NỖI ĐAU MẸ MA-RI-A
Xem:
- Đức Ma-ri-a dưới Chân Thập Giá
- Chuỗi Mân Côi
- Si-ra-cu-sa (Syracuse)
Phụng vụ dành ngày 15 tháng 9, một ngày sau lễ Suy Tôn Thánh Giá
để kính nhớ Mẹ Đau Thương. Hình thức sùng kính này xuất hiện từ
thế kỷ XIV, nhưng vốn có nguồn gốc trong Phúc Âm và Thánh Truyền
phong phú của Giáo Hội.
1.Phúc Âm
“Đứng kề Thập Giá Đức Giê-su có Mẹ Ngài” (Ga 19:25). Sự hiện diện
của Đức Ma-ri-a trên đỉnh Can-vê phù hợp với ý định của Thiên
Chúa vì hôm Mẹ dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thờ, Chúa Thánh Thần
đã soi động cho ông Si-mê-on tiên báo: “Về phần Bà, một mũi gươm
sẽ xuyên thấu tâm hồn Bà” (Lc 2:35).
Từ các Phúc Âm, chúng ta có thể suy ra những nỗi đau thương khác
của Đức Ma-ri-a. Chẳng hạn, sự túng quẫn khi Chúa ra đời, “các
Ngài không tìm được chỗ trong các quán trọ” (Lc 2:27); cuộc tàn
sát các Anh Hài tại Bê-lem (Mt 2:16-18); ba ngày lo lắng kiếm
tìm Chúa (Lc 2: 41-50); lần đầu Chúa bị những người đồng hương
Na-da-rét ruồng bỏ (Lc 4:28-30); rồi đến nhà đương cục Do Thái
tại Giê-ru-sa-lem từ khước và mưu giết Chúa (Lc 11:53-54; 19:47-48;
v.v...); và nhất là trong cuộc Thương Khó của Người.
“Đức Ma-ri-a đã mật thiết liên kết với mầu nhiệm cứu độ Chúa Ki-tô
đã thực hiện, với tư cách Mẹ Người Đầy Tớ Đau Khổ của Đức Gia-vê”
như lời Đức Phao-lô VI (MC 7) dựa theo I-sa-i-a 53.
2. Thống Khổ của Đức Ma-ri-a
Hình ảnh Đức Ma-ri-a dưới chân Thánh Giá là một chủ đề kinh nguyện
Ki-tô giáo từ rất xa xưa.
Ngay từ thời kỳ “các giáo phụ sa mạc” đầu tiên khoảng thế kỷ IV,
đan viện phụ Pô-mơn (Poemen) đã nghẹn ngào cho biết sau khi được
xuất thần: “Tâm trí tôi ở đó với Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, Đấng
đang khóc bên Thập Giá Đấng Cứu Độ. Tôi ước gì được mãi mãi khóc
than cùng Mẹ” (Apothegms 144).
Cũng thời kỳ ấy thánh Ép-rem Xi-ri-a (373) đã viết một bài ca
thương chủ đề Đức Ma-ri-a dưới chân Thập Giá lúc Chúa Giê-su vừa
tắt thở, một bài ca hiện còn được hát trong giờ kinh Chiều ngày
thứ bảy tuần Thánh của nghi lễ Xi-ri-a. Khoảng năm 500, thánh
Rô-ma-nô Nhạc Sĩ cũng sáng tác thánh ca Đức Ma-ri-a dưới chân
Thập Giá, trong đó Chúa Giê-su đã chỉ cho Mẹ biết về mầu nhiệm
Thập Giá.
Bên Tây Phương, thánh Am-rô-si-ô, thánh An-sen-mô, thánh Bê-na-đô
và nhiều vị khác đã suy niệm và rao giảng sự đau thương của Đức
Mẹ. Chủ đề thiêng liêng này đã trở nên hết sức phổ biến trong
thế kỷ XIII, nhất là nhờ công các nhà giảng thuyết dòng Phan-xi-cô
và dòng Các Tôi Tớ Đức Mẹ. Điển hình, chúng ta chỉ cần đọc bài
ca thương Đức Ma-ri-a của Da-cô-pôn đa Tô-pi (Jacopone da Topi,
+ 1306).
