
là vì hai vị đã nhận được một uy lực siêu nhiên từ Thiên Chúa
mà Thánh Kinh gọi là Ruah và chúng ta dịch là Thần Khí.
Đối với những người sống thời Sao-lê và Đa-vít, Ruah là khoảng
không giữa trời và đất, tuy vô hình vô nghiệm nhưng cần thiết
cho sự sống. Còn đối với dân ngoại, yếu tố này đã được thần hóa.
Trong Thánh Kinh, Ruah hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa. Thiên Chúa
có thể rút Thần Khí của Ngài ra khỏi loài người (St 6:3) vào cuối
một giai đoạn nào đó và sự sống của họ sẽ chấm dứt. Theo Thánh
Vịnh 104 (29-30), khi Chúa rút khí lại người ta sẽ chết, khi Ngài
ban nó ra “người ta được tạo thành và bộ mặt trái đất được canh
tân.”
Đó chính là Thần Khí sự sống Thiên Chúa đã ban cho Sao-lê,và rồi
rút lại để mặc ông ta cho quyền lực thần dữ (1Sm 16:14). Ngược
lại, Đa-vít đã giữ được Thần Khí cho đến giờ sau cùng của mình
(2Sm 23:2). Đối với một số quan án, Thần Khí chỉ hoạt động thoảng
qua, nhưng nơi Giu-se, Thần Khí đã hoạt động lâu dài (St 41:38).
Sau khi chế độ quân chủ suy tàn, Thần Khí được ban cho các tiên
tri như Ê-dê-ki-en. Theo lệnh truyền Thiên Chúa, vị ngôn sứ này
đã ban lệnh cho Thần Khí hồi sinh Ít-ra-en (Ed 39:29), và trong
những ngày sau đó, trên mọi xác thịt.Nhưng theo tiên tri I-sa-i-a
và trường phái của ông điều này xảy ra vì Thần Khí sẽ ngự xuống
trên chồi Dét-se và mang theo các tặng ân khôn ngoan, trí tuệ,
mưu lược, anh dũng, hiểu biết và kính sợ Đức Gia-vê, những tặng
ân giúp Ngài có thể làm cho nhân loại được an vui trong niềm kính
sợ Chúa (Is 11:1-3), “Đất đầy dẫy sự hiểu biết Gia-vê như nước
tràn lút cả lòng biển” (Is 11:9).
Theo I-sa-i-a 42:1, Thần Khí ngự trên “Người Tôi Tớ Chúa” là Đấng
sẽ làm cho các quốc gia hiểu biết luật Chúa mặc khải và đem đến
cho họ niềm hy vọng (Is 42:4). Sau cùng theo I-sa-i-a 63:11, Thần
Khí này được gọi là Thánh Thần (vì Thiên Chúa là Đấng Thánh).
Khi ngự trong Môi-sen, Thần Khí đã phải buồn phiền vì dân Do Thái
là những kẻ Ngài sẽ dẫn dắt đến chỗ nghỉ ngơi (Is 63:14). Thiên
Chúa là Đấng Thánh nên Ngài muốn cho dân Ngài nên thánh bằng việc
yêu mến những người lân cận như bản thân (Lc 19:18 và 34).
Trong Cựu Ước, Đấng Mê-si-a và sứ mạng thánh hóa dân tộc của Ngài
gắn liền với hành động Thần Khí ban sự sống của Thiên Chúa. Về
Mẹ Đấng Mê-si-a, không thấy đề cập gì đến Thần Khí Thiên Chúa
trong vai trò của Bà. Hơn nữa trong Cựu Ước, Đấng Mê-si-a là con
và là người thừa kế của Thiên Chúa qua việc phong vương (2Sm7:14;
TV 2:6-7; 89:2,27); và trong Thánh Vịnh 110:3-4, địa vị làm con
ấy còn được gắn liền với chức vị tư tế theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê,
người tôn thờ Thiên Chúa chân thật (St 14:18). Còn trong Phúc
Âm, địa vị làm con này được gắn liền với vai trò làm mẹ của Đức
Ma-ri-a.
Khi mô tả hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa trên Đấng Mê-si-a,
Thánh Kinh Hy Bá thường thay đổi động từ. Với những vị quan án
như Sam-son (Tl 14:6) và những vị vua như Sao-lê và Đa-vít, Thánh
Kinh nói “nhập vào” (nhiều bản dịch là “giáng xuống”). Với quan
án Gi-đê-on, Thánh Kinh dùng từ “bao trùm” (Tl 6:34). Thần Khí
cũng “bắt lấy” vị tiên tri hay “ngự xuống” trên ông hay “mang
ông đi khỏi” (như tiên tri Ê-li-a. 2V 2:16). Đối với tiên tri
Ê-li-siêu (2V 2:15) và về Chồi Nhà Đa-vít (Is 11: 2), Thánh Kinh
nói về sự thường trú (permanence) của Thần Khí bằng từ “đậu xuống.”
Đơn giản hơn, Thần Khí “ở trong” Giu-se (St 41:38) và “ở trong”
Môi-sen (Is 63:11). Nhưng trong sách Dân Số 11:25, Thần Khí “ở
trên” quan án Ốp-ni (Tl 3:10) và “ở trên” Người Tôi Tớ Chúa (Is
42:1). Sau cùng trong Ê-dê-ki-en 37:10, Thần Khí “nhập vào” các
xương người chết Ít-ra-en và phục sinh cho họ. Thánh Lu-ca đã
chọn chính động từ sau cùng này để mô tả Chúa Thánh Thần đến trên
Đức Ma-ri-a, có lẽ để gợi ý về vai trò ban sự sống và cứu độ của
tác động thánh hiến từ sự ra đời của Đấng Mê-si-a.
Cụm từ “quyền năng Đấng Tối Cao” có thể ám chỉ về chức vụ tư tế
của Men-ki-sê-đê, “tư tế của Đấng Tối Cao” là một trong những
chủ đề của thư gởi tín hữu Do Thái. Thánh Lu-ca ám chỉ về “bóng
rợp Thiên Chúa chở che.” Hình ảnh cổ xưa xinh đẹp này (x. Ds 14:14)
đã được làm sống lại từ Thánh Vịnh 121:5 để mô tả sự hiền dịu
của Thiên Chúa chở che và để dạy ta đừng coi quyền lực Đấng Tối
Cao như một hành động vũ lực. Đôi khi, việc Thần Khí đến được
sánh như một luồng gió mạnh mẽ đáng sợ. “Hài Nhi Thánh” sinh ra
bởi Đức Ma-ri-a sẽ thánh hóa Dân Ngài trong an bình.
Đặc biệt, thánh Lu-ca có lẽ đã nghĩ đến Thánh Vịnh 17:8: “Xin
giấu tôi trong bóng cánh của Ngài,” và hơn nữa về hình ảnh biểu
trưng mới mẻ, hình chim bồ câu Chúa Thánh Thần dùng khi ngự xuống
trên Chúa Giê-su giữa lúc Chúa Cha tuyên nhận Con Chí Thánh của
Ngài. Người Nữ trong sách Khải Huyền còn bị những kẻ thù vây bủa
nên thánh ký chắc cũng nghĩ đến Thánh Vịnh 91:1-4, Thiên Chúa
bảo vệ người trung thành với Ngài dưới “bóng rợp” của Ngài và
“bao bọc họ bằng cánh của Ngài.”
H. Ca-den
|
|