ĐẠI KẾT VÀ ĐỨC MA-RI-A
Giữ một vị trí sát kề trung tâm mầu nhiệm cứu độ do tương quan
làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể nên Đức Ma-ri-a cũng có một quan hệ mật
thiết với mầu nhiệm Giáo Hội và sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tuy
nhiên, những cung cách trình bày về lòng tôn sùng và giáo lý về
mối tương quan giữa Giáo Hội với Đức Ma-ri-a đã là một nguyên
nhân quan trọng gây nên những mâu thuẫn chia rẽ và tiếp tục chia
rẽ các ki-tô hữu. Đôi khi vai trò ấy xem ra có vẻ tiêu cực, trở
thành tác nhân gây đối kháng. Nhưng trên căn bản thì vai trò của
Đức Ma-ri-a vốn phục vụ một mục tiêu tích cực, soi dẫn con đường
đưa các ki-tô hữu không ngừng tiến đến hiệp nhất trong Chúa Giê-su
Ki-tô.
1. “Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa’’ tại Công Đồng Ê-phê-sô
Một trong những cuộc tranh cãi gay gắt đầu tiên đưa đến việc chia
rẽ Ki-tô giáo từ thế kỷ V có liên quan đến giáo lý Ki-tô học về
bản tính và ngôi vị của Chúa Ki-tô. Các tín hữu An-ti-ô-ki-a nhấn
mạnh đến sự khác biệt giữa Nhân Tính và Thần Tính Chúa Ki-tô.
Giám mục Nét-tô-ri-ô đã đi quá xa đến nỗi xác quyết có sự tách
biệt hoàn toàn giữa hai “bản tính” nơi Chúa Ki-tô, phủ nhận hoàn
toàn mối hiệp nhất thực tế giữa hai bản tính ấy. Ngược lại, các
tín hữu A-lê-xan-ri-a lại nhấn mạnh đến sự kiện không có một mực
chuẩn (measure) chung giữa Nhân Tính và Thần Tính và hướng về
sự kiện Nhân Tính Chúa Ki-tô bị Thần Tính của Ngài hấp thụ (“chỉ
một bản tính duy nhất nơi Con Thiên Chúa Nhập Thể”- thánh Xi-ri-lô
A-lê-xan-ri-a), một khuynh hướng tất yếu dẫn đến bè Nhất Tính
(Monophysitism).
Khi tuyên bố Đức Ma-ri-a là “Theotokos,” Mẹ Thiên Chúa, Công Đồng
Ê-phê-sô đã khôi phục và nói lên sự nhất tâm của Giáo Hội về niềm
tin Ngôi Lời Nhập Thể. Giáo lý Thánh Mẫu này - Đức Ma-ri-a là
Mẹ Thiên Chúa - đã trở nên một nền đá mầu nhiệm của giáo lý chính
truyền và hiệp nhất.
2. Đức Ma-ri-a Trong Cuộc Tranh Biện giữa Công Giáo và Tin Lành
bên Tây Phương
Ki-tô giáo Tây Phương được tổ chức chặt chẽ quanh Giáo Hội Rô-ma
không những trên phương diện nghệ thuật mà còn trên phương diện
giáo lý. Dần dà theo thời gian, thần học cũng cố gắng trình bày
các đặc ân và vai trò của Đức Ma-ri-a trong nhiệm cuộc cứu độ.
Ngoài ra, địa vị của Mẹ trong phượng tự và niềm tin Giáo Hội cũng
được ca tụng và đảm bảo.
Tuy nhiên, địa vị Đức Ma-ri-a trong phượng tự và niềm tin không
phải là vấn đề cốt lõi trong các cuộc tranh luận lúc đầu giữa
Giáo Hội với phong trào Cải Cách hồi thế kỷ XVI. Chúng ta có thể
trưng dẫn các đoạn văn và kinh nghiệm của Lu-tê-rô, của Guyn-li
(Zwingli) và của các nhà thần học Anh Giáo để minh chứng niềm
tôn kính sùng mộ đối với Đức Ma-ri-a, Người Nữ được “muôn đời
ca khen diễm phúc.” Nhưng không lâu sau đó, giữa Công Giáo và
phong trào Cải Cách đã có nhiều bất đồng tranh cãi về đề tài Đức
Ma-ri-a. Những điểm ấy có liên quan đến việc sùng kính Đức Ma-ri-a,
các kinh dâng kính Mẹ, địa vị ưu việt vì được thông phần tích
cực trong công trình cứu độ của Mẹ, và những niềm tin liên quan
đến sự kiện đầu thai vô nhiễm và lên trời hồn xác của Mẹ, những
điều bị cho là không có nền tảng trong Thánh Kinh. Có thể nói
rằng, ngày nay trong số những bất đồng chủ yếu của anh em Tin
Lành có nhiều điểm liên hệ đến Đức Ma-ri-a. Những điểm ấy bao
gồm:
“Soli Deo gloria.” Vinh quang chỉ qui về một mình Thiên Chúa -
vì thế tôn kính Đức Ma-ri-a là liều rơi vào nạn tôn thờ ngẫu thần.
“Chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa
và con người.” Vì vậy - còn chỗ nào là chỗ dành cho địa vị trung
gian của Đức Ma-ri-a nữa, vậy mà lại đi nhờ Mẹ chuyển cầu khi
cầu nguyện làm gì...
“Sola fide, sola gratia” (chỉ bởi đức tin, chỉ bởi ân sủng). Nguyên
lý nền tảng của việc công chính hoá chỉ do đức tin mà thôi, không
hề do các việc làm, cho nên cần phải đặt lại vấn đề xem Đức Ma-ri-a
tham dự tích cực vào công trình cứu độ chúng ta.
“Scriptura sola” (chỉ duy Thánh Kinh): Nghĩa là những gì có trong
Thánh Kinh mới có thể trở thành niềm tin cho ki-tô hữu. Việc nại
vào Thánh Truyền như một nguồn phụ trợ cho Thánh Kinh là không
thể chấp nhận được. Nhưng Giáo Hội Công Giáo lại tin một số điều
về Đức Ma-ri-a không hề được mặc khải minh nhiên trong Tân Ước.
Vì những vấn đề tranh luận liên quan đến Đức Ma-ri-a ảnh hưởng
sâu sắc đến phương diện tình cảm nên cuộc đối thoại trở nên rất
khó khăn. Điều này lại càng khó đối với anh em Tin Lành Toàn Thống
(Fundamentalist) và Bảo Thủ (Conservative). Ngược lại nơi nào
có sự hoà hợp giữa những trào lưu thuộc Giáo Hội Thượng Tầng*
(High Church) và những trào lưu thuộc Giáo Hội Hạ Tầng* (Low Church)
thì cuộc đối thoại có thể dẫn đến kết quả.
Đó là trường hợp liên hệ đến Anh Giáo (trước kia và hiện nay),
có những người thuộc thành phần “Công Giáo’’ Cải Cách (Reformation
Catholics) và Phúc Âm phái (Evangelicals) vẫn thường xuyên đối
thoại và duy trì sự hiệp nhất trong việc cử hành các bí tích và
phụng vụ.
Trong
Anh Giáo, không những có những hình thức tôn sùng Đức Ma-ri-a,
các lễ kính Mẹ (như lễ Mẹ Dâng Con), các thánh đường mang thánh
danh Mẹ (như thánh đường Đức Trinh Nữ Ma-ri-a) v.v... mà từng
thời kỳ của Giáo Hội này còn có những trào lưu thần học đề cao
lòng sùng kính Đức Mẹ và niềm tin truyền thống về Mẹ (như các
cha Ca-rô-li-ni-an thế kỷ á XVII, phong trào Ốc-phớt thế kỷ XIX,
phong trào Anh Giáo - Công Giáo hiện nay ). Chúng ta có thể thấy
một số đông các nhà thần học thuộc khuynh hướng Phúc Âm phái (Evangelicals,
chủ trương tin rằng chỉ cần tin vào Chúa Ki-tô cũng đủ được cứu
độ) đang có những nghiên cứu mới mẻ về địa vị của Đức Ma-ri-a
trong Tân Ước và minh chứng về mối liên hệ không thể tách rời
giữa Thánh Mẫu học và Ki-tô học (xem John de Satgé, Mary and the
Christian Gospel, London, 1976).