Con ơi, linh hồn Con đã rời Con,
Ôi người Con kinh hoàng,
Ôi người Con biến dạng,
Ôi Con, Con đã bị đầu độc!
Ôi Con tắm trong máu đỏ và trắng bệch,
Ôi Con, có ai như Con,
Ôi Con, Mẹ sẽ về cùng ai?
Ôi Con, Con đã bỏ Mẹ rồi!
Bầu không khí đạo đức và bối cảnh lịch sử càng làm cho bài ca
thương Stabat Mater Dolorosa được quí chuộng tại các nước vùng
Địa Trung Hải. Một tác phẩm khác ra đời đầu thế kỷ XI với tựa
đề “Những Suy Niệm về Cuộc Đời Chúa Ki-tô” có đoạn bàn về nỗi
sầu thống của Đức Mẹ nhưng dần dần thất bản vì bị các vị Giáo
Hoàng và thần học gia phản đối.
3. Những Niềm Đau Đức Ma-ri-a
Lòng
tôn kính những niềm đau Đức Ma-ri-a xuất hiện khoảng đầu thế kỷ
XIV. Có lẽ chân phước Hen-ri Xuy-dô (1295 hoặc 1300-1366) và các
nhà thần bí miền sông Ranh của dòng Đa-minh (Rhenish mystics)
đã có công đóng góp trong việc này. Việc suy niệm khởi từ trung
tâm thảm kịch Can-vê đến hết cuộc Thương Khó, từ lúc Chúa bị bắt
đến khi chịu táng trong mồ để tương ứng với “năm niềm vui Đức
Mẹ” được sùng kính rất phổ biến thời ấy, các tín hữu kể ra “năm
nỗi đau Đức Mẹ.” Sau đó, họ tăng đến “bảy niềm đau Đức Mẹ” để
tương ứng với bảy giờ kinh Thần Vụ hằng ngày và “bảy niềm vui
Đức Mẹ.”
Người ta kể ra những niềm đau của Đức Mẹ trong cuộc Thương Khó
Chúa, tuy có những dị biệt đây đó, nhưng xét ra tương đối giống
nhau.
1- Chúa Giê-su bị bắt và bị đánh đòn.
2- Chúa Giê-su bị điệu đến tòa Phi-la-tô và bị xét xử.
3- Chúa Giê-su bị kết án tử.
4- Chúa Giê-su chịu đóng đanh trên Thập Giá.
5- Chúa Giê-su trút linh hồn và chết trên Thập Giá.
6- Tháo xác Chúa khỏi Thập Giá.
7- Tẩm liệm và táng xác Chúa trong mồ đá.
Để khỏi bỏ sót một chi tiết nào trong các Phúc Âm, người ta còn
đưa ra bảy niềm đau khác bao gồm cả quãng đời thơ ấu và niên thiếu
của Chúa Giê-su:
1- Lời tiên tri của ông Si-mê-on (“một lưỡi gươm...”).
2- Cuộc tàn sát các Anh Hài, và Thánh Gia trốn sang Ai Cập.
3- Chúa Giê-su lạc trong Đền Thờ.
4- Chúa Giê-su bị bắt và bị kết án tử.
5- Chúa Giê-su chịu đóng đanh và tử nạn.
6- Tháo xác Chúa khỏi Thập Giá.
7- Tẩm liệm và táng xác Chúa trong mồ đá.
Còn một dị biệt nữa có nguồn gốc từ tác phẩm Truyền Thuyết Vàng
của Gia-cô-bê đơ Vô-ra-gin (Jacobus de Voragine) nói về đời sống
Mẹ khi Mẹ đi kính viếng các nơi Con Mẹ đã sống và tử nạn.
Hai bảng liệt kê những nỗi đau Đức Ma-ri-a trên có từ thế kỷ XIV
đã ăn sâu vào mọi hình thức văn chương đạo đức: các bài gẫm, kinh
nguyện, thi ca, v.v... Một hình ảnh rất hấp dẫn trí tưởng tượng
quần chúng là hình ảnh Đức Mẹ ẵm thân xác đẫm máu của Chúa trên
đầu gối (Pietà) đã được thể hiện qua các họa phẩm và tác phẩm
điêu khắc. Gặp thời kỳ nạn dịch tễ Hắc Tử (Black Death) khủng
khiếp trong các năm 1347-1350, 1358-1360, 1373-1375... các chủ
đề đau thương Đức Mẹ càng có ảnh hưởng hơn nữa.
Năm 1464, khi chân phước A-la-nô đơ Rốc dòng Đa-minh rao giảng
kinh Mân Côi (một trăm năm mươi kinh đọc hằng ngày), ngài đã đề
nghị lấy cuộc Thương Khó Chúa và đau khổ Mẹ Ma-ri-a làm chủ đề
suy niệm cho năm chục kinh thứ nhì, bắt đầu từ Tiệc Ly đến lúc
Chúa được táng trong mồ. Các hội Mân Côi (nhóm đầu tiên được thành
lập tại Cô-lô-nha năm 1475) đã cụ thể hóa các chủ đề suy niệm
hơn nữa, họ chia thành mười lăm mầu nhiệm, trong đó có năm mùa
thương: Chúa lo buồn trong vườn Giệt-si-ma-ni; Chúa chịu đánh
đòn; Chúa chịu đội mão gai; Chúa vác Thập Giá; và Chúa chịu đóng
đinh trên Thập Giá.
Đến năm 1482, một cha sở ở Phơ-lan-đê (Flanders) tên là Gio-an
đơ Cu-đan-bê-gơ (John de Coudenberghe) khởi sự rao giảng lòng
sùng kính bảy niềm đau thương Đức Mẹ với hình thức như hiện nay:
1- Lời tiên báo của ông Si-mê-on (Lc 2:34-35).
2- Cuộc chạy trốn sang Ai Cập (Mt 2:13-21).
3- Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 2:41-50).
4- Trên đỉnh Can-vê (Ga 19:17).
5- Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên Thập Giá (Ga 19:18-30).
6- Tháo xác Chúa (Ga 19:39-40).
7- Táng xác Chúa (Ga 19:40-42).
Để cổ động lòng sùng kính này, hội Đức Mẹ Đau Thương đã ra đời
và lập tức được Đức Thánh Cha chấp thuận.
4. Ý Nghĩa
Việc Đức Ma-ri-a thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế là một khía
cạnh quan trọng của lòng tôn sùng Đức Mẹ mà khoa thần học Thánh
Kinh đã làm khởi sắc trở lại.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã xưng tụng Mẹ Ma-ri-a là “Nữ Tử Si-on
cao quí” (LG 55), và Đức Phao-lô VI khi nói về trình thuật Dâng
Chúa trong Đền Thờ đã ca khen Đức Ma-ri-a là “Người đã thực hiện
sứ mạng của dân tộc Ít-ra-en cổ xưa và là mô phạm cho Dân Tộc
Mới của Thiên Chúa” (MC 7).
Vì thế thật hợp lý khi nghĩ rằng chính nơi con người Đức Ma-ri-a
với Trái Tim bị đâm thâu vì những đau khổ Con Mẹ trên đỉnh Can-vê,
Thiên Chúa đã hoàn tất” (x. Ga 19:30) mầu nhiệm “Người Nữ” - gồm
cả Ít-ra-en và cả Giáo Hội - “đang kêu la chuyển bụng” (Kh 12:2)
sinh vào thế gian, cùng với Chúa Phục Sinh, “những người con còn
lại của dòng dõi Bà” (Kh 12:17).
Từ viễn tượng Thánh Kinh này, những nỗi đau-niềm vui khi sinh
con (nỗi đau và mẫu tính thiêng liêng) không thể tách rời đối
với Đức Ma-ri-a cũng như đối với Giáo Hội.
Về phần chúng ta trong mầu nhiệm này, phụng vụ ngày lễ 15 tháng
9 đã nhắc lại ý nghĩa thư Cô-lô-xê 1:24, “khi chúng con kính nhớ
tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, xin cho chúng con dùng
đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu trong những đau
khổ của Chúa Ki-tô để mưu ích cho Giáo Hội” (lời nguyện sau hiệp
lễ).
J. Lô-ren-sô
|