LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MA-RI-A
Xem:
- Tận Hiến cho Đức Ma-ri-a
- Kinh Kính Mừng
- Noi Gương Đức Ma-ri-a
- Bậc Sống và Lòng Tôn Sùng Đức Ma-ri-a
1. Lòng Sùng Kính
Lòng
sùng kính là nhiệt tâm phụng sự Thiên Chúa. Đó là hành vi nội
tại của ý chí muốn tự hiến cho Thiên Chúa cách quảng đại hăng
say; những trạng thái tâm hồn phù hợp với ý chí ấy và duy trì
linh hồn trong tinh thần tự hiến ấy. Lòng sùng kính còn hướng
đến các hành vi bên ngoài, nhưng chủ yếu vẫn mang tính nội tâm.
Mặc dù đặt nền tảng trên đức tin, nhưng lòng sùng kính phát nguồn
chính yếu từ đức mến Chúa, và đôi khi cũng có thể đồng nhất với
đức mến Chúa.
Thánh Tô-ma A-qui-nô bàn về lòng sùng kính trong bộ Tổng Luận
Thần Học (II-II, 9. 82) như sau: “Sùng kính là hành vi của nhân
đức thờ phượng.” Nó là trạng thái ý chí sẵn sàng phụng sự Thiên
Chúa, một sự sẵn sàng phát xuất từ ý chí (cho nên bao gồm cả con
ngườií) tự hiến để phục vụ và tôn thờ Thiên Chúa. Thánh Tô-ma
còn xác định lòng sùng kính là một tặng ân Thiên Chúa ban nhưng
cũng là một nỗ lực từ phía con người, nhất là khi họ được kêu
gọi để cầu nguyện, suy ngắm và chiêm niệm, tất cả những hình thức
này sẽ thúc đẩy tình yêu và phát sinh lòng sùng kính. Lòng sùng
kính sẽ lưu dấu suốt đời sống chúng ta. Và, nơi đâu có lòng sùng
kính, nơi đó sẽ giãi chiếu niềm vui nội tâm.
Tóm lại, lòng sùng kính là sự hân hoan hiến dâng trót hữu thể
cho Thiên Chúa (và cho tha nhân vì Chúa) bằng việc sinh động đáp
lại tặng ân Thiên Chúa đã ban chính mình Ngài.
2. Những Hành Vi Sùng Kính
Những hành vi sùng kính là những thể hiện bên ngoài của lòng sùng
kính. Tuy nhiên theo thói quen, một hành vi sùng kính hay một
hành vi sùng kính “đặc biệt” là tập hợp các hành vi tôn giáo được
Giáo Hội khởi xướng hoặc ít ra là ban phép. Những hành vi ấy được
thúc đẩy do một đối tượng đặc biệt, đó là đối tượng của lòng sùng
kính. Như vậy, việc liên kết với những hành vi ấy làm nên một
phần lòng tôn kính.
Một lòng sùng kính bao gồm các hành vi sùng kính. Ít là lúc ban
đầu, các hành vi sùng kính này sẽ là những phương thế giúp ta
hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Một lòng sùng kính phải có một “đối tượng đặc biệt.” Đối tượng
có thể là một mầu nhiệm Thiên Chúa, một nhân vật nhất định (như
các thánh), đôi khi là những sự vật thánh (như tượng ảnh, nơi
thánh...). Tập trung vào đối tượng này là hoạt động thiêng liêng
của hành vi tôn kính - phát nguồn từ Chúa Thánh Thần, và có hấp
lực thiêng liêng đi kèm theo.
