ĐỨC MA-RI-A HỒN XÁC LÊN TRỜI
Xem:
- Thánh Địa và Đức Ma-ri-a, 2h
- Nhiệm Vụ Chuyển Cầu của Đức Ma-ri-a
- Mẫu Tính Tinh Thần
“Với quyền bính Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, với quyền hai
thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, và với quyền của riêng Ta, Ta
công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý Thiên Chúa đã mặc khải
về Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trọn Đời
Đồng Trinh sau khi hoàn thành cuộc đời dương thế đã được lên trời
vinh hiển cả hồn lẫn xác.” Đó là những lời Đức Pi-ô XII với quyền
Giáo Hoàng bất khả ngộ đã công bố ngày 1 tháng 11 năm 1950. Giáo
lý Đức Ma-ri-a Lên Trời Hồn Xác là một tín điều đức tin buộc mọi
tín hữu phải tin nhận (bửu sắc Munificentissimus).
1. Nội Dung Tín Điều
a) Ngôn ngữ tín điều rất chính xác đối về đối tượng của nó: “Sau
khi đã hoàn thành cuộc đời dương thế,” Đức Ma-ri-a “được lên trời
vinh quang cả hồn xác.” Điều này có nghĩa là Đức Ma-ri-a hiện
sống trong tình trạng như các phúc nhân sau khi “sống lại từ trong
kẻ chết.” Điều này cũng hàm ý nói lên một sự biến chuyển từ trạng
thái xác thể của cuộc sống dương thế sang trạng thái mầu nhiệm
nhưng hiện thực của cuộc sống đời đời.
Trong trường hợp Mẹ Ma-ri-a, sự chuyển biến này đã xảy ra như
thế nào? Phải chăng là một sự biến đổi trực tiếp không qua cái
chết, tức là không có sự kiện linh hồn lìa khỏi thân xác? Hay
là bằng một cuộc phục sinh sau khi chết?
Tuyên
ngôn định tín cố ý không xác định lập trường về điểm này. Đó vẫn
là một vấn đề bỏ ngỏ cho các nhà thần học được tự do tranh luận.
Gác qua vấn đề tranh luận, người ta thấy ý kiến tin rằng Đức Ma-ri-a
- giống như Con Mẹ - đã qua cái chết rồi được phục sinh, tức thời
hay sau một thời gian ngắn, là lập trường được ủng hộ nhiều hơn,
xét theo truyền thống Giáo Hội.
Một điểm đáng lưu ý khác là cách nói Đức Ma-ri-a “được lên trời
vinh hiển,” trong khi tín điều Chúa Thăng Thiên tức là “Chúa Giê-su
lên trời,” nghĩa là Đức Ma-ri-a đã lãnh nhận một đặc ân mà chỉ
mình Thiên Chúa mới có thể ban.
b)
Đức Pi-ô XII xác định giáo lý Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời là
một tín điều đức tin sau khi đảm bảo cho “giáo huấn thường quyền
của Ngài bằng một sự nhất tâm phổ quát, chắc chắn và bền vững,”
qua niềm tin ủng hộ của các tín hữu. Một niềm tin như thế phát
xuất từ việc các tín hữu nắm giữ giáo huấn của Huấn Quyền. Nhưng
trong quá trình lịch sử, các tín hữu cũng có ảnh hưởng đối với
Huấn Quyền. Tâm thức Công Giáo (sensus fidelium) cũng là một uyên
nguyên thần học” (locus theologicus).
c) Đây không phải là một mặc khải mới. Vì thế, nếu giáo lý Đức
Ma-ri-a Lên Trời Hồn Xác được tuyên bố thành “một tín điều được
Thiên Chúa mặc khải,” tức là một giáo lý vẫn được tàng chứa trong
những nguồn mặc khải chính thức. Bửu sắc Munificentissimus lưu
tâm đến điểm này khi viết rằng “nền tảng căn bản” của chân lý
được định tín này đã có trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, khi qui chiếu
về Thánh Kinh, văn kiện của Đức Thánh Cha không có ý nói rằng
có thể “đọc” được giáo lý Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cách trực
tiếp và minh nhiên trong Thánh Kinh. Theo tình hình hiện nay của
khoa chú giải Thánh Kinh, dường như khó mà vượt qua được chủ trương
cho rằng tín điều Đức Ma-ri-a Lên Trời Hồn Xác chỉ được Thiên
Chúa mặc khải thực sự trong Thánh Kinh một cách mặc nhiên.
2. Ý Nghĩa Sự Kiện Đức Ma-ri-a Lên Trời Hồn Xác
a) Một đỉnh cao. “Phúc cho Bà là người đã tin...’’ (Lc 1:45).
Đối với Đức Ma-ri-a, những lời Thiên Chúa hứa đã được thực hiện
và luôn luôn được thực hiện vượt quá mọi trông đợi.
Thân xác và linh hồn Mẹ được vinh quang là do lòng quảng đại của
Thiên Chúa. Nhưng cũng có thể nói đó là kết quả hợp lý của ơn
gọi và cách Mẹ đã sống ơn gọi của mình trong cuộc đời dương thế.
Các đặc ân Lên Trời Hồn Xác, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trọn Đời Đồng
Trinh đều xứng hợp và cần thiết cho thiên chức Mẹ Thiên Chúa của
Đức Ma-ri-a. Có lẽ nào thân xác nơi “Ngôi Lời đã hóa thành nhục
thể” để cứu độ phàm nhân, thân xác đã hoàn toàn thoát khỏi quyền
lực tội lỗi, thân xác đã được thánh hiến tinh toàn để chỉ thuộc
về Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người mà phải chịu cảnh hư nát trong
mồ hay sao?
