CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ
II VỚI ĐỨC MA-RI-A
Xem:
- Giáo Hội và Đức Ma-ri-a
- Mẫu Tính Tinh Thần
1. Chương 8 của Hiến Chế Lumen Gentium:
Lịch Sử và Phạm Vi
Ngay trong khóa họp khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II tháng 10
năm 1962, các nghị phụ đã quyết định chọn “Giáo Hội” ä làm đề
tài trung tâm của Công Đồng. Tất cả các đề tài khác, dĩ nhiên
bao gồm cả đề tài Đức Ma-ri-a, sẽ được nghiên cứu trong tương
quan với Giáo Hội. Một lược đồ về Đức Ma-ri-a đã được đệ trình
nhưng vì không phù hợp với tiêu chuẩn ấy nên phải đình hoãn.
Trong khóa họp kế tiếp, ngày 16 tháng 10 năm 1963, sau cuộc thảo
luận gay cấn và lâu giờ, vấn đề được đề ra cho Công Đồng là, “các
nghị phụ có ủng hộ việc đưa lược đồ về Đức Ma-ri-a, Mẹ Giáo Hội
thành chương cuối cùng trong lược đồ về Giáo Hội không (de Ecclesia)?”
Các nghị phụ bỏ phiếu và phía thuận đã thắng khít khao... Thế
làâ công việc đã được tiến hành theo đề nghị này.
Một điểm nữa đã gây lúng túng cho ủy ban soạn thảo. Đức Ma-ri-a
là một “thành phần” ưu việt của Giáo Hội, được chiêm ngưỡng như
gương mẫu hoàn toàn xứng đáng cho Giáo Hội và cho toàn thể các
chi thể khác. Nhưng Đức Ma-ri-a còn là “Mẹ Giáo Hội,” đây là một
tước hiệu mới mẻ, chưa có tính truyền thống nên có thể làm sâu
thêm hố ngăn cách với anh em Tin Lành. Vì thế các nghị phụ đã
phải chấp nhận một định thức tương đương: “Giáo Hội Công Giáo
được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, tôn vinh Đức Ma-ri-a với tình yêu
con thảo như đối một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53).
Ngày 21 tháng 10 năm 1964, Đức Phao-lô VI đã phê chuẩn hiến chế
Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), và nhân dịp ấy Ngài công bố:
“Chúng Tôi tuyên xưng Đức Ma-ri-a rất thánh là Mẹ Giáo Hội, tức
là Mẹ của toàn thể Dân Chúa, mọi tín hữu cũng như mọi chủ chăn
cùng tuyên xưng danh thánh Mẹ rất đáng yêu mến.” Như thế, Đức
Thánh Cha đã làm sáng tỏ văn kiện này của Công Đồng.
Không đầy ba năm sau, ngày 13 tháng 5 năm1967, Đức Phao-lô VI,
một lần nữa lại tuyên bố trong tông thư Điềm Lạ Vĩ Đại (Signum
Magnum): “Chúng Tôi muốn một lần nữa kêu gọi mọi tín hữu hãy lưu
tâm đến mối liên hệ thắm thiết giữa Mẫu Tính Thiêng Liêng của
Đức Ma-ri-a như đã được làm sáng tỏ trong hiến chế Tín Lý về Giáo
Hội... Chân lý an ủi này, do thánh ý Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan,
là một thành phần gắn liền với mầu nhiệm cứu độ nhân loại và đó
là lý do chân lý này phải nên đối tượng niềm tin của mọi ki-tô
hữu.”
Trong tông thư Đấng Cứu Độ Nhân Loại (Redemptor Hominis) ban hành
ngày 4 tháng 3 năm 1979, Đức Gio-an Phao-lô II cũng đã đề cập
đến mối liên hệ giữa Giáo Hội và Đức Ma-ri-a như thánh Công Đồng
đã nói trước kia. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Nói rằng Giáo Hội
là một người mẹ có nghĩa là gì, và nói rằng chính Giáo Hội luôn
luôn và nhất là trong thời đại của chúng ta cũng cần một người
Mẹ có nghĩa là gì?” Và Đức Thánh Cha đã tìm được từ Công Đồng
một câu trả lời thích đáng nhất: “Chúng ta mang ơn các nghị phụ
Công Đồng Va-ti-ca-nô II, những người đã diễn tả chân lý này trong
hiến chế Tín Lý về Giáo Hội bằng một học thuyết Ma-ri-a phong
phú. Đức Phao-lô VI, được khởi hứng bằng giáo huấn Công Đồng,
đã tuyên xưng Mẹ Chúa Ki-tô là 'Mẹ Giáo Hội,' và tước hiệu này
giờ đây đã vang xa vang rộng.”
