ĐỒNG TRINH TRỌN ĐỜI
Xem:
- Thụ Thai Đồng Trinh
Khi xưng tụng Mẹ Ma-ri-a là “Đấng Trọn Đời Đồng Trinh,” Truyền
Thống Giáo Hội xác tín rằng sau khi thụ thai Chúa Giê-su cách
đồng trinh Mẹ Ma-ri-a vẫn đồng trinh, không vương vấn mọi quan
hệ phu phụ. Điều này cũng hàm ý rằng việc hạ sinh Chúa Giê-su
không làm tổn hại đức đồng trinh nguyên tuyền của Mẹ.
1. Các Phúc Âm
Các
Phúc Âm không ghi lại một chi tiết nào mâu thuẫn với giáo huấn
trên. Thánh Lu-ca viết “Đức Ma-ri-a đã hạ sinh con trai đầu lòng”
(2:7). Đây là cách ám chỉ đến các điều luật qui định về luật con
trai đầu lòng của một gia đình chào đời, ngay cả trong trường
hợp cha mẹ không sinh thêm được một người con nào khác nữa.
Thánh Mát-thêu viết “Giu-se không ăn ở với Bà mãi cho đến khi
Bà hạ sinh con là Đức Giê-su” (1:25). Cụm từ “mãi cho đến khi”
trong tiếng Do Thái không hề xác quyết gì về tương lai. Chẳng
hạn, trong 2Sm 6:23 có viết: “Bà Mi-can son sẻ mãi cho đến khi
qua đời.” (Chẳng lẽ có ai đó lại hiểu rằng sau khi chết bà ấy
lại có con!).
Trong
nhiều trường hợp, Phúc Âm có đề cập đến “các anh em Chúa Giê-su”
như Gia-cô-bê và Giu-se (Mt 13:35). Nhưng họ là con của một bà
Ma-ri-a khác mà Phúc Âm nói rõ là “Mẹ của Gia-cô-bê và Giu-se”
(Mt 27:56). Bà Ma-ri-a này không thể nào lẫn được với Đức Ma-ri-a,
Mẹ Chúa Giê-su hay với một bà Ma-ri-a khác nữa là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na.
Hơn nữa, trong xã hội Do Thái, cách xưng hô anh em cũng thường
được dùng giữa các người họ hàng, bè bạn. Ví dụ Áp-ra-ham nói
với cháu mình là ông Lót: “Chúng ta là anh em với nhau” (St 13:8).
Thực sự, trình thuật Tìm Chúa trong Đền Thờ và đặc biệt là trình
thuật Chúa Giê-su trối Đức Mẹ cho môn đệ trên núi Can-vê (Ga 19:25-27)
dường như ám chỉ rằng Mẹ Ma-ri-a không có một người con nào khác.
Lịch sử cũng cho thấy niềm tin truyền thống cổ thời vào đức đồng
trinh trọn đời của Mẹ Ma-ri-a đã không hề bị nghi vấn trong khi
“các anh em của Chúa Giê-su” còn sống.
2. Thánh Truyền
Tiền
Phúc Âm Gia-cô-bê, một truyện kể mang tính truyền thuyết ra đời
khoảng năm 150 đến năm 200 kể rằng Thánh Giu-se kết bạn với Đức
Ma-ri-a khi Ngài đã lớn tuổi, góa vợ và có nhiều con với đời vợ
trước. Điều này chứng tỏ niềm tin vào sự đồng trinh trọn đời của
Đức Ma-ri-a thời ấy đã phổ biến rộng rãi, đồng thời cũng đã có
những nỗ lực chống lại sai lạc không tin vào đức đồng trinh của
Đức Ma-ri-a lấy cớ là “Chúa có các anh em.”
Ô-ri-gê-nê (+ 254) đã mạnh mẽ bảo vệ đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a
trước và sau khi sinh hạ Chúa Giê-su. Ông không chấp nhận được
chuyện Mẹ Ma-ri-a sau khi được Thánh Linh tràn đầy bao chiếm trong
ngày Truyền Tin mà lại có những người con khác trước đó. Theo
ông, “Chúa Giê-su là nguyên khởi trinh khiết cho nam giới, còn
Đức Ma-ri-a là nguyên khởi trinh khiết cho nữ giới.”
