|
DÒNG TU CỦA ĐỨC MẸ
Một
nhà văn nọ, khi cảm hứng trước các dòng tu trong Giáo Hội, đã
viết: “Nếu ví Giáo Hội Công Giáo là tấm áo đan liền của Chúa Giê-su,
thì các dòng tu của Giáo Hội chính là những hạt kim cương rực
rỡ đính trên tấm áo ấy. Và người trang hoàng áo đó bằng những
hạt kim cương chính là Đức Mẹ Ma-ri-a.”
Cảm hứng của nhà văn trên thật xác đáng, nhưng nó chỉ đúng với
nhà mỹ thuật, với người có óc thẩm mỹ. Và do đó các dòng tu chỉ
có giá trị về nghệ thuật trang trí, giống như những tấm kính mầu
gắn trên tường các thánh đường.
Cho nên không hài lòng với nhận xét trên, có người khác lại coi
các dòng tu trong Giáo Hội là các binh chủng trong quân đội của
một quốc gia, vì lẽ các tu sĩ trong các dòng chính là những tinh
binh thiện chiến cùng hướng về mục tiêu chung là chiến đấu cho
danh Cha cả sáng, dưới sự hướng dẫn của Đức Mẹ. Sự so sánh này
đã nêu rõ được khía cạnh hoạt động và sống của các dòng tu, không
tĩnh và “xa xỉ” như nhận xét của nhà văn trên kia nữa. Tuy nhiên,
coi nó vẫn như là sản phẩm của những người hiếu chiến. Thực ra,
các dòng tu trong Giáo Hội có phải là những tổ chức võ bị đâu.
Cha Gio-an Báp-tít Mô-ri-nô (Jean Baptiste Morineau), thuộc dòng
Thừa Sai Đức Mẹ và là người sáng lập hội Pháp Quốc Nghiên Cứu
về Đức Mẹ, dựa theo lời thánh Gơ-ri-nhông đơ Mông-pho mà gọi các
dòng tu là những sư đoàn anh kiệt, võ trang bằng công nghiệp Chúa
Giê-su và đi theo cờ Đức Mẹ Ma-ri-a, mà kháng cự với “những địch
thù của Thiên Chúa, những kẻ thờ bụt thần, bè rối, bè đảng, phái
Hồi Hồi, người Do Thái và những kẻ tội lỗi cứng lòng, những kẻ
đã dùng đe dọa và xảo ngôn mà khởi ngụy, mê hoặc và đả đảo bất
cứ một ai phản kháng chúng” (TTSK, 50). Những sư đoàn này từ thời
Trung Cổ đã được tổ chức nên để chiến đấu với ba thù. Nhưng nhất
là từ thế kỷ XVII trở đi, các dòng tu càng khuếch trương: các
dòng thành lập vào những thế kỷ này, phần lớn đã tình nguyện đứng
hẳn về phe Đức Mẹ để chiến đấu cho Chúa Giê-su. Hình như các đấng
sáng lập đều hiểu rằng thánh ý Chúa là muốn cho loài người nên
thánh nhờ Đức Mẹ. Tất cả đều đã nhất loạt, chen chân tiến vào
gần bóng Mẹ, đồng thanh cao tiếng tung hô Mẹ là thánh sư tối cao
của dòng mình, và các tu sĩ môn đệ các ngài cũng hoan hỉ vâng
theo, tôn phong Mẹ Ma-ri-a làm Đấng hướng dẫn tổ chức của mình.
Ta nhận thấy cả ba ý kiến trên đều có một điểm chung là tôn nhận
Mẹ Ma-ri-a có một địa vị quan trọng đối với các dòng tu. Duy một
điểm ấy là làm chúng ta cũng như bất cứ một người nào vẫn hô hấp
tình yêu Mẹ phấn khởi và vui mừng. Vì lẽ rằng, như cha Nơ-be (Neubert)
viết, nếu các thù địch Giáo Hội chia rẽ nhau trên nhiều quan điểm
khác nhau, nhưng vẫn đoàn kết trên quan điểm đả phá Giáo Hội,
thì các dòng tu, dầu mỗi dòng có một mục đích riêng, và dùng những
phương tiện dị biệt để tiến tới mục đích ấy, nhưng vẫn nhất tâm
trong việc khuếch trương tình yêu đối với Mẹ. Nhất tâm mà lại
vẫn có những quan điểm khác nhau về tình yêu Mẹ, y như muôn ngàn
con sông cùng tung sóng chảy ra muôn ngàn chiều, nhưng rút cục
cũng cùng đổ dồn vào đại dương. Tình trạng đó ta thấy hiện ra
rõ rệt trong các buổi họp mặt của các dòng tu ở các đại hội Thánh
Mẫu học những lần vừa qua. Như thế, nghĩa là dầu nhìn các dòng
tu với con mắt của một nhà thẩm mỹ, của một chiến binh hay của
một người dòng dõi võ tướng, cái điểm chính phải nêu cao vẫn là
truyền thống mến yêu Mẹ của các dòng tu và sự phù trợ hướng dẫn
của Mẹ trên các dòng ấy. Hay nói khác đi, chính Mẹ Ma-ri-a đã
sinh hạ các dòng và các dòng đều chung tâm chí tình yêu mến Mẹ.
Chính vì thế mà tôi ưa lối nhìn các dòng tu trong Giáo Hội của
cha Đa-minh Thánh Giá, vị sáng lập dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc.
Cha nhìn dưới một góc cạnh đặc thù: Mẹ Ma-ri-a là cây cầu nối
nhân loại với Thiên Chúa, nên chính Mẹ đã là Đấng soi động hoặc
trực tiếp sáng lập và chỉ huy các dòng. Trong một lúc cảm hứng
siêu nhiên thích thú, cha viết: “Chúa đã đặt Mẹ làm Đấng ban phát
mọi ơn cho thế gian, đại diện lòng thương xót vô hạn lượng của
Chúa, nên đã ban cho Mẹ một trái tim đầy từ bi bác ái, xứng một
Từ Mẫu của loài người; Mẹ đã soi động, hoặc chính Mẹ đã sáng lập
các dòng... các hội... trong Giáo Hội.” Lối nhìn của cha không
phải lối nhìn của nhà nghệ sĩ, tìm vẻ đẹp lộng lẫy để ca tụng
cũng không phải lối nhìn của viên đại tướng, nghe thấy “tiếng
sắt tiếng vàng chen nhau” qua các dòng. Lối nhìn của cha là của
một người đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm như: “Phúc cho kẻ có
lòng thương xót!” Còn ai có phúc cho bằng Thiên Chúa, vì chính
Chúa là lòng thương xót! Ở đây, ta thấy rõ tư tưởng cha đã nhuần
thấm lòng thương xót. Cha ca tụng Mẹ là “đại diện lòng thương
xót vô hạn lượng của Chúa, Trái Tim Mẹ đầy từ bi bác ái, Mẹ là
Từ Mẫu của loài người.” Hẳn các bạn trách tôi sao lại bỏ đi hai
tĩnh từ: từ thiện và bác ái sau tiếng các dòng, các hội trong
câu trích dẫn trên. Tôi không dám chữa mình, nhưng chính là cốt
để làm nổi cao ý tưởng thấm nhuần tinh thần Phúc Âm của cha Đa-minh
Thánh Giá. Vì làm thế nào mà cái nguyên nhân đã là thương xót
lại không sinh ra hiệu quả từ thiện bác ái được. Hơn nữa, xét
cho đến cùng, thì có dòng tu nào trên thế giới mà không là dòng
từ thiện bác ái?
Càng say sưa với ý nghĩ trên, tôi càng hăm hở muốn tìm hiểu xem
Mẹ Ma-ri-a đã “soi động hoặc chính Mẹ đã sáng lập các dòng” như
thế nào. Và khi đã phần nào thỏa mãn vì những cách, những hành
động Mẹ đã hoặc nhờ trung gian hoặc đích thân sáng lập các dòng
trong Giáo Hội, tôi lại muốn biết cách cư xử của các dòng ấy đối
với Mẹ ra sao. Sau khi tìm hiểu và suy nghĩ rất lâu, tôi đã hân
hoan một niềm hân hoan ấm áp. Có điều đáng tiếc là tôi muốn tỏ
bày niềm hân hoan ấy ra mà không được. Nó như một căn phòng điều
hòa không khí, phải đóng chặt các cửa mới giữ được sự khoan khoái
mát mẻ. Do đó, tôi định ghi lại đây những điều tôi đã đọc được
để cống hiến độc giả, dưới nhan đề: Dòng Tu của Đức Mẹ và Lòng
Sùng Kính Đức Mẹ Trong Các Dòng Tu (phần Lòng Sùng Kính Đức Mẹ
sẽ ở phần sau trong từ điển này).
Đề tài trên gợi lên một nội dung man mác. Theo thống kê của cha
Huy-be Ma-noa (Hubert Manoir) dòng Tên, trong Bách Khoa Thánh
Mẫu Ma-ri-a năm 1954, nguyên các dòng nam có truyền thống mến
yêu Đức Mẹ cựu trào, đã thành lịch sử từ lâu, con số đã lên tới
gần hai trăm dòng. Về phía các dòng nữ cũng có một tính cách ấy,
theo cha Gáp-ri-en Ma-ri-a Rốt-ki-ni (Roschini) O.S.M. đã có hơn
ba trăm dòng. Cả hai cùng không kể đến các dòng thuộc luật địa
phận, các dòng thành lập ở các nơi truyền giáo, và các dòng thành
lập từ đầu thế kỷ XX. Như thế thì làm sao thuật hết lại được trên
ít trang giấy! Cho nên, tôi chỉ xin giới hạn nội dung bài này
trong một ít dòng tu mà thôi. Những dòng tu tôi viết lại đây,
tôi không lựa chọn gì hết. Tôi viết ra theo như tôi đã nhận thấy,
để bạn đọc hiểu rằng bất cứ một dòng tu nào cũng có một tập tục
yêu mến Mẹ rất đặc biệt, rất sốt sắng.
* Các dòng tu của Đức Mẹ ở đây hiểu là những dòng do đích thân
Mẹ hiện ra sáng lập, hoặc qua ơn soi sáng, hoặc mang tên Mẹ hay
tước hiệu của Mẹ hay tước hiệu của Mẹ. Những dòng này có rất nhiều.
Theo bản thống kê năm 1941, từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ
XX, nguyên Âu Châu đã thêm 44 dòng nam hoặc do Mẹ truyền sáng
lập, hoặc sáng lập dưới sự bảo trợ của Mẹ và mang tên Mẹ. Ở đây,
tôi chỉ xin thuật lại một ít dòng tu loại này mà thôi.
1.
