NỮ VƯƠNG
Xem:
- Cựu Ước với Đức Ma-ri-a
Tước hiệu Nữ Vương được Truyền Thống Ki-tô giáo kính dâng Đức
Ma-ri-a ngay từ đầu thế kỷ IV để tôn nhận địa vị ưu việt và quyền
năng của Mẹ. Như những tước hiệu tôn quí khác, tước hiệu Nữ Vương
cũng dần dần được sử dụng phổ biến trong Giáo Hội và sau đó được
đưa vào Phụng Vụ Các Giờ Kinh (thánh thi Kính Chào Nữ Vương, kinh
Nữ Vương Thiên Đàng...), vào các việc tôn kính bình dân (kinh
cầu Đức Bà, mầâu nhiệm thứ năm mùa Mừng trong chuỗi Mân Côi),
và trong nghệ thuật Ki-tô giáo với các hình ảnh Đức Ma-ri-a Nữ
Vương.
Tước hiệu Nữ Vương tiếp tục phổ biến và được Giáo Hội chấp nhận.
Năm 1954, Đức Pi-ô XII thiết lập lễ kính Đức Ma-ri-a Trinh Nữ
Vương trong phụng vụ. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha đã ban hành giáo
huấn trang trọng về uy quyền cao trọng của Đức Ma-ri-a trong tông
huấn Ad Coeli Reginam ngày 11 tháng 10 năm 1954.
Những năm gần đây đã thấy xuất hiện một khuynh hướng coi vương
quyền Đức Ma-ri-a chỉ có tính cách thuần túy biểu trưng, và chiều
hướng loại bỏ những ý niệm “vua,” “vương quốc,” “nữ vương” nại
vào những lý do xã hội học. Họ cho rằng những ý niệm này hàm chứa
những mô hình quyền lực tai tiếng lỗi thời, hay ít ra cũng đi
ngược lại với quyền tự chủ và dân chủ của con người. Trước những
xu hướng ấy, điều quan trọng là cần hiểu rõ những nền tảng vương
quyền của Đức Ma-ri-a như Truyền Thống Ki-tô giáo vẫn tin nhận.
Để đạt mục đích này, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề dưới ánh sáng
Lời Chúa và những điều vẫn được số đông các nhà thần học đồng
ý. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên liên hệ vấn đề này với nền
văn hóa hiện nay.
1. Giáo Huấn của Đức Pi-ô XII
Giáo huấn Giáo Hội về vấn đề này được tóm lược trong tông huấn
Ad Coeli Reginam.
- Nền tảng Thánh Kinh. Gồm hai chi tiết trong Phúc Âm thánh Lu-ca:
“Những lời sứ thần Gáp-ri-en tiên báo về Người Con Đức Ma-ri-a
sẽ cai trị muôn đời” (Lc 1:32-33), và “những lời của bà Ê-li-sa-bét
chào kính và tôn nhận Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa.” Những chi
tiết này “minh chứng nhờ vương quyền của Con Mẹ mà Mẹ được nên
vĩ đại và ưu việt.”
- Chứng từ giáo phụ. Chứng từ của các giáo phụ hầu như nhiều vô
kể, và tông huấn chỉ trích dẫn một số chứng từ quan trọng nhất.
- Luận chứng thần học. Thiên chức Mẹ Thiên Chúa và sự cộng tác
vào công trình cứu độ là hai tước vị tôn quí của Đức Ma-ri-a.