Téc-tu-li-a-nô (+220,230) là một ngoại lệ. Mặc dù xác quyết có
sự kiện thụ thai đồng trinh, ông đã để mình bị lôi cuốn vào cuộc
bút chiến chống lại bè Ảo Thân (Docetists) và bè Ngộ Đạo (Gnostics).
Vì vậy, ông cho rằng Chúa ra đời như một biến cố bình thường và
Đức Mẹ trước đó đã có nhiều người con khác, nhưng ông không hề
trưng dẫn một chứng cớ Thánh Truyền nào khác để bênh vực lập trường
của mình.
Khoảng năm 350 đến năm 375 trong bối cảnh một cuộc canh tân đời
sống tu đức, Dê-nô Vê-rô-na (Zeno Verona) đã diễn tả niềm tin
truyền thống của Giáo Hội: “Mầu nhiệm vĩ đại thay! Đức Trinh Nữ
Ma-ri-a thụ thai mà vẫn vẹn tuyền. Sau cuộc thụ thai ấy, Trinh
Nữ đã sinh con. Sau khi sinh con, Trinh Nữ vẫn tinh tuyền.”
Thánh Am-rô-si-ô, thánh Giê-rô-ni-mô, thánh Âu-gu-tinh đều là
những chiến sĩ hăng say bảo vệ niềm tin vào sự đồng trinh trọn
đời của Đức Ma-ri-a, mẫu gương của các người nữ thánh hiến.
Sau đó, niềm tin truyền thống ấy vẫn kiên định và liên tục. Bức
thư của Đức Giáo Hoàng Si-ri-si-ô phi bác giám mục Bô-nô-sô (Bonosus)
đã làm sáng tỏ giáo huấn chính thức của Giáo Hội, “minh nhiên
bác bỏ lập trường cho rằng còn có một người con nào khác nữa cũng
được sinh ra từ Lòng Dạ trinh khiết đã hạ sinh Chúa Ki-tô theo
xác thịt.”
Nhà thần học Mác Thu-riêng (Max Thurian) đã cho biết một điều
gây ngạc nhiên không ít cho các tín hữu Công Giáo là các nhà lãnh
đạo cuộc Cải Cách Tin Lành thế kỷ XVI như Lu-tê-rô, Guyn-li (Zwingli)
và Can-vanh đều xác quyết và giảng dạy về sự trọn đời đồng trinh
của Mẹ Ma-ri-a.
3. Ý Nghĩa
Cho dù sau khi sinh hạ Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a không sinh hạ
thêm người con nào khác nữa cũng chưa đủ để chứng minh Đức Ma-ri-a
trọn đời đồng trinh.
Truyền Thống Giáo Hội đã được một trực giác thiêng liêng hướng
dẫn về đời sống nội tâm sâu kín nhất của Đức Ma-ri-a.
Trong
biến cố Truyền Tin, từ câu hỏi của Đức Ma-ri-a, “điều xảy đến
thế nào được vì tôi không biết đến người nam,” người ta có thể
hiểu ra một tình trạng thực tại nơi Mẹ vào thời điểm ấy, khi mà
Lời Chúa sắp được thực hiện viên mãn.
Năm 401, thánh Âu-gu-tinh là người đầu tiên đưa ra ý tưởng cho
rằng Đức Ma-ri-a đã tuyên giữ khiết trinh trước khi xảy ra biến
cố Truyền Tin.
Cũng
có người thỉnh thoảng trưng ra lối sống tiết dục theo nghi thức
của những người Ét-sen (Essenses), một giáo phái Do Thái cổ xưa
khoảng từ thế kỷ II trước Công Nguyên đến thế kỷ II. Họ sống kiêng
khem và rất nhiệm nhặt. Nhưng lối sống này dường như hết sức xa
lạ với lối sống thanh tịnh Phúc Âm.