Sự cộng tác của Đức Ma-ri-a với Con Chí Thánh của Mẹ là một trong
những chủ đề quán xuyến của chương 8, hiến chế Tín Lý về Giáo
Hội của Công Đồng Va-ti-ca-nô II: “Đức Ma-ri-a, từ muôn đời đã
được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa
quan phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Đấng
Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài
là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa’’ (LG 61).
Vì thế, chúng ta có thể nói rằng trong Thượng Trí Thiên Chúa -
như đã được mặc khải - Đức Ma-ri-a được liên kết bất khả phân
ly với Ngôi Lời, Đấng đã nhập thể trong lòng Mẹ. Mẹ không còn
một mục đích nào khác, tất cả đều trong Chúa Ki-tô và vì Chúa
Ki-tô.
Sự hiệp nhất giữa Mẹ và Thiên Chúa đặt nền tảng trên thiên chức
Mẹ Thiên Chúa này vươn rộng đến sự cộng tác liên lỉ và vô song
trong công trình cứu độ. Từ tiếng Xin Vâng trong ngày Truyền Tin
cho đến lời Xin Vâng trong tang thương núi Can-vê, Đức Ma-ri-a
“hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa...đã tận hiến
làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài’’
(LG 56). Nếu có ai đã từng “theo sát Chúa Ki-tô’’ cho đến tận
cùng, không một chút lìa xa, thì đó chính là Đức Ma-ri-a. Vậy
lẽ nào Chúa lại có thể không cho cả hồn xác Mẹ được lên nơi vinh
phúc mà Thập Giá là đường, là cửa dẫn đến? Ai có thể nghĩ được
“một cách đáp đền’’ nào khác dành cho Mẹ tốt hơn là cho Mẹ được
dự phần tức khắc và trọn vẹn vào cuộc sống của Chúa Giê-su Phục
Sinh?
b) Một khởi đầu. Ngày nay, Đức Ma-ri-a đang hoan hưởng cuộc sống
vĩnh hằng. Đối với riêng Mẹ, điều này có nghĩa là phúc lộc trào
tràn từ tình yêu và phúc hưởng kiến Thiên Chúa, Đấng là Sự Sáng,
Sự Sống, Tình Yêu. Điều này còn có nghĩa là Mẹ được hiệp thông
trọn vẹn với tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa và với tất cả
những ai được Thiên Chúa yêu. Mà Thiên Chúa thì yêu thương mọi
sự Người đã tạo thành bởi vì tạo vật là hiệu quả tình yêu của
Người. Nếu như trên thiên quốc, mọi phúc nhân đều thực sự hoan
hưởng hạnh phúc cuộc sống đời đời, thì nơi Đức Ma-ri-a, hạnh phúc
ấy thực sự càng đặc biệt hơn nữa, không những vì “vinh quang’’
hoàn hảo của Mẹ và còn vì đặc ân Lên Trời Hồn Xác đã làm cho Mẹ
ngay lúc này đã sống vinh phúc viên mãn trong nhân tính vinh quang
của Mẹ nữa.
Điều này không hề chấm dứt việc “phục vụ’’ của Mẹ. Ngược lại,
sự phục vụ của Mẹ hiện nay còn mang những chiều kích phổ quát
hơn: “Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ
không chấm dứt... Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em
của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế’’ (LG 62).
Đúng thế, hiện nay Đức Ma-ri-a đang sống trong một địa vị có thể
thực hiện đầy đủ “chức năng làm mẹ của mình trong bình diện ân
sủng... cho đến lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người
được tuyển chọn’’ (LG 62). Và “tình yêu từ mẫu’’ Mẹ Ma-ri-a dành
cho chúng ta không những thể hiện bằng linh hồn và còn bằng mọi
năng lực bản tính nhân loại đã được vinh quang của Mẹ.
3. Đặc Ân Mẹ Lên Trời Hồn Xác và Chúng Ta
a)
Bất cứ điều gì “xảy đến’’ với Đức Ma-ri-a cũng đều liên hệ đến
Giáo Hội vì Mẹ là một chi thể, là tiên trưng và từ mẫu của Giáo
Hội. Những gì Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ qua đặc ân Lên Trời Hồn
Xác đối với Giáo Hội là một dấu chỉ và là một lời hứa ban vinh
quang toàn thể.
b) Qua việc nhập thể trong cung lòng Mẹ Ma-ri-a, Đức Ki-tô muốn
nhận lấy tất cả những gì là nhân loại để đem tất cả về lại cho
Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, không có gì thuộc
về nhân loại mà lại vượt tầm ảnh hưởng của Ngài. Con đường Ngài
đã yêu cầu Mẹ bước đi trong ơn gọi phi thường của Mẹ để tiến đến
vinh quang ngày Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng là con đường chúng ta
phải đi qua theo ơn gọi riêng của chúng ta. Hồng ân Mẹ Lên Trời
Hồn Xác không kêu gọi chúng ta hãy xa rời những nhu cầu của thế
giới, nhưng thúc bách chúng ta phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng
loại trong cuộc sống hằng ngày một cách tích cực hơn.
c) Đối với Mẹ Ma-ri-a, được lên trời hồn xác thực sự là một “đặc
ân,’’ nhưng không phải là một đặc ân làm cho Mẹ xa cách chúng
ta mà còn đưa Mẹ lại gần chúng ta hơn, hiện diện sát chúng ta
hơn. Mối thân thiết nhờ đức tin (kinship of faith) hợp nhất chúng
ta với Mẹ trên bình diện ân sủng sẽ tốt hảo và vững bền một phần
vì Trái Tim đã được vinh quang hóa của Mẹ đã lút sâu trong mối
thân thiết ấy.
A.
Bốt-sa
|