ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN VÀ
LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MA-RI-A
Xem:
- Truyền Giảng Tin Mừng và Lòng Sùng Kính Đức Ma-ri-a
Đức Trinh Nữ có một địa vị quan trọng trong lòng đạo đức bình
dân, tức là lòng đạo đức của giới bình dân, những người nói chung
không thuộc tầng lớp trí thức, những người mà “trò chữ nghĩa”
(play of ideas) chẳng là gì đối với họ, nhất là trong các vấn
đề liên hệ đến niềm tin.
Những
chỉ dẫn tổng quát của Đức Phao-lô VI về lòng đạo đức bình dân
trong tông huấn Phúc Âm Hóa Thế Giới (Evangelii Nuntiandi, 48)
được áp dụng rất có ý nghĩa ở đây.
Có
người ắt hẳn chỉ nhìn thấy nơi lòng đạo đức bình dân (đối với
Đức Ma-ri-a) những giới hạn và nguy cơ rơi vào mê tín dị đoan
hoặc ngả theo chiều hướng “giáo phái.” Nhưng đức ái mục vụ và
thái độ tôn trọng thực tế sẽ kiến tạo một thái độ khôn ngoan hơn
đối với những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân, “vừa rất phong
phú vừa rất dễ bị lạm dụng này.”
Đối với lòng đạo đức bình dân (tôn sùng Đức Ma-ri-a), để có một
đường hướng tích cực trước hết đòi hỏi “phải nhạy cảm với nó,
biết cách nhận ra những chiều kích nội tại và giá trị không thể
chối cãi của nó, sẵn sàng giúp nó vượt qua những nguy cơ sai lạc.
Một khi đã được định hướng, lòng đạo đức bình dân có thể thực
sự trở nên một điểm gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô
cho ngày càng đông đảo anh chị em chúng ta hơn” (EN 48).
1.
Tính Cách Phong Phú
Lòng đạo đức bình dân có sức nhạy cảm đối với nhiều người trên
bình diện kinh nghiệm sống và tình cảm hơn là những công thức
trừu tượng và những tư tưởng chung chung. Đối với lòng tôn sùng
Đức Ma-ri-a, nó có một sức thu hút mạnh mẽ hơn những “chân lý
vĩ đại của đức tin.’’
Ví dụ, đối với nhiều người, mầu nhiệm Nhập Thể, khái niệm đức
tin, và ngay cả “Lời Chúa’’ vẫn hết sức trừu tượng. Nhưng việc
Đức Trinh Nữ Ma-ri-a làng Na-da-rét hân hoan và hết lòng tín thác
đón nhận lời tiên báo về Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa giáng sinh
là một điều vô cùng sống động và gần gũi với cuộc sống của họ.
Còn nữa, không mấy ai hiểu được mầu nhiệm Mẫu Tính của Giáo Hội
và Các Thánh Thông Công theo những ngôn từ trừu tượng, tuy nhiên,
mầu nhiệm ấy lại rất cụ thể nơi lòng đạo đức bình dân đối với
Đức Mẹ Ma-ri-a vì Mẹ cầu bầu cho chúng ta.
Đối
với “các niềm đau của Đức Ma-ri-a và mầu nhiệm Cứu Độ,’’ “mầu
nhiệm Mẹ Hồn Xác Lên Trời’’ và “bốn sự sau,’’ “mầu nhiệm Đức Mẹ
Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đầy Ân Sủng,’’ cũng gặp tình trạng như
thế.
Điều
này không có nghĩa là lòng tôn kính Đức Ma-ri-a của quần chúng
chỉ là một “thần thoại có tính biểu tượng,’’ một phóng tác được
tưởng tượng từ chân lý mặc khải. Phúc Âm Lu-ca và Gio-an đã trình
bày Đức Ma-ri-a là một con người cụ thể. Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã
vui lòng “hiện thực hóa’’ (cách mô phạm) những liên hệ tình yêu
Ngài dành cho tất cả nhân loại nói chung và cho từng cá nhân nói
riêng.
Do tính cách hiện thực và nhậy cảm trước những thực tế cuộc sống
cá nhân cũng như tập thể, lòng đạo đức bình dân lại càng hướng
hợp về Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã ban mình một cách cụ thể
cho chúng ta trong Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một của Ngài chứ không
phải chỉ là những điều trừu tượng hoặc suy tư thuần lý điên đầu
của khoa chú giải thần thoại (demythologization).