- Bản chất và nội dung. Một cách mặc nhiên, tông huấn Ad Coeli
Reginam chủ trích khuynh hướng coi Đức Ma-ri-a “chỉ là vua của
nữ giới.” Tông huấn tuyên bố rõ ràng nguyên tắc Ki-tô học: “Chỉ
có Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa là Vua theo nghĩa đầy đủ, chuyên
biệt và chính xác.” Vương quyền Đức Ma-ri-a là thông phần vào
vương quyền Chúa Giê-su Ki-tô nhưng theo nghĩa giới hạn và loại
suy (analogical). Vương quyền này gồm ba khía cạnh hay chức năng
sau đây:
a) Siêu việt. Bởi vì Đức Trinh Nữ “uy quyền cao vượt trên mọi
thụ tạo.” Theo lời thánh Giéc-ma-nô: “Danh dự và uy quyền Mẹ cao
vượt mọi thụ tạo; các thiên thần còn thua kém Mẹ.”
b) Quyền năng. Với quyền năng này, Mẹ ban phát những hoa trái
của công trình cứu độ. “Đức Thánh Trinh Nữ không những đã được
ban một địa vị siêu vượt và sự trọn hảo ở mức độ cao nhất chỉ
sau Chúa Ki-tô, mà còn được thông phần vào uy quyền mà Con Mẹ,
Đấng Cứu Độ chúng ta thi hành trên tâm trí và ý chí của nhân loại."
c) Trung gian vô cùng hiệu quả. Trước tòa Chúa Cha và Chúa Giê-su
Con Mẹ: “Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa đặt làm Nữ Vương trời
đất, được ca tụng trên mọi ca đoàn thiên thần và toàn thể các
thánh. Ngự bên hữu Người Con độc nhất của lòng mình là Chúa Giê-su
Ki-tô, Mẹ kêu xin cho chúng ta bằng những lời xin của một người
mẹ mạnh thế, và điều Mẹ xin chắc chắn sẽ được nhận lời. Mẹ không
bao giờ kêu xin mà lại vô ích.”
Tông huấn không hề viết rằng Đức Ma-ri-a được chia sẻ quyền lập
pháp, tư pháp hoặc hành pháp, bởi vì như lời Đức Pi-ô XII đã nói:
“Dù ở dưới vương quyền Chúa Con nhưng người ta không được hiểu
vương quyền của Đức Ma-ri-a theo mô hình chính trị hiện tại...
Vương quyền của Đức Ma-ri-a là một thực thể siêu phàm (superterrestrial),
hằng dò thấu và chạm đến hữu thể tinh thần bất tử sâu xa nhất”
(bài huấn từ ngày 1 tháng 11 năm 1954).
2. Giáo Thuyết Phụng Vụ Thời Kỳ Hậu Công Đồng
Phụng vụ hậu Công Đồng đã đi sâu và có thể nói là đã bổ túc thêm
những ý tưởng liên hệ đến vương quyền Đức Ma-ri-a. Phụng vụ (cũng
như Công Đồng) vẫn cứ dùng danh xưng Vua cho Chúa Ki-tô và Nữ
Vương cho Đức Ma-ri-a. trong Phụng Vụ Giờ Kinh lễ Sinh Nhật Đức
Ma-ri-a (ngày 8 tháng 9) có những từ ngữ mang ý nghĩa liên hệ
đến vương quyền Đức Ma-ri-a trong các thánh thi La Ngữ vào các
giờ kinh Sáng, kinh Trưa và kinh Chiều.
Ngoài ra, lễ trọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (ngày 15 tháng
8) được tiếp nối bằng lễ mừng Mẹ Nữ Vương (ngày 22 tháng 8) như
để kéo dài và mừng lễ Mẹ đến mức trọng thể nhất.
Tuy nhiên, vương quyền của Mẹ được giải thích đẹp đẽ và sâu sắc
hơn nữa trong nghi thức về Đức Mẹ đã được Giáo Hội công bố mới
đây (ngày 25 tháng 3 năm 1981) là nghi thức tôn vinh ảnh tượng
Đức Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a.
a) Nền tảng Thánh Kinh. Phụng vụ trình bày vương quyền của Đức
Ma-ri-a trên nền tảng Thánh Kinh, xác lập vương quyền ấy (cùng
với vương quyền Chúa Ki-tô) trong mầu nhiệm Vượt Qua, tự hiến,
tử nạn, phục sinh và lên trời của Chúa Ki-tô. Và chính mầu nhiệm
Vượt Qua cũng được xác lập trên căn bản Lời Chúa về việc chiếm
thủ vinh quang bằng con đường khiêm hạ và sự ưu việt của đức ái
và phục vụ.
