LA VANG, VIỆT NAM
1. Tên Gọi La Vang
Có nhiều giải thích khác nhau về nguồn gốc tên gọi La Vang.
* Đức cha Hồ Ngọc Cẩn trong bài diễn văn Đức Mẹ La Vang (ngày
18 tháng 8 năm 1932) có nói: “Tên La Vang là vì xưa ở đó có nhiều
cọp, dân xóm Trí Bưu vào làm chòi ở lại, làm gỗ phở đất, nên đêm
nào cũng đánh mõ la lối để đuổi cọp, vì thế xóm chung quang nhà
thờ gọi là La Vang.”
* Quận công Nguyễn Hữu Bài trong bút tích về đền thánh Đức Mẹ
La Vang đề ngày 8 tháng 2 năm 1925 tại Huế có viết: “La Vang nghĩa
là tiếng kêu om xòm. Thường người ta đặt tên chỗ nọ chỗ kia, thì
lấy tên các khe, cây gì cổ thụ, hay là tên người nào trước ở đó
mà đặt tên chỗ, song đây thì lấy tên La Vang mà đặt tên cũng là
lạ. La Vang là tiếng khi người ta lâm nguy mà kêu cứu. La Vang
là tiếng kêu, tiếng đuổi thú dữ. La Vang là tiếng rao truyền.
La Vang là tiếng khi người ta được sự vui mừng quá bội hoảng hốt
mà La Vang hay là tiếng quở trách.”
* Cha Phi-líp-phê Lê Thiệu Bá, nguyên giáo sư đại chủng viện Huế,
nguyên quán tại Trí Bưu cho rằng bút tích tên gọi La Vang như
trên là sai: “Sự thật nếu La Vang quả như nói trên thì trong bộ
làng đời Gia Long đã viết La Vang. Nhưng không, trong bộ làng
Trí Bưu viết Lá Vằng. Tại sao có tên gọi như vậy? Là vì tại vườn
Đức Mẹ có vô số cây lá vằng. Lúc tôi còn năm sáu tuổi (1896),
tôi vào La Vang hái hột lá vằng ăn đen cả miệng. Cây cối xung
quanh vườn Đức Mẹ như hóp, xim, tre, v.v... đều bị cây lá vằng
leo đầy cả. Vì vậy mà tục danh kêu xứ đó là Lá Vằng. Lâu ngày
không rõ, rồi ra La Vang.”
2. Hoàn Cảnh Lịch Sử
Cố Ninh (P.B. Bonin), cha sở Cổ Vưu (1881-1911) khi xức dầu thánh
cho bà Nôi và bà Xã Thoại ở họ Cổ Vưu thọ gần một trăm tuổi có
hỏi rằng: “Bà nay gần đến tòa phán xét, bà phải nói cho thật khi
nhỏ bà có nghe nói Đức Bà hiện ra ở La Vang và hứa ai đến La Vang
cầu xin, Đức Bà sẽ nhận lời, ban ơn và dạy hái lá xung quanh vườn
đó nấu uống sẽ lành các bệnh, bà có nghe thật như vậy không?”
Các bà ấy là người đạo đức, thưa rằng: “Thưa cha có, lúc nhỏ con
có nghe cha mẹ con và mấy người lớn kể lại các việc ấy.”
Trong việc thuật lại chuyện Đức Mẹ hiện ra ở La Vang không nói
rõ Đức Mẹ hiện ra năm nào? Sự thiếu sót đó là một sự thiếu sót
to tát về lịch sử. Nhiều sử gia đã tìm hiểu để biết năm Đức Mẹ
hiện ra, dựa trên hai bằng chứng:
- Bằng chứng thứ nhất: Đức Mẹ hiện ra với những người trốn tránh
vì bắt đạo.
- Bằng chứng thứ hai: Lúc đại hội lần đầu tiên năm 1901, các ông
già bà lão còn sống nói rằng: Đức Mẹ hiện ra nay xê xịch trên
một trăm năm.
Năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang phải là một năm bắt đạo tại Quảng
Trị và xê xích cách năm 1901, năm đại hội Thánh Mẫu ở La Vang
lần thứ nhất chừng một trăm năm. Như thế chúng ta nhận thấy các
năm 1885, 1864 Văn Thân bắt đạo tại Nam Định, năm 1841 Thiệu Trị
bắt đạo cũng tại Nam Định, năm 1833 Minh Mạng bắt đạo trong khắp
nước đều không thỏa đáng được một hoặc cả hai lời truyền tụng
để lại trên kia.
Trong lịch sử còn ghi lại năm bắt đạo 1798 dưới đời vua Cảnh Thịnh,
tức là Nguyễn Quang Toản, nối vị vua Quang Trung. Cuộc bắt đạo
diễn ra tại các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình trở nên
khốc liệt nhất là từ khi nhà vua bắt được lá thư của Nguyễn Ánh
gửi cho đức cha An (Labartette) nên ngờ là người Công Giáo tiếp
tay với địch. Từ năm 1798 đến năm 1901 được một trăm lẻ ba năm.
Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh đuổi nhà Tây Sơn và chiếm Thừa Thiên,
Cảnh Thịnh rút về Thanh Hóa, cơn cấm đạo chấm dứt từ 1801 đến
1901 chẵn một trăm năm.
Như thế chúng ta có thể quả quyết Đức Mẹ đã hiện ra trong cơn
bắt đạo đời vua Cảnh Thịnh.
3. Sự Kiện và Đền Thánh
Tại
vùng Cổ Vưu gần Quảng Trị, giáo hữu chết quá nửa phần vì bách
hại, phần vì bệnh tật. Các quan bày ra lắm hình khổ mới lạ vô
cùng dã man. Nhiều giáo dân khiếp sợ đã phải bỏ cửa nhà, băng
qua gò hoang bụi rậm đi về phía núi rừng cách Quảng Trị sáu cây
số. La Vang hồi ấy là rừng sâu núi rậm, có nhiều ác thú nên bổn
đạo nghĩ rằng quan quân không tìm đến chỗ xa xôi hẻo lánh ấy.
Dẫu vậy vẫn đêm ngày lo sợ bị tầm nã bắt bớ, sợ thú dữ rừng hoang,
lại thêm lương thực thuốc men thiếu thốn, khí hậu độc địa nên
lâu ngày nhiều người lâm bệnh. Tình cảnh thực trăm chiều cơ cực.
Một hôm bổn đạo họp nhau đọc kinh tối dưới gốc cây da, họ thầm
thĩ than khóc kêu xin Chúa và Đức Mẹ đoái thương phù hộ che chở,
bỗng nhiên Đức Mẹ hiện ra rực rỡ vô ngần, người mặc áo choàng
rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai
bên. Đức Mẹ xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây da, nơi bổn đạo
đang cầu nguyện.
Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ âu yếm an ủi các bổn đạo vui lòng chịu khó,
dạy hái lá quanh đó nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Đức
Mẹ phán Người đã nghe lời họ cầu xin và từ đó về sau, hễ ai chạy
đến cầu khẩn cùng Người tại chốn ấy sẽ được nhậm lời ban ơn theo
sở nguyện.
Từ
đó, Đức Mẹ còn hiện xuống nhiều lần nữa. Đó là lời các tiền nhân
truyền tụng cho đến ngày nay.
Vùng chung quanh đồn Quảng Trị có ba làng trù phú là làng Cổ Thành,
Thạch Hãn và Ba Trừ. Nghe tin có Bà lạ hiện ra ở xóm La Vang,
lại hiện ra dưới cây da, dân chúng xôn xao bàn tán. Đồng bào bên
lương cho rằng Phật Bà xuất hiện nên mỗi lần đi rừng, họ thường
hay đem hương hoa, đốt hương khấn vái cầu an.