Dòng Đức Mẹ Núi Ca-mê-lô (Ordo Fratrum B.M.V. a Monte Carmelo)
Tôi muốn nói trước tiên đến dòng Ca-mê-lô, vì tính cách “hoàn
toàn Thánh Mẫu” (Ordo totus Marianus) của nó. Cho đến ngày nay,
qua bao nhiêu tìm tòi khám phá, người ta vẫn chưa tìm ra ai là
người chính thức sáng lập dòng này. Chỉ biết rằng theo truyền
thuyết, thì dòng Ca-mê-lô đã được chính tiên tri Ê-li-a (thế kỷ
VII trước Công Nguyên) sáng lập. Trong cuốn Institutione himorum
Monachorum (Tu hội các đan sĩ đầu tiên) có kể lại truyền thuyết
đó như sau: “Trong khi Ê-li-a nghiêng mình về trái đất, ông được
thông nhận một mặc khải quan trọng mà ông không được phép cùng
khai thuật lại cho mọi người, chỉ được kín đáo trao cho những
người thân tín của mình thôi. Chúng tôi được những người này thuật
cho biết rằng Ê-li-a đã được soi sáng cho biết bốn mầu nhiệm cao
cả: thứ nhất là một Nhi Nữ không vướng lây tì ố tội lỗi sẽ sinh
ra khỏi lòng mẹ; thứ hai, ít lâu sau việc ấy được thực hiện; thứ
ba, Trẻ Nữ ấy theo gương Ê-li-a mà giữ mình đồng trinh trọn đời;
thứ bốn, Thiên Chúa hợp nhất bản tính mình cùng bản tính nhân
loại mà sinh ra bởi Nữ Đồng Trinh ấy... Rồi nhớ đến điềm Ê-li-a
thấy một đám mây hiện lên bay về núi Ca-mê-lô - các văn sĩ thời
danh của Giáo Hội đều cho đám mây này là hình ảnh Đức Nữ Trinh
Ê-li-a xem thấy - các đan sĩ nói trên, năm 83 từ Con Thiên Chúa
nhập thể, đã phá bỏ ngôi đền thờ cũ của họ trên núi Ca-mê-lô mà
xây một nhà nguyện hiến kính Đức Nữ Trinh đã dâng mình cho Thiên
Chúa, bên cạnh giếng Ê-li-a, nơi Ê-li-a đã xem thấy đám mây trên
kia trong khi cầu nguyện.”
Một
ít truyền ngôn nữa vào khoảng thế kỷ XIII hay XIV còn kể rằng
cuộc hồi cư từ Ai Cập về, Thánh Gia đã nghỉ lại núi Ca-mê-lô để
tiếp xúc với con cái tiên tri Ê-li-a, và sau này khi đã ngụ cư
ở Na-da-rét, Mẹ Ma-ri-a thỉnh thoảng cũng đến thăm các nhà ẩn
sĩ ở núi Ca-mê-lô.
Về phương diện lịch sử, người ta biết chắc rằng năm1150, thánh
Bê-tôn đơ Ma-li-pha (Berthold de Malifaye) đã tụ họp được một
ít ẩn sĩ theo lễ nghi La-tinh ở núi Ca-mê-lô. Đến đời thánh Bơ-rô-ca-đô
(Brocardo), kế vị thánh Bê-tôn, tu hội ẩn sĩ ở núi Ca-mê-lô được
đức giáo chủ Giê-ru-sa-lem là thánh An-be-tô Vơ-xê-lên-xi (Alberto
Vercellensi) ban cho một bộ luật để giữ. Hồi đó là năm 1210. Vào
khoảng các năm 1230 và 1238, dòng dần dần tiến sang Tây Phương.
Năm 1228, Đức Hô-nô-ri-ô III chuẩn y cho lập ở Tây Phương vào
năm 1235, được nhận vào số các dòng hành khất đương thời. Mười
hai năm sau, 1247, theo lời xin của thánh Si-mon Sơ-tốc đương
làm bề trên cả dòng, Đức In-nô-xen-tê IV nhận cho luật dòng được
vào số các tu hội sống theo lối Giáo Hội La-tinh.
Nếu chỉ có như thế thì ta chưa thấy rõ dòng Ca-mê-lô đã được Đức
Mẹ phù trì như thế nào. Nhưng lịch sử còn ghi tường tận lại cho
ta biết Đức Mẹ đã đích thân ba lần can thiệp vào đời sống của
dòng. Theo sử gia Gui-ôm đơ San-víc (Guillaume de Sanvic) thì
lần Mẹ can thiệp thứ nhất và dòng Ca-mê-lô là việc chuyển di dòng
từ Ca-mê-lô sang Tây Phương. Hồi ấy vào thế kỷ XIII. Đất Thánh
lại bị quân Hồi Hồi cướp lại. Núi Ca-mê-lô cũng bị đe dọa. Các
ẩn sĩ của Mẹ cùng nhau nài xin Mẹ chỉ lối đưa đường. Mẹ đã hiện
đến với tu viện trưởng bảo hãy bỏ Đất Thánh mà di chuyển sang
Tây Phương. Các tu sĩ hoan hỉ lên đường. Trước khi họ ra đi hết,
quân địch đã phóng hỏa đốt cháy tu viện và giết chết những tu
sĩ còn lại. Các tu sĩ này vừa chịu chết vừa vang tiếng hát kinh
Salve Regina.
Sang được đến Tây Phương, các tu sĩ Ca-mê-lô di cư lại gặp phải
một trở lực rất lớn. Công Đồng La-tran vừa quyết nghị cấm không
cho lập thêm các gia đình tu trì nữa. Triều đình Rô-ma nhất định
thi hành lệnh Công Đồng cho bằng được đối với dòng Ca-mê-lô, dù
rằng dòng này đã có nền tảng từ lâu ở Đông Phương. Mẹ Ma-ri-a
hiện ra với Đức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III bảo phải làm hết cách
mà lập dòng của Mẹ, Mẹ phán thêm: “Khi Mẹ đã ban lệnh ra thì đừng
cản ngăn làm gì nữa.” Cùng trong đêm Mẹ hiện ra với thủ lãnh Giáo
Hội, có hai vị hồng y phản kháng cực lực việc lập lại dòng Ca-mê-lô,
đã phải lìa đời cấp tốc. Ơn trọng đại này đã được dòng thành lập
một lễ kỷ niệm bắt đầu từ năm 1350, trong lời tổng nguyện và thánh
thư lễ đó có nhắc lại rõ ơn này.
Nhưng
nào đã xuôi cho. Dòng được chính thức thành lập với phép ưng chuẩn
của Tòa Thánh rồi, nhưng thần dữ còn xui lên bao trở ngại: nào
là sự phản đối của hàng giáo sĩ triều, nào là sự phân rẽ ngay
trong chính các tu sĩ vì tinh thần thích nghi và tập tục địa phương.
Thế là Mẹ lại phải can thiệp lần thứ ba. Thánh Si-mon Sơ-tốc bề
trên cả đương thời được Mẹ hiện ra an ủi, vạch vẽ đường đi nước
bước cho dòng. Rồi lại ban cho bộ áo Đức Mẹ và hứa bất cứ ai mặc
áo này trong khi chết đều được cứu rỗi.
Giáo phái Tin Lành - từ thế kỷ XVI - cực lực phản kháng việc mang
áo Đức Mẹ này. Nhưng với sự trợ giúp của Mẹ và sự nỗ lực của các
tu sĩ, dòng đã được cứu thoát một cánh lạ lùng mà sử gia gọi là
một cuộc Vượt Qua biển Đỏ. Từ đó, dòng càng ngày càng tiến phát
cho đến thế kỷ XVI, thì hầu khuynh bại. Nhưng Mẹ Ma-ri-a lại gửi
đến hai vị thánh cả để cải tổ, đó là thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la
và thánh Gio-an Thánh Giá. Chúng ta cũng nên nhớ lời Mẹ Ma-ri-a
quyết chắc với thánh Phê-rô Tô-ma trong lúc ngài lo sợ dòng mình
sẽ bị bách hại: “Phê-rô con đừng lo, dòng của chúng ta sẽ tồn
tại đến tận thế’’. Còn gì an ủi hơn! Mẹ đã nói: dòng của chúng
ta! Các nam nữ tu sĩ dòng Ca-mê-lô và các sử gia về dòng hiên
ngang vì dòng mình là dòng hoàn toàn của Đức Mẹ (Ordo totus Marianus)
cũng không phải là lạ vậy.
2.Dòng Đức Mẹ Chuộc Nô Lệ (Ordo Fratrum B.M.V de Mercede)
Nếu
dòng Ca-mê-lô đã có một nguồn gốc có tính cách huyền sử, thì dòng
Đức Mẹ Chuộc Nô Lệ có một phát nguyên đầy mầu nhiệm nhưng minh
bạch. Dòng Ca-mê-lô không được các sử gia đồng ý công nhận về
sự can thiệp của Đức Mẹ thời khởi thủy, nhưng dòng Chuộc Nô Lệ
lại được tất cả các sử liệu liên quan đến nguồn gốc của dòng đồng
thanh công nhận vai trò sáng lập của Đức Mẹ một cách xác thực
và sáng sủa.
Dòng được thành lập tại Bác-xê-lô-na, (Tây Ban Nha) ngày 10 tháng
8 năm 1218, do thánh Phê-rô Nô-lát-cô và hoàng đế Gia-cô-bê đệ
nhất, nước A-ra-gông. Trước đó đúng mười ngày, vào đêm mồng 1
sang ngày mồng 2, Đức Mẹ Ma-ri-a đã hiện ra với thánh Phê-rô Nô-lát-cô
ra lệnh lập một dòng với mục đích đi chuộc những người bị quân
Hồi Hồi bắt làm nô lệ. Được Đức Thánh Cha Hô-nô-ri-ô III ưng nhận,
dòng tiến phát mạnh mẽ, đến năm 1318, Đức Gio-an XXII quyết định
đặt một linh mục làm bề trên cả, do đó, dòng trở thành dòng giáo
sĩ.
Ngoài ba lời khấn theo lệ chung, dòng còn tuyên thệ một lời khấn
thứ bốn là: tình nguyện làm nô lệ thay nạn nhân khi cần. Hết các
tu sĩ của dòng đều tín thác nơi Mẹ Ma-ri-a mà họ gọi là Mẹ, là
Đấng Sáng Lập đệ nhất. Hiến pháp của dòng đặc biệt chú trọng đến
điểm huấn luyện các tu sĩ về lòng yêu mến Mẹ: “Ngay từ đầu, vị
giáo tập phải thúc giục các tập sinh hăng hái và siêng năng tôn
sùng kính mến và thảo hiền với Mẹ nhân lành. Hãy cố gắng khích
động lên trong họ một tình yêu Mẹ mặn nồng, sao cho lòng yêu mến
Mẹ khắc ghi vào lòng họ như một con dấu, để không gì trên môi
miệng, trên lòng họ cũng như trong các công việc của họ không
hô hấp tình yêu Mẹ; để họ đừng thích thú điều gì ngoài Mẹ, đừng
quí chuộng gì mà không có Mẹ; để họ dự định và thi hành hết mọi
công việc nhân danh Mẹ’’ (hiến pháp, phần 1, chương 7, khoản 81).
