GIÁO PHỤ VÀ ĐỨC MA-RI-A
Xem:
- E-và Mới
1. Vai Trò Các Giáo Phụ
Giáo phụ là tước hiệu dành cho các văn gia của Giáo Hội Đông và
Tây Phương, những vị:
1) Đã sống trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội,
2) Có một đời sống thánh thiện,
3) Giáo huấn với sự khôn ngoan và chân lý,
4) Và được Giáo Hội công nhận.
Các giáo phụ được phân loại theo nhiều cách. Xin giới thiệu ở
đây một cách. Các tông phụ là những vị đã trước tác trong thế
kỷ I hoặc II, có liên hệ với các thánh Tông Đồ, và phản ảnh giáo
huấn của các ngài. Các giáo phụ sơ thời (gồm cả các tông phụ)
là những vị trước tác trong những thế kỷ đầu. Các giáo phụ hậu
thời gồm những vị trước tác trong thời gian từ thế kỷ IV đến thế
kỷ VIII. Thánh Giê-gô-ri-ô Cả (+604) là vị giáo phụ sau cùng bên
Tây Phương và thánh Đa-mát-xê-nô (+749) là vị giáo phụ cuối cùng
bên Đông Phương. Khi các giáo phụ nhất tâm chấp nhận một giáo
huấn nào, đó là dấu hiệu minh chứng giáo huấn ấy thuộc về “kho
tàng đức tin” mà Chúa Ki-tô đã truyền lại cho các thánh Tông Đồ.
Đối với trường hợp Đức Ma-ri-a, các giáo phụ đã để lại một kho
tàng giáo lý phong phú và một khuôn thước (barometer) về thái
độ của Giáo Hội dành cho Mẹ. Những tác phẩm của các ngài hiện
vẫn được khai thác để tìm kiếm các lời dạy về Đức Ma-ri-a. Li-vi-ô
(T. Livius), một nhà nghiên cứu giáo phụ học đã đưa ra một toát
lược rất ý nghĩa: “Tuy cường độ có khác biệt hơn kém, nhưng các
giáo phụ thuộc sáu thế kỷ đầu đều đồng thanh tôn vinh Đức Trinh
Nữ như các tín hữu Công Giáo trong các thời sau đó... Tất cả những
điều được Giáo Hội định tín hay chấp nhận về sau liên quan đến
những đặc ân của Đức Mẹ hay tôn kính xứng với Mẹ và tất cả những
điều các thánh hay các nhà thần học thời Trung Cổ và Hiện Đại
đã nói lên để ca tụng Mẹ đều được tìm thấy có căn bản, hay ít
nhất đã có nguyên lý hoặc mầm mống trong các tác phẩm của các
vị giáo phụ vĩ đại.”
Vì
thế, không lấy gì làm lạ khi các Giáo Hoàng và các Công Đồng luôn
nhất quán trưng dẫn các giáo phụ như những yếu tố hỗ trợ khi rao
giảng về Đức Ma-ri-a. Khi tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm
Nguyên Tội, Đức Pi-ô IX nhiều lần nại đến các giáo phụ (mặc dầu
ngài không nêu đích danh một vị nào). Khi tuyên bố tín điều Đức
Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời, Đức Pi-ô XII đã trích dẫn chứng cứ của
ba vị giáo phụ là Gio-an Đa-mát-xê-nô, Giéc-ma-nô Công-tan-ti-nốp
và Mô-đét-tô Giê-ru-sa-lem. Và trong tông thư thiết lập lễ Đức
Ma-ri-a Nữ Vương trong toàn Giáo Hội, Đức Pi-ô XII đã dẫn chứng
đến mười vị giáo phụ.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II khi bàn về Đức Ma-ri-a trong hiến chế
Tín Lý về Giáo Hội đã trích dẫn mười bốn vị giáo phụ. Đức Phao-lô
VI trong thông điệp “Điềm Lạ Vĩ Đại” (Signum Magnum) đề cập đến
sáu vị giáo phụ, trong khi đó tông thư Lòng Sùng Kính Đức Trinh
Nữ Ma-ri-a (Marialis Cultus) nhắc đến hai mươi vị.