Đầu đời vua Minh Mạng, ba làng Cổ Thành, Thạch Hãn và Ba Trừ họp
nhau lập một ngôi chùa ở đó rồi nghinh mấy tượng Phật làng lên
đặt vào chùa để thờ, mở lễ lạc thành, hương đèn, xôi thịt cúng
tế. Lễ xong, đêm đó các chức dịch trong làng nằm chiêm bao thấy
Phật về và dạy phải dời Phật đi nơi khác gấp vì Bà bên Công Giáo
đã ngự ở nơi ấy. Sáng ngày, các hương chức ba làng gặp nhau thì
hóa ra cả ba vị đều chiêm bao như thế. Ba vị ra chùa để xem thực
hư thế nào... Giữa sự ngạc nhiên của ba ông hương đèn, ngổn ngang
dưới đất, tượng Phật nằm lăn lóc ngoài cửa. Các chức dịch nghinh
tượng Phật lại để đặt trên bàn thờ, sắp sửa lư hương đèn nến,
bảo nhau về xóm làng coi bói thử xem. Đêm ấy, chức dịch lại nằm
mơ thấy Phật về, hối hả dạy phải dời Phật đi nơi khác lập tức.
Sáng ngày, cả ba làng kéo đến La Vang đông đúc, họ thấy một cảnh
tượng như hôm trước, ai nấy đều tin rằng Bà hiện ra đó là Bà bên
Công Giáo oai quyền linh thiêng quá. Vì thế các chức dịch đều
thuận cho mời nhà đạo ở gần đó, kể lại câu chuyện đã xảy ra, quyết
định dâng đám đất cho bên Công Giáo rồi rước Phật về làng. Những
người Công Giáo tin lại cho cha sở Cổ Vưu, xin ngài sửa chùa ấy
làm nhà thờ. Ngài giúp họ làm như ý, cho một tượng Thánh Giá,
một mẫu ảnh Đức Bà và mấy chân đèn và đặt một ông từ giữ nhà thờ.
Đó là ngôi nhà thờ trước tiên tại La Vang, chính nơi Đức Mẹ hiện
ra.
Ngày 7 tháng 9 năm 1883, sau khi phóng hỏa đốt trụi làng Cổ Vưu,
Văn Thân kéo lên La Vang đốt hết nhà cửa, nhưng không dám đốt
ngôi nhà thờ, vì nghe danh Đức Mẹ linh thiêng. Tuy nhiên, ngôi
nhà thờ cũng bị một người ghét đạo phóng hỏa thiêu rụi sau đó.
Chính người này và vợ con đều chết thiêu sau đó khi một toán Văn
Thân khác trở lại đốt nhà hôi của. Trên đường về, nhóm Văn Thân
chận bắt một nhóm Công Giáo chừng ba mươi người. Tất cả đều xin
đặc ân được chết trên nền nhà thờ Đức Mẹ, và tất cả đã đổ máu
lai láng trên nền đất đã ghi dấu chân Đức Mẹ. La Vang đã trở nên
một di tích lịch sử gắn liền với lịch sử Giáo Hội Việt Nam vào
thời các thánh tử đạo.
Trên nền nhà thờ cũ, năm 1886 một ngôi thánh đường khác được kiến
thiết và hoàn thành năm 1900 dưới sự chỉ đạo của đức cha Lộc (Gaspar),
giám mục địa phận Huế. Nhưng vì nhà thờ ấy quá nhỏ hẹp nên năm
1924, đức cha Lý (Allys) cho xây một ngôi thánh đường khang trang
- và Đức Gio-an XXIII đã nâng lên bậc vương cung thánh đường bằng
sắc chỉ “Để Muôn Dân Ghi Nhớ” ngày 22 tháng 8 năm 1961.
Nằm cách thị xã Quảng Trị sáu cây số về phía tây nam, La Vang
nay thuộc về xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Kể từ
đầu thế kỷ XX, La Vang đã trở thành một trung tâm hành hương.
