|
E-VÀ MỚI
Sau khi sa ngã và đón nhận án tử, A-đam đã đặt cho người đàn bà
Thiên Chúa đã tạo dựng từ thân mình của ông (St 2:22) một danh
xưng mang đầy hy vọng. E-và, tiếng Hy Bá là Hawah, được dùng như
một từ phái sinh của gốc “hay,’’ nghĩa là sống: “Ông đã gọi vợ
mình là E-và, bởi vì bà là mẹ của mọi người sống’’ (St 3:20).
Tác giả trình thuật Thánh Kinh không thể nghĩ đến “người nữ’’
mà lại không nghĩ đến “sự sống.’’ Các dịch giả bản Bảy Mươi đã
không lầm khi dịch chữ Hawah, E-và thành ra “Zoé,’’ tiếng Hy Lạp
nghĩa là “sự sống.’’
Nhờ ánh sáng đức tin Ki-tô giáo, chúng ta có được một kiến thức
mới khi nhìn về những cội nguồn. Để làm nổi bật tặng ân Thiên
Chúa đã thực hiện cho chúng ta trong Chúa Giê-su Ki-tô, thánh
Phao-lô kể ra tình trạng mà đáng lẽ nhân loại đã phải chịu. Nhưng
“ở đâu tội lỗi gia tăng thì ơn sủng càng bội tăng’’ (Rm 5:20).
Hai mẫu người được trình bày đối lập nhau: “Người thứ nhất thuộc
về đất, được tạo thành từ bụi đất, còn người thứ hai thì từ trời”
(1Cr 15:37). Thánh Phao-lô đã nhiều lần sử dụng lối so sánh song
đối này. Chúa Ki-tô là A-đam Đệ Nhị, mô hình của con người mới
được tạo thành theo thánh ý Thiên Chúa trong công chính và chân
lý (x. Ep 4:24), trong nguồn ân sủng (Rm 5:17-19) và trong Thần
Khí tác sinh (1Cr 15:45).
Nhưng mãi đến khi có những chứng cứ Thánh Truyền đầu tiên chúng
ta mới thấy E-và Mới được trình bày trong tương quan với A-đam
thứ nhất. Thánh I-rê-nê, giám mục thành Li-ông (Lyons) là một
trong những chứng nhân đầu tiên và rõ ràng nhất thuộc hậu bán
thế kỷ II. Thánh nhân không ủng hộ lập trường của Ta-ti-an cho
rằng Nguyên Tổ chúng ta đã bị đọa phạt. Không, ân sủng đã siêu
vượt và nhân loại nhất định đã được phục hồi: “Điều hợp lý và
cần thiết là A-đam đã được phục hồi trong Chúa Ki-tô... và E-và
đã được phục hồi trong Đức Ma-ri-a, ngõ hầu Trinh Nữ này trở thành
trạng sư cho Chúa Ki-tô trinh nữ kia, tẩy sạch và hủy bỏ sự bất
tuân của trinh nữ kia bằng sự tuân phục của mình...”
Téc-tu-li-a-nô còn đưa ra một biểu trưng khác được thánh Am-rô-si-ô,
thánh Giê-rô-ni-mô, thánh Âu-gu-tinh và nhiều vị khác sau này
áp dụng. Chúa Ki-tô được trình bày như đang đi vào giấc ngủ trên
Thập Giá, và trong giấc ngủ của A-đam Đệ Nhị, từ cạnh sườn của
Ngài, Giáo Hội là E-và Mới, mẹ của chúng sinh đã được sinh ra.
Trong truyền thống La-tinh, chúng ta phải chờ đến thời Trung Cổ
mới thấy tước hiệu “Mẹ Chúng Sinh” được áp dụng không chỉ cho
Giáo Hội mà còn cho Đức Ma-ri-a nữa. Đằng sau việc áp dụng này
là sự công nhận địa vị từ mẫu tinh thần của Đức Ma-ri-a đối với
toàn thể nhân loại.
Không phải chỉ có Giáo Hội và Đức Ma-ri-a được nhận danh hiệu
E-và hay E-và Mới. Vợ ông Gióp, người đã chế diễu ông trong cơn
thử thách cũng được nhận danh xưng này theo một nghĩa không hay
ho gì. Vì thế danh hiệu “E-và Mới” không phải lúc nào cũng mang
ý nghĩa Thánh Mẫu học như chúng ta ngày nay thường qui gán.
Trong bức thư gửi cho nhà thần học Anh Giáo Ét-uốc Pu-sây (Edward
B. Pusey) năm 1865, hồng y Niu-mân (Newman) đã trình bày việc
căn định Đức Ma-ri-a là E-và Mới như một giáo huấn nền tảng có
căn bản từ những tác phẩm giáo phụ râỉt xa xưa. Ngài lập luận
rằng E-và Mới không thể kém E-và cũ. Nếu E-và thứ nhất đã được
ban ơn sủng ngoại nhiên trong bậc công chính nguyên tuyền ngay
từ giây phút vừa hiện hữu, thì Đức Ma-ri-a, E-và Đệ Nhị ắt hẳn
cũng phải được như thế. Sự suy diễn đầy thuyết phục của hồng y
Niu-mân quá hiển nhiên, và xét theo nghĩa đen, cũng minh chứng
rằng Đức Ma-ri-a đã được đầu thai vô nhiễm.
Những phẩm chất khác nơi E-và Mới hiện nay vẫn đang được đề cao.
Hết thế hệ ki-tô hữu này đến thế hệ ki-tô hữu khác đã chiêm ngưỡng
theo nhiều góc độ văn hóa xã hội khác nhau về “thân vị và sứ mệnh
Đức Ma-ri-a: Người Nữ Mới, Ki-tô Hữu hoàn hảo... mô hình xuất
chúng của nữ tính” (MC 36). Trong khi E-và thứ nhất làm tôi ma
quỷ, thì E-và Thứ Hai luôn hưởng sự tự do tâm hồn mà Chúa Thánh
Thần ban cho những ai thuận vâng theo Người. Mẹ đã đáp lại tiếng
Chúa hết sức trọn hảo “gồm tóm nơi bản thân các hoàn cảnh đặc
trưng nhất trong cuộc đời một người nữ: trinh nữ, làm vợ, rồi
làm mẹ” (MC 36). Đức Ma-ri-a đã vâng phục tự do và tích cực trong
mọi biến cố cuộc đời, cùng với Người Con chí thánh là A-đam Mới
mở, đầu một công cuộc tạo dựng mới.
J. Panh-ta
|
|