2. Lưu Ý Quan Trọng về Các Giáo Phụ Sơ Thời
Địa vị Đức Ma-ri-a ít khi được đề cập đến trong giáo thuyết thần
học của các vị giáo phụ ba thế kỷ đầu, và điều này hoàn toàn tự
nhiên. Hình ảnh Đức Ma-ri-a được lưu truyền lại cho chúng ta qua
Thánh Kinh. Không hề có một giáo thuyết chính thức nào về Đức
Ma-ri-a được bàn giải trong tác phẩm các giáo phụ. Các ngài có
những vấn đề khác khẩn thiết tự nhiên đáng quan tâm hơn. Các vị
phải xác định và trình bày cặn kẽ những chân lý căn bản của mặc
khải Ki-tô giáo về bản tính Thiên Chúa; về mầu nhiệm Một Chúa
Ba Ngôi; về mầu nhiệm Nhập Thể và Thần Tính của Ngôi Lời; về Chúa
Thánh Thần; về tính duy nhất và tính phổ quát của Giáo Hội; về
mầu nhiệm Các Thánh Thông Công; giáo lý về tội nguyên tổ và ân
sủng. Các ngài còn bận rộn chú giải Kinh Thánh, soạn thảo các
loại bài giảng theo nhu cầu, huấn đức, thư từ, thi ca, lịch sử,
luân lý và triết học.
Như vậy các giáo phụ chỉ bàn về Đức Ma-ri-a khi, theo lời đức
hồng y Niu- mân (Newman), “vấn đề của Mẹ cần thiết cho vấn đề
Chúa Ki-tô.” Điều này thường xảy ra vào thời kỳ phải chống lại
các bè rối. Khi Nhân Tính Chúa Ki-tô bị bè Ảo Thân (Docetists)
phủ nhận thì thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a lại được
đề cao nhằm đẩy lùi lạc thuyết; và việc Mẹ thụ thai Chúa Ki-tô
trinh khiết được đề cao để chứng minh Thần Tính Chúa Ki-tô chống
lại bè Nghĩa Tử (Adoptionist) vốn cho rằng Thiên Chúa chỉ coi
Chúa Ki-tô như nghĩa tử.
Như thế, một số tông phụ không hề viết gì về Đức Ma-ri-a, thí
dụ thư thứ nhất của thánh Cơ-lê-măng gởi cho tín hữu Cô-rin-tô,
sách Đi-đa-kê (Didache), thư Bác-na-ba, mục tử Hơ-mát (Hermas),
thư thánh Pô-li-ca-pô, và thư Đi-ô-nê-tô (Diognetus). Tuy nhiên,
thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a thì viết rõ ràng trong các
thư của ngài (110-115), ngàiä kêu lên: “Anh em đừng nghe theo
những kẻ không chịu tuyên nhận Chúa Giê-su Ki-tô con vua Đa-vít
sinh bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.’’ Bốn lần khác thánh nhân còn nói
về Đức Mẹ là Trinh Nữ và là Mẹ như chương trình Thiên Chúa tiền
định.
Nhà hộ giáo A-rít-tít thành A-tê-na (Aristides of Athens, c. 145)
cũng đề cập đến Đức Ma-ri-a trong một bản văn gần giống tín biểu:
“Ngài được tuyên nhận là Con Đấng Tối Cao, từ trời xuống để cứu
độ nhân loại nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần và sinh bởi một
Trinh Nữ thánh đức mà không cần nam nhân, và trong sự tinh sạch
Ngài đã mặc lấy xác thể.”