Với một tinh thần sùng kính Mẹ được ăn sâu như vậy, nhiều việc
tôn kính Mẹ đã nảy nở. Một tục lệ đã phát sinh từ đời thánh Phê-rô
Nô-lát-cô là ngày thứ bảy nào cũng hát lễ kính Đức Mẹ và chiều
nào cũng hát kinh Salve Regina. Tháng nào cũng tổ chức một cuộc
rước tượng Đức Mẹ Chuộc Nô Lệ.
Được lòng sùng kính Mẹ nung nấu, các tu sĩ chuộc nô (Mercedarii)đã
là những tông đồ nhiệt thành của Mẹ ở Âu Châu, nhất là ở Mỹ Châu.
Nơi đây có nhiều địa phương đã nhận Đức Mẹ Chuộc Nô làm bổn mạng.
Ta không lạ lắm với tục lệ đó, vì Đức Mẹ được tôn kính đầu tiên
ở Mỹ Châu khi vừa tìm được là Đức Mẹ Chuộc Nô. Ngay trong chuyến
thứ hai của Kha-luân-bố (Columbus) sang Tân Thế Giới, trên đoàn
tàu vượt vời của ông đã có một cha dòng Chuộc Nô theo làm tuyên
úy. Đó là cha Gio-an đơ Sô-lô-da-nô (Jean de Solorzano), vị tử
đạo đầu tiên ở Châu Mỹ. Từ đó, chính các cha dòng Chuộc Nô đã
là những nhà truyền giáo hăng hái nhất, và chiếm công đầu trong
việc truyền bá Phúc Âm ra khắp Trung Mỹ và Nam Mỹ, liền với cuộc
chinh phục đất đai của người Tây Ban Nha.
Đó mới là nói đến việc chuộc nô theo tinh thần. Theo sát nghĩa
đen của từ ngữ đó là mục đích chính của dòng. Dòng Chuộc Nô Lệ
đã chuộc được vô số người bị quân Hồi Hồi bắt. Ngay ở thế kỷ đầu
tiên dòng vừa xuất hiện, con số này đã tới 26.000 người, trong
đó, 890 là công riêng thánh Phê-rô Nô-lát-cô. Năm 1304, có 25
tu sĩ Chuộc Nô đã hiên ngang chịu chết vì đạo thánh, trong khi
truyền giáo. Nhiều tu sĩ khác bị giam tù khổ sai và lâu lắc trong
các nhà pha Trơ-nít (Trenis). Ngoài ra, dòng đãä cung hiến Giáo
Hội những vị thánh sau đây: thánh Phê-rô Nô-lát-cô, thánh Xê-ra-pi-ông
tử đạo (1228-1304), thánh nữ Ma-ri-a đơ Xê-vi-li-ông ô đen Sô-cô-nô
(Cervillion o del Socono), sáng lập dòng Nữ Đan Sĩ Chuộc Nô (1230-1209),
thánh Phê-rô Pát-can, tử đạo, vị anh hùng của Mẹ Vô Nhiễm (1227-1300),
thánh Phê-rô Ác-men-gô, tử đạo, và thánh Ray-môn-đô Nô-na-tô,
vị thánh rất thời danh trong giới bình dân Tây Ban Nha.
3. Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Ordo Servorum Mariae)
Dòng
Ca-mê-lô hân hạnh vì mình là dòng “hoàn toàn Thánh Mẫu,’’ nhưng,
như ta đã thấy, nguồn gốc cũng như hiến pháp cùng hoạt động không
có tính cách Thánh Mẫu đặc biệt là mấy. Hơn nữa, xét về một phương
diện, ta thấy các thánh của dòng sản xuất thường nói đến tình
yêu Chúa một cách cao xa, mà nói về Đức Mẹ rất ít. Một vị đại
thánh có công cải tổ dòng như thánh Gio-an Thánh Giá, đấng đã
chịu ơn Đức Mẹ đặc biệt, mà cũng chỉ nói về Đức Mẹ có năm lần
trong kho tác phẩm ngài để lại. Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ thì không được
gọi là dòng hoàn toàn của Đức Mẹ, mà từ nguồn gốc, hiến pháp đến
sinh hoạt cùng hoạt động, nhất nhất đều là phản ảnh của tính cách
Thánh Mẫu đặc biệt.
Không ai dám nhận là người trần đã lập nên dòng Tôi Tớ Đức Mẹ,
ít là từ đầu đến thế kỷ XVI, nghĩa là suốt ba thế kỷ. Sử gia nào
khi nói đến dòng cũng đồng thanh nói chính Mẹ Ma-ri-a là đấng
sáng lập dòng, y như lòng tin tưởng của tu sĩ dòng ngay từ khởi
thủy. Hồi ấy vào khoảng giữa thế kỷ XII, Đức Mẹ đã hiện xuống
với bảy anh em bạn thân nọ trong hội Đức Mẹ ở thành Phơ-lô-ran.
Những anh em đó là Bôn-phi-li-ô Mô-nan-đi-ô, Bô-na-dun-ta Ma-nét-tô,
Ma-nét-tô An-tê-len-si, A-mi-đê-ô U-dút-xi-ô, Sô-tê-nê-ô, và A-lê-xi-ô
Phan-cô-ne-ri-ô, những người nhiệt tâm yêu mến sự thương khó của
Đức Mẹ, cùng nhau họp sống trong một hang đá hiu quạnh ngoài thành
để tiện gẫm suy tình thương của Mẹ. Ngày lễ Mẹ Lên Trời năm 1233,
Đức Mẹ hiện đến cùng bảy anh em này, truyền họ phải bỏ thế gian
mà lập một hội dòng tôn kính Mẹ. Chính Đức Mẹ đặt tên cho dòng
là dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, ban y trang và lề luật cho anh em tu sĩ.
Sử liệu nói: “Trong một lần linh kiến, Đức Mẹ ban áo mà chúng
ta mặc đây, cũng như ban luật cho chúng ta giữ! Sau cùng, cũng
chính Mẹ lại vạch rõ mục đích của dòng. Mục đích ấy là thánh hóa
các phần tử trong dòng, và nhờ các phần tử ấy thánh hóa người
khác bằng việc tận tâm phụng sự Mẹ. Bởi vậy, dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
tựu hợp tất cả những người đặc biệt dâng hiến mình tôn kính Mẹ,
vì chính Mẹ đã giảng nghĩa luật rằng dòng này cốt để phụng sự,
làm vinh danh và tán tụng Mẹ.
Sau khi đãä thành lập rồi, Đức Mẹ cũng còn tỏ mình ra là Mẹ Trung
Gian phổ biến các ơn lành, hết mọi người đều phải trung tín và
không ngừng phụng sự Mẹ. Y trang mầu đen Mẹ trao cho anh em tu
sĩ chỉ ý nghĩa những đau thương và đời quả phụ của Mẹ. Tắt lại,
mục đích chung của dòng là phụng sự và tôn vinh Mẹ Đồng Trinh
bằng mọi cách, dưới mọi hình thức; mục đính riêng là đặc biệt
thông phần những đau thương của Mẹ.
Những dòng trên đây viết theo tài liệu của cha Phê-rô đa Tô-đi,
vị bề trên cả dòng vào khoảng từ 1314 đến 1344, theo lời chính
thánh A-lê-xi-ô Phan-cô-ne-ri-ô thuật lại. Sau này, các sử gia
thời danh như Ni-cô-la Ma-ti, Ta-đê-ô A-đi-ma-ri (1446), Cô-si-mô
Pha-vi-la, Gia-cô-bê Ta-nô-ti (1461) đều quả quyết như vậy.
Trên kia, ta đã thâỉy luật của dòng Tôi Tớ cũng được chính Mẹ
ban ra. Qua sự tiến triển của thời gian, bộ luật ấy cho đến nay
đã được ba lần sửa đổi. nhưng dầu là luật cựu thời, luật cận đại
hay luật hiện đại, thảy đều thấm nhuần tinh thần Thánh Mẫu một
cách tuyệt vời.
a) Một đặc điểm của hiến pháp dòng Tôi Tớ Đức Mẹ khác hẳn với
hiến pháp các dòng khác là ngay chương đầu đã đề là: “De Reverentiis
Beatae Mariae Virginis” (Về những việc tôn kính Đức Mẹ Đồng Trinh).
Chương này là trung tâm toàn bộ hiến pháp, truyền buộc hết các
tu sĩ dòng phải một niềm tận tâm phụng sự Mẹ. Các việc sùng kính
Mẹ trong dòng đều gồm ở chương này, như là việc các ngày thứ tư
và thứ bảy, mỗi tu viện của dòng đều phải làm lễ “De Beata Maria”
kính Đức Mẹ trừ khi có lễ trọng cấm làm. Mỗi giờ nguyện nhật tụng,
sau kinh Lạy Cha, người tuần trực (hebdomadier) phải xướng Ave
Maria gratia plena, Dominus tecum; mọi người tiếp: Benedicta tu
in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui. Trong các nhà
nguyện của dòng, cũng như trên bàn thờ chính, phải đặt tượng ảnh
Đức Mẹ và cung hiến cho Đức Mẹ.
Đó là một vài điểm lấy bất kỳ ở chương đầu hiến pháp dòng. Ở các
chương khác, ta cũng còn thấy đầy dẫy tính cách Thánh Mẫu. Chẳng
hạn kết thúc lễ nghi mặc áo dòng trước bàn thờ Đức Mẹ; con chấm
của bề trên cả phải khắc hình Đức Mẹ; tục đọc kinh Kính Mừng trước
khi đọc thư bề trên cả gửi cho; tục phải giảng một bài ngợi khen
Mẹ trước khi khai nghị đại công hội... Một điểm nên ghi ở đây
là khi tuyên khấn, các tu sĩ long trọng đọc: “Tôi xin tuyên khấn
và hứa cùng Chúa toàn năng và Đức Mẹ Ma-ri-a...”
b) Sau Công Đồng Tri-đen-ti-nô, dòng Tôi Tớ Đức Mẹ họp đại công
hội tu sửa hiến pháp cho hợp với những quyết nghị của Công Đồng.
Hiến pháp này lại tăng thêm những việc tôn sùng Đức Mẹ, như là
các ngày thứ bảy phải hát kinh Nhật Tụng Đức Mẹ, và mừng lễ “De
Domina nostra: về Bà Chúa chúng ta,” mỗi ngày thứ bảy theo lễ
nghi bậc nhất, có hát kinh chiều Đức Mẹ ngày áp và chính ngày.
Cũng hát cả kinh Sáng như vậy. Trong thánh lễ tu hội (missa conventualis)
phải đọc hoặc hát cả kinh Vinh Danh và kinh Tin Kính bậc nhất,
dầu không phải là ngày lễ trọng.
Hiến pháp mới cũng thêm: các linh mục dòng tế lễ, trước khi đọc
kinh Introibo phải xướng: Ave Maria gratia plena: giúp lễ thưa:
Benedicta tu in mulieribus et benedictus fructus ventris tui,
Jesus. Trong một khoản khác, hiến pháp cải tổ lại buộc các tu
sĩ dòng phải ăn chay trọng thể: bánh khô nước lã và phải canh
thức các ngày áp lễ Mẹ Vô Nhiễm, Sinh Nhật Mẹ, Mẹ Dâng Mình, Truyền
Tin, Mẹ Thăm Viếng, Mẹ Dâng Con và Mẹ Lên Trời. Trừ lễ Sinh Nhật
Mẹ, thì các lễ trên đều mừng đặc biệt có tuần tám ngày riêng.
Đối với các tập sinh, ngoài những việc tôn sùng như tu sĩ, mỗi
ngày sau kinh tối còn phải họp nhau lần hạt trước bàn thờ Đức
Mẹ. Luật cũng buộc các tu sĩ phải rất năng (quam creberrime) hôn
kính áo dòng, áo chính Mẹ đã ban, để tôn kính tri ân.
c) Năm 1907, hiến pháp dòng Tôi Tớ Đức Mẹ lại tu sửa một lần nữa.
Hơn hẳn hai hiến pháp trước kia, hiến pháp lần này đã nêu cao
Đức Mẹ một cách không ngờ. Những khoản nói về lòng tôn sùng Đức
Mẹ trong hiến pháp mới này đã đem Đức Mẹ vào tận linh hồn mỗi
tu sĩ, vì người ta ngờ rằng những việc sùng kính vạch ra trong
hai hiến pháp trước hình như có bề ngoài nhiều hơn. Nhưng hiến
pháp mới cũng không tước bỏ những việc bề ngoài, trái lại còn
buộc một cách chặt chẽ hơn, vì muốn cho lòng sùng kính Mẹ nhập
thấâm sâu vào tâm hồn, thì phải năng làm việc bề ngoài.
Sau đây là một ít điểm đáng chú ý:
Việc đọc kinh chiều áp ngày thứ bảy trước kia theo lễ nghi bậc
nhì, từ nay phải hát hoặc đọc theo lễ nghi bậc nhất (k.7).
Mỗi tu sĩ phải đeo thêm tràng hạt Thất Sự ở thắt lưng bên phải
và phải kính trọng áo Mẹ ban đặc biệt hơn nữa. (k.106,110).
Các tập sinh phải được huấn luyện kỹ hơn về những nhân đức và
đau thương của Mẹ (k.212).
Trong việc học tập, các tu sĩ phải đặc biệc chú ý học hỏi những
điều liên quan đến Mẹ (k.292).
Các bề trên phải nỗ lực hết sức để cổ động lòng sùng kính Đức
Mẹ (k.359).
Các chúa nhật thứ ba trong tháng, tùy theo điều kiện địa phương,
phải giảng về Đức Mẹ, về sự thương khó Chúa, hoặc về vẻ cao trọng
của áo dòng Mẹ ban. Sau đó, phải rước tượng Đức Mẹ Thất Sự, nơi
nào không đủ điều kiện rước được phải lần chuỗi Thất Sự thay (k.791).
Trong khoản 153 hiến pháp cải tổ đã đề cao khoa Thánh Mẫu học
trong chương trình đại chủng viện. Ở khoản 203 lại viết: “Anh
em ta phải đem hết lòng yêu mến mà chăm chỉ học khoa này (Thánh
Mẫu học), để liên kết bằng một mối dây càng ngày càng mật thiết
với Đấng là đường ngắn nhất để tới Chúa Giê-su; anh em phải nhận
thức rõ ơn thiên triệu cao quí của anh em, để học tập nói và viết
một cách thực khoa học về Mẹ Sáng Lập dòng chúng ta. Điều cần
thiết là, trong việc tôn dương Mẹ Đồng Trinh một cách cụ thể,
quang minh, kính ái và khoa học, dòng chúng ta không được kém
một dòng nào cả.”
Từ khi áp dụng hiến pháp mới, chương trình bốn năm thần học trong
dòng đều thêm mỗi tuần một giờ Thánh Mẫu học.
Lượt qua một vài hàng sơ lược trên, ta thấy tính cách Thánh Mẫu
đã lan ngập nguồn gốc và việc lập pháp của dòng Tôi Tớ Đức Mẹ.
Theo đó, dòng đã tung hết khả năng để hoạt động cho Mẹ. Hoạt động
ấy rất nhiều, vài trang giấy không thể kể hết được. Chúng tôi
xin tiếp tục kể đến một dòng nữa của Đức Mẹ. Đó là:
4.
Dòng Thừa Sai Đức Mẹ (Societatis Missionarii Mariae)
Dòng
Thừa Sai Đức Mẹ có một điểm đặc biệt là bất cứ tu sĩ nào trong
dòng cũng phải tận hiến làm nô lệ Đức Mẹ. Chúng ta dễ hiểu lẽ
đó vì dòng Thừa Sai Đức Mẹ chính là công nghiệp của thánh Lu-i
Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho, vị thánh đã tìm ra phương pháp sùng kính
Đức Mẹ đích đáng nhất bằng cách sống đời tận hiến cho Mẹ. Dòng
được đặt nền móng từ năm 1705. Thánh Mong-pho đã có ý định ngay
từ năm ngài vừa chịu chức linh mục, tức là năm 1700. Trong bức
thư gửi cho một bạn thân là Lê-ô-sa-siêng (Leochassien) ngày 6
tháng 11 năm đó, thánh nhân viết: “Hằng nhìn thấy những nhu cầu
của Giáo Hội trước mắt, tôi không thể không thiết tha kêu xin
để lập được một tu hội nhỏ bé nghèo nàn gồm các linh mục tốt lành,
để chiến đấu dưới cờ và dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Đồng Trinh.”
Lý tưởng của ngài là “sống đơn sơ nghèo nàn, len lỏi vào vùng
quê dạy giáo lý cho người nghèo và khuyên giục những người tội
lỗi tôn sùng Đức Mẹ.” Ngài luôn mơ tưởng một đoàn quân truyền
giáo đi theo “vết chân các tông đồ để giảng dạy cho dân nghèo
và chinh phục các linh hồn về cho Chúa Giê-su dưới cờ Trinh Nữ
Ma-ri-a.” Ngài vạch một chương trình chiến đấu, rồi mời các linh
mục có thiện chí tham gia. Tụ họp quanh ngài đầu tiên là những
linh mục thuộc các dòng cổ: dòng Ca-pu-xin, dòng Đa-minh, dòng
Tên, dòng La-ra-rít (Lazaristes) và nhiều linh mục triều. Tất
cả đều sống theo một kỷ luật, chiến đấu cùng một mặt trận. Tất
nhiên là những linh mục ấy không phải là nền tảng của dòng ngài
định lập, nhưng là những thợ bạn giúp ngài xây dựng công nghiệp
vĩ đại cho ngày mai. Các linh mục ấy đã làm gương sáng cho các
linh mục khác theo đường lối Thánh Mẫu ngài vạch. Và một số nhỏ
các linh mục triều đã tình nguyện chiến đấu dưới quyền chỉ huy
của ngài.
Linh mục đầu tiên cùng chung chí hướng là cha Va-ten (Vatel),
và linh mục thứ hai là một linh mục bất toại, cha Muy-lô (Mulot).
Với sức mạnh của tình yêu mến Mẹ, cha nhận lời mời của thánh Mong-pho,
và đã lành bệnh ngay để chung tay hoạt động cho dòng mới.
Từ đó, qua nhiều đau khổ, đoàn quân Đức Mẹ mà thánh Mong-pho mơ
ước từ lâu - những chiến sĩ anh tuấn, “tay cầm tràng hạt, tay
cầm thánh giá, lòng in tên Giê-su Ma-ri-a” - đã thành hình và
tiến triển dưới danh hiệu là dòng Thừa Sai Đức Mẹ.
Các tác giả bút ký truyện thánh Lu-i Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho đều
thuật rằng: Đức Mẹ Ma-ri-a đã nhiều lần thân hiện xuống với ngài,
chuyện vãn chí tình, khi đối diện đàm tâm trong phòng làm việc,
lúc cùng dạo bước ngoài vườn cảnh. Hẳn trong những giây phút Mẹ
con trao đổi tâm tình, thánh nhân đã được Mẹ chỉ vạch cặn kẽ đường
lối cho những người đến sau tình nguyện hiến mình phụng sự Mẹ.
Dòng của ngài nhận Mẹ Ma-ri-a làm Mẹ, làm bề trên. Ngày nào các
tu sĩ cũng phải đọc kinh Mân Côi. Mỗi tu sĩ phải đọc riêng mỗi
ngày hai chuỗi, và một chuỗi chung với nhau. Trong mọi lúc phải
hết lòng tin tưởng chạy đến cùng Mẹ. Bổn phận chính của mỗi tu
sĩ là rao giảng học thuyết Thánh Mẫu theo thánh Mong-pho, và cổ
động phong trào “nô lệ vì yêu Mẹ” để nước Chúa trị đến vinh quang.
Theo sát đường lối thánh Mong-pho đã vạch, các giáo sĩ dòng Thừa
Sai Mẹ hăng hái cướp thời gian rao giảng thánh danh Đức Mẹ khắp
nơi. Ngày 20 tháng 5 năm182, dòng chính thức được Tòa Thánh hạ
sắc chỉ ca tụng (decretum laudis).
Dòng phóng tầm hoạt động ra ngoài với hai hội đoàn là “hội Nữ
Vương Tâm Hồn” và “hội Linh Mục Đức Mẹ.” Hai hội này đã được Giáo
Hoàng chủng viện Nam Định phổ biến ở Việt Nam hồi 1951. Ở Ca-na-đa,
dòng tổ chức và điều khiển một trung tâm Thánh Mẫu vĩ đại. Các
báo chí của dòng xuất bản cũng đều nhằm mục đích truyền bá lòng
yêu mến Mẹ. Các ấn phẩm có tiếng của dòng là: L’Etendard de Marie,
Le Règne de Jésus par Mare, le Messager de Marie Reine de Coeur
và nhất là tập san Cahiers Marials.
5.
Dòng Tu Sĩ Thương Khó (Congregatio Passionnistarum)
Có
người cho rằng chỉ các dòng tu cổ thời mới có những câu truyện
có tính cách huyền thoại vì nguồn gốc thường được trời cao phát
xuất. Nhưng từ thế kỷ XVII trở đi, các dòng tu đã có một nguyên
ủy có tính cách “người” hơn. Nhận định đó không những sai về ơn
thánh, về luận lý mà còn sai cả về thực nghiệm nữa. Thật vậy,
ngay ở giữa thế kỷ XVIII, cái thế kỷ nhộn lên tiếng la ó của phái
Duy Lý, phái Thuần Nghi, đồ đệ của Vôn-te, của Đề-cát, Đức Mẹ
đã nhúng bàn tay từ mẫu vào việc lập dòng Thương Khó một cách
cụ thể.