Cứ ba năm một lần lại tổ chức một đại hội hành hương Thánh Mẫu
La Vang. Vương cung thánh đường La Vang được khánh thành năm 1928,
được xây dựng theo phong cách Gô-tíc với đỉnh tháp chuông cao,
với hai tháp phụ đồ sộ tọa lạc giữa một vùng đất đồi cao lũng
thấp rất hữu tình. Về sau, nhiều công trình được xây dựng thêm,
ở quảng trường có vườn Đức Mẹ với ba cây đa bằng bê tông cốt thép
cao sừng sững, dưới tàn cây là tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giê-su Hài
Đồng. Bên kia quảng trường là con đường lên núi Gôn-gô-ta với
Mẹ chặng đường Thánh Giá. Ngoài ra còn nhiều công trình khác như
nhà tĩnh tâm, đài kỷ niệm các thánh tử đạo Việt Nam, đài kỷ niệm
các đấng bổn mạng xứ truyền giáo giữa hồ tĩnh tâm, lễ đài lộ thiên...
Ngày 13 tháng 4 năm 1961, trong một phiên họp tại Huế, hội đồng
giám mục miền Nam đã chọn đền Đức Mẹ La Vang làm đền thánh toàn
quốc dâng hiến Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Ma-ri-a. Quyết định này
được công bố ngày 22 tháng 8 năm 1961 tại La Vang. Ngày 8 tháng
8 năm 1961, hội đồng giám mục họp tại Đà Lạt và quyết định xin
Tòa Thánh nâng đền thờ La Vang lên hàng vương cung thánh đường,
đồng thời trùng tu và mở rộng trung tâm La Vang. Ngày 22 tháng
8 năm 1961, qua sắc chỉ Để Muôn Đời Ghi Nhớ, đức Gio-an XXIII
đã nâng đền thánh La Vang lên hàng vương cung thánh đường. Hôm
đó, đức tổng giám mục Phê-rô Ngô Đình Thục đã xức dầu thánh cung
hiến đền thờ theo nghi thức của Giáo Hội nhân dịp bế mạc đại hội
Thánh Mẫu toàn quốc năm 1961. Ngày 1 tháng 5 năm 1980, hội đồng
giám mục toàn quốc họp tại Hà Nội lại đồng thanh biểu quyết chấp
nhận La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.
Đền
thánh đã được tái thiết ngày thêm khang trang, bề thế với sự đóng
góp hằng sản của tín hữu các giáo phận miền Trung và miền Nam.
Thế nhưng, những khung cảnh uy nghi hoành tráng ấy của trung tâm
Thánh Mẫu La Vang chỉ còn đọng lại trong tâm tưởng và trí nhớ
của tất cả những ai đã từng hành hương đến La Vang. Suốt những
năm chiến tranh khốc liệt, hàng nghìn tấn bom đạn đã trút xuống
miền đất Mẹ. Vương cung thánh đường chỉ còn là những bờ tường
loang lỗ rêu phong, đổ nát. Đường Thánh Giá cũng không còn lành
lặn.
Dù chỉ là phế tích, nhưng từ sau ngày im tiếng súng chiến tranh,
La Vang vẫn là nơi hành hương của tín hữu Công Giáo toàn quốc.
Các ngày 13,14,15 tháng 8 năm 1996 đã diễn ra đại hội Thánh Mẫu
La Vang lần thứ 24. La Vang đã in sâu vào tâm khảm của từng người
Công Giáo Việt Nam.
Hiện nay, mọi người đang chờ đợi công cuộc tái thiết, tôn tạo
đại qui mô trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Nhiều dự án đã được các
kiến trúc sư, điêu khắc, họa sĩ, kỹ sư trong và ngoài nước đệ
trình. Hy vọng một ngày gần đây, La Vang sẽ trở thành một trung
tâm tôn giáo và văn hóa đáp ứng được sở nguyện của tín hữu Việt
Nam, thể hiện được tình yêu mến thơ thảo sâu đậm của các tín hữu
Việt Nam đối với người Mẹ trên trời của mình.
