TRUYỀN TIN
(LC 1:26-38)
Xem:
- Lời Fiat Nhân Danh Toàn Nhân Loại
- Mẹ Thiên Chúa
- Người Tôi Tớ Thiên Chúa
Trình
thuật Truyền Tin (Lc 1:26-38) vẫn luôn là nguồn hứng thú cho các
tín hữu yêu thích suy niệm về Đức Ma-ri-a. Phụng vụ thần học cũng
như khoa chú giải Thánh Kinh đều đề cao tầm quan trọng có tính
nguyên khởi và chuẩn mực của trình thuật này trong việc tìm hiểu
mầu nhiệm Đức Ma-ri-a và rút ra “những điều mới cũng như cũ” để
kính nhớ nhiệm vụ phi thường của Mẹ trong lịch sử ơn cứu độ. Bằng
cách sử dụng những hình thức văn chương quen thuộc với các độc
giả Cựu Ước và lối ám thị (allusions) Thánh Kinh chuyên dùng,
thánh Lu-ca đã cố gắng truyền đạt trong những giới hạn trình thuật
của ngài những suy tư về Đức Ma-ri-a của những cộng đồng ki-tô
hữu tiên khởi.
Chính
lối bố cục của trình thuật cũng nói lên mục đích thần học căn
bản của thánh Lu-ca. Một mặt ngài nhắc đến “những lời tiên báo
các biến cố ra đời kỳ diệu khác” để làm nổi bật tính siêu việt
của mầu nhiệm Chúa Giê-su, thể hiện qua đặc tính ngoại thường
của sự kiện Thiên Chúa can thiệp cho Người được đầu thai, Ngoài
ra, bằng cách dùng lại hình thức của trình thuật Truyền Tin cho
Da-ca-ri-a, thánh Lu-ca muốn làm rõ nét tính liên tục từ Gio-an
đến Chúa Giê-su và sự ưu việt của Chúa Giê-su so với Gio-an, đồng
thời so sánh giữa ơn gọi của Đức Ma-ri-a với ơn gọi của Da-ca-ri-a.
Dựa trên nhiều nền tảng của truyền thống Thánh Kinh, trình thuật
này mời gọi chúng ta suy hiểu mầu nhiệm Chúa Giê-su và ơn gọi
của Đức Ma-ri-a, một ơn gọi hoàn toàn tùy thuộc vào mầu nhiệm
Chúa Giê-su trong việc thực hiện những lời Thiên Chúa đã hứa với
Ít-ra-en.
1.
Mặc Khải về Mầu Nhiệm Chúa Giê-su
Để
hiểu được ý nghĩa của trình thuật Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a,
ta cần phải hiểu biết một hình thức văn chương vốn được sử dụng
rộng rãi trong Cựu Ước, đó là hình thức các lời tiên báo về những
sự kiện ra đời kỳ diệu (I-sa-ác: St 17:15-22 và St 21:1-7; Sam-son:
Tl 13:2-24; Sa-mu-en: 1 Sm1:9-20; Đấng Em-ma-nu-en: Is 14:11).
Vì
thế, không lạ gì khi ta thấy ở đây có nhiều yếu tố đặc trưng của
hình thức văn chương ấy: (a) tình trạng Đức Ma-ri-a (thiếu nữ,
đồng trinh, đã đính hôn: câu 27); (b) một thiên sứ hiện đến theo
lệnh Chúa (câu 26); (c) tin báo về một hài nhi sắp ra đời (kết
quả của sự can thiệp nhân lành và tự do của Thiên Chúa); về tên
và định phận của con trẻ (câu 31-33); (d) thái độ ngạc nhiên và
thắc mắc về phương cách con trẻ ra đời (câu 34); (e) ban một dấu
chỉ (câu 35-37).
Trong
tất cả những trình thuật loại này, sứ điệp trọng tâm đều tập chú
vào con trẻ sẽ được sinh ra và sứ mạng của con trẻ. Điều này nói
lên rằng, trước hết lời truyền tin cho Đức Ma-ri-a là một lời
loan báo về Chúa Giê-su: “Bà sẽ mang thai và và hạ sinh một con
trai, và sẽ đặt tên con trẻ là Giê-su’’ (câu 31). Thực sự, đó
chính là tin mừng đầu tiên về Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng
Mê-si-a.
Ắt
hẳn sứ thần, hình thức thông điệp, và người nhận lãnh thông điệp
đều quan trọng, nhưng tất nhiên luôn tùy theo mức độ liên hệ giữa
các đối tượng ấy đối với hài nhi và sứ mệnh của hài nhi được sinh
ra. Mục đích và tầm vĩ đại của các đối tượng ấy chính là để phụng
sự mầu nhiệm được mặc khải.
