|
ĐỨC MA-RI-A TRUNG GIAN
Xem:
- Hiệp Thông Các Thánh
- Đồng Công Cứu Chuộc
- Nhiệm Vụ Chuyển Cầu của Đức Ma-ri-a
Trung
gian là vị đứng giữa hai người hay hai nhóm để giúp họ trao đổi
thiện hảo, nhưng thường là giúp họ hòa giải những bất đồng. Việc
kính dâng Đức Ma-ri-a tước hiệu “Đấng Trung Gian” đã có từ thế
kỷ VI tại Đông Phương, và thế kỷ IX tại Tây Phương. Từ thế kỷ
XVII, tước hiệu này đã được phổ biến rộng rãi trong các tín hữu
khắp nơi. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chân xác của tước hiệu
này cũng như việc chấp nhận từ phía Huấn Quyền Giáo Hội, Thánh
Truyền, và phụng vụ.
1. Ý Nghĩa
Đức Ma-ri-a được xưng tụng là Đấng Trung Gian vì:
a)
Là người Mẹ xứng đáng của Thiên Chúa và là Đấng đầy ơn sủng, Mẹ
giữ một vị trí giữa Thiên Chúa và các thụ sinh của Ngài.
b) Cùng với Chúa Ki-tô và lệ thuộc vào Người, Mẹ đã cộng tác vào
việc giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại lúc Mẹ còn tại thế.
c) Là người phân phát những ân sủng Thiên Chúa ban xuống cho con
cái của Người.
Dù hiểu theo ý nghĩa nào trên đây đi nữa, vai trò trung gian của
Đức Ma-ri-a hoàn toàn mang tính cách đệ nhị và tùy tòng vào vai
trò trung gian đệ nhất và sung mãn của Chúa Ki-tô. Vì ý nghĩa
thứ hai trên đây trùng với chức năng Đồng Công Cứu Chuộc của Đức
Ma-ri-a mà chúng tôi đã đề cập ở một chỗ khác cũng trong từ điển
này, ở đây xin tập chú vào ý nghĩa thứ ba, tức là vai trò ân sủng
của Đức Ma-ri-a.
Khi nói rằng Đức Mẹ là Đấng Trung Gian, là người ban phát các
ân sủng, chúng ta có ý nói rằng mọi đặc ân và phúc lành ban xuống
cho các thụ sinh hữu trí đều được ban vì Mẹ hoặc vì sự can thiệp
của Mẹ. Hoạt động của Đức Ma-ri-a ở đây có một chiều kích phổ
quát, liên quan đến mọi thiên thần và loài người, ngoại trừ Chúa
Ki-tô và chính Mẹ mà thôi. Những ai hiện hữu trước Đức Ma-ri-a
(chẳng hạn các thiên thần, A-đam, E-và, v.v...) thì tiếp nhận
mọi ân sủng trước nhờ công trạng và sự bầu cử tương lai của Mẹ,
mà dĩ nhiên luôn là hiện tại đối với Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu,
và theo một ưu tiên hợp lý đối với ơn tiền định của họ. Vai trò
trung gian của Mẹ còn liên quan đến mọi ân sủng siêu nhiên (thánh
sủng, hiện sủng) và những ơn lành đời này có liên quan ít nhiều
đến bình diện siêu nhiên. Đức Ma-ri-a dĩ nhiên không “sản” ra
ơn thánh hóa mà chúng ta được tiếp nhận qua các bí tích. Tuy nhiên,
Mẹ cũng có một vai trò ở đây, xét về phương diện hiện sủng chúng
ta cần thiết để lãnh nhận các bí tích cho xứng đáng nhờ lời bầu
cử của Mẹ.
Thánh Truyền Công Giáo thường xưng tụng Đức Ma-ri-a là “kênh,”
là “máng,” hoặc “kho tàng” ơn thánh. Dĩ nhiên có những ẩn dụ không
được hiểu theo nghĩa đen như thể Đức Ma-ri-a là dụng cụ thể lý
của ơn sủng (physical-instrument)*.
