|
ĐỨC MA-RI-A, NGƯỜI CHỊ CHÚNG
TA
Vì thuộc về gia đình nhân loại, nên Đức Ma-ri-a là chị của chúng
ta theo huyết thống. Vấn đề như thế đã hiển nhiên, vậy tại sao
ta lại phải bàn kỹ? Ở đây, không phải để chứng minh một điều đã
minh bạch, nhưng nhắc nhở cho ta thấy lý tưởng Ma-ri-a hóa của
chúng ta là hợp lý. Tuy Mẹ cao trọng và được nhiều đặc ân, nhưng
Mẹ vẫn là con người, cho nên nếu chúng ta đặt Mẹ quá xa, xa đến
mức không đến gần được Mẹ nữa thì đó sẽ là một sai lầm.
1. Con Cái A-đam
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nói về đặc ân phi thường làm Mẹ “trổi
vượt trên mọi thụ tạo, cả trên trời dưới đất.’’ Liền sau đó, Công
Đồng thêm: “Vì thuộc dòng dõi A-đam, Ngài cũng liên kết với tất
cả mọi người cần được cứu rỗi’’ (LG 53).
Đức Phao-lô VI, trong diễn văn bế mạc khóa họp thứ ba của Công
Đồng cũng phát biểu tư tưởng như trên, Ngài nói: “Tuy được mọi
đặc ân phong phú kỳ diệu Thiên Chúa ban, làm cho Mẹ xứng đáng
trở nên Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, nhưng Đức Ma-ri-a vẫn gần gũi chúng
ta: là con cái A-đam như chúng ta, nên Mẹ là chị của chúng ta
theo mối liên hệ huyết thống tự nhiên...’’
Cách thế trình bày của Thánh Kinh làm cho chúng ta không thể quên
được mối tương quan nền tảng giữa Đức Ma-ri-a và Chúa Ki-tô. Chúa
Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể mặc lấy bản tính nhân loại của chúng
ta, còn Đức Ma-ri-a, Mẹ hoàn toàn là nhân loại như chúng ta (xem
Cựu Ước, Tân Ước).
Chính các đặc ân của Đức Ma-ri-a, nếu hiểu cho đúng cũng chứng
tỏ như thế. Ví dụ, tin vào đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là xác tín
mạnh mẽ rằng Mẹ cũng thuộc về dòng dõi A-đam và cần được cứu độ,
vì đặc ân này nói lên phương cách đặc biệt Mẹ đã được Chúa cứu
chuộc. Đặc ân Hồn Xác Lên Trời cũng vậy, Mẹ là dấu chỉ cậy trông
cho điều mà mọi người được mời gọi đến (x. LG 68), vì điều ấy
phù hợp với ơn gọi và lòng tín trung của Mẹ.
Những gì đã xảy đến với Mẹ cũng có thể đã xảy đến với từng người
chúng ta. Bởi thế, chúng ta có thể “đọc’’ nơi Mẹ, như một quyển
sách mở sẵn, những điều mà tình yêu Thiên Chúa muốn thực hiện
nơi chúng ta, mặc dù bằng những cách thế và mức độ khác.
2. Sự Giản Dị và Dễ Gần Gũi của Đức Ma-ri-a
Việc nhìn nhận Đức Ma-ri-a làm một người chị mời gọi chúng ta
lưu ý đến đời sống giản dị và dễ gần gũi với chúng ta mà Mẹ đã
sống. Các thánh sử đã không thể bỏ qua thái độ nghi nan gây đau
lòng của những người đồng liêu thân thuộc khi Chúa Giê-su khởi
đầu sứ mạng công khai: “Ông này không phải là thợ mộc, Con Bà
Ma-ri-a, anh em của Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon đó sao?
Các chị em của ông không phải là hàng xóm của chúng ta hay sao?’’
(Mc 6:3; x. Mt 13:54-58; Lc 4:16,22,24; Mc 3:20-21; Mt 12:24-32;
Lc 11:15-23). Thái độ thắc mắc ấy chứng tỏ rằng trước đó, Chúa
Giê-su vẫn sống như mọi người, không có gì khác thường bên ngoài
đến độ “tỏ vinh quang Ngài ra’’ (x. Ga 2:11).