Lòng
sùng kính còn nói lên một hấp lực thiêng liêng (spiritual attraction),
tình yêu liên kết với đối tượng của nó và những hành vi nhờ đó
mà nó được biểu lộ ra. Vì vậy, một lòng sùng kính bao gồm một
yếu tố “riêng,” một sự tự lựa chọn và quyết định, nhưng bao giờ
cũng phải có sự hiện diện trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Những hành vi sùng kính hợp pháp. Thực sự, lòng sùng kính tác
động đến toàn thể con người, và như Pê-guy (Péguy) đã nói: “Tinh
thần tự nó mang tính xác thể.” Thiên Chúa thì vô cùng phong phú
trong khi chúng ta cứ phải dùng những phương thế hữu hạn, luân
chuyển, phiến diện mà tìm hiểu Người. Đó là lý do giải thích tại
sao lại có nhiều hình thức sùng kính. Ngoài ra, sự đa dạng còn
phát xuất từ những khác biệt giữa các dân tộc, các cá nhân vào
từng thời gian cụ thể trong quá trình phát triển thể lý và tinh
thần của họ.
Những hình thức sùng kính được thẩm định qua hiệu quả của chúng.
Một hành vi sùng kính không dựa trên lòng sùng kính có thể dễ
đưa đến một thẩm định bất lợi cho người thực hiện. Một hành vi
sùng kính phải hàm chứa lòng sùng kính. Mục đích của nó phải là
phục vụ Thiên Chúa và giúp ta 'phát triển đến mực độ trưởng thành
viên mãn của Chúa Ki-tô'” (Ep 4:15-16).
Một lòng sùng kính hoặc các hành vi sùng kính ra đời rồi phát
triển, và có thể bị lạc hướng rồi tàn lụi. Một lòng sùng kính
lạc hướng khi thiên về mê tín, hướng tìm hiệu quả thần kỳ hơn
là sự hoán cải tâm hồn. Nó cũng lạc hướng khi chỉ chú trọng đến
việc thỏa mãn cái tôi (các tác giả ngày xưa gọi là “chủ nghĩa
khoái lạc tinh thần”) mà quên sót điều chính yếu là khát khao
phụng sự Thiên Chúa và anh em đồng loại.
Tuy nhiên nếu lòng sùng kính thiếu các hành vi sùng kính sẽ thiếu
sức sống, nên chúng ta không được thành kiến về bất cứ một hành
vi sùng kính nào, cho dù có vẻ ngây ngô hay bình dân đi nữa. Một
việc đơn giản như đeo ảnh vảy hay đọc một câu kinh mình thích
vẫn có thể là một hành vi tôn sùng thật sự. Trách nhiệm mục vụ
của Giáo Hội là phải lưu tâm và nếu cần phải sửa cải hoặc định
hướng lại khuynh hướng căn bản của những hành vi sùng kính của
các tín hữu.
Việc thẩm định các hành vi sùng kính thuộc quyền bính Giáo Hội.
Giáo quyền chuẩn nhận, sửa sai, và đôi khi phải luận phi các hành
vi. Thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho ghi nhận rằng lòng
tôn sùng Đức Ma-ri-a chân chính phải:
a) Phát xuất từ nội tâm, chú trọng nội tâm hơn các việc bên ngoài;
b)
Vững chắc, dựa trên nền tảng đức tin, không hề trồi sụt theo hứng
thú và cảm tình;
c) Vô vị lợi, qui hướng về Chúa hơn là lo tìm lợi lộc (mặc dù
các lời kinh xin ơn và tạ ơn cũng là những yếu tố quan trọng của
lòng tôn sùng, thúc đẩy chúng ta phụng sự Thiên Chúa).
d) Qui hướng về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô là Đấng đưa dẫn chúng ta
về với Chúa Cha;
e) Tín thác và thành tâm, bởi vì trong chúng ta, tinh thần gắn
liền với xác thể, nghĩa là nó truyền đạt nhờ xác thể.
Những đặc điểm này tiêu biểu cho những qui định căn bản tiện dụng
mà Giáo Hội dựa vào để giúp các tín hữu nhận ra hoạt động của
Chúa Thánh Thần trong một một giai đoạn hay nhu cầu nào đó.
3. Lòng Sùng Kính và các
Hành
Vi Sùng Kính Đức Ma-ri-a
Lòng sùng kính Đức Ma-ri-a là nhiệt tâm phụng sự Mẹ cốt để phụng
sự Chúa tốt hơn, trong khi đó “những hành vi sùng kính” là những
việc làm thể hiện nhiệt tâm ấy.