Thực sự, Mẹ chỉ thi hành nhiệm vụ của Mẹ, nói cho cụ thể, bằng
cách bầu cử. Và chúng ta cũng không cần thiết phải minh nhiên
xin Mẹ bầu cử trong mọi kinh nguyện của chúng ta. Dù chúng ta
có đề cập đến Mẹ hay không thì bất cứ ơn gì chúng ta nhận được
cũng đều qua Mẹ. Vì Mẹ là Từ Mẫu dấu ái của chúng ta trên bình
diện siêu nhiên, Mẹ biết những nhu cầu và những khát vọng của
chúng ta để giúp đỡ tất cả mọi sự, và vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa,
lời cầu xin của Mẹ chắc chắn vô cùng thế lực và hiệu quả.
2. Huấn Quyền Giáo Hội
Những văn kiện của các Đức Giáo Hoàng thường trình bày Đức Ma-ri-a
trong tư cách Đấng Trung Gian Mọi Ơn. Đáng đề cập đặc biệt ở đây
là lời tuyên bố hùng hồn của Đức Lê-ô XIII trong tông thư Octobri
Mense (tháng Mân Côi) ngày 22 tháng 9 năm 1891: “Có thể xác quyết
một cách... chân thực rằng, do thánh ý Thiên Chúa, tuyệt đối không
một phần nào trong kho tàng ân sủng bao la mà Chúa Giê-su đã sắm...được
ban cho chúng ta mà không qua Đức Ma-ri-a.” Tất cả các vị Giáo
Hoàng kế nhiệm đều nhắc lại điệp khúc ấy bằng cách này hay cách
khác.
Trong Công Đồng Va-ti-ca-nô II, vai trò trung gian của Đức Ma-ri-a
đã trở thành một đề tài được thảo luận sôi nổi. Nhiều giám mục
ủng hộ việc tuyên bố giáo lý này thành một tín điều đức tin. Một
số vị, chẳng hạn các giám mục Hà Lan, đã chống đối ngay cả danh
xưng “Đấng Trung Gian’’ vì sợ như thế là khích động một phản ứng
chống đối không cần thiết từ giới không-Công-Giáo. Một số vị trích
dẫn lời thánh Phao-lô: “Chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa
Thiên Chúa và con người, đó là Đức Ki-tô Giê-su.’’ Các vị này
đã quên rằng cũng chính thánh Phao-lô, tác giả những lời ấy trong
một nơi khác đã gọi Môi-sen cũng là một người trung gian (Gl 3:19).
Dù sao, sau cuộc tranh luận lê thê giữa phía ủng hộ và phía chống
đối, Công Đồng đã dùng những lời dung hòa: “Vì thế, trong Giáo
Hội, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, Vị
Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian’’ (LG 62). Công Đồng cũng
xác định rõ lập trường không muốn chính thức giải quyết các tranh
luận thần học, và các thần học gia được tự do tiếp tục ủng hộ
các quan điểm khác biệt nhau (LG 54). Công Đồng nhấn mạnh rằng:
“Phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh
dự và quyền năng của Đấng Trung Gian duy nhất.” Liền sau đó một
chút, chúng ta lại có lời tuyên bố rất ý nghĩa này: “Sự trung
gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không những loại bỏ mà còn khuyến
khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch
duy nhất’’ (LG 62).
Thực sự, các thiên thần, các thánh và các tư tế thời Tân Ước,
tất cả đều có thể được coi như những vị trung gian giữa Thiên
Chúa và nhân loại theo một ý nghĩa xác thực nhưng mang tính cách
tùy tòng.
