|
ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC
Xem:
- Đức Ma-ri-a Trung Gian
Tước hiệu “Đồng Công Cứu Chuộc” ra đời từ thế kỷ XIV, và từ đó
đã được các giám mục Công Giáo, các thần học gia và văn sĩ nổi
tiếng sử dụng rộng rãi. Gần đây, tước hiệu này còn được sử dụng
trong các văn kiện của Tòa Thánh. Vì thế, đừng ai đặt vấn đề về
tính cách hợp pháp của tước hiệu này làm gì.
Nhưng nội dung tín lý của tước hiệu này còn quan trọng hơn chính
bản thân tước hiệu. Từ ngữ “Đồng Công Cứu Chuộc” mang ý nghĩa
gì?
Theo một số nhà thần học, danh xưng này nói lên sự cộng tác của
Đức Ma-ri-a trong mầu nhiệm cứu độ vì Mẹ đã ý thức và sẵn lòng
sinh ra Đấng Cứu Thế (đây là sự cộng tác gián tiếp, xa), và vì
Mẹ đã ban phát cho chúng ta những thành quả (ân sủng) mà duy Chúa
Ki-tô đã sắm được qua công trình cứu độ (về mặt thuật ngữ, đây
là sự cộng tác vào hành vi cứu chuộc “chủ quan”). Tuy nhiên, đa
số các nhà thần học tin rằng, ngoài hai hình thức cộng tác vừa
được trình bày trên đây, Đức Ma-ri-a còn đóng góp vào chính công
trình cứu độ, tức là hành vi cứu độ của Chúa Ki-tô đã hoàn thành
trên đỉnh Can-vê (được gọi là hành vi cứu chuộc “khách quan”).
Nói cụ thể là Đức Ma-ri-a đã cùng với Chúa Ki-tô (mặc dù hoàn
toàn tùy tòng và nhờ quyền năng của Chúa) cứu chuộc đền bù tội
lỗi chúng ta, sắm mọi ân sủng cần thiết cho sự cứu rỗi và cộng
tác vào hy tế núi Can-vê để làm nguôi cơn thịnh nộ Thiên Chúa.
Chính vì sự hợp tác giữa Con và Mẹ ấy mà Thiên Chúa đã vui lòng
xóa bỏ món nợ cho chúng ta, và cho chúng ta được nối lại mối thân
hữu với Ngài trước kia đã bị gián đoạn vì tội lỗi.
Quan điểm trên đây của đa số các nhà thần học dựa trên những tuyên
ngôn phong phú của Huấn Quyền Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Bê-nê-đíc-tô
XV tuyên bố rằng trên núi Can-vê, Đức Mẹ đã “sát tế Chúa Ki-tô
đến mức độ hết khả năng của Mẹ để làm nguôi phép công bình Thiên
Chúa, nên chúng ta có lý mà nói rằng, Mẹ đã cùng với Chúa Ki-tô
cứu chuộc nhân loại” (AAS 10 [1918] 182). Và theo lời Đức Pi-ô
XII, Đức Ma-ri-a đã cộng tác vào công trình cứu độ, “cho nên ơn
cứu rỗi của chúng ta đã tuôn tràn ra từ tình thương yêu của Chúa
Giê-su Ki-tô và những đau khổ của Ngài đã được liên kết mật thiết
với tình yêu thương và những khổ đau của Mẹ Ngài...” (AAS 48 [1956]
352). Đức Gio-an Phao-lô II cũng giáo huấn với cùng căn bản như
thế trong bức tông thư Lòng Nhân Lành Thiên Chúa (Dives in Misericordia)
ban hành năm 1980. Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng nhiều lần nói
về sự cộng tác của Đức Ma-ri-a trong mầu nhiệm cứu độ nhưng không
minh nhiên như các văn kiện của các Đức Thánh Cha vừa được đề
cập (LG 56,58,61,68).
Nhưng không phải mọi phần tử Giáo Hội đều được mời gọi cộng tác
vào công trình cứu độ bằng cách “làm trọn đủ những gì còn thiếu
trong cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô sao?” (Cl 1:24) Đúng thế, Giáo
Hội không đóng góp gì vào công cuộc cứu độ khách quan cả (nhưng
Đức Ma-ri-a thì có), mà chỉ đóng góp về phía chủ quan mà thôi
(xem tông thư Thân Thể Mầu Nhiệm, Mystici Corporis của Đức Pi-ô
XII, AAS 35 [1943] 213).
Vì thế, khi nói rằng chỉ có Chúa Ki-tô đã cứu chuộc nhân loại
là chúng ta có ý nói rằng Ngài là nguyên nhân đệ nhất, phổ quát,
vô cùng và viên mãn trong tiến trình cứu độ. Chúng ta không có
ý loại trừ sự thông phần của Đức Ma-ri-a có tính cách đệ nhị,
giới hạn, hoàn toàn tùy phụ và sinh được mọi hiệu quả là nhờ những
công trạng của Con Mẹ. Đức Ma-ri-a đã không và cũng không thể
làm tăng giá trị những công trạng và sự bồi thường cứu độ của
Chúa Ki-tô để cứu chuộc loài người. Theo ý nghĩa giới hạn này,
chúng ta có thể nói Đức Ma-ri-a “đã cùng với Chúa Ki-tô cứu chuộc
loài người” như lời Đức Bê-nê-đíc-tô XV đã mạnh mẽ tuyên bố.
Tài liệu tham khảo: Mọi khía cạnh của vấn đề này được bàn giải
rộng rãi cùng với một danh mục nhiều tác phẩm khác gồm trong bài
khảo luận Our Lady’s Coredemption, published in J.B. Carol O.F.M.
(ed), Mariology, Vol. 2 (Milwaukee, Wis, Bruce, 1957), pp 377-425.
Xem thêm đề mục Mediatrix of All Graces NCE 9 (1967).
J.B.
Ca-rôn
|
|