4. Dịp Mừng Đệ Nhị Bách Chu Niên
Năm
1998 là dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Ngày 1
tháng 8 năm 1996 đức hồng y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng, tổng
giám mục giáo phận Hà Nội kiêm chủ tịch hội đồng giám mục Việt
Nam và đức cha Tê-pha-nô Nguyễn Như Thể, khi ấy là giám quản tông
tòa giáo phận Huế đã gửi thư chung đến toàn thể linh mục, tu sĩ
và giáo hữu Việt Nam trong cũng như ngoài nước đề cập đến việc
long trọng kỷ niệm biến cố vĩ đại La Vang. Hai vị đã nhắc lại
mối quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II và của
Tòa Thánh dành cho Giáo Hội Việt Nam trong sự kiện ý nghĩa này.
Các ngài kêu gọi toàn thể cộng đồng dân Chúa nhiệt tình hưởng
ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và của hội đồng giám mục Việt
Nam tích cực chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, đồng thời mừng kỷ niệm
200 năm Đức Mẹ La Vang bằng cách học hiểu và thực hành các điều
Đức Thánh Cha dạy trong tông thư “Tiến về Ngàn Năm Thứ Ba.” Hai
vị “tha thiết kêu mời các đấng bậc và anh chị em tín hữu tích
cực đóng góp: góp ý kiến, góp của, góp công, góp lời cầu nguyện
để tu sửa lại nơi thánh địa và trang bị những tiện nghi cần thiết
cho việc tổ chức đại hội năm 1998 được chu đáo và long trọng,
nhằm tôn vinh Đức Mẹ và xin Người ban xuống mọi ơn lành cho con
cái hằng tin cậy ở nơi Người.”
Hơn nữa, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, thể theo đơn thỉnh nguyện
của đức hồng y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng và đức tổng giám
mục Tê-pha-nô Nguyễn Như Thể, đã ban phép mở Năm Thánh đặc biệt
mừng sự kiện Đức Mẹ La Vang 200 năm. Năm Thánh khai mạc ngày 1
tháng 1 năm 1998 và bế mạc ngày 15 tháng 8 năm 1999. Trong Năm
Thánh sẽ có nhiều lễ nghi và những việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ
được cử hành tại đền thánh La Vang và toàn quốc Việt Nam nhằm
hỗ trợ đức tin, đức cậy và đức mến cách tích cực nơi các tín hữu,
củng cố tình hiệp thông phẩm trật với Đức Thánh Cha và với các
vị chủ chăn, và hướng dẫn lối sống cho phù hợp với tinh thần và
chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Năm Thánh 2000 sắp đến.
Ngày 20 tháng 10 năm 1997, tòa Xá Giải Tối Cao Tòa Thánh được
sự chấp thuận của Đức Gio-an Phao-lô II đã trả lời thỉnh nguyện
thư của đức hồng y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng và đức cha Tê-pha-nô
Nguyễn Như Thể. Như thế, các tín hữu sẽ được lãnh nhận ơn toàn
xá với những điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ theo
ý Đức Thánh Cha và dứt bỏ quyến luyến đối với tội lỗi - khi họ
tham dự bất cứ lễ nghi tôn giáo nào tại đền thánh La Vang, hoặc
ít là đọc một kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính:
a) Trong các ngày cử hành lễ khai mạc và bế mạc Năm Thánh,
b) Trong các ngày tổ chức giảng lễ Chúa hoặc đọc Kinh Thánh tại
đền thánh,
c) Trong những lần sốt sắng tham gia các cuộc hành hương tại đền
thánh do một giám mục hướng dẫn, hoặc do từng nhóm tự tổ chức,
d) Một ngày một lần do tín hữu tự chọn, nghĩa là ngoài ba trường
hợp a,b,c trên, các tín hữu còn có thể được hưởng một ơn toàn
xá một lần khác nữa vào ngày do tự mình chọn.