Cách giải thích sau đây của Gio-an Mác Hớt (John Mc Hugh) xem
ra có thể chấp nhận được. “Sau khi được thụ thai cách lạ, Đức
Ma-ri-a đã cùng với Thánh Giu-se quyết định sống thanh khiết vì
muốn phú mình hoàn toàn trọn vẹn để phục vụ Chúa Giê-su và để
từ bỏ tất cả những gì làm thay đổi hoặc làm phân tâm các Ngài
trong nhiệm vụ phụng sự trọn vẹn sứ mệnh của Chúa. Việc làm của
các Ngài không phải vì thiếu coi trọng đời sống hôn nhân (đó là
điều không thể tưởng được trong tư tưởng người Do Thái) hoặc coi
trọng đời sống tiết dục hơn sự vĩ đại trong hôn nhân. Các Ngài
đã chấp nhận sự chọn lựa ấy chỉ vì sự kiện Thụ Thai Trinh Khiết,
chỉ vì khát vọng được phục vụ Chúa Hài Nhi mà thôi.”
“Sự kiện Thụ Thai Trinh Khiết tự nó là một lời Thiên Chúa nói
với con người, và là một lời mời gọi Chúa dành cho Mẹ, Đấng sắp
trở thành Mẹ Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a còn có thể đáp lại lời mời
gọi âỉy bằng cách nào khác hơn nếu không bằng một sự hiến dâng
tận tuyệt cho công trình của Đấng Quyền Năng, Đấng đã thực hiện
những điều vĩ đại nhường ấy nơi Mẹ?... Chắc hẳn không phải chỉ
vì sự trinh khiết thân xác mà thôi, nhưng còn hơn thế, vì Mẹ đã
dành cho Chúa Giê-su một trái tim không chia sẻ nên Giáo Hội đã
ca tụng Mẹ là Virgo Veneranda, Virgo Praedicanda, Virgo Fidelis”
(Trinh Nữ Đáng Ngợi Khen, Trinh Nữ Rất Danh Tiếng, Trinh Nữ Rất
Trung Tín).
Đức Ma-ri-a vẫn giữ và hằng giữ vẹn tuyền đức đồng trinh “như
khi Thiên Chúa mời gọi Mẹ” tận hiến “toàn thân cho Ngài” (1Cr
7:17-35).
Quyết định sống đời tiết dục của Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se phù
hợp với những hàm ý của thánh Lu-ca về sự hiện diện của vinh quang
Thiên Chúa nơi Mẹ như một Đền Thờ Mới (x. Lc 1:35), một Hòm Bia
Mới. Đằng sau những truyền thuyết trong Tiền Phúc Âm Gia-cô-bê,
chúng ta còn trực cảm thấy được một sự liên hệ giữa đức trinh
khiết thánh hiến của Đức Ma-ri-a và Đền Thờ. Thực sự, mối liên
hệ truyền thống trong văn chương Do Thái giữa sự tiết dục và sự
thân mật với Thiên Chúa đã đạt đến điểm hoàn hảo nơi đức đồng
trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a và sự tiết dục thánh hiến đón chờ
“Đấng Tân Lang” đến.
Truyền Thống và Huấn Quyền Giáo Hội xác quyết rằng sự trinh khiết
nơi thân xác Đức Ma-ri-a đã được bảo toàn khi Mẹ sinh hạ Chúa
Giê-su. Sự trinh khiết thể xác ấy phải được coi như một dấu chỉ
chắc chắn về niềm vui trọn vẹn mà Đấng Em-ma-nu-en đã đem đến,
và về sự tự nguyện thánh hiến sống đời thanh khiết của Mẹ Ma-ri-a.
Sự hợp lý của mầu nhiệm Nhập Thể và các bí tích không hề tách
biệt phần linh thiêng và phần chất thể.
Hiểu được những lý do sâu xa về đức đồng trinh trọn đời của Đức
Ma-ri-a tức là đồng thời biết rõ và nhận ra được cái vĩ đại của
sự đáp ứng hoàn toàn với Lời Thiên Chúa nói với chúng ta trong
Chúa Giê-su Ki-tô.
J. Lô-ren-sô
|