TRUYỀN
GIẢNG TIN MỪNG
VÀ LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MA-RI-A
Xem:
- Đạo Đức Bình Dân và Việc Sùng Kính Đức Ma-ri-a
Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a là chất xúc tác thúc đẩy và hỗ trợ cho
công cuộc truyền giảng tin mừng. Thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông
đơ Mong-pho vừa là nhà rao giảng Phúc Âm lừng danh không mệt mỏi
vừa là một người cổ động hăng say lòng thành thực tôn sùng Đức
Ma-ri-a. Gần chúng ta hơn có cha Gô-đanh (Godin) là một trong
những nhà tiên phong truyền bá tin mừng cho thời đại vừa là một
người con đầy lòng yêu mến Mẹ Ma-ri-a.
Những phong trào theo tinh thần Công Đồng Va-ti-ca-nô II đầy sức
sống giữa Giáo Hội hôm nay đang nỗ lực rao giảng Phúc Âm cho người
thời đại và ra sức tái lập lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a. Nhưng dường
như hai chiều hướng này không có nhiều điểm chung xét về mặt hoạt
động mục vụ cũng như từ phía thần học hiện đại. “Những người hiến
thân cho việc tông đồ” và “những người yêu mến Đức Ma-ri-a” thường
hay có vấn đề với nhau.
Theo đức hồng y Su-ê-nen, “lẽ nào Chúa Thánh Thần lại thúc đẩy
công việc tái khám phá Đức Ma-ri-a đồng thời với việc canh tân
công tác tông đô nếu giữa hai phong trào này lại không có một
mối liên hệ căn bản?”
Ở
đây chúng tôi xin nêu lên một số phương diện minh chứng cho mối
liên quan ấy và một vài hệ luận có thể rút ra từ đó. Tài liệu
của chúng tôi là hai tông huấn của Đức Phao-lô VI, Lòng Tôn Sùng
Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (Marialis Cultus, 1974) và Công Cuộc Truyền
Giảng Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi, 1975).
1. Hợp Nhất với Chúa Cứu Thế Giê-su
Rao
giảng Phúc Âm là: “Công bố tin mừng về Nước Thiên Chúa” (Lc 4:43),
tức là ơn cứu chuộc đã được tỏ bày qua những phép lạ và sự phục
sinh của Chúa Giê-su, và nhân danh Ngài mà đem đến cho hết mọi
người. Nói rõ hơn, rao giảng Phúc Âm tức là công bố mầu nhiệm
Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đã làm người để cho chúng ta được
làm nghĩa tử Thiên Chúa (x. Gl 4:4-5).
Vì vậy chúng ta có thể nói rằng truyền bá tin mừng tức là tiếp
tục công trình cứu độ Chúa Cha đã ủy thác cho Chúa Giê-su thực
hiện.
Đức Ma-ri-a, ngay từ giây phút được truyền tin, là mẫu gương hoàn
hảo về niềm tin đối với tin mừng cứu độ mà Ngôi Lời Nhập Thể Con
Thiên Chúa thực hiện. Và “vì là Nữ Tì của Thiên Chúa,” Mẹ đã hiến
mình trọn vẹn cho Con Mẹ và công trình của Ngài (LG 56).
Đức Ma-ri-a đã đem Thai Nhi Giê-su đến cho bà Ê-li-sa-bét và Gio-an
Tẩy Giả, Mẹ đã “truyền bá tin mừng” cho các mục đồng và các đạo
sĩ. Tại tiệc cưới Ca-na, nhờ niềm tin vào Chúa Giê-su, Mẹ đã mở
đường phép lạ để củng cố niềm tin cho các môn đệ.
Chắc chắn qua việc kể lại cho người-môn-đệ-được-Chúa-yêu những
ký ức Mẹ đã ôm ấp và suy niệm trong lòng dài theo năm tháng, Mẹ
đã làm bừng sáng lên niềm tin của Giáo Hội vào Chúa Giê-su, Con
Thiên Chúa “được sinh ra bởi một Người Nữ” (Gl 4:4).
Giáo Hội (cũng như từng tín hữu) khi chiêm ngắm Đức Ma-ri-a sẽ
đi sâu hơn vào mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và cảm thấy bị thúc
bách đi làm chứng nhân cho mầu nhiệm ấy.
Qua Đức Ma-ri-a, chúng ta thấy rõ ràng việc truyền bá Phúc Âm
phát nguồn từ chính niềm tin của bản thân vào Chúa Giê-su và sự
hợp nhất với Ngài. Mục tiêu là mầu nhiệm Chúa Ki-tô và cộng tác
vào sứ mạng của Ngài.
2.
Quyền Năng Chúa Thánh Thần
“Công cuộc truyền bá Phúc Âm sẽ không thể thực hiện được nếu không
có hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã ngự xuống
trên Chúa Giê-su Na-da-rét lúc Ngài chịu phép rửa (Mt 3:17)...
Chúa Giê-su đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trải qua kinh nghiệm
cuộc chiến quyết định và thử thách cay nghiệt trong sa mạc trước
khi khởi sự sứ mệnh của Ngài (Mt 4:1). Với quyền năng Chúa Thánh
Thần (Lc 4:14), Ngài đã trở về Ga-li-lê và bắt đầu rao giảng tại
Na-da-rét, áp dụng vào chính Ngài lời sứ ngôn I-sa-i-a, “Thánh
Thần Chúa ngự trên Tôi” (Lc 4:18; Is 61:1), và trước lúc sai phái
các môn đệ Ngài cũng phán: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga
20:22)” (EN 75).
Trong toàn bộ sách Tông Đồ Công Vụ, chính Chúa Thánh Thần đã soi
sáng và hướng dẫn công cuộc truyền giảng tin mừng bằng những “đặc
sủng” phi thường (ơn nói tiếng lạ, ơn nói tiên tri, ơn chữa bệnh...).
Ngoài ra, bằng một sự hiện diện thường xuyên nhưng tiềm ẩn, Ngài
đã thúc đẩy việc cầu nguyện, rao giảng, và hiệp thông huynh đệ.
Chính nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã được khai
sinh và phát triển (TĐCV 9:3).
Trong nhà Tiệc Ly, Đức Ma-ri-a đã hiện diện cùng các Tông Đồ:
“Mẹ đã tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã
phủ bóng trên Mẹ trong ngày Truyền Tin” (LG 59).
Thánh
Lu-ca đã chỉ cho ta một sự tương đồng giữa ngày lễ Ngũ Tuần và
ngày Truyền Tin trong các bản văn của ngài. Chúa Giê-su phán với
các Tông Đồ: “Các con sẽ nhận quyền năng Chúa Thánh Thần đến trên
các con; và các con sẽ là chứng nhân cho Ta ...” (TĐCV 1:8). Còn
Sứ Thần thì thưa cùng Đức Ma-ri-a: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên
Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà” (Lc 1:25). Ngôi
Lời đã nhập thể trong tâm hồn và thân xác Đức Ma-ri-a, còn Giáo
Hội thì được khai sinh qua chứng tá của các Tông Đồ. Cả hai đều
là công trình của Chúa Thánh Thần. Cả hai đều vượt trên mọi năng
lực nhân loại và làm nên “những điều kỳ diệu” nhờ quyền năng của
Thiên Chúa là Đấng “mà không có gì là không thể được.”
Cùng
với Đức Ma-ri-a, “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” (MC 26), Giáo Hội
ý thức rằng công cuộc truyền giảng tin mừng không phải là một
công trình nhân loại, nhưng là việc nhờ quyền năng Thánh Thần
Thiên Chúa mà sinh ra các chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô.
Để công việc truyền giảng tin mừng đem lại hiệu quả, chúng ta
phải - như trong nhà Tiệc Ly - “kiên bền cầu nguyện với Đức Ma-ri-a,
Mẹ Chúa Giê-su” và nài xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Chúng ta phải
vào sâu hơn mãi trong “mối liên hệ nhiệm mầu giữa Thần Linh Thiên
Chúa với Đức Trinh Nữ thành Na-da-rét, và hoạt động của Ngài trong
Giáo Hội” (MC 27).
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng trong ngày lễ Ngũ Tuần đã thúc bách
công cuộc truyền giảng tin mừng cũng sẽ thông truyền cho chúng
ta một lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a chân chính.
3. Mẫu Tính của Giáo Hội
“Toàn thể Giáo Hội tiếp nhận sứ mệnh truyền giảng tin mừng...
Công cuộc truyền giảng tin mừng không phải là một công việc của
riêng ai, đó là một công việc mang tính Giáo Hội sâu xa... được
thực hiện trong sự hiệp thông với Giáo Hội và các vị chủ chăn”
(EN 15 và 60).
Truyền giảng tin mừng là một hệ quả mẫu tính của Giáo Hội, từ
khả năng sinh sản nội tại trong mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh.
Đó là lời giải thích vì sao sự hiệp nhất với Giáo Hội qua việc
tuân phục quyền bính là điều hết sức quan trọng trong công tác
truyền giảng tin mừng.