Ơn toàn xá cũng được ban với những điều kiện trên cho bất cứ nhà
thờ nào của bất cứ giáo phận nào trong mười ngày do đức giám mục
địa phương chỉ định, khi nơi đó có tổ chức bất cứ lễ nghi long
trọng nào để tôn kính Đức Mẹ La Vang.
Ngày 1 tháng 1 năm 1998 vừa qua, đức cha Tê-pha-nô Nguyễn Như
Thể đã cử hành long trọng lễ khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ tại đền
thánh La Vang với sự tham dự sốt sắng của hàng vạn tín hữu. Trọng
tâm của Năm Thánh sẽ là các lễ nghi được tổ chức tại đền thánh
La Vang trong ba ngày 13, 14 và 15 tháng 8 năm 1998.
Bản kinh Thánh Mẫu La Vang dưới đây được đức cha Tê-pha-nô Nguyễn
Như Thể phê chuẩn ngày 8 tháng 12 năm 1997.
“Lạy Mẹ Ma-ri-a, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ân phước, ngời chói
vạn hào quang, muôn vàn thần thánh không ai sánh bằng.
Đức
Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh
Đấng cứu độ muôn loài.
Mẹ
đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con
lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách khốn khổ trăm bề.
Từ
ấy gót chân Mẹ bước đến vẫn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn, ơn phần xác, người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai
cầu khấn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời cùng
là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin
cho chúng con tấm lòng từ bi đại lượng bao dung cùng nhau bồi
đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin
Mẹ phù hộ chúng con luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông.
Và
sau cuộc đời này xin cho chúng con được về sống bên Mẹ hưởng vinh
phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. A-men.”
Và dưới đây là nội dung bức thông điệp đề ngày 16 tháng 12 năm
1997 của Đức Gio-an Phao-lô II gửi đức hồng y Phao-lô Giu-se Phạm
Đình Tụng và các giám mục cùng toàn thể tín hữu Việt Nam nhân
dịp kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ hiện ra tại La Vang.
“Tôi nhiệt tình chia vui, tạ ơn Thiên Chúa với các giám mục Việt
Nam và với các tín hữu trong giáo phận các ngài. Tại đền thánh
này, vốn vẫn được các tín hữu Công Giáo Việt Nam quí mến vang
lên một sứ điệp hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi đến con cái Người
vào năm 1798 giữa những thống khổ tinh thần và thể xác khi Mẹ
nói: “Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đựng đau khổ. Mẹ
đã nhậm lời các con cầu xin. Từ nay về sau hễ ai đến kêu xin Mẹ
nơi đây thì sẽ được toại nguyện.”
Suốt hai thế kỷ, sứ điệp vẫn luôn luôn hợp thời, đã được sốt sắng
đón nhận tại La Vang mặc cho những thử thách lớn lao đã đánh dấu
dòng lịch sử của La Vang. Trung tâm Thánh Mẫu này ngày nay đã
trở thành trung tâm toàn quốc, đã duy trì được các cuộc hành hương
liên tục như một truyền thống sinh động mang tâm sự thầm kín của
rất nhiều người, đủ mọi thành phần, đủ mọi hoàn cảnh đến phó thác
cho Mẹ trên trời những khắc khoải và những kỳ vọng của họ. Giám
mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân đều yêu thích tìm được nơi
đây sự hiện diện niềm nở của Mẹ, Đấng ban cho họ đầy dủ can đảm
để làm chứng tuyệt vời về đời sống ki-tô hữu trong những hoàn
cảnh lắm lúc khó khăn. Tôi chúc tụng Thiên Chúa đã không bao giờ
bỏ rơi đoàn dân tìm kiếm Ngài, và với sự phù trợ hiền mẫu của
Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn dân này trong
những ngày hạnh phúc cũng như trong những lúc khốn đốn.