Mầu nhiệm Vược Qua (tự hạ - nâng cao) được kéo dài nơi các chi
thể của Chúa Ki-tô, đặc biệt là nơi Đức Ma-ri-a, môn đệ hoàn hảo
của Ngài. Cuộc vượt qua của Mẹ là ngày Mẹ lên trời, giây phút
Mẹ được kết hợp với Chúa Ki-tô.
b) Vương quyền tình yêu và phục vụ. Giống như vương quyền Chúa
Ki-tô, vương quyền Đức Ma-ri-a là vương quyền tình yêu và tinh
thần phục vụ, không hào nhoáng và quyền lực: “Nước Ta không thuộc
về thế gian này” (Ga 18:36); “Con Người đến không để được phục
vụ nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều
người” (Mt 20:20).
Khi còn tại thế, Đức Ma-ri-a luôn là một tôi trung khiêm hạ của
Chúa. Mẹ đã hiến mình trọn vẹn cho Ngài và công việc của Ngài.
Cùng với Ngài và cộng tác với Ngài, Mẹ đã phục vụ mầu nhiệm cứu
độ. Sau khi đã về trời, Mẹ vẫn luôn minh chứng tình yêu và phục
vụ như một thừa tác thánh thiện qua việc làm trung gian cùng Chúa
cho chúng ta hầu tất cả mọi con cái của Mẹ đạt được ơn cứu độ.
3. Phụng Vụ và Những Nền Tảng
Vương Quyền Đức Ma-ri-a
Nghi thức trên đưa ra bốn lý do giải thích tại sao Đức Ma-ri-a
xứng đáng địa vị Nữ Vương:
a) Đức Ma-ri-a là Mẹ của Con Thiên Chúa Làm Người, tức là Đức
Vua Cứu Thế.
b) Mẹ là vị Cộng Tác chí ái của Đấng Cứu Thế.
c) Mẹ là Môn Đệ hoàn hảo của Chúa Ki-tô.
d) Mẹ là thành phần ưu tú nhất của Giáo Hội.
a) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương, vì Mẹ là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể.
Mẹ đã sinh ra Người Con mà ngay giây phút đầu thai, do ơn ngôi
hiệp giữa bản tính nhân loại với Ngôi Lời - đã là Vua muôn loài,
xét theo nhân tính (Pi-ô XII, Ad Coeli Reginam, 26). Và chính
trong Ngôi Lời Nhập Thể, muôn vật trên trời dưới đất đã được tạo
thành, vật hữu hình cũng như vô hình, dù là bệ thần hay quản thần,
chủ thần hay quyền thần (Cl 1:16).
Đức Ma-ri-a là Nữ Vương vì Người cũng là Mẹ Đức Vua Mê-si-a. Sứ
Thần đã dùng nhừng từ ngữ qui về Đấng Mê-si-a khi trình bày Người
Con Mẹ sẽ sinh ra: “Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con
Đấng Tối Con. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu Đa-vít tổ phụ
Ngài. Ngài sẽ cai trị trên nhà Gia-cóp đến muôn đời và triều đại
Ngài sẽ vô tận” (Lc 1:32 tt). Vương Quyền Mẹ Ma-ri-a còn được
biểu hiện qua những lời của bà Ê-li-sa-bét: “Tôi là ai mà được
Mẹ Thiên Chúa đến thăm?” (Lc 1:43).
b) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương vì Mẹ đã cộng tác hết lòng với Chúa
Ki-tô, Đấng Cứu Thế. “Do chương trình đời đời của Thiên Chúa,
Đức Trinh Nữ Rất Thánh... là E-và Mới đã đóng một vai trò quan
trọng trong công trình cứu độ của Chúa Ki-tô Giê-su, A-đam Mới
để cứu độ chúng ta và chuộc chúng ta về cho Ngài không phải bằng
vàng bạc hay hư nát nhưng bằng Máu châu báu Ngài (x. 1Pr 1:18-19),
và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa chúng ta (Kh 5:15)”
( Nghi Thức).
c) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương vì Mẹ là môn đệ hoàn hảo của Chúa Ki-tô.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nhấn mạnh chủ điểm mới mẻ được rút
ra từ sách Khải Huyền này: “Hãy cứ trung kiên đến chết, và Ta
sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống... Ai thắng, Ta sẽ cho ngự
với Ta trên ngai của Ta cũng như Ta đã thắng, và Ta đã ngự với
Cha Ta trên ngai của Người” (Kh 2:10; 3:21).
Dựa trên các số 55-59 của hiến chế về Giáo Hội của Công Đồng Va-ti-ca-nô
II, Nghi Thức có đoạn: “Đức Ma-ri-a đã thuận theo chương trình
của Thiên Chúa và đã tiến bước trên đường đức tin. Mẹ đã lắng
nghe, đã giữ Lời Chúa và trung thành gìn giữ mối liên kết với
Con Mẹ cho đến Thập Giá. Trong kinh nguyện, cùng với Giáo Hội,
Mẹ đã trung kiên và trở nên thành thục trong tình yêu Thiên Chúa.”
d) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương vì Mẹ là chi thể tuyệt hảo của Giáo
Hội. Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ và giữ một vị trí ưu việt
trong cộng đồng các thánh vì một lý do kép đôi: sứ mạng và sự
thánh thiện của Mẹ: “Đức Ma-ri-a trỗi vượt giữa dòng giống được
tuyển chọn, dân tộc vương giả, và vương quốc thánh thiện là Giáo
Hội bởi vì sứ mệnh cá biệt của Mẹ đối với Chúa Ki-tô và toàn thể
các chi thể của Thân Thể mầu nhiệm Ngài, cũng như những nhân đức
phong phú và ân sủng tràn đầy của Mẹ. Vì thế, Mẹ đáng được gọi
là Bà Chúa của loài người và thiên thần, và là Nữ Vương toàn thể
các thánh’’ ( Nghi Thức).
Thực vậy, vinh quang của Đức Ma-ri-a còn rạng rỡ cả bên ngoài
Giáo Hội. Mẹ là con cái A-đam và là Bà Chúa của nhân loại. Như
thế, Mẹ không những là niềm vui của Ít-ra-en, là sự huy hoàng
của Giáo Hội mà còn là vinh quang của toàn thể dòng giống nhân
loại. Đức Ma-ri-a là mô phạm cho phụ nữ hôm nay (xem Phụ Nữ và
Đức Ma-ri-a).
4. Những Chủ Điểm về Thần Học Mục Vụ
Ngày nay, người ta thấy cần phải nghiên cứu hơn nữa để làm phong
phú thêm giáo thuyết vương quyền Đức Ma-ri-a bằng những đóng góp
của khoa thần học hiện đại, và trình bày giáo thuyết ấy bằng những
ngôn từ phù hợp với nền văn hóa đương đại.
Để đạt được một am tường sâu xa về thần học mục vụ mà không chối
bỏ những nội dung truyền thống về vương quyền của Đức Ma-ri-a,
nhưng trình bày các nội dung ấy dưới một lối nhìn rộng rãi và
ý nghĩa hơn đối với các ki-tô hữu ngày nay, người ta cần nhớ các
điểm sau đây:
A.
Vương quyền của Đức Ma-ri-a phải được gắn liền trong tư cách vương
giả của Dân Thiên Chúa. Việc gắn liền vương quyền của Đức Ma-ri-a
với tư cách vương giả của Dân Thiên Chúa (1Pt 2:9; Kh 1:6; 5:9;
20:4-6) trong khi không tách biệt Đức Ma-ri-a khỏi cộng đồng Giáo
Hội giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa giáo thuyết vương quyền Đức
Ma-ri-a và những thách đố của giáo thuