CƠ-DẾC-TÔ-CÔ-VA , BA
LAN
Lịch sử Đức Mẹ Cơ-dếc-tô-cô-va (Czestochowa) luôn gắn liền với
bức ảnh thánh được tôn kính tại tu viện các tu sĩ dòng thánh Phao-lô
Ẩn Tu ở Da-na Gô-ra (Jasna Gora, Ngọn Đồi Ánh Sáng). Một hào quang
huyền thoại bao trùm nguồn gốc bức ảnh này. Trong tâm trí các
tín hữu, bức ảnh này chính là bức ảnh Đức Mẹ của thánh Lu-ca được
Thánh Giu-se chạm trổ lại trên một mặt bàn trong căn nhà Thánh
Gia. Trái lại, theo các nghiên cứu lịch sử, bức ảnh này đã ra
đời khoảng thế kỷ V đến thế kỷ VIII. Nhưng nói chung các tín hữu
tin vào những chặng đường kỳ diệu bức ảnh đã đi qua, từ Pa-lét-tin
đến Bi-dan-tin, đến Hung-ga-ri đến Ru-tê-ni-a rồi lâu đài Bê-sơ
(Betz). Đến đây, thì lịch sử của bức ảnh được rõ ràng.
1. Những Mốc Lịch Sử và Tầm Quan Trọng
Bức ảnh Đức Mẹ được hoàng thân La-đi-lau Ô-pô-dích (Ladislaus
Opolczyk) đưa về Cơ-dếc-tô-cô-va năm 1354 như một chiến lợi phẩm
và dâng tặng các tu sĩ dòng thánh Phao-lô Ẩn Tu. Bức ảnh bị những
tay trộm cướp tàn phá thảm hại vào năm 1430. Vua La-di-la Da-gien-lô
(Ladislas Jagiello) đã nhờ các nghệ nhân triều đình Ô-bớt (Augsburg)
phục chế và làm cho bức ảnh mang nét hoà hợp giữa nghệ thuật Bi-dan-tin
và phong cách Tây Phương. Ảnh Đức Mẹ Cơ-dếc-tô-cô-va thuộc về
loại “Hodigitria,” tức là ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Con bên tay trái,
còn tay phải chỉ Chúa Con.
Lịch sử huyền bí và đầy kịch tính của bức ảnh càng làm tăng bội
lòng sùng kính và làn sóng tín hữu hành hương. Hiện còn những
hồ sơ lưu từ năm 1402 tường trình các phép lạ, bằng chứng của
lòng biết ơn Mẹ, “Đấng chữa lành các bệnh nhân, Mẹ Nhân lành,
và Nữ Vương đất nước Ba Lan.” Đến năm 1957 đã có khoảng 1500 chứng
cứ được thu thập từ các hồ sơ và các bảng, bia tạ ơn. Tất cả đều
ca ngợi phúc lành kỳ diệu ảnh thánh Đức Mẹ đã ban phát.
Ngay từ ban đầu, bức ảnh Đức Mẹ đã thu hút các vương hầu và hiệp
sĩ sa cơ thất thế, các bệnh nhân xin ơn lành bệnh, và các ki-tô
hữu ly khai đến xin ơn được hợp nhất với Giáo Hội. Các vua chúa
Ba Lan đã đặt vương miện và phủ việt dưới chân Đức Mẹ, tuyên hứa
và phó dâng những trách vụ nặng nề của họ cho Đức Mẹ, tôn nhận
Mẹ làm Nữ Vương, làm Bà Chủ lãnh địa của họ.
Đến thế kỷ XV, trong số các bia tạ ơn đã thấy xuất hiện nhiều
bia vàng. Đến thế kỷ XVI, Đức Mẹ và Chúa Con được kính tiến vương
miện do vua La-đi-lau IV (Ladislaus) dâng cúng. Cuộc tôn vương
Đức Mẹ được cử hành lần đầu tiên vào năm 1717, và một lần nữa
vào năm 1910.
Làn sóng tín hữu hành hương gia tăng vào năm 1655 khi các tu sĩ
tại Da-na Gô-ra, nhờ Đức Mẹ hiện ra đã đẩy lui được cuộc tấn công
của quân Thụy Điển. Nghị viện (diet) Ba Lan công bố sắc chỉ ghi
nhận lòng biết ơn của nhân dân đối với sự nghiệp các tu sĩ. Và
năm 1764, nghị viện lại tuyên bố niềm tri ân muôn đời của đất
nước Ba Lan đối với Đức Mẹ.
Thế kỷ XVIII, Ba Lan bị mất độc lập. Đức Trinh Nữ trở thành người
bảo trợ các cuộc kháng chiến, gìn giữ nền tự do và chủ quyền quốc
gia.Vì thế, quân xâm lược Nga và Phổ rất căm tức đã ra sức ngăn
cấm các tín hữu hành hương. Họ còn hạ bệ ảnh thánh. Khi đó, những
tác phẩm ca ngợi và những phiên bản bức ảnh xuất hiện tràn ngập.
Cũng trong thời gian đó, những ngôi thánh đường đầu tiên tôn kính
tước hiệu Đức Mẹ Cơ-dếc-tô-cô-va được khởi công. Ngày nay có chừng
270 thánh đường khắp thế giới tôn kính tước hiệu này, trong số
đó có 27 thánh đường tại Hoa Kỳ, đất nước có số kiều bào Ba Lan
đông nhất. Ngoài ra còn có khoảng 10.000 bàn thờ khắp thế giới
tôn kính các phiên bản bức ảnh Đức Mẹ danh tiếng này.
Các đoàn hành hương được tổ chức ngay từ đầu thế kỷ XIV. Đến thế
kỷ XVII, có chừng bốn đến sáu vạn tín hữu hành hương hằng năm.
Trong cuộc tôn vinh Đức Mẹ năm 1717, có khoảng 200.000 tín hữu
tham dự. Con số lại tăng vọt vào thế kỷ XIX khi Ba Lan một lần
nữa bị mất độc lập, và đền thánh trở thành trung tâm gặp gỡ của
những người yêu nước. Thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến thế giới,
nhân dân Ba Lan từng đoàn từng nhóm tuôn về, làm bùng lên tâm
tình gắn bó với đền thánh quốc gia, bất chấp thái độ thù nghịch
của Phát-xít Đức. Đức Ma-ri-a và Giáo Hội trở thành nguồn sức
mạnh chủ yếu của dân tộc Ba Lan. Trong dịp hiến dâng đất nước
cho Mẹ Thiên Chúa, khoảng 1.500.000 tín hữu hành hương đã lũ lượt
tuốn về Cơ-dếc-tô-cô-va. Thời kỳ chín năm trước năm 1966, cuộc
thánh du các bức ảnh thánh Đức Mẹ được tổ chức như bước chuẩn
bị cho lễ tận hiến làm nô lệ tình yêu phụng sự Đức Mẹ.
Số tín hữu hành hương đi bộ giảm sút trước kia lại tăng vọt mỗi
khi chính quyền dùng thủ đoạn ngăn cản các phương tiện di chuyển
thông thường. Năm 1974 có hơn bốn vạn người đi bộ đến Vác-xa-va.
Bất chấp mọi khó khăn, số tín hữu hành hương năm đó lên đến 2.500.000
người.
Trong số du khách hành hương, ngày càng có nhiều nhân vật ngoại
quốc tiếng tăm như anh em tổng thống Ken-nơ-đi (Kennedy), ngài
La Pi-rơ (La Pire), ngài An-đô Mô-rô (Aldo Moro) và nhiều tổ chức
đặc biệt, chẳng hạn như phong trào Hiệp Nhất và Giải Phóng ở Ý.
Suốt nhiều thế kỷ, tu viện Da-na Gô-ra đã được coi là thủ đô tinh
thần của đất nước Ba Lan. Tại đây đã diễn ra nhiều hội nghị của
Giáo Hội, các cuộc hội nghị của hội đồng giám mục và của nhiều
tổ chức khác nhau, nhất là các cuộc hội thảo toàn quốc. Điểm đặc
biệt thu hút các du khách là ngôi nguyện đường cổ xưa tôn kính
ảnh thánh, ngôi vương cung thánh đường của thế kỷ XV và XVII,
tu viện thế kỷ XVII và XVIII, và tháp chuông cao vút được xây
trong thế kỷ XX.
J. Bu-ni-ê-guê
2.
Dịp Mừng tại Hoa Kỳ
Ngày 22 tháng 8 năm 1982, các tín hữu Hoa Kỳ đã tham gia dịp mừng
kỷ niệm sáu trăm năm ảnh thánh Đức Mẹ đến Da-na Gô-ra. Trong các
cuộc tôn vinh Đức Mẹ Cơ-dếc-tô-cô-va tại đền thánh quốc gia Đức
Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn có hơn hai ngàn người Mỹ gốc
Ba Lan và các bạn bè Ba Lan tham dự cuộc cung nghinh.
Cùng ngày, chừng năm ngàn tín hữu tụ họp tại ấp Xéc-tô-hô-va (Cestohowa)
nhỏ bé ở bang Tếc-xa, nơi ngụ cư của cộng đồng Ba Lan từ hơn một
trăm năm nay và đã đặt tên ấp theo nguyên gốc Cơ-dếc-tô-cô-va.
Trong thánh lễ chiều tối tại Pan-na Ma-ri-a, bang Tếc-xa, vùng
đất lâu năm nhất của cộng đồng Ba Lan tại Hoa Kỳ, đức hồng y Gio-an
Cơ-rôn (John Krol) phụ trách phần giảng thuyết. Ngài kể lại câu
chuyện viên toàn quyền Phát-xít Đức Quốc Xã tại Ba Lan trong thời
kỳ chiến tranh thế giới II đã viết trong nhật ký của ông: “Sức
mạnh lớn nhất của đất nước Ba Lan hệ ở Giáo Hội và Vị Thánh ở
Cơ-dếc-tô-cô-va.”
3. Lời Đức Gio-an Phao-lô II
Khi hồng y tổng giám mục giáo phận Cơ-ra-cô-vi (Karkow) là Ca-rôn
Goa-ti-la (Karol Wojtyla) được bầu làm Giáo Hoàng ngày 16 tháng
10 năm 1978, đền thánh Đức Mẹ Cơ-dếc-tô-cô-va đột nhiên thu hút
sự lưu tâm của toàn thế giới, nhất là sau chuyến hành hương về
Da-na Gô-ra của Đức Gio-an Phao-lô II hồi tháng 6 năm 1979. Trong
dịp đó, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng đền thánh danh tiếng này vô
cùng gần gũi với trái tim của ngài vàâ trái tim của đất nước Ba
Lan, là dấu chỉ cho nguồn phấn khích và đức tin của toàn Giáo
Hội.
a) Lòng sùng kính của Đức Gio-an Phao-lô II đối với “Đức Mẹ Đen
Da-na Gô-ra.” “Tiếng kêu của một người con đất nước Ba Lan đã
đến vương cung thánh đường thánh Phê-rô ẩn chứa một liên hệ hiển
nhiên và mạnh mẽ đối với thánh địa này, với ngôi đền thánh chứa
chan hy vọng này: Totus tuus (Toàn thân con thuộc về Mẹ). Tôi
đã than thở lời này không biết bao nhiêu lần trước bức ảnh Đức
Mẹ này” (ngày 4 tháng 6 năm1979).
b) Lòng sùng kính của nhân dân Ba Lan đối với “đền thánh quốc
gia.” “Da-na Gô-ra không chỉ là một nơi hành hương của người Ba
Lan trong và ngoài nước mà còn là đền thánh quốc gia nữa. Tại
thánh địa này, chúng ta hãy lắng tai để nghe tiếng nhịp của Trái
Tim Đức Mẹ. Như chúng ta biết, Trái Tim này thực sự đã đập đồng
nhịp với mọi giờ phút của lịch sử, với mọi biến cố trong đời sống
tổ quốc... Lịch sử Ba Lan được viết theo nhiều cách, nhất là lịch
sử những thập niên gần đây có thể được giải thích theo những mốc
quan trọng khác nhau.”
“Nhưng nếu chúng ta muốn biết trái tim đất nước Ba Lan giải thích
lịch sử này thế nào, chúng ta phải đến đây, chúng ta phải lắng
nghe đền thánh này, chúng ta phải nhận ra âm vang của đời sống
toàn thể quốc gia này trong Trái Tim của Từ Mẫu Nữ Vương của nó:
và nếu Trái Tim này đập lên những nhịp ưu tư lo lắng, vang lên
nỗi khát mong và lời mời gọi hối cải để củng cố sức mạnh lương
tâm, thì chúng ta phải đón nhận lời mời gọi ấy. Trái Tim này được
sinh từ tình yêu hiền mẫu hằng dõi theo những tiến trình lịch
sử của đất nước Ba Lan” (ngày 4 tháng 6 năm1979).
“Người đã từng nói trong thánh thi Mẹ Thiên Chúa của Bô-gu-rô-di-ca
(Bogurodzica) cũng nói với bức ảnh thánh Đức Mẹ Cơ-dếc-tô-cô-va,
chứng minh sự hiện diện từ mẫu của Mẹ trong cuộc sống của Giáo
Hội và tổ quốc. Đức Trinh Nữ Da-na Gô-ra đã tỏ niềm quan tâm hiền
mẫu đối với từng linh hồn, từng gia đình, từng con người” (ngày
4 tháng 6 năm 1979).
“Những thập niên gần đây đã xác nhận và càng làm cho mối hợp nhất
gắn bó giữa đất nước Ba Lan và Đức Nữ Vương càng thắm thiết hơn.
Trước tôn nhan Đức Trinh Nữ Cơ-dếc-tô-cô-va, Ba Lan đã tận hiến
cho Trái Tim Đức Mẹ ngày 8 tháng 9 năm 1946. Mười năm sau tại
Da-na Gô-ra lại có lễ lập lại các lời hứa của vua Dăng Ca-di-mi-ê
(Jan Kazimier), kỷ niệm biến cố 300 năm trước ngài đã tôn vinh
Mẹ Thiên Chúa làm Nữ Vương vương quốc Ba Lan sau cuộc xâm lược
của người Thụy Điển hồi thế kỷ XVI... Và sau cùng, nhân dịp kỷ
niệm 1.000 năm phép Rửa Tội của đất nước Ba Lan ngày 3 tháng 5
năm 1966, cũng tại nơi đây, đức hồng y giáo trưởng Ba Lan đã tuyên
lời tận hiến toàn thân làm nô lệ Mẹ Thiên Chúa, cầu xin cho Giáo
Hội được tự do tại Ba Lan và khắp thế giới (ngày 4 tháng 6 năm1979,
bài giảng tại Da-na Gô-ra).
c) Cơ-dếc-tô-cô-va biểu hiệu sự hiện diện của Đức Ma-ri-a giữa
lòng Giáo Hội, “Mẹ Thiên Đàng hiện diện nơi đây cách đặc biệt.
Mẹ hiện diện trong mâçu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội... Mẹ hiện
diện với tất cả, và với từng người hành hương kính viếng Mẹ...
Luôn luôn ngày càng đông người từ khắp Âu Châu và các nơi khác
đến đây” (ngày 4 tháng 6 năm 1979).
“Ôi Người Mẹ Giáo Hội trong trang phục trắng; một lần nữa con
xin tận hiến chính thân con cho Mẹ để làm một nô lệ cho tình yêu
từ mẫu Mẹ - Totus Tuus: toàn thân con thuộc về Mẹ. Con xin tận
hiến cho Mẹ toàn thể nhân loại. Con xin tận hiến cho Mẹ tất cả
mọi anh chị em nhân loại của con, mọi dân tộc và mọi quốc gia.
Con xin tận hiến cho Mẹ Âu Châu và các lục địa khác... Mẹ ơi,
xin chấp nhận chúng con: Mẹ ơi, xin đừng bỏ chúng con; Mẹ ơi,
xin dẫn dắt chúng con” (ngày 4 tháng 6 năm 1979, trong đại hội
tại Da-na Gô-ra).
A. Rum
|