Giê-ru-sa-lem, dấu chỉ sự hiệp nhất của Dân Chúa, Hiền Thê của
Thiên Chúa được mời gọi làm mẹ một đoàn con đông đảo (x. Is 54
và 66; Tv 87 ...), đã được viên mãn trong Mẹ Giáo Hội của chúng
ta (Gl 4:26-27; x. Kh 12:17). Chính trong Giáo Hội và qua Giáo
Hội, chúng ta sẽ được Thiên Chúa sinh ra và lớn lên theo hình
ảnh của Chúa Ki-tô. Truyền giảng tin mừng là thông phần tích cực
vào mẫu tính của Giáo Hội để sinh ra các chi thể Chúa Ki-tô. Công
cuộc này sẽ không đem lại kết quả trừ phi được thực hiện trong
sự hợp nhất với Giáo Hội hữu hình và các chủ chăn, cũng như hợp
nhất mầu nhiệm với Giáo Hội toàn thể ở trần gian và thiên quốc.
Đó chính là điểm cốt yếu trong mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh.
Trên đỉnh Can-vê, Chúa Cứu Thế đã tuyên bố Đức Ma-ri-a là Mẹ của
người-môn-đệ-Chúa-yêu. Và theo xác tín của Giáo Hội, Đức Ma-ri-a
còn là Mẹ của tất cả các môn đệ của Chúa Giê-su, Mẹ của toàn thể
nhân loại đã được Ngài hiến thân cứu chuộc.
Đức Ma-ri-a vẫn không ngừng thể hiện Mẫu Tính Ân Sủng của mình.
“Sau khi về trời ... Mẹ vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại
cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta đạt được phần rỗi đời
đời. Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang
lữ hành trên dương thế” (LG 62).
“Đức Ma-ri-a là hình ảnh biệt vị, là hiện thực hoàn hảo Mẫu Tính
của Giáo Hội trong mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh. Mẹ là Mẹ của
chúng ta trong mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh” (MC 24).
“Hoạt động của Giáo Hội trên thế giới có thể ví như sự tiếp tục
niềm lo lắng của Đức Ma-ri-a. Thực vậy, tình yêu cần mẫn của Đức
Trinh Nữ tại Na-da-rét, tại nhà bà Ê-li-sa-bét, tại Ca-na và trên
đồi Gôn-gô-ta, những giai đoạn cứu rỗi có giá trị vĩ đại đối với
Giáo Hội... nay vẫn được tiếp tục với tình mẫu tử lo lắng của
Giáo Hội để mọi người đi đến chỗ nhận biết chân lý” (MC 28).
Sự cộng tác này là sự liên hệ sâu xa giữa Đức Ma-ri-a và Giáo
Hội để sinh ra Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô đã thúc bách Công
Đồng Va-ti-ca-nô II xác nhận: “Đời sống của Đức Trinh Nữ là một
gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là
một động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ
của Giáo Hội để tái sinh nhân loại (LG 65).
4. Một Vài Hệ Luận
Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a (qua các việc suy niệm về vai trò Đức
Ma-ri-a trong Phúc Âm và đời sống Giáo Hội, cầu nguyện với Đức
Ma-ri-a và cậy nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, noi gương Mẹ v.v...)
là chất xúc tác thúc đẩy và hỗ trợ vô cùng hiệu quả cho công cuộc
truyền giảng tin mừng. Lòng tôn sùng ấy cũng giúp chúng ta hiểu
và sống hoàn hảo hơn thực tại sâu xa này là sự hợp nhất với Chúa
Ki-tô, mềm mỏng với Chúa Thánh Thần, hiệp thông với toàn Giáo
Hội, và lấy đời sống để minh chứng tình yêu mẫu ái của Thiên Chúa
(x. EN 29).
Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a chân chính cũng làm cho người tông đồ
Phúc Âm được tiếp nhận “những hoa trái của Chúa Thánh Thần, đó
là yêu thương, vui tươi, bình an, chịu đựng nhẫn nại, tốt lành,
quảng đại, khiêm tốn” (Gl 5:22). Lòng tôn sùng ấy còn thúc bách
họ vươn đến với những người bị bỏ rơi, những người cùng túng và
những người dường như bất xứng nhất với tin mừng của Chúa Cứu
Thế Giê-su.
Vì thế, hồng y Su-ê-nen đã kết luận: “Việc gặp gỡ do Chúa Thánh
Thần thúc đẩy giữa phong trào Thánh Mẫu và phong trào tông đồ
không phải là một sự kiện tình cờ. Đó là một ơn sủng phi thường
đối với lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a, nhờ đó mà đạt đến tiềm năng
viêm mãn của nó, cũng như đối với hoạt động tông đồ, vì nhờ đó
mà được ăn rễ sâu vào Mẫu Tính Tinh Thần của Đức Ma-ri-a.”
J.
Lô-ren-sô
|