2. Những Điểm Cốt Yếu của Chương 8
Chương này được bắt đầu bằng một cái nhìn tổng quát về Đức Ma-ri-a
trong chương trình cứu độ nhân loại (các số 52-54). Như tựa đề
của chương này cho thấy, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa có
một dấu ấn đậm nét trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Thánh
Kinh và Thánh Truyền, đặc biệt là các giáo phụ đều xác định vai
trò của Đức Ma-ri-a trong nhiệm cuộc cứu độ. Trong Cựu Ước, Đức
Ma-ri-a đã được phác họa là người đi trước sửa dọn cho Chúa Ki-tô
đến (số 55). Mẹ đã khởi đầu Tân Ước. Biến cố Truyền Tin, đức tin,
ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, và thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh
Nữ đã thể hiện rõ ràng điều ấy (số 56). Đức Ma-ri-a là trợ tá
đệ nhất trong công cuộc cứu độ sát kề suốt cuộc đời Chúa Cứu thế,
Con Mẹ: trong tư cách làm mẹ tại Na-da-rét, làm môn đệ từ Ca-na
đến tận chân Thập Giá, nơi Chúa Giê-su trong lúc hấp hối đã trối
Mẹ làm Mẹ Gio-an (các số 57-59).
Chương này còn mô tả Đức Ma-ri-a với sứ mạng của Mẹ trong đời
sống Giáo Hội. Sứ mạng trung gian của Mẹ không làm lu mờ hay biến
dạng vai trò của Đấng Trung Gian duy nhất (các số 60-62). Là mô
phạm của Giáo Hội, lời nguyện của Mẹ chính là mẫu mực cho lời
cầu nguyện của chúng ta (các số 63-65). Tại sao ta tôn vinh Mẹ
và phải tôn vinh đặc biệt như thế nào? Vì Mẹ là dấu chỉ cho hy
vọng cánh chung (các số 66-69): “Ngày nay, được tôn vinh vượt
trên các thần thánh trên trời, Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục cầu
bầu cùng Con Mẹ, trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh, cho
tới khi gia đình mọi dân tộc... đều hân hoan đoàn tụ trong an
bình và hòa thuận, hợp thành một Dân Thiên Chúa duy nhất cho vinh
danh Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và không phân chia” (số 69).
Chương 8, chương cuối của hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, đã kết
luận bằng những lời đẹp như thế.
3. Đức Ma-ri-a Trong Các Văn Kiện Khác
của Công Đồng
a)
Hiến chế về Phụng Vụ Thánh: “Trong khi cử hành các mầu nhiệm của
Chúa Ki-tô theo chu kỳ hằng năm, với một tình yêu đặc biệt, Giáo
Hội tôn kính Đức Ma-ri-a vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã liên
kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng tương quan bất
khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả
tuyệt vời của công trình cứu chuộc, và hân hoan chiêm ngắm nơi
Mẹ như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo
Hội ước mong và trông đợi” (số 103).
b) Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân: “Gương mẫu hoàn hảo của đời sống
thiêng liêng và đời sống tông đồ chính là Đức Trinh Nữ Rất Thánh
Ma-ri-a, Nữ Vương Các Tông Đồ: khi sống ở trần gian, Người đã
sống đời như mọi người, và vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng
luôn luôn kết hợp mật thiết với Con mình và đã cộng tác vào công
việc của Đấng Cứu Thế một cách cá biệt; còn ngày nay, sau khi
đã được đưa lên trời, với tình yêu thương của người mẹ, Người
chăm sóc những đứa em của Con Mẹ, đang trên đường lữ hành, gặp
nhiều hiểm nguy và thử thách, Người lo lắng cho tới khi họ về
tới quê hương hạnh phúc “(LG 62). “Mọi người hãy hết lòng tôn
sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của mình cho Mẹ
coi sóc “(LG 4).
c) Sắc lệnh về Thích Nghi và Canh Tân Đời Tu Trì: “Nhờ lời cầu
bầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a rất dịu hiền, Mẹ Thiên Chúa, mà cuộc
đời của Mẹ là khuôn mẫu cho mọi người (thánh Am-rô-si-ô). Các
hội dòng (nam cũng như nữ) sẽ mỗi ngày một lớn mạnh và trổ sinh
các hoa trái cứu độ dồi dào hơn” (số 25).
d) Sắc lệnh về Đào Tạo Linh Mục: “Các linh mục phải lấy lòng tin
cậy như con thảo mà tôn kính và yêu mến Đức Trinh Nữ Rất Thánh
Ma-ri-a, Đấng mà Đức Ki-tô khi hấp hối trên Thập Giá đã trối ban
làm mẹ cho người môn đệ Người” (số 8).
e) Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục: “Linh mục luôn tìm
gặp mẫu gương tuyệt vời và sự dễ dàng vâng phục nơi Đức Trinh
Nữ Ma-ri-a, Người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đã hiến toàn thân
cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người; các linh mục phải lấy lòng
con thảo thành kính tôn sùng và yêu mến Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là
Mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm vĩnh viễn, là Nữ Vương Các Tông Đồ
và là Đấng Bảo Trợ thừa tác vụ linh mục” (số 18).
f) Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội: “Thực vậy,
sứ vụ tông đồ bắt đầu từ ngày lễ Hiện Xuống, như khi Chúa Thánh
Thần đến ngự trên Trinh Nữ Ma-ri-a thì Chúa Ki-tô được thụ thai,
và như khi Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Ki-tô lúc Người cầu nguyện
thì Người được thúc đẩy bắt đầu thi hành chức vụ” (số 4).
4. Đóng Góp của Công Đồng về Thánh Mẫu Học
Thánh Công Đồng, trong khi vẫn trung thành với truyền thống từ
thời các thánh Tông Đồ, đã giải phóng nếp nghĩ của các tín hữu
về Đức Ma-ri-a, ít nhất là tại Tây Phương. Trước Công Đồng Va-ti-ca-nô
II, người ta thường nói: Giê-su, Ma-ri-a, và Giáo Hội theo như
kiểu Đức Ma-ri-a đứng bên ngoài một Giáo Hội gồm toàn các tội
nhân, dù là tội nhân được cứu chuộc. Đức Ma-ri-a cao vượt do đặc
ân đầu thai vô nhiễm. Rốt cuộc, người ta đã nhìn Đức Ma-ri-a như
Vị Trung Gian giữa Giáo Hội và Chúa Con, và coi Mẹ như vị Trung
Gian duy nhất trước tòa Chúa Giê-su y như Chúa Giê-su là Trung
Gian duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và nhân loại được cứu độ.
Thánh Công Đồng đã giúp chúng ta xác định được mối quan hệ giữa
Đức Ma-ri-a và Giáo Hội một cách chính xác hơn, giờ đây chúng
ta nói rằng: chỉ có Chúa Giê-su và Giáo Hội, chỉ có Đầu và Nhiệm
Thể. Đức Ma-ri-a là thành phần của Giáo Hội, có Chúa Giê-su là
Đầu, có Đức Ma-ri-a là Mẹ và các thành phần khác đều là con cái
của Mẹ. Như Chúa Giê-su đã được dựng thai trong cung lòng Mẹ do
Chúa Thánh Thần, thì mọi thành viên khác của Giáo Hội kể cả Đức
Ma-ri-a cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà được tái sinh như thế. Nhưng
trong trường hợp của Mẹ, điều ấy đã xảy ra ngay lúc Mẹ được đầu
thai, còn chúng ta thì lại xảy ra qua bí tích Thánh Tẩy.
Vì vậy, mối hiệp nhất giữa Mẹ với Chúa Thánh Thần ở trong chính
hữu thể Mẹ, một sự hợp nhất đặc biệt được tạo thành do ân thánh
và được kiến tạo cho phù hợp với nhiệm vụ của Mẹ là Mẹ tinh thần
của Giáo Hội. Do đó, Mẹ luôn luôn thực thi nhiệm vụ trung gian
hiền mẫu của Mẹ nhân danh Giáo Hội, luôn lệ thuộc vào Chúa Thánh
Thần và luôn tùy thuộc vào sứ vụ trung gian duy nhất của Con Mẹ.
Nhờ liên kết với Chúa Thánh Thần, Mẹ không ngừng nối kết các phần
nhiệm thể với Đầu bằng lời cầu bầu và hoạt động của Mẹ, và lời
sau cùng của Mẹ trong Phúc Âm mà chúng ta vẫn đọc đã là và sẽ
luôn luôn là: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm như thế” (Ga 2:5).
Ngay từ đầu và luôn luôn mãi mãi là Giáo Hội ở đâu, Đức Ma-ri-a
ở đó - Đức Ma-ri-a ở đâu, Chúa Thánh Thần “linh hồn của Giáo Hội”
cũng ở đó (x. LG7). Chúa Thánh Thần ở đâu, Chúa Ki-tô, Con Thiên
Chúa, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất của chúng ta cũng ở đó.
“Như thế, Giáo Hội phổ quát được coi như một dân tộc hiệp nhất
phát sinh từ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần” (LG 4).
H.H. Man-tô và Bô-na-mi
|