Tôi
cầu chúc cho những tín hữu trong năm Toàn Xá này sẽ đến cầu nguyện
với Đức Mẹ La Vang tại đền thánh của Người hoặc sẽ kêu cầu Người
ở những nơi khác được tìm thấy một sức thúc đẩy tông đồ mới cho
đời sống ki-tô hữu của họ và nhận lãnh ơn an ủi và sức mạnh để
đương đầu với những âu lo trong cuộc sống. Tôi mời gọi họ nhìn
thấy nơi Đức Ma-ri-a một Người Mẹ mà chính Đức Giê-su đã ban tặng
cho loài người, một Người Mẹ sẽ dẫn dắt họ đến với Người Con của
mình vì đã sống cách hoàn hảo thân phận người môn đệ Chúa. Mẹ
kêu gọi các ki-tô hữu tiến bước trên con đường sống Tin Mừng hăng
say.
Ước
gì Mẹ lôi cuốn họ thành những người hành hương kiên vững trong
niềm tin vào Đức Ki-tô là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại,
thành những người hành hương của niềm hy vọng hướng tới sự mong
đợi giờ phút Thiên Chúa gặt hái mùa màng đã gieo vào lòng đất,
thành những người hành hương của lòng bác ái sống ơn gọi hiệp
nhất huynh đệ và phục vụ giữa các anh chị em mà họ cùng chia sẻ
cuộc sống.
Trong
khi chúng ta bước vào năm thứ hai chuẩn bị năm Toàn Xá 2000, năm
dành riêng cho Chúa Thánh Thần, Tôi động viên người Công Giáo
Việt Nam hãy chiêm ngắm nơi Đức Ma-ri-a hình ảnh một Người Nữ
khiêm tốn trong nhân loại đã để cho tác động bên trong của Chúa
Thánh Thần hướng dẫn. Mẹ kết hợp đậm đà và sâu xa với Thiên Chúa.
Mẹ đã trung thành và trọn vẹn vâng theo các lời mời gọi của Ngài.
Ước
gì mọi người có thể khám phá ra nơi Mẹ một Người Nữ thầm lặng
và lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng những gì mà Thánh Thần
của Thiên Chúa đã soi sáng cho Mẹ nhận thức. Đó là sự hiện diện
ưu ái và tác động thánh hóa của Ngài. Mẹ không hề chán nản thất
vọng vì các khó khăn. Mẹ đã thể hiện đầy đủ khát vọng tiềm ẩn
nơi những người nghèo của Thiên Chúa. Do đó, Mẹ là mẫu gương sáng
ngời cho những ai thành tâm tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.
Tôi thành tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành
hương về đền thánh Đức Mẹ La Vang và tha thiết khẩn cầu Mẹ Chúa
Ki-tô, Mẹ nhân loại cho toàn thể dân tộc Việt Nam cũng như cho
tất cả các cộng đoàn ki-tô hữu người Việt sống ở nước ngoài.
Ước
gì họ đặt tin tưởng vào Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đang đồng
hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế với tất cả tình hiền mẫu.
Dù sống bất cứ nơi đâu, ước gì họ là những môn đệ của Chúa Ki-tô,
trung thành và quảng đại làm chứng nhân cho tình yêu thương của
Thiên Chúa ở giữa anh chị em mình.
Kính thưa Đức Hồng Y,
Trong dịp hồng phúc kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ hiện ra tại La
Vang, Tôi thân ái gửi phép lành Tòa Thánh đến ngài cũng như đến
các giám mục, linh mục, những người chuẩn bị làm linh mục, các
tu sĩ nam nữ và toàn thể tín hữu ở Việt Nam và hải ngoại.”
(Theo
tư liệu của cha Phan Phát Huồn và Hồng Phúc)
|