Dòng Thương Khó được Mẹ Ma-ri-a thành lập qua trung gian của thánh
Phao-lô Thánh Giá (1694-1775). Dòng có đặc điểm là hết các tu
sĩ đều khấn hứa một lời khấn thứ bốn: cổ động lòng tôn sùng sự
thương khó Chúa Giê-su và Đức Mẹ. Thánh Phao-lô Thánh Giá là một
tôi tớ tận trung của Đức Mẹ. Ngài được Đức Mẹ hiện ra truyền dạy
phải lập một dòng tôn sùng sự thương khó Chúa và Mẹ. Mẹ mặc đồ
tang, mang theo một huy hiệu ngày nay cho ta biết người mang nó
là một tu sĩ Thương Khó. Mẹ nói:
“Con ơi, con xem Mẹ phải mặc y phục tang tóc thế này đây. Chính
vì sự thương khó rất đau đớn Con yêu dấu Mẹ đấy con ạ. Con cũng
phải mặc cùng một kiểu áo này và lập một dòng luôn mặc đồ tang
để nhớ cuộc tử nạn Con Mẹ.”
Thế là thánh Phao-lô Thánh Giá hăng hái tuyên hứa lời khấn cổ
động cho giáo hữu tôn sùng sự thương khó Chúa và lập một dòng
nối tiếp việc ấy. Thánh nhân đã long trọng khấn trước ảnh Đức
Mẹ tương truyền là của thánh Lu-ca vẽ, trong đại đền thờ Thánh
Mẫu tại Rô-ma.
Đềân thờ đầu tiên của dòng là đền thờ được Đức Mẹ đích thân chỉ
địa điểm trên núi Ác-gen-ta-ri-ô (Argentario), dưới danh hiệu
đền thờ Đức Mẹ Thăm Viếng.
Điều các sử gia nhấn mạnh là ngoài những can thiệp lạ lùng ấy,
thánh Phao-lô Thánh Giá có lòng tôn sùng Mẹ cách đặc biệt. Lễ
trọng kính Mẹ nào cũng được ngài chuẩn bị mừng cách riêng, nhất
là lễ Mẹ Lên Trời. Trước lễ này, ngài đã tự lập nên một “mùa chay
Thánh Mẫu,” mỗi ngày đọc trọn một tràng kinh Mân Côi, kiêng hết
các thức hoa quả, mặc dầu chỉ có hoa quả mới hợp với tì vị ngài.
Ngài rất vui mừng vì ngày đó Đức Mẹ Ma-ri-a khỏi phải chịu đau
khổ nữa. Thật cũng là một đặc ân Mẹ ban: ba lần vào các năm 1769,1773
và 1775, cứ vào ngày áp lễ Mẹ Lên Trời là ngài lại được những
đặc ân quan trọng do Đức Cơ-lê-măng XIV và Pi-ô VI ban cho dòng.
Mỗi năm vào ngày 21 tháng 11, thánh nhân lại tổ chức một lễ cực
kỳ long trọng ở đền thờ núi Ác-gen-ta-ri-ô. Dầu yếu đuối, đi lại
vất vả, ngài cũng tình nguyện leo núi để tỏ lòng yêu mến Mẹ.
Ngài yêu thích Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Sầu Bi trên hết, không những
vì ngài đã phải chịu đau khổ lâu dài mà còn chính vì nhiều lần
Mẹ đã đoái thương cho ngài thông hiểu những đau khổ rất mực Mẹ
phải chịu. Ngài sánh những đau khổ của Chúa Giê-su và của Mẹ với
hai đại dương mà đại dương này chảy vào đại dương kia: “Đau thương
của Mẹ Ma-ri-a dường như Địa Trung Hải... Từ biển này ta vượt
sang một đại dương thứ hai không bến. Đó là sự thương khó Chúa
Giê-su.”
Theo hiến pháp dòng, các tu sĩ Thương Khó dâng rất nhiều kinh
nguyện và việc sùng kính lên Mẹ Ma-ri-a, noi gương thánh tổ sáng
lập.
Mẹ Ma-ri-a cũng từng chúc lành cho những tu sĩ Thương Khó con
cái Mẹ, những người tình nguyện cùng đứng với Mẹ trên núi Can-vê.
Mẹ
Ma-ri-a lại ban cho dòng những đấng thánh thời danh như thánh
Vi-xen-ti Sơ-tram-bi (Vicenti Strambi, 1745-1821), đấng thánh
đủ khả năng thi đua với thánh Gáp-ri-en Thương Khó (1038-1862),vị
thánh đã sinh ra để truyền bá tình yêu mến đau thương.
6.
Dòng Chúa Giê-su và Đức Mẹ (Congregatio Jesu et Mariae)
Nếu
những dòng tu tôi lược thuật ở trên thường có một nguồn gốc có
tính cách nhiệm mầu, phát xuất từ trời cao, thì những dòng tu
sẽ trình bày dưới đây lại thường là sản phẩm của những tư tưởng
thâm thúy về Mẹ Ma-ri-a. Những dòng này có một học thuyết về Đức
Mẹ làm nền tảng cho lòng sùng kính của mình.
Dòng Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a là dòng đầu tiên xây trên nền tảng
học thuyết Thánh Mẫu. Dòng được sáng lập do thánh Gio-an Êu-đê
(1601-1680) ngày 25 tháng 3 năm 1643, đúng ngày lễ Mẹ Chịu Thai
Chúa. Chúng ta hẳn ai cũng nhớ thánh Êu-đê là một vị thánh xứng
danh tông đồ tiên khởi của Trái Tim Đức Mẹ. Cuộc đời thánh nhân
đã chìm sâu trong tình Mẹ, đến nỗi thánh nhân đã làm một việc
mà thoạt nghe chúng ta cho là chói tai hết sức: đó là việc thánh
nhân hồi lên mười tám tuổi đã kết hôn với Đức Mẹ. Thánh nhân tự
ý dâng trót đời cho Mẹ và rút nhẫn mình xỏ vào ngón tay một tượng
Đức Mẹ để tượng trưng cuộc phối hiệp mầu nhiệm ấy (đây là một
học thuyết rất cao, trước thánh Êu-đê, thánh Ét-mong đơ Can-tơ-be-ri
cũng đã thực hành như vậy).
Từ đó, thánh Gio-an Êu-đê chuyên tâm gẫm suy và nghiên cứu khoa
Thánh Mẫu học. Trong các tác phẩm ngài để lại, chúng ta rút được
ba nguyên tắc sau đây về học thuyết Thánh Mẫu:
a) Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a hợp nhất trong một liên kết độc nhất
vô nhị. Chúa và Mẹ là hai nền tảng tối sơ của đạo Công Giáo, hai
nguồn mạnh sống động mọi ơn phúc, hai chủ đề của lòng ta tôn sùng,
hai đối tượng ta phải nhìn ngắm luôn trong mọi hành vi cử chỉ.
Đó là mầu nhiệm Đức Mẹ.
b) Ta phải ngắm nhìn và thờ lạy Chúa Giê-su trong Mẹ Ma-ri-a.
Chúa là hữu thể, là sự sống, sự thánh thiện, là vinh hiển, uy
quyền và sự cao trọng của Mẹ. Tự Mẹ, Mẹ là hư vô, nhưng với Chúa
Giê-su, Mẹ rất cao cả.
c) Ta phải tiếp tục học tập các nhân đức và những tâm tình yêu
mến, thảo hiền, tận tâm mà Chúa Giê-su đã từng thực hành đối với
Mẹ: mà Chúa Giê-su đã yêu mến Mẹ một cách hết sức trọn lành, nên
ta cũng phải theo lối Chúa.
Những nguyên tắc trên, ngài muốn rao giảng cho mọi người. Ngài
đã dẫn giải tường tận trong các tác phẩm của ngài, ngài còn muốn
có người tiếp tục công việc ấy mãi. Nên ngài đã lập dòng nữ Đức
Mẹ Bác Ái (Ordre de Notre-Dame de la Charité), rồi năm 1643, lại
lập dòng Chúa Giê-su và Đức Mẹ. Ngài công nhiên hiến dâng cả hai
dòng cho Trái Tim Đức Mẹ. Theo cha Bác-bê (Barbe), đó là hai dòng
đầu tiên được hiến dâng cho Trái Tim Mẹ. Ngài lại chuẩn bị lập
lễ kính Trái Tim Mẹ, đặt bài lễ và kính nhật tụng về lễ này.
Trong hiến pháp dòng ngài lập, thánh Gioan Êu-đê truyền con cái
ngài phải nỗ lực truyền rao lòng sùng kính Mẹ. Ngài viết: “Thứ
bảy nào cũng phải giảng về Đức Mẹ: về những phương pháp kính yêu
Mẹ, nhất là, dạy cho dân chúng biết cách đọc kinh Mân Côi cho
hoàn hảo. Và dạy cho họ về Trái Tim chí thánh của Mẹ.”
Các tu sĩ dòng đã hăng say thực hành huấn lệnh trên đây. Ngay
từ đời ngài, các tu sĩ ấy đã biến miền Noóc-măng-đi (Normandie)
nghèo tinh thần sống đạo trở nên sốt sắng. Từ đó tràn sang Buốt-gô-nhơ
(Bourgogne), Bơ-rê-ta (Bretagne), Pa-ri... Phong trào lan rộng
nhất trong thế kỷ XVIII.
Ngoài việc rao giảng, các tu sĩ dòng còn noi gương thánh tổ phụ
trong việc truyền bá lòng sùng kính Mẹ bằng ngòi bút. Những tác
giả thời danh về Thánh Mẫu học ở thế kỷ XVIII cũng là các tu sĩ
dòng Chúa Giê-su và Đức Mẹ phần nhiều, như cha Ri-sa Coóc-nây
(Richard Corneille, +1700), cha Lơ Van-ni (Le Vanni, +1730), cha
Bơ-ri-ê (Beurrier +1782)... Thế kỷ XIX và XX cũng sản xuất cho
dòng nhiều cây bút Thánh Mẫu đặc sắc như các cha Đô-phanh (Dauphin),
Lơ Đô-rê (Le Doré), Lơ-bơ-ruyn (Lebrun), Gô-đơ-rông (Gauderon),
Bu-đơ-rôn (Boudreault), nhất là cha Lơ-bét-công (Lebesconte).
Nhưng dấu vết Thánh Mẫu sống động nhất dòng để cho Giáo Hội là
các đoàn hội Đức Mẹ. Đến đâu các tu sĩ dòng cũng chú tâm đến việc
gầy dựng các đoàn hội ấy một cách có phương pháp và hiệu lực.
