dongcong.net
 
 


LINH KHẢI

Xem:
- Ban-nơ (Banneux)
- Bô-ranh (Beauraing)
- Cơ-dếc-tô-cô-va (Czestochowa)
- Fa-ti-ma
- Ca-mê-lô
- Đức Mẹ Cáp (Cape)
- Pông-manh (Pontmain)
- La Sa-lét (La Salette)
- Lô-rê-tô (Loreto)
- Lộ Đức
- Ảnh Đức Mẹ Làm Phép Lạ
- Si-ra-cu-sa (Syracuse)

Trong sinh hoạt của Giáo Hội có một số đền thánh rất quen thuộc là nơi có những cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Hai nơi đặc biệt nhất, Lộ Đức và Fa-ti-ma là những trung tâm hành hương danh tiếng trên thế giới.

Một cuộc hiện ra (apparition), theo Bu-giê (L. Bouger) có thể là “một linh khải của Thiên Chúa, của các thiên thần hoặc của người đã chết (có khi thánh thiện, có khi không) dưới một hình thức làm các giác quan kinh ngạc.” Dĩ nhiên còn nhiều điểm khác nữa, nhưng theo định nghĩa trên đây thì loại tri thức (mode of perception) của người được thị kiến thuộc về bình diện giác quan (sensory order) trong khi đó chủ thể ban thị kiến (reality that makes an appearance) lại không có giác cảm (như Thiên Chúa, thiên thần, người chết chưa phục sinh) hay không thể cảm giác trong những điều kiện bình thường như cách chúng ta nhận thức hiện nay (như trường hợp thân xác đã phục sinh của Chúa Ki-tô và Mẹ Ma-ri-a).

Vì vậy, một thị kiến xác thực không phải là một kinh nghiệm chủ quan thuần tuý, nó phát xuất từ một sự can thiệp thực sự và “khách quan” của một năng lực cấp cao hơn làm cho thụ nhân tiếp xúc được với hữu thể hiện ra hay tỏ mình ra. Nhưng điều quan trọng ở đây không phải là vấn đề xác định những hình thái (modalities) của một dạng “tri thức” như thế (những hình thái ấy, ít nhất là trong một số khía cạnh nào đó của chúng, tất yếu phải vượt qua phạm vi kinh nghiệm thông thường của chúng ta). Đúng hơn, vấn đề quan trọng ở đây là làm sao có thể xác lập được tính xác thực của một biến cố can thiệp siêu nhiên dựa trên một số tiêu chuẩn nào đó.

Những lần hiện ra của Đức Ma-ri-a minh chứng sự hiện diện sống động của Mẹ trong đời sống của Giáo Hội. Đó là một hình thức đặc biệt biểu lộ tình yêu từ mẫu “chăm sóc ân cần những anh em của con Mẹ vẫn còn đang trên đường lữ thứ trần gian” (LG 62). Mục đích của những cuộc hiện ra ấy không phải là đem đến một mặc khải mới mẻ, nhưng là nhắc lại, là tập chú vào khía cạnh này hay khía cạnh khác của giáo lý Phúc Âm. Trong mọi thông điệp của mình, Đức Ma-ri-a chỉ có thể lập lại lời Mẹ đã nói với gia nhân tại tiệc cưới Ca-na, hướng dẫn họ (và chúng ta) đến với Chúa Giê-su: “Hãy làm những gì Ngài truyền.” Đôi khi lưu ý đến mặt này hay mặt khác cần thiết trong từng thời điểm hoặc địa phương cụ thể.

Nếu cuộc hiện ra nào có một hoặc nhiều sứ điệp đi ngược lại với giáo lý mặc khải hoặc giáo huấn của Giáo Hội thì đó là dấu hiệu rõ ràng tính cách không xác thực của nó, do ngụy tạo ý thức hoặc vô thức. Chính giáo quyền, trước hết là các vị giám mục sở tại liên hệ, có trách vụ xác định cuộc hiện ra được cho là của Đức Mẹ ấy có hội đủ những tiêu chuẩn bảo đảm tính xác thực hay không. Chỉ khi đó việc tôn kính công khai tại địa điểm cuộc hiện ra và việc truyền bá sứ điệp mới được chuẩn nhận.

Những quyết định của giáo quyền trong lãnh vực này không mang tính bất khả ngộ và cũng không buộc phải tin phục tận đáy lòng. Tuy nhiên, khi giáo quyền đã cấm hoặc phi bác thì buộc tín hữu theo lương tâm phải tuân phục bên ngoài. Đức Ma-ri-a có lẽ nào lại hành động chống lại Giáo Hội của Con Mẹ?

Tính cách ngoại thường hoặc bí nhiệm của một cuộc thị kiến tuy mang tầm quan trọng nhưng không phải là mục đích chủ yếu cho ta lưu ý. Ngược lại, hãy quan tâm đến các khía cạnh Phúc Âm của sứ điệp (như cải thiện, cầu nguyện, sám hối...) mà Đức Mẹ đã dạy để sống sao cho xứng đáng là con cái Thiên Chúa, hoặc cầu cho những nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Đó chính là thái độ mà Mẹ mong muốn ta đáp ứng vì sứ mệnh của Mẹ là dẫn đưa chúng ta đến với Con Mẹ, để chúng ta nhờ Người mà được sống.

Da-nin Giêng

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)