NGÀY
THỨ BẢY KÍNH ĐỨC MẸ
Xem:
- Tháng Đức Mẹ
Thói quen dâng ngày thứ bảy kính Đức Mẹ vốn có từ xa xưa. Việc
lựa chọn này dựa trên một truyền thuyết có nhiều điểm chính yếu
rất đáng tin. Thứ bảy sau ngày Chúa tử nạn, các môn đệ đều từ
bỏ Ngài, trong khi Đức Ma-ri-a vẫn vững niềm tin tưởng vào Thần
Tính Con mình. Vì thế, Mẹ được Chúa Giê-su tưởng thưởng đặc biệt,
hiện đến với Mẹ ngay hôm ấy. Một giải thích khác tin rằng Thượng
Trí Thiên Chúa ngôi hiệp và nghỉ ngơi (ngày thứ bảy là ngày sa-bát,
sabbath, ngày nghỉ ngơi) nơi lòng Mẹ như trên một chiếc gường.
Vì vậy, ngày thứ bảy mang sắc thái Thánh Mẫu và việc ăn chay hôm
ấy (hiện nay vẫn còn) cũng gắn liền với Đức Mẹ. Phụng vụ là bằng
chứng mạnh mẽ nhất về sự liên hệ giữa Đức Ma-ri-a và ngày thứ
bảy. Ngày thứ bảy được dành riêng kính Đức Mẹ thể hiện qua thánh
lễ và các giờ kinh Thần Vụ. Qua những hành vi phụng vụ này, các
ki-tô hữu chúc tụng Đức Ma-ri-a qua hành vi hiện tại hóa hy tế
của Chúa Ki-tô và nối tiếp lời cầu nguyện của Ngài.
Việc phụng vụ dành riêng ngày thứ bảy dâng kính Đức Mẹ chủ yếu
do công một tu sĩ dòng Biển Đức là An-qui-anh Cả (735-804), “bộ
trưởng Giáo Dục” dưới triều vua Saỉc-lơ-manh (Charlemagne). Ngài
có những đóng góp mang tính quyết định cho công cuộc canh tân
phụng vụ Ca-rô-lin-di-an (Carolingian). Tu sĩ An-qui-anh đã soạn
sáu bài lễ ngoại lịch Ca-rô-lin-di-an dành cho sáu ngày thường
trong tuần. Ông dành riêng hai bài lễ cho ngày thứ bảy để tôn
kính Đức Mẹ. Và tập tục này được giới giáo sĩ cũng như giáo dân
mau chóng hưởng ứng.
Dần dần, “lễ kính Đức Trinh Nữ Rất Thánh ngày thứ bảy” giản đơn
thành “lễ kính Đức Trinh Nữ Rất Thánh,” có khi được cử hành vào
những ngày khác miễn là được phụng vụ cho phép. (Nhiều linh mục
cao niên mắt kém được phép dùng bài lễ kính Đức Mẹ hằng ngày vì
các vị đã thuộc lòng).
Công cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II vẫn bảo
tồn tập quán truyền thống này. Trong thực tế còn góp phần làm
phong phú thêm các bài lễ bằng nhiều lời nguyện đa dạng phù hợp
với tinh thần các mùa phụng vụ, và ban phép sử dụng các bài đọc
theo ngày thay vì các bài cố định mà phụng vụ đã qui định như
trước kia. Sách lễ qui Rô-ma hiện tại có ba bài lễ thông dụng
và các bài riêng cho các mùa Vọng, Giáng Sinh và Phục Sinh.
Trong những bản văn phụng vụ này, Đức Ma-ri-a được coi là hình
ảnh của Giáo Hội cầu nguyện và là mẫu gương lắng nghe suy niệm
Lời Chúa. Cũng có những lời ca tụng thân phận khiêm hèn của Mẹ,
một phụ nữ trong trắng, tự do, đầy lòng tri ân, một chứng tá trung
thành luôn luôn cầu nguyện, và một người mẹ dịu dàng, lắng nghe.
Vì thế, có thể nói rằng các bản văn phụng vụ canh tân hết sức
đề cao lòng sùng kính Đức Ma-ri-a, đặt lòng sùng kính ấy phù hợp
hơn vào chu kỳ phụng vụ các mầu nhiệm Chúa Ki-tô hằng năm. Ánh
sáng vĩnh cửu Chúa Ki-tô chiếu giải trên Mẹ Ngài vẫn giữ được
nguyên vẹn trong vinh quang đồng trinh của Mẹ rồi tỏa chiếu khắp
thế nhân. Đức đồng trinh và mẫu tính của Đức Ma-ri-a đã được đề
cao bằng nhiều cách. Đồng thời, quyền năng chuyển cầu của Mẹ cũng
luôn lôi cuốn và cứu vớt đoàn con khỏi vòng tội lỗi và dẫn đưa
họ đến cuộc sống trường cửu.
Có thể chúng ta thắc mắc không biết đâu là điểm mới mẻ trong lễ
kính Đức Mẹ, nhất là chúng ta đã biết hiện nay bài lễ này chỉ
có ba lời nguyện, còn các bài đọc lại theo ngày và không đề cập
gì đến Đức Mẹ. Điểm mới chính là chỗ khai triển bài lễ kính nhớ
hằng ngày đã có từ xưa ấy với lời nguyện xin Thiên Chúa nhận lời
Đức Mẹ thường xuyên cầu bầu cho chúng ta.
Như thế Đức Mẹ chỉ xuất hiện ở hậu cảnh vì thánh lễ chính yếu
là lời cảm tạ công trình cứu độ Chúa Ki-tô đã thực hiện. Nhưng
các bản văn phụng vụ đã làm nổi bật những đặc điểm ngoại thường
nơi “Thụ Tạo” phi thường này của Thiên Chúa - trong tư cách là
Người Mẹ Trinh Khiết của Chúa Ki-tô và của mọi ki-tô hữu. Nơi
Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện bao điều kỳ diệu. Hiện nay trong vinh
quang thiên đàng, Mẹ vẫn không ngừng thực thi chức năng từ mẫu
của mình.
Khi cử hành hy tế Vượt Qua của Chúa Ki-tô, chúng ta cũng kính
nhớ Đấng đã liên kết mật thiết với Ngài trong cuộc đời dương thế
từ lúc thụ thai đến giờ tử nạn và vẫn mãi hiệp nhất với Ngài trong
vinh phúc thiên đàng. Chúng ta cũng kính nhớ Đấng là gương mẫu
tuyệt hảo cho mọi tín hữu hôm nay, và là hình ảnh của chúng ta
trong cuộc sống mai hậu trên thiên đàng (những chủ điểm tương
tự thế này cũng có thể gặp trong kinh Thần Vụ ngày thứ bảy kính
Đức Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a).
A.
Buy-ô-nô
|