Hoạt động này lại được các nữ tu dòng Đức Mẹ Bác Ái trợ lực, càng
thêm nảy nở; đoàn hội này đốt nóng đoàn hội kia. Không khí Thánh
Mẫu mà các tu sĩ dòng tạo nên đã lan tràn khắp nơi. Ngay trong
năm 1742, một mình cha Đơ Ga-li-phê (de Gallifet) đã nhìn nhận
tám mươi tám trung tâm đoạt động. Cuối thế kỷ trước, dòng mở rộng
phạm vi sang Mỹ Châu. Ở đây, hoạt động Thánh Mẫu cũng gây được
những trào lưu rất mạnh. Nhất là tổng hội Vệ Binh Danh Dự Trái
Tim Đức Mẹ, phát xuất năm 1912 ở đan viện Bơ-dan-công (Besancon).
Ngày nay tổng hội có từ bốn đến năm trăm ngàn hội viên, mỗi ngày
nhận một giờ dâng hiến Trái Tim Đức Mẹ.
Ngày 25 tháng 7 năm 1851, dòng được sắc tứ ca tụng của Tòa Thánh.
Hiện nay, dòng phát triển và hoạt động mạnh nhất ở Âu Châu và
Mỹ Châu.
Ở đây cũng nên thêm rằng, ngoài hai dòng tu thánh Gio-an Êu-đê
đã lập trên, học thuyết của ngài còn khơi dậy trong tâm hồn hai
vị tông đồ khác những dự định vĩ đại. Đó là cha Pi-e đơ Cơ-lô-ri-vi-e
(Pierre de Clorivière) và cha Ma-ri-a Giu-se Cu-ranh (Marie Joseph
Coudrin). Cha Pi-e đơ Cơ-lô-ri-vi-e (1735-1820) sáng lập dòng
Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ và dòng Linh Mục Thánh Tâm Chúa. Cha đã
thổi lên một luồng gió tôn sùng Mẹ Ma-ri-a cách nồng nhiệt lạ
lùng trong các tu sĩ của cha. Cha đã đưa vào đó một nền thần bí
học rạng sáng những ánh quang sâu nhiệm và kỳ diệu trong việc
suy ngắm mầu nhiệm Thánh Mẫu và Giáo Hội.
Cha Ma-ri-a Giu-se Cu-ranh (Marie Joseph Coudrin, 17 8-1837) lập
dòng hai Thánh Tâm Giê-su Ma-ri-a để liên tiếp chầu Thánh Thể.
Cha rất năng nhắc lại rằng: ngài coi Trái Tim Mẹ Ma-ri-a là con
đường rộng mở để ta tiến vào Trái Tim Chúa Giê-su. Sự liên kết
giữa hai Thánh Tâm này phải làm cho các tu sĩ trở thành những
bánh thánh sống động cho Giáo Hội nhiều vị anh hùng mà trong số
đó, có lẽ ta không lạ gì với tên cha Ma-tê-ô Cơ-rô-lơ Bô-vây (Mateo
Crawleyr Boevey), vị sứ giả Thánh Tâm và chân phước Đa-miêng (Damien),
tông đồ người hủi.
7. Dòng Tu Đức Mẹ (Societas Mariae)
Sau
những dòng tu trên, ta phải kể đến dòng Đức Mẹ. Dòng thành lập
ở Boóc-đô (Bordeaux, Pháp) năm 1817. Vị sáng lập là cha Guy-ôm
Giu-se Sa-mi-nát (Guillaume Joseph Chaminade, 1761-1850). Trước
đó, cha cùng với hai em cũng là linh mục, chỉ huy trường Xanh
Sác-lơ đơ Muy-di-đan (Saint Charles de Mussidan). Cách mạng Pháp
nổi lên, cha phải đày sang Sa-ra-gô-sa (Saragosse), Tây Ban Nha.
Ở đây, cha đã từng đến say sưa suy ngắm trong đền thờ Đức Mẹ Cột
Đá (Note Dame del Pilar). Thanh bình trở lại, cha về Pháp và lập
hiệp hội Đức Mẹ Vô Nhiễm, kết nạp được 700 hội viên dâng mình
cho Mẹ Vô Nhiễm và hoạt động tông đồ dưới sự săn sóc của Mẹ. Đó
chính là nền tảng của hai hội dòng cha sẽ thành lập sau này. Nhờ
được cô A-đen đơ Tran-cơ-ê-ông (Adèle de Trenquelléon) giúp, cha
lập tu hội Nữ Tử Mẹ Vô Nhiễm. Một năm sau, cha chính thức tuyên
lập dòng Đức Mẹ đặt tên cho tu sĩ là Ma-ri-a-nít (Marianiste:
người thuộc về Đức Mẹ). Cha qua đời năm 1850, sau nhiều năm hướng
dẫn dòng. Án phong chân phước cho cha đã được Tòa Thánh nhận tra
cứu từ năm 1918.
Học thuyết Thánh Mẫu của cha làm nền tảng cho hai tu hội cha lập,
cũng tương tự học thuyết của thánh Mong-pho, nhưng không hề ảnh
hưởng của vị đại thánh này, vì cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ của
thánh Mong-pho bị lạc mất tới năm 1842 mới tìm được. Cha chủ trương
mọi giáo hữu phải thuộc trọn về Mẹ Vô Nhiễm một cách bất khả thu
hồi. Việc tuyên khấn trong dòng cha lập là một việc tuyên xưng
thuộc hẳn về Mẹ. Ngoài ba lời khấn theo thường lệ, dòng của cha
còn một lời khấn đặc biệt là khấn bền đỗ, nghĩa là kiên trung
phụng sự Mẹ. Giáo Hội đã công nhận lời khấn đối với tất cả ý nghĩa
Thánh Mẫu của nó.
Theo cha, sự thuộc hẳn về Mẹ đây có tính cách hiếu tử. Cha nhấn
mạnh đến điểm phải noi gương Chúa Giê-su trong việc tôn kính Mẹ.
Các tu sĩ Ma-ri-a-nít luôn phải cố gắng diễn lại tình yêu đó in
vào tâm hồn giáo hữu. Tình hiếu tử tông đồ của dòng cha nhuộm
mầu sắc “đấu tranh.” Thời đại dâng ngầu sự dữ của bè rối vũ bão,
lãnh đạm với tôn giáo, chối đạo khắp nơi, thì dòng Đức Mẹ cũng
chen vai “dưới cờ Mẹ” hăng hái băng mình ra mặt trận đức tin,
chiến đấu cho quyền lợi Thiên Chúa, đức tin là nhân đức nền móng
của dòng cha. Bên cạnh tinh thần đức tin, các tu sĩ Ma-ri-a-nít
còn có một tinh thần gia đình rất đặc sắc, tin thần này rõ ràng
là ơn đặc biệt của Đức Mẹ và là một điều kiện cho việc tông đồ
thành công; lại còn tinh thần nội tâm, tinh thần đơn sơ, khiêm
nhượng, những đức tính cần thiết của một người con Đức Mẹ.
Cha dồn cho các tu sĩ Ma-ri-a-nít thâm tín rằng “họ chỉ đem các
linh hồn về với Chúa Giê-su được qua Đức Mẹ.” Lời khấn bền đỗ
của họ có nghĩa là “đặc biệt tận tâm với Mẹ, hết lòng thảo hiếu
truyền bá Mẹ cho mọi người tôn kính, với hết sức mình và cộng
tác với anh em, trong bất cứ một hoàn cảnh nào trên đời.” Tu sĩ
Ma-ri-a-nít cùng nhau chiến đấu dưới “khẩu lệnh xung phong”: Maria
duce, nhờ Mẹ hướng dẫn. Hồn tông đồ của họ là hồn phổ quát: việc
gì, ở đâu, thế nào, khi nào, tại sao, cho ai, nhất nhất đều phải
thấm nhuần tinh thần Mẹ, y như lời Mẹ nói với đám gia nhân tiệc
cưới Ca-na ngày xưa: “Hãy làm tất cả những điều Ngài bảo.”
Dòng tu Đức Mẹ còn có hai khẩu lệnh. Một là “tăng triển giáo dân,”
tu sĩ không được ngừng lại trong việc truyền bá Mẹ, mà phải lao
mình đi chinh phục không ngơi. Hai là “tinh thần thích nghi.”
Trong tiết nhất của hiến pháp dòng, cha viết: “Dòng tu nhỏ bé
này quyết định hoạt động trên thế giới để cứu rỗi các linh hồn
bằng những phương tiện thích nghi với nhu cầu và tinh thần thời
đại.” Do tinh thần thích nghi này, cha đã tổ chức dòng tu Đức
Mẹ thành ba bậc: tu sĩ linh mục, tu sĩ học tập và tu sĩ thủ công.
Cả ba bậc cùng mang một trách nhiệm chung. Cha hiểu rằng trong
xã hội mới, giới thủ công được ưu đãi nhiều, nên cha đều nhìn
cả ba bậc trong dòng cha lập bằng cùng một ánh mắt. Phải liên
kết cả ba bậc với nhau mới chinh phục được thế giới cho Chúa Giê-su,
Maria duce.
Ngày nay, những công việc chính thức của dòng Đức Mẹ là truyền
giáo, giáo dục. Nhưng theo cha Sa-mi-nát, giáo dục phải choán
gồm hết mọi phương pháp để đem đạo thánh và trí khôn vào tâm hồn
con người, huấn luyện họ từ tuổi thơ đến tuổi già theo một xu
hướng nhiệt thành và tín nghĩa xứng một tín hữu đích danh.
8.Tu Hội Đức Mẹ (Societas Mariae)
Tu hội Đức Mẹ là một dòng trùng tên với dòng Đức Mẹ vừa thuật
trên, nhưng các tu sĩ mang tên là Ma-rít (Maristes), khác với
các tu sĩ dòng Đức Mẹ là Ma-ri-a-nít. Tu hội này do cha Gio-an
Cơ-lốt Cô-lanh (Jean Claude Colin, 1970-1875) sáng lập.
Ngày 23 tháng 7 năm 1816, mười hai thanh niên thành phố Li-ông
dự một thánh lễ trong đền thời cổ kính Đơ Phu-vi-e (de Fourvière).
Sau lễ, tất cả cùng đọc một kinh hứa sẽ vào một dòng Đức Mẹ để
hoạt động cho danh Cha cả sáng hơn. Thánh lễ đó do cha Cô-lanh
cử hành. Và thời gian trôi, trong số mười hai thanh niên kể trên,
có bốn người chung chí hướng với cha Cô-lanh lập nên tu hội Đức
Mẹ.
Tu hội của cha tiến phát trong âm thầm, kín nhiệm. Vì theo cha,
Mẹ Ma-ri-a ưa bầu không khí thanh bình khiêm nhượng để làm việc.
Cha cao tiếng tuyên dương Mẹ Ma-ri-a là đấng sáng lập dòng của
cha trong đại công hội của dòng Ma-rít năm 1870:
“Tu hội của chúng ta có Mẹ Ma-ri-a là vị sáng lập, Mẹ là bề trên
luôn luôn. Đừng nói tôi là vị sáng lập. Tôi chỉ là người trước
nhất trong dòng... Tôi tuyên xưng rằng ý tưởng đầu tiên về tu
hội đến với tôi không do người nào cả... Tôi chỉ có bổn phận trao
cho anh em những ý tưởng sơ khởi về dòng, những ý tưởng đó không
phải của tôi... Anh em hãy đề phòng với tinh thần canh cải...