Để
trình bày mầu nhiệm về Chúa Giê-su, thánh Lu-ca đã dùng ánh sáng
niềm tin vào Đấng Mê-si-a rọi chiếu trình thuật của ngài qua việc
sử dụng nhiều tước hiệu lấy từ Cựu Ước. Tuy nhiên vào thời điểm
thánh Lu-ca viết Phúc Âm, những tước hiệu ấy của Chúa Ki-tô có
thể đã đạt đến một chiều sâu mới mẻ nhờ mức độ trưởng thành trong
suy tư của các cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi dưới ánh sáng Chúa
Phục Sinh.
Việc
đề cập đến thiên sứ Gáp-ri-en để mở đầu trình thuật cũng đủ đưa
chúng ta vào một bối cảnh về Đấng Mê-si-a và có tính cách cánh
chung rồi (x. Đnl 9: bảy mươi tuần lễ): mặc khải theo sau có liên
hệ đến “ngày chấm dứt các thời kỳ.’’ Chính tên của Hài Nhi được
sứ thần Gáp-ri-en tiết lộ cũng gồm chứa rõ ràng toàn bộ chương
trình của Con Trẻ: Giê-su tức là “Thiên Chúa cứu độ’’ (x.Mt 1:21).
Chính nơi Hài Nhi mà ơn cứu độ Thiên Chúa đã hứa với dân Người
sẽ được thực hiện viên mãn.
Thánh
Lu-ca đã đặt nơi “miệng lưỡi’’ sứ thần Gáp-ri-en một loạt nhiều
tước hiệu, tức là các tác vụ của Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a và
tính cách vô song siêu việt trong quan hệ giữa Ngài với Thiên
Chúa.
Ngài
sẽ nên “cao trọng’’ (như chính Thiên Chúa, cách tuyệt đối: Tv
48:2; 76:2; 86:10; 96:4; v.v...).
“Ngài
sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao’’ (lời này, ít ra cũng đặt Chúa
Giê-su làm người thừa kế dòng Đa-vít: 2Sm 7:14; Tv 2:7).
“Thiên
Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu Đa-vít tổ phụ Ngài. Ngài sẽ cai
trị trên nhà Gia-cóp mãi mãi, và triều đại Ngài sẽ vô tận’’ (công
thức rất cổ điển về Đấng Mê-si-a thuộc dòng Đa-vít, từ lời tiên
tri Na-than: x. 2Sm7). Tuy nhiên, viễn tượng cứu chuộc vẫn chưa
vượt quá chân trời dân tộc Do Thái; mãi đến ngày Đức Ma-ri-a dâng
Chúa trong Đền Thơ,â Si-mê-on mới nói lên khía cạnh phổ quát của
sứ mạng Đức Ki-tô.
Ngài
sẽ là “Thánh’’ (giống như Thiên Chúa, cách tuyệt đối Lv 19:2,
Tv 71:22; 89:19; 99:5).
Ngài
“sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (theo thánh Lu-ca, đây là đỉnh
cao của mặc khải sứ thần Gáp-ri-en đem đến và là xác quyết mạnh
mẽ nhất về tính siêu việt của Chúa Giê-su, tước hiệu này còn được
xử dụng ba lần nữa trong Phúc Âm thánh Lu-ca 3:22; 9:35; 22:69-70).
Chính
trong phạm vi và chức năng của mặc khải về Chúa Ki-tô này, thánh
Lu-ca và các cộng đồng Ki-tô giáo sơ khởi đã hiểu biết ơn gọi
Đức Ma-ri-a. Chắc hẳn, họ không đạt được mức độ minh sáng thần
học như thành tựu của Công Đồng Ê-phê-sô. Nhận ra cách thế vai
trò của Đức Ma-ri-a đã bắt đầu được nhận thức và được trình bày
trong tương quan mật thiết với niềm tin vào địa vị làm Con Thiên
Chúa của Đức Ki-tô là một điều thú vị và quan trọng.
2.
Mặc Khải về Ơn Gọi Đức Ma-ri-a
Nét
độc đáo mới mẻ của thánh Lu-ca chính là sự liên kết thể loại văn
chương cơ bản của ngài với những chủ đề đặc trưng của một thể
loại văn chương quan trọng khác, đó là những thuật sự về ơn gọi.
Cách thế Đức Ma-ri-a được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa và
sự đáp ứng của Mẹ đã đưa Mẹ, bằng một tước hiệu phi thường, vào
hàng ngũ những người được Thiên Chúa giao phó sứ mệnh cụ thể trong
lịch sử ơn cứu độ. Nhờ thiên sứ Gáp-ri-en, Đức Ma-ri-a biết rằng
mình “được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” Ân nghĩa là một dấu chỉ
vừa nói lên phẩm chất của đương sự, vừa nói lên sự ưu tuyển Thiên
Chúa đã ban sứ mệnh (Nô-e: St 6:8; Áp-ra-ham: St 18:3; Môi-sen:
Xh 33:13,16,17). Từ ngữ ân nghĩa được sử dụng ở đây hàm chỉ đặc
tính bền vững và tuyệt vời. Đó là một danh hiệu mới mẻ được ban
tặng cho Đức Ma-ri-a: “Bà là người được ân nghĩa cùng Chúa.”