Cuộc đối thoại theo đường hướng này giữa Giáo Hội Công Giáo Rô-ma
và các nhóm tiêu biểu không Công Giáo đã được bắt đầu. Trong bầu
không khí đầy thân hữu và tin tưởng lẫn nhau như hiện nay, ta
có lý do để hy vọng về những kết quả tích cực liên quan đến vấn
đề giáo thuyết và lòng tôn sùng Đức Mẹ. Về phía Công Giáo, có
thể nói đã có một cuộc về nguồn với những chứng cứ Thánh Kinh
nhờ việc ngày càng quan tâm hơn đến bộ môn thần học Thánh Kinh.
Kết quả là giáo lý Đức Ma-ri-a đã được tâm hướng về Chúa Ki-tô.
Chương 8 hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) là một điển
hình về việc định hướng ấy. Trong quá trình phát triển hữu quan,
ngày càng đông đảo anh em Tin Lành đã bắt đầu nghiên cứu chứng
cứ Thánh Kinh về Đức Ma-ri-a và tìm thấy nơi Chúa Giê-su Ki-tô
chìa khóa để có được một số hiểu biết tinh thần thực sự về mầu
nhiệm Đức Ma-ri-a.
3.
Đức Ma-ri-a Trong Ki-tô Giáo Đông Phương
Tây Phương sở dĩ có được một cuộc đối thoại như thế lý do chính
yếu là nhờ anh em Chính Thống Đông Phương đã tham gia vào một
quá trình đối thoại đại kết với Giáo Hội Công Giáo Rô-ma ngay
từ những năm đầu thập niên 1920. Đối với Giáo Hội Chính Thống,
giáo thuyết truyền thống Thánh Mẫu thuộc về chính cốt lõi đức
tin. Một Ki-tô giáo tách rời Đức Trinh Nữ sẽ là một thứ Ki-tô
giáo què quặt, hoàn toàn xa lạ với bản chất giáo huấn đã được
thiết lập.
Sự
kiên định ấy của Giáo Hội Đông Phương được thể hiện qua đối thoại,
và qua sự kiện phụng vụ dành cho Mẹ Thiên Chúa một địa vị nổi
bật trong việc mừng kính mọi mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Vì thế, khi
tiếp cận với phụng vụ Ki-tô giáo Đông Phương, chúng ta sẽ thấy
rõ ràng hơn đâu là địa vị của Đức Ma-ri-a trong quan hệ với Con
Mẹ và với Chúa Thánh Thần, cũng như địa vị của Mẹ trong lãnh vực
đức tin, phượng tự và đời sống hiệp thông của Giáo Hội.
Việc
đối thoại với Giáo Hội Đông Phương về đề tài Đức Ma-ri-a cũng
có thể giúp các tín hữu Công Giáo thấy được con đường đạt đến
một sự quân bình hơn, nhờ Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần, giữa
các mức độ đa dạng trong đời sống cá nhân, địa phương và toàn
cầu của Giáo Hội.
4.
Hướng về Một Cộng Đồng Biệt Hợp (Conciliar Community)
Con đường tiến đến hiệp nhất Ki-tô giáo ngày nay dường như hệ
tại ở việc theo đuổi để xây dựng một cộng đồng “biệt hợp,’’ bao
gồm các Giáo Hội Ki-tô giáo khác biệt nhau.Chúng ta đã thấy trong
khi Đức Ma-ri-a có lẽ đã là một dấu chỉ của sự bất đồng, thì việc
đối thoại về Mẹ hiện nay đã mở đường cho sự phát triển của cộng
đồng biệt hợp này. Đức Ma-ri-a hiện diện trong trái tim ký ức
sống động của Giáo Hội, một Giáo Hội tiếp nhận tặng ân hiện diện
của Chúa Thánh Thần. Với tặng ân này, Giáo Hội không ngừng mang
lại một sự canh tân cho Thân Thể Chúa Ki-tô giữa thế gian hiện
tại và hướng niềm hy vọng mọi tín hữu đợi chờ Chúa ngự đến : “Hãy
làm điều Ngài dạy’’ ( Ga 2:5).
Ghi chu á: * Giáo Hội Thượng Tầng : Bộ phận anh em Anh Giáo đề
cao quyền bính và nghi lễ, liên kết các giá trị ấy với các vị
chức sắc trong Giáo Hội.
*
Giáo Hội Hạ Tầng : Bộ phận anh em Anh Giáo không đề cao quyền
bính và nghi lễ trong Giáo Hội.
P. Dô-ben
|