Hết thảy anh em chỉ phải có một tinh thần, đó là tinh thần Na-da-rét...’’
Mấy ngày sau, cha lại tuyên bố: “Tu hội hãy tiếp nhận lề luật,
không phải như một công trình của đại công hội, hay của một người
chỉ là dụng cụ bất xứng của Mẹ, nhưng hãy nhận như lề luật của
chính Mẹ ban.’’
Hai năm sau khi cha qua đời, đại công hội họp ngày 16 tháng 8
năm 1872 lại “tuyên dương Mẹ Ma-ri-a là Đấng Sáng Lập và là Bề
Trên vĩnh viễn của dòng.’’
Khẩu hiệu của dòng là Ecce Ancilla Domini (Này tôi là đầy tớ của
Chúa) và mỗi tu sĩ Ma-rít phải quyết định sống cuộc đời Đức Mẹ
(hiến pháp, 1), phải tôn kính đặc biệt các thánh có lòng sùng
kính Mẹ cách riêng.
Từ gốc cây khiêm nhượng này đã trổ sinh một thân cây to lớn, cành
lá rườm rà. Tôi muốn nói tu hội Đức Mẹ là nơi phát sinh của dòng
Tiểu Đệ Đức Mẹ, dòng Tiểu Muội Đức Mẹ, hội Dòng Ba của Đức Mẹ
và dòng Linh Mục Chầu Thánh Thể.
Dòng Tiểu Đệ Đức Mẹ là công trình của cha Mác-xơ-lanh Sam-pa-nha
(Marcellin Champagnat, 1789 - 1840). Cha là một tu sĩ Ma-rít thời
danh, theo ơn soi động và nhu cầu lập nên dòng Tiểu Đệ Đức Mẹ
để sống “cuộc đời Bê-lem và núi Can-vê,’’ khác với cha Cô-lanh
đã chủ trương sống cuộc đời Na-da-rét. Phần riêng cha, cha chỉ
là một người “dốt nát’’ như thánh Gio-an Vi-a-nê. Cha làm linh
mục chỉ vì cha yêu cầu nguyện và giàu thiện chí. Dòng của cha
chuyên về giáo dục. Cũng lại dùng tinh thần khiêm nhường, nghèo
khó và bỏ mình hoàn toàn như dòng Ma-rít, tiểu đệ Đức Mẹ phải
âu yếm, hiền từ với trẻ em mình giáo dục, nhất là phải kính trọng
các em vì là hình ảnh Chúa Hài Nhi.
Dòng
Linh Mục Chầu Thánh Thể do thánh Phê-rô Du-liên Ây-ma (Pierre
Julien Eymard, 1811-1868) sáng lập. Ngài vào dòng Ma-rít ngày
20 tháng 8 năm 1839. Sau năm năm phụng sự Mẹ trong dòng, ngài
đã được chính cha Cô-lanh và vị bề trên kế tiếp cha quí trọng
rất mực vì cuộc đời thánh đức của ngài. Ngài nuôi một lòng tôn
sùng yêu mến Mẹ một cách thơ ngây non dại. Ngài rất yêu mến Đức
Mẹ dưới tước hiệu đức Mẹ Thánh Thể, nhất là ngài gọi Mẹ là gương
mẫu của những người tôn thờ Thánh Thể.
Năm 1856, ngài vâng lệnh cha Cô-lanh, ngậm ngùi bỏ dòng Ma-rít
để đi sáng lập dòng Linh Mục Chầu Thánh Thể, xây dựng thêm một
tước hiệu mới hiến dâng Đức Mẹ: Đức Mẹ Thánh Thể.
9. Dòng Thừa Sai Tận Hiến cho Mẹ Vô Nhiễm
Dòng Thừa Sai Tận Hiến cho Mẹ Vô Nhiễm, theo lời Đức Lê-ô XII
trong thư Si Tempus Unquam, là dòng đã lĩnh nhận đặc quyền và
đặc nhiệm của Đức Mẹ do Giáo Hội trao cho. Dòng thành lập vào
tháng giêng năm 1816 do đức cha Sác-lơ Giu-se Êu-giê-nô đơ Ma-dơ-nô
(Charles Joseph Eugène de Mazenod, 1782-1861). Dòng có sứ mạng
làm tông đồ truyền giáo cho dân nghèo và dân ngoại. Như lời văn
thư Giáo Hoàng đã kể trên: “Mối ước vọng tha thiết của Ta là các
tu sĩ dòng này, đã được đặt dưới quyền bầu chủ của Mẹ Vô Nhiễm,
hãy hết sức, nhất là bằng gương sáng, đem vào lòng Mẹ Thương Xót
những người mà Chúa Giê-su đã nhận làm con trên Thánh Giá.’’
Đi sát theo mục đích truyền giáo, dòng Tận Hiến chú trọng đến
việc rao giảng Mẹ Vô Nhiễm bằng lời cầu nguyện, nghiên cứu và
hoạt động. Ngay từ sơ khai, dòng đã chăm chú ưu luyện đời nội
tâm dưới cặp mắt hiền từ của Mẹ. Ở hoạt động bề ngoài, Mẹ Vô Nhiễm
cũng chiếm địa vị ưu tiên. Tu sĩ Tận Hiến coi là một bổn phận
việc truyền bá đặc ân Vô Nhiễm của Mẹ, Mẹ Vô Nhiễm phải đi trước
hết mọi việc của tu sĩ Tận Hiến. Để được thế, tu sĩ phải đào sâu
vào mầu nhiệm Vô Nhiễm của Mẹ ngõ hầu tỏ cho giáo dân biết rõ
Mẹ thật là trung tâm tình thương xót của Chúa, là đường lối thẳng
thắn và bắt buộc để đi tới Chúa, là phương pháp dễ dàng để hiểu
đúng Chúa đối với loài người thế nào trong nhiệm vụ cứu rỗi hiện
tại.
Tinh thần phấn khởi mọi hoạt động của dòng đó đã rạng sáng trong
các thánh đường dâng kính Mẹ, các trung tâm hành hương kính viếng
Mẹ mà đức cha Ma-dơ-nô gọi là những tiền đồn trong cuộc chiến
đấu giữa tình thương với sự dữ. Ngài muốn cho các tu sĩ dòng ngài
đem hết tình kính ái những nơi đó. Ta thấy ở Pháp các cha Thừa
Sai Tận Hiến đã là những lữ đoàn bảo vệ nhiều thánh đường và trung
tâm hành hương của Đức Mẹ. Hoạt động của dòng còn lan rộng sang
Ca-na-đa và sang Á Châu, nhất là Tích Lan và Lào. Ở Ca-na-đa,
trung tâm hành hương nổi tiếng nhất là Đức Mẹ Cáp chính là công
trình của các cha Tận Hiến. Tích Lan nổi danh với đền thờ Notre
Dame de Lanka, và chính nhờ lòng sốt sắng của đức cha Ma-sông
(Masson), một tu sĩ Tận Hiến, mà Tích Lan đã được hiến dâng cho
Trái Tim Mẹ Vô nhiễm. Ở Lào, các cha Tận Hiến nỗ lực truyền bá
danh thánh Mẹ Vô Nhiễm và Chúa Giê-su cho quốc dân Lào. Cũng nên
nhớ rằng không có trung tâm hành hương nào của Mẹ ở Việt Nam mà
vắng bóng các cha Tận Hiến ở Lào sang dự, trong những kỳ đại hội.
Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc ở Sài Gòn năm 1959 cũng được hân hạnh
đón tiếp một phái đoàn giáo lữ Lào quốc dưới sự hướng dẫn của
các cha Tận Hiến người Pháp và người Việt. Phái đoàn có lưu niệm
tại Việt Nam bằng một số ảnh Đức Mẹ dưới tác hiệu “Thánh Mẫu Lào’’
theo nét vẽ của họa sĩ Van-Canh.
Về hoạt động nghiên cứu mầu nhiệm Mẹ Vô Nhiễm, ngay từ khi Giáo
Hội chưa tuyên bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm, các thừa sai Tận Hiến
đã công khai truyền bá học thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm trên tòa giảng
và trong nhiều tác phẩm đạo đức. Các tác giả thời danh của dòng
về Mẹ Vô nhiễm là cha Co-nơ (Corne), cha Báp-phi (Baffie). Trường
đại học Ốt-ta-goa (Ottawa) Ca-na-đa cũng là trường sở hoạt động
của các cha Thừa Sai Tận Hiến trong khoa Thánh Mẫu học.
10. Những Dòng Tu của Trái Tim Mẹ
Những
dòng tu của Trái Tim Mẹ ở đây có nghĩa là những dòng đặc biệt
tôn sùng Trái Tim Mẹ, chứ không như một ít dòng đã kể ở trên mới
hiến dâng dòng mình cho Trái Tim Mẹ.
Tôi muốn nói trước hết đến dòng Thừa Sai Con Trái Tim Đức Mẹ.
(Congregatio Messionariorum filiorum Immaculati Cordes B.M.V)
do thánh An-tôn Ma-ri-a Cơ-la-rê (Antoine Marie Claret, 1807-1870)
sáng lập. Dòng được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1849, và
chỉ mười một năm sau, ngày 21 tháng 11 năm1860 đã được sắc tứ
ca tụng của Tòa Thánh.
Hiến pháp của dòng thật là một cuốn sách nêu những nguyên tắc
và việc thực hành lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Ngay trong bản
tuyên lời khấn cũng có: “Tôi cũng xin dâng hiến trót mình để phụng
sự Chúa và Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Ma-ri-a.’’ Tục lệ của dòng
lại giải nghĩa rộng thêm những khoản về lòng sùng kính Trái Tim
Mẹ ở hiến pháp. Các tập sinh phải được huấn luyện đặc biệt để
yêu mến yêu Trái Tim Mẹ, dường như họ là những thai nhi Mẹ ẵm
yêu trong Trái Tim Mẹ để chờ ngày sinh ra làm con Trái Tim Mẹ
(P.I, số 109). Sau khi tuyên lời khấn, tu sĩ đọc bản dâng mình
cho Trái Tim Mẹ. Tinh thần sùng kính Trái Tim Mẹ lan ngập hết
các hoạt động của dòng.
Ngoài hiến pháp, dòng còn một cuốn thủ bản nữa là Tinh Thần Dòng,
do cha Giu-se Xíp-rê (Joseph Xifré) vị đồng sáng lập, viết ra.