Phần
thứ hai lời chào của Sứ Thần nói lên một đặc tính thích hợp với
ơn gọi của Mẹ: “Thiên Chúa ở cùng Bà,” (đây là cách Thiên Chúa
đảm bảo sự hiện diện của Ngài nơi những người được Ngài kén chọn
để thực hiện một sứ mệnh đặc biệt nào đó, Ngài hứa sẽ cùng họ
hành động cho dân Ngài: St 28:15; 31:3; Xh 3:12; Đnl 31:23; Gs
1:9; 3:7; Tl 6:12; 6:16; Is 41:10; Gr 1:8,19; 15:20).
Phản
ứng của Mẹ trong ngày Truyền Tin cũng giống như phản ứng của các
tổ phụ và các tiên tri khi được Thiên Chúa mời gọi: Mẹ “bối rối”
và hỏi Thiên Sứ “làm cách nào” để thực thi sứ mệnh (giống như
Áp-ra-ham và Gi-đê-on đã làm: St 15:8 và Tl 6:15). Lời đáp, “Ma-ri-a
đừng sợ” là bước chuẩn bị gần trước khi Thiên Sứ công bố sứ mệnh
(St 15:1; 21:17; 26:24; Tl 6:23; Is 10:24; Đn 10:12,19): Ma-ri-a
sẽ sinh một Con Trai và sẽ đặt tên cho Con.
Như
thế, Đức Ma-ri-a đã nhận lãnh một ơn gọi, một lời mời gọi làm
mẹ, nhưng mẫu tính này sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào phép lạ của “Chúa
Thánh Thần” và sẽ là biểu hiện sự hiện diện sống động của Thiên
Chúa nơi dân Ngài (“Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà”: x.
Xh 40:35; Ds 9:18-20; 10:34). Dấu chỉ mà sứ thần Gáp-ri-en đưa
ra như một lời xác nhận ơn gọi của Đức Ma-ri-a.
Sau
cùng, lời thưa của Đức Ma-ri-a còn nói lên một sự chấp nhận hoàn
toàn và tự do đối với ơn gọi vừa được mặc khải cho Mẹ: “Này Tôi
là Tôi Tớ Chúa.” Thực sự, lời này nói lên một thái độ chấp nhận
thay đổi kiếp phận (R 3:9; 1Sm 25:41) và hoàn toàn hiến thân cho
chương trình Thiên Chúa cứu độ Dân Ngài (Tôi Tớ là danh hiệu Thánh
Kinh tặng cho Áp-ra-ham, Môi-sen, Đa-vít và Người Tôi Tớ Đức Gia-vê).
3.
Hoàn Thành Các Lời Hứa với Ít-ra-en
Như
chúng ta biết, thánh Lu-ca đã nhận thấy các trình thuật về những
biến cố ra đời kỳ diệu và các trình thuật về ơn gọi trong Cựu
Ước rất phù hợp với mục đích của ngài. Các trình thuật ấy giúp
ngài trình bày sứ mệnh của Đức Giê-su và ơn gọi Đức Ma-ri-a như
đỉnh cao và hoàn thành viên mãn các lời Thiên Chúa đã hứa với
Ít-ra-en. Điều thánh Lu-ca muốn truyền đạt là Thiên Chúa, Đấng
can thiệp vào sự kiện đầu thai và ra đời của Chúa Giê-su cũng
chính là Thiên Chúa, Đấng đã can thiệp với các tổ phụ, các quan
án, các vua chúa và các tiên tri ngày trước. Chính trong Chúa
Giê-su mà lời Thiên Chúa đã hứa đầu tiên với Áp-ra-ham đã được
hoàn thành viên mãn, “vì không có gì đối với Chúa là không thể
được” (câu 37; x. St 18:14). Người Con của lời hứa chính là Chúa
Giê-su.
Cũng
vậy, ơn gọi của Đức Ma-ri-a cũng phải được hiểu theo chiều hướng
lịch sử chung của dân tộc Ít-ra-en: chính Mẹ về sau cũng xác nhận
điều này trong bài ca Magnificat, nhưng ngay trong lời chào của
Sứ Thần, người ta cũng có thể nhận ra điều ấy: “Mừng vui lên,
hỡi Đầy Ơn Phúc” (câu 28). Đức Ma-ri-a, hiện thân của Nữ Tử Si-on
(x. Xp 3:14-17) là đại diện cho những “người còn lại” ít ỏi vẫn
trung thành với Đức Gia-vê, Mẹ được mời gọi hãy mừng vui vì thời
đại của Đấng Mê-si-a đang đến và sự hiện diện của Ngài nơi bản
thân Mẹ.
J.P.
Pơ-rê-vô
|