3. Thánh Truyền
Các giáo phụ và văn gia Giáo Hội chỉ giảng dạy giáo lý Đức Ma-ri-a
Trung Gian một cách mặc nhiên, tức là tôn xưng Mẹ là E-và Đệ Nhị,
Mẹ của tất cả kẻ sống và là người cộng tác của Chúa Cứu Thế trong
công trình hòa giải siêu nhiên cho chúng ta. Vào thời Trung Cổ,
chủ yếu nhờ ảnh hưởng của thánh Bê-na-đô (+1153), giáo lý này
trở thành quen thuộc và ngày càng phổ biến hơn trong Giáo Hội.
Quan điểm của thánh nhân rõ ràng và dứt khoát: “Thánh ý Thiên
Chúa đã muốn rằng không có gì chúng ta nhận được mà không qua
tay Đức Ma-ri-a.’’ Sau đó, thánh Bê-na-đô Si-ê-na dòng Phan-xi-cô
(+1444) cũng xác quyết mạnh mẽ như thế: “Tôi không ngần ngại khi
nói rõ rằng Đức Ma-ri-a được toàn quyền trên mọi ân sủng... Mọi
ơn được ban qua tay Mẹ cho những ai Mẹ muốn, khi Mẹ muốn, như
Mẹ muốn và theo số lượng Mẹ muốn.’’ Đến thế kỷ XVIII, chiến sĩ
hăng say bảo vệ giáo lý Công Giáo này là thánh An-phong-sô Li-gô-ri
(+1787) với tác phẩm bất hủ “Vinh Quang Đức Mẹ.’’ Trong số các
chiến sĩ hàng đầu của giáo lý này trong thời gian gần đây đặc
biệt phải kể đến những vị xứng đáng như đức ông J. Lơ-bông (J.
Lebon), cha J. Bi-trơ-mi-ơ (J. Bittremieux) và cha J.M. Bô-vơ
(J.M. Bover), dòng Tên. Hiện nay, giáo lý này đã được đón nhận
khắp nơi. Các thần học gia Công Giáo, trừ một số tương đối nhỏ,
đều cho rằng giáo lý này có thể được Đức Thánh Cha tuyên bố thành
một tín điều đức tin.
4. Phụng Vụ
Đặc ân Trung Gian và ban phát mọi ơn sủng của Đức Ma-ri-a đã được
minh chứng rất nhiều trong các sách phụng vụ của Giáo Hội sơ khai,
chẳng hạn của các Giáo Hội Bi-dan-tin, Cốp-tích (Coptic), Ác-mê-ni-a
(Armenia) và Can-đê (Chaldean). Trong Giáo Hội La-tinh, chúng
ta có kinh Thần Vụ và lễ Đức Mẹ Trung Gian Mọi Ơn đã được soạn
theo đề nghị của đức hồng y D.J. Méc-xi-ê (D.J. Mercier) được
Đức Bê-nê-đíc-tô XV chuẩn y năm 1921, và được mừng kính vào ngày
31 tháng 5 tại rất nhiều địa phận cũng như các dòng tu. Đến năm
1954, Đức Pi-ô XII lấy ngày 31 tháng 5 để mừng lễ Mẹ Nữ Vương,
thành ra lễ kính Đức Mẹ Trung Gian lại bị bãi bỏ. Một số nơi còn
mừng nhưng chuyển sang ngày khác.
* Chú thích: Đây chỉ là ý kiến của tác giả, bởi vì có rất nhiều
nhà thần học chủ trương Đức Ma-ri-a là dụng cụ thể lý ban ân sủng.
Tài
Liệu Tham Khảo
-J.A.
Robichaud, SM., Mary, Dispensatrix of All Graces, in J.B. Carol,
O.F.M. (ed), Mariology. Vol. 2 (Milwaukee, Wis, Bruce, 1957),
pp. 426 - 460.
-M.O. Carroll, C.S.Sp., Theotokos (Wilmington, Del., M. Glazier,
1982), pp. 238 - 245.
- J.B. Carol. Mediatrix of All Graces, in NCE 9 (1967).
J.B.
Ca-rôn
|
|