Thánh Giút-ti-nô Tử Đạo (+165) được coi như người đầu tiên trình
bày đầy đủ về Đức Ma-ri-a. Ngài đã trưng dẫn lối so sánh E-và/Ma-ri-a,
hình thức đã được thánh I-rê-nê (+202) quảng diễn: “Sự bất tuân
của E-và được tháo cởi nhờ sự tuân phục của Đức Ma-ri-a; điều
trinh nữ E-và đã buộc lại vì sự bất tín của mình thì Đức Trinh
Nữ Ma-ri-a đã tháo gỡ bằng đức tin của Mẹ.” Thánh I-rê-nê chân
nhận địa vị của Đức Ma-ri-a tại ngưỡng cửa của Nhân Loại Mới,
là Mẹ của Nhân Loại Mới. Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện một khởi
sự mới.
Các giáo phụ (Cơ-lê-măng A-lê-xan-ri-a, thánh Hi-pô-li-tô và thánh
Xíp-ri-a-nô) cùng như các văn gia Giáo Hội (Ô-ri-gê-nê và Téc-tu-li-a-nô)
thuộc thế kỷ III còn đi xa hơn nữa và bàn giải vấn đề địa vị Mẹ
Thiên Chúa. Các ngài xác quyết rằng không thể hiểu được đầy đủ
về Đức Ma-ri-a trừ phi xét dưới ánh sáng đức trinh khiết trọn
đời của Mẹ - trinh khiết trước, trong, và sau khi sinh hạ Chúa
Giê-su. Cuối thế kỷ IV, hai đặc điểm Thánh Mẫu học là Mẫu Tính
và Trinh Khiết đã trở thành một phần giáo huấn được chuẩn nhận.
Thánh Xíp-ri-a-nô (+258) nhấn mạnh đến niềm tín thác chúng ta
phải có đối với Đức Ma-ri-a. Ngài ca tụng đức khiết trinh của
Me, xưng tụng Mẹ là “Cây sinh Hoa Trái kỳ diệu, là Nhà của Chúa
Thánh Thần, là Cửa của Đấng Cứu Thế, là Thánh Cung được bảo vệ
của Chúa Thánh Thần, là Cư Sở cho Nhân Tính Chúa Ki-tô, là Lâu
Đài thánh thiện Ngôi Ba Thiên Chúa trang trí thỏa lòng, và là
Bình Quý được Thiên Chúa đổ đầy ân sủng.”
Giáo phụ Cơ-lê-măng A-lê-xa-ri-a đã giải thích tuyệt vời những
ý nghĩa thiêng liêng về đức trinh khiết của Mẹ: “Đức trinh khiết
phong nhiêu của Đức Ma-ri-a có thể sánh như sự tuyền vẹn của Thánh
Kinh. Thánh Kinh sinh hoa kết trái nhờ ánh sáng từ Thánh Kinh
giãi chiếu và nhờâ Chân Lý mà Thánh Kinh đem đến cho thế gian;
nhưng Thánh Kinh vẫn luôn tuyền vẹn vì chứa đựng mầu nhiệm chân
lý trong một bình đựng tinh trắng thánh thiện.”
3. Lưu Ý Quan Trọng về Các Giáo Phụ Hậu Thời
Từ thế kỷ IV về sau, các giáo phụ chú trọng đến sự thánh thiện
và vai trò gương mẫu của Đức Ma-ri-a đối với các tín hữu. Bên
Tây Phương, thánh Am-rô-si-ô (+379) tôn xưng Mẹ là mẫu gương của
Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái, và sự kết hợp hoàn hảo
với Chúa Ki-tô. Thánh Âu-gu-tinh tuyên xưng Đức Ma-ri-a không
vướng mắc nguyên tội, vừa là Mẹ vừa là Trinh Nữ. Đức Ma-ri-a không
những là “Mẹ của Đầu mà còn là Mẹ của tất cả các chi thể,” tức
là Mẹ của toàn Thân Thể mầu nhiệm.