Cuốn này chú trọng rất nhiều đến việc tôn sùng Trái Tim Mẹ và
được tu sĩ đặt ngang hàng với hiến pháp. Chính cuốn này làm nên
vẻ đẹp của dòng. Trong sách có những dòng khuyến khích tu sĩ hăng
hái mếu yêu Trái Tim Mẹ: “Chúa đã phó trao cho chúng ta một kho
tàng vô giá, đó là Trái Tim Mẹ, để chúng ta trở nên tông đồ của
Trái Tim Mẹ và sống cuộc đời của Mẹ.’’ “Chúng ta hãy sống xứng
danh con yêu của Mẹ... vì thành ngữ “con của Trái Tim Mẹ’’ tỏ
ra một tình yêu đặc biệt khác với những người con khác.’’
Nhờ tinh thần ấy hun nóng, các thừa sai dòng đã hoạt động ráo
riết cho Trái Tim Mẹ. Năm 1862, xin được cho cả hoàn cầu mừng
lễ Trái Tim Mẹ do sắc Regni Huspaniae: 1877, xin được Đức Pi-ô
IX ưng nhận áo Trái Tim Mẹ và ban nhiều ân xá. Ngay từ trước khi
Đức Mẹ truyền ban mệnh lệnh tôn sùng Trái Tim Mẹ ở Fa-ti-ma, dòng
đã xin được Tòa Thánh chuẩn ưng và ban ân xá cho những người đền
tạ Trái Tim Mẹ ngày thứ bảy đầu tháng.
Một cha bạn thân của thánh Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho là Pu-a đề
Phơ-la (Poullart des Places) cũng đã sáng lập từ năm 1703 một
dòng gọi là dòng Linh Mục Chúa Thánh Thần và Trái Tim Vô Nhiễm
Mẹ Ma-ri-a. Năm1769, cha qua đời. Công việc tưởng tan rã, nhưng
Trái Tim Mẹ, Bạn dấu yêu của Chúa Thánh Thần vẫn bang trợ, dòng
tiến ít nhiều cho đến Đại Cách Mạng thì tàn hẳn. Ngọn lửa yêu
mến Trái Tim Mẹ lại bùng lên vào năm cha Đê-gơ-nét (Desgenette)
lập hội kính Trái Tim Mẹ ở nhà thờ chính tòa Pa-ri. Một linh mục
người Do Thái qui hồi, con của thầy ráp-bi (rabbi), đã lập lại
dòng của cha Pu-a đề Phơ-la. Đó là cha Gia-cóp Li-bơ-man(Jacob
Libermann). Hồi còn là chủng sinh, Li-bơ-man mắc trọng bệnh tưởng
không thể lĩnh chức linh mục. Nhưng rồi tay Mẹ nhân lành đã dẫn
đưa cha tới bàn thánh. Cha say mê lý tưởng truyền giáo cho người
da đen mà hội kính Trái Tim Mẹ hằng cầu nguyện cho. Thế là cha
băng mình hoạt động cho dòng theo lý tưởng của cha Pu-a đề Phơ-la
từ hơn một thế kỷ trước. Ngày 24 tháng 8 năm 1848, thánh bộ Truyền
Giáo ưng nhận dòng của cha, lúc đó mới có bảy mươi lăm người.
Dòng
tu thứ ba của Trái Tim Mẹ tôi muốn trình bày ở đây là dòng Anh
Em Thánh Vinh Sơn Phao-lô do cha Lơ Pơ-rê-vô (Le Prévot) sáng
lập năm 1845.
Tên dòng của cha chẳng gợi cho ta một ý niệm nào Trái Tim Mẹ,
hay Đức Mẹ cả. Nhưng hồn sống và mục đích của dòng thì lại là
tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ và Đức Mẹ La Sa-lét. Cha viết về Trái
Tim Mẹ: “Đó là đền thờ của ta, là bàn thờ của ta, lời kinh và
hi sinh của ta phải dâng lên từ đó! Đối với ta, Trái Tim Mẹ là
trường học, là nơi trú ẩn, là đền thờ của ta vậy!” Nước mắt Mẹ
La Sa-lét cũng khơi lên trong cha một lòng sùng kính đặc biệt.
Cha lập ra lệå đền tạ Mẹ ngày thứ bảy đầu tháng trong dòng cha
và khuyên giục giáo hữu tham dự. Một điều đáng chú ý là cha cũng
đem lòng tôn sùng Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc vào dòng của cha nữa.
Việc tôn kính Mẹ nơi Anh Em Thánh Vinh Sơn Phao-lô càng tăng thêm
độ mạnh khi cha Gioóc-giơ Ben-lăng-giê (Georges Bellanger) nhập
dòng. Cha là một người “bị Đức Mẹ thôi miên,” là đại tông đồ kinh
Mân Côi, là vị thánh của kinh Kính Mừng. Cha đã đem tinh thần
tận hiến làm nô lệ Mẹ theo thánh Mong-pho vào thấm nhuần anh em
tu sĩ.
Trong hoạt động tông đồ, các Anh Em Thánh Vinh Sơn Phao-lô đặt
lòng tôn sùng Mẹ Ma-ri-a ở hàng đầu. Dòng căn cứ vào lòng tôn
sùng này mà tuyển trạch tông đồ tung ra hoạt động. Một bước tiến
về Trái Tim Mẹ rất khả quan là trong đại công hội của dòng họp
tại Tuốc-ne (Tournai), toàn thể nghị viện đã họp phiếu quyết nghị
dâng hiến toàn dòng cho Trái Tim Đức Mẹ ngày 8 tháng 9 năm 1920.
Dòng tu của Trái Tim Đức Mẹ sau cùng, theo tài liệu tôi có dưới
tay, là dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ do cha Tê-ô-phi Vê-bơ-ri
(Théophile Verbrit, 1823-1868) năm 1862. Năm 1865, dòng đã xin
Tòa Thánh cho phép mừng lễ Trái Tim Đức Mẹ trong dòng theo lễ
nghi bậc nhất có tuần tám ngày.
Dòng hoạt động ở Trung Hoa, Phi-líp-pin, Công-gô, đâu đâu các
tu sĩ cũng cổ động lòng sùng kính Mẹ cách rất đặc biệt.
11. Một Ít Dòng Tu Khác của Đức Mẹ
Trong số gần hai trăm dòng có truyền thống tôn sùng Đức Mẹ một
cách đặt biệt, tôi còn xin kể lại hết sức sơ lược dưới đây những
dòng tu nổi tiếng và mới thành lập từ khoảng giữa thế kỷ XIX đến
nay. Những dòng tu này phần nhiều đội danh thánh Mẹ hoặc một tước
hiệu của Mẹ, và hết thảy đều thi đua nhau triển dương lòng sùng
kính Mẹ ra khắp các nơi trên thế giới, làm ta nhớ đến một câu
thơ Công Giáo cổ Việt Nam về kinh Mân Côi, nếu ta gọi mỗi dòng
tu của Mẹ là một cây Mân Côi:
Vườn Ro-sa bao quanh trái đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền.
Một số những cây Mân Côi ấy là đây:
Dòng Anh em Đức Mẹ Lộ Đức lập năm 1888, thoát thai từ hội Anh
Em Nghĩa Cử (Broedes van goede werken) của cha Gơ-lo-ri-ơ (Glorieux
1802-1872) ở Bỉ. Mục đích của dòng là giáo dục và làm việc bác
ái. Dòng đang truyền giáo ở Công-gô, In-đô-nê-si-a và quần đảo
An-tin (Antilles).
Năm 1840, cha Lu-i Huy-be Ru-tơn (Louis Hubert Rutten, 1809-1891)
lập dòng Anh Em Đức Vô Nhiễm ở Mát-trích (Maestricht) để giáo
dục trẻ em.
Dòng
Anh Em Cứu Bệnh của Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm thành lập ở Rô-ma năm
1857, đang hoạt động trong các ký nhi viện và bệnh viện nước Ý
và Ác-hen-ti-na.
Cha
Sép-pơ (Scheppers, 1802-1877) lập dòng Anh Em Đức Mẹ Thương Xót
năm 1839 ở Bỉ để phát triển việc giáo dục thanh thiếu niên. Dòng
hiện nay có nhiều tu viện rải rác ở Bỉ, Hòa Lan, Y,Á Anh...
Một dòng nữa cũng trùng tên với dòng trên do cha Gui-sân (J. Zwijsen)
lập ở Hòa Lan. Các tu sĩ hoạt động từ thiện trong các nước Hòa
Lan, quần đảo An-tin và In-đô-nê-si-a.
Dòng Đức Mẹ Thánh Tâm do đức cha Sa-ép-man (Schaèpman) sáng lập
năm 1873 cũng chuyên về giáo dục.
Các dòng chuyên về giáo dục nhờ Mẹ dẫn dắt còn là dòng Anh Em
Thánh Gia (1835), dòng Anh Em Đức Mẹ Thất Sự (1851) ở Am-téc-đam,
dòng Anh Em Mẹ Vô Nhiễm và Mẹ Thiên Chúa (1854). Ngoài ra còn
có dòng chuyên chữa bệnh tâm trí như dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời
do cha Si-rông (Chiron) lập năm 1823.
Sau khi Đức Mẹ hiện ra ở La Sa-lét, đức giám mục địa phận Gơ-rơ-nốp
(Grenoble) lập dòng Thừa Sai Đức Mẹ La Sa-lét để giúp địa phận.
Năm 1879, dòng thuộc luật Giáo Hoàng và hoạt động ra ngoài cương
giới địa phận, lan tràn mười một quốc gia, không kể các nước Nam
Bắc Mỹ.
Chuyên về việc truyền giáo và mở các chủng viện thì có dòng Con
Đức Mẹ Vô Nhiễm, cha Bô-đô-ranh (Baudorin, +1835) lập năm 1828
ở Sa-va-nhơ (Chavagnes). Trước đó mười hai năm, hai cha Bơ-ru-nô
Lan-tơ-ri và Gio-an Rơ-nha-đi (Bruno Lanteri và Jean Regnardi)
đã lập ở Tu-ri-nô dòng Tận Hiến Cho Mẹ Đồng Trinh để cải tạo hàng
giáo sĩ, chống lại bè Giăng-sê-nít và báo chí xấu. Trước nữa,
năm 1821, kinh sĩ Pa-vô-ni (Pavoni) cũng đã lập ở Mi-lan dòng
Con Đức Mẹ Vô Nhiễm để giáo dục thanh niên.
Cuối cùng, cũng nên kể đến dòng Linh Mục Thừa Sai Đức Mẹ Núi Si-on
của cha An-phong-sô Ma-ri-a Ra-ti-bông (Alphonse Marie Ratisbonne).
Cha là một người Do Thái rất cứng lòng, sau nhờ một mẫu ảnh Đức
Mẹ Hay Làm Phép Lạ mà trở lại, rồi vào dòng, rồi làm linh mục,
và lập ra dòng trên để nhờ Mẹ truyền giáo cho dân tộc của cha.
Cha cũng lập ra một dòng nữ cũng danh hiệu trên để giúp nhau đưa
anh em Do Thái về với Chúa Giê-su và Đức Mẹ.
Kim Diêu
|
|