Người ta cũng có thể nghiên cứu những khía cạnh khác của lòng
đạo đức bình dân đối với Đức Ma-ri-a theo chiều hướng thích thuận
này, ví dụ như tầm quan trọng của lời cầu nguyện xin ơn, một phương
thế giáo dục về lòng cậy trông và đời sống thơ ấu theo Phúc Âm;
hình thức kinh nguyện lập đi lập lại diễn tả ý nguyện từ tâm hồn,
vượt trên ngôn từ; việc quí chuộng các loại ảnh tượng thánh như
một nhắc nhớ về mầu nhiệm Nhập Thể; tâm tình muốn hành động cụ
thể, thường có tính cách tập thể (như hành hương, rước kiệu v.v...);
và ngay cả việc làm quen với các “dấu chỉ’’ phép lạ.
Trên một bình diện nào đó, tất cả điều này “nói lên một sự đói
khát Thiên Chúa mà chỉ những tâm hồn đơn sơ nghèo khó mới có thể
biết được... một cảm thức sâu sắc về những ưu phẩm vô cùng của
Thiên Chúa như tình hiền phụ, sự quan phòng, sự hiện diện yêu
thương và liên lỉ’’ (EN 48).
Để có một cái nhìn ưu ái đối với lòng đạo đức bình dân đòi hỏi
vị mục tử tinh thần cũng như nhà thần học một tâm hồn khiêm tốn
tự hạ. Chỉ có như thế, họ mới có thể phục vụ lòng đạo đức bình
dân trên một căn bản xây dựng.
2. Những Giới Hạn
Những nguy cơ dẫn đến lệch lạc nơi lòng đạo đức bình dân thật
hiển nhiên. Công Đồng Va-ti-ca-nô II (LG 67) đã cảnh báo những
tư tưởng “phóng đại quá đáng’’ cả nội dung lẫn hình thức làm sai
lạc giáo lý, cũng như tố cáo những tư tưởng “hẹp hòi’’ làm lu
mờ hình ảnh và sứ mệnh của Đức Ma-ri-a.
Đức Phao-lô VI còn nhắc đến những lệch lạc khác mà thánh Công
Đồng đã đề cập đến “chẳng hạn: nhẹ dạ, dễ cậy vào những việc làm
hoàn toàn có tính hình thức thay vì nghiêm chỉnh dấn thân, ưa
chuộng tình cảm vô bổ chóng qua mà quên rằng tinh thần Phúc Âm
đòi hỏi phải hành động trung thành và cụ thể... Mục đích tối hậu
của việc sùng kính Đức Mẹ là làm vinh danh Thiên Chúa và thúc
đẩy ki-tô hữu sống hoàn toàn theo ý Chúa muốn’’ (MC 38-39).
Rõ ràng, “lòng tôn sùng chân chính phát sinh từ một đức tin chân
thật’’ (LG 67). Có rất nhiều hình thức sùng kính Đức Ma-ri-a.
Cần phải thận trọng thực hành các hình thức ấy trong phạm vi khôn
ngoan theo mục đích tối hậu của chúng. Đôi khi, phải xem xét lại
sao cho “lòng tôn sùng Đức Mẹ vẫn bắt nguồn sâu xa nơi Thánh Kinh
và nền tảng đức tin vững chắc’’ (MC 56).
Các chủ chăn và thần học gia có nhiệm vụ xúc tiến sứ vụ truyền
giảng Tin Mừng cần thiết (EN 48), dựa trên Phúc Âm và liên hệ
đến toàn bộ kho tàng đức tin cũng như cuộc sống hằng ngày.
Đức Phao-lô VI còn lưu ý rằng lòng đạo đức bình dân “cũng có thể
dẫn đến việc nảy sinh các giáo phái và làm nguy hại đến cộng đoàn
Giáo Hội chân chính’’ (EN 48). Mối hiểm họa chia lìa Giáo Hội
có thể xuất phát từ việc “địa phương hóa’’ một “mặc khải” không
được công nhận hoặc chính thức bị bác bỏ. Lòng sốt sắng bình dân
và quyền bính mục vụ vì thế có thể gặp những khúc quanh hết sức
tế nhị.
Xin lập lại, lòng đạo đức bình dân hết sức nhậy cảm đối với nhiều
người và cuộc sống thực tế. Trên đây chỉ xin đề nghị một vài hướng
dẫn liên hệ mà thôi.
Tuy nhiên, không nên ngạc nhiên khi thấy còn những vấn đề lớn
vẫn tồn đọng sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Nhiệm vụ của công tác
mục vụ đối với lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a là phải cứu xét các giá
trị và sức mạnh của lòng đạo đức bình dân, và hành xử công bình
đối với những khát vọng hợp lý của những người bình dị thấp kém
trong lãnh vực này của đức tin.
J. Lô-ren-sô
|