Bên Đông Phương, thánh Giê-gô-ri-ô Nít-san (+344) ghi lại những
lần Đức Ma-ri-a hiện ra với thánh Giê-gô-ri-ô Hay Làm Phép Lạ,
cho biết về thời gian phát triển lúc đầu của lòng tôn sùng Đức
Ma-ri-a uy quyền vinh quang. Thánh Ép-rem (+397) soạn nhiều kinh
nguyện và thánh thi dâng Mẹ, kêu nài thế lực Mẹ trung gian với
Chúa Cha và Chúa Con gợi hứng cho kinh Hãy Nhớ về sau: “Ôi Trinh
Nữ Vô Nhiễm Tội, xin bảo vệ và gìn giữ chúng con dưới bóng cánh
của lòng thương xót dịu dàng của Mẹ.”
Những ý tưởng này đã lên đến cao điểm là tín điều Đức Ma-ri-a
Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) được các giáo phụ Công Đồng Ê-phê-sô
(431) tôn nhận dưới sự cổ động của thánh Xi-ri-lô A-lê-xan-ri-a
(+444). Từ đó kể như không còn vấn đề bàn cãi về đức trinh khiết
của Đức Ma-ri-a nữa, “từ Công Đồng Ê-phê-sô, Dân Thiên Chúa đã
gia tăng lòng tôn kính Đức Ma-ri-a cách lạ lùng: họ sùng kính,
yêu mến, cầu khẩn và noi gương Mẹ đúng như lời Mẹ đã tiên báo:
“Muôn đời sẽ khen Tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho Tôi
những điều trọng đại.”
Khoảng thế kỷ VI, giáo lý Đức Ma-ri-a Lên Trời Hồn Xác đã được
các giáo phụ xác nhận. Thánh Giéc-ma-nô Công-tan-ti-nốp (thế kỷ
VII-VIII) cho rằng việc thân xác Đức Ma-ri-a Trinh Nữ Mẹ Thiên
Chúa không hề hư nát và được đưa lên thiên đàng là hợp lý, không
những với địa vị Mẹ Thiên Chúa mà còn với sự thánh thiện đặc biệt
nơi thân xác tinh tuyền của Mẹ nữa.
Những
chứng cứ hậu thuẫn giáo lý Đức Ma-ri-a Lên Trời Hồn Xác đã được
thánh Gio-an Đa-mát-xê-nô, giáo phụ sau cùng bên Đông Phương lược
tóm thật hay như sau:
“Chí lý thay, Mẹ đã được giữ gìn trinh bạch trong lúc sinh con
thì thể xác của Mẹ cũng được gìn giữ nguyên vẹn sau khi chết.
Chí lý thay, vị Hôn Thê mà Chúa Cha chọn riêng cho Ngài sẽ được
sống trong lâu đài Thiên Chúa.”
“Chí lý thay, Mẹ trước đã thấy Con treo trên Thập Giá và đón nhận
mũi gươm tang thương trong lòng mà vẫn thoát được khi sinh ra
Ngài, giờ sẽ chiêm ngắm Con ngự toà với Chúa Cha! Chí lý thay,
Mẹ Thiên Chúa sở hữu kho tàng của Con và được mọi loài thụ sinh
tôn nhận là Mẹ và là Nữ Tì Thiên Chúa.”
Bên cạnh đó, ta còn thấy niềm tin về vai trò chuyển cầu của Đức
Mẹ trên thiên quốc, một niềm tin đã được truyền bá rộng khắp và
thể hiện qua kinh Trông Cậy (Sub Tuum). Đức Ma-ri-a như thế đã
nhận tước hiệu Đấng Trung Gian từ ngòi bút của thánh An-rê đảo
Cơ-rê-ta (Crete, +740).
Có thể nói vào cuối thời kỳ giáo phụ, chúng ta thấy vị trí của
Đức Ma-ri-a trong thần học, phụng vụ và đời sống đạo đức của Giáo
Hội đã được thiết lập vững chắc cả bên Đông lẫn bên Tây Phương.
Những hạt mầm Thánh Mẫu học đã được gieo vãi, sẽ nảy mầm và phát
triển thành một phân nghành thần học như ngày nay.
A. Buy-ô-nô
|