Đức Ma-ri-a, Người Nữ, Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa Rất Thánh đã
được Thiên Chúa cho cộng tác vào công trình của Chúa Con đến một
mức độ tột cùng và hiện đang hưởng phúc vinh quang của Người.
Đức Ma-ri-a là một “dấu chỉ,” vì mối tương quan giữa Mẹ và chúng
ta nói cho ta biết về Thiên Chúa và về chính chúng ta nữa. Những
người đương thời với chúng ta hôm nay cũng đã công nhận điều này.
Ngay từ đầu, Giáo Hội đã kính nhớ “Đức Ma-ri-a, và được Thiên
Chúa hướng dẫn để trình bày về Mẹ (như tại Công Đồng Ê-phê-sô)
với chủ tâm làm sáng tỏ Chúa Ki-tô. Hơn nữa, cũng ngay từ ấy,
Giáo Hội đã phó mình xin Mẹ che chở, kêu cầu Mẹ giúp đỡ những
khi cần thiết (thể hiện qua kinh Trông Cậy, có ngay từ đầu thế
kỷ III).
Suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, Đức Ma-ri-a đã kêu mời mọi
người cùng dâng lời ca tụng (Lc 1:46-55) và tôn thờ Thiên Chúa
(Ga 2:5). Mẹ đã đứng dưới chân Thập Giá biểu chứng cho tuyệt đỉnh
tín trung. Sau cùng, Mẹ cũng là Đấng trong nhà Tiệc Ly đã cầu
nguyện trước tiên xin Chúa Thánh Thần ngự đến để qui tụ cộng đoàn
các tín hữu.
Đeo ảnh Mẹ, cầu nguyện cùng Mẹ, thực hiện những cuộc hành hương
kính Mẹ, hay tổng quát hơn, “tận hiến” cho Mẹ, qua đó tận hiến
cho Chúa Ki-tô và cho Thiên Chúa - trên căn bản, tất cả những
điều này minh chứng việc chúng ta hiến mình phụng sự Thiên Chúa
và Giáo Hội trong niềm vui.
“Từ sau Công Đồng Ê-phê-sô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn
kính Đức Ma-ri-a cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn
và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen
Tôi có phúc’’ (LG 66).
Lòng tôn kính và yêu mến Mẹ Ma-ri-a qui hướng về Thiên Chúa và
làm bội tăng vinh quang Người, Rô-di-ê (Cl. Rozier) nói: “Lạy
Chúa, Chúa được chúc tụng trong vinh dự mà chúng con dâng về Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a.’’
Việc noi gương Mẹ Ma-ri-a không đưa chúng ta đến thái độ nô dịch
đê hèn mà đưa đến tinh thần chúc tụng phụng sự Thiên Chúa trong
niềm vui (và tha nhân vì tình yêu Chúa).
“ Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và
vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh
từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận
địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình
con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta’’ (LG
67).
Cảm tình chóng qua và tính nhẹ dạ vô bổ là những cạm bẫy đối với
lòng sùng kính. Chúng bộc lộ qua những thói lệ kỳ quặc hoặc cố
chấp với những tập truyền không có nền tảng (chẳng hạn như những
cuộc linh khải không được công nhận). Những quá lố ấy đã đưa một
số người đến chỗ chống báng lòng sùng kính cũng như các việc sùng
kính. Nhưng một lòng sùng kính có nền tảng Thánh Kinh và phụng
vụ, như lời Đức Phao-lô VI nhận định, có thể dễ dàng được mọi
người chấp nhận (ngay cả những anh em ly khai) và đưa người tín
hữu đến chỗ sống trọn vẹn đời sống ki-tô.
Xin
kết luận bằng những lời khích lệ của Công Đồng: “Đời sống của
Đức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình
mẫu tử ấy phải là một động lực của tất cả những ai cộng tác vào
sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại’’ (LG 65).
A.
Tô-tanh
|