Đức Ma-ri-a cũng vậy, Mẹ là một phụ nữ như mọi phụ nữ khác trong
xóm làng. Nếu Mẹ có cái gì bên ngoài đáng kể, thì người ta có
lẽ chỉ nhắc đến dòng tộc và nghề nghiệp gia đình, nhưng cả hai
điều ấy đều tỏ ra nét “bình thường’’ của nếp sống và phong cách
của Chúa Giê-su tại làng Na-da-rét trước khi khởi sự đời sống
công khai. Nói chung, Đức Ma-ri-a đã sống ơn gọi phi thường làm
Mẹ Thiên Chúa một cách bình dị, đóng khung trong một nếp sống
hết sức đơn giản.
Khi Chúa công khai thi hành sứ vụ, Mẹ cũng chẳng thay đổi gì nhiều,
ít là những cái bên ngoài. Công Đồng Va-ti-ca-nô II nhận xét,
Mẹ Đấng Cứu Thế chí thánh đã cộng tác quảng đại vào công trình
của Người đến một mức độ vô song, nhưng không bằng một kiểu cách
phi thường. Sự can thiệp của Mẹ tại tiệc cưới Ca-na mang đầy ý
nghĩa và hiệu quả, rồi sự hiện diện của Mẹ trên núi Can-vê cũng
chỉ được mình thánh Gio-an ghi nhận, trong khi các tác giả Phúc
Âm Nhất Lãm không thấy có gì đáng lưu ý.
Trong
sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta thấy thánh Lu-ca, vị thánh ký của
trình thuật Truyền Tin dụng ý trình bày Đức Ma-ri-a cùng với các
Tông Đồ đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống sau ngày Chúa Giê-su
lên trời. Ngoài ra, chúng ta không thấy Đức Mẹ đóng một vai trò
bên ngoài chính thức nào nữa trong Giáo Hội sơ khai. Nhưng Mẹ
đã hiện diện thật “mãnh liệt’’ nơi cộng đoàn các môn đệ mặc dù
vẫn đơn sơ, và hiệu quả như những trường hợp trước kia, khi Chúa
cần đến sự “phục vụ’’ của Mẹ.
Tất cả những điều này không hề hạ thấp sự cao trọng tuyệt vời
và tính cách phổ quát của sứ mạng Đức Ma-ri-a. Vì thế ta không
được bỏ qua một khía cạnh nào trong cuộc sống của Mẹ. Đức Ma-ri-a
đã sống phục vụ Chúa và anh chị em của Người trong nếp sống hằng
ngày một cách bình dị, rất bình dị và hết sức bình thường. Mẹ
đã sống như thế với đức tin và tình yêu trọn vẹn khiến chúng ta
phải luôn ngỡ ngàng. Nét bình dị và tự nhiên nơi Đức Ma-ri-a đã
làm cho Mẹ rất gần gũi với hết mọi anh chị em Chúa Giê-su trong
cuộc đời dương thế của Người. Phẩm chất này không hề kém sút các
phẩm chất cao quí khác vẫn làm cho chúng ta khâm phục nơi Mẹ.
Nếu không có những nét bình dị và tự nhiên này, sự vĩ đại của
Mẹ có lẽ sẽ không được trọn hảo. Ân sủng không hề phá bỏ tự nhiên,
nhưng hoàn thiện nó.
Vinh quang của Đức Ma-ri-a cũng là vinh quang của chúng ta. Ngày
nay chúng ta nhận ra Đức Ma-ri-a là Mẹ chúng ta một cách dễ dàng
(xem Mẫu Tính Tinh Thần). Lý do chắc chắn là vì chúng ta trực
giác tìm được nơi Mẹ một sự gần gũi, luôn yêu thương, lắng nghe,
quan tâm và nâng đỡ. Mặc dù “được chúc phước hơn mọi người nữ,”
nhưng Đức Ma-ri-a có lẽ sẽ không “là người mẹ của chúng ta trên
bình diện ân sủng” (LG 61) hoàn hảo và gần gũi nhân loại nếu như
Mẹ đã không đồng thời có một thái độ và những cảm tình của một
người chị do liên hệ huyết thống.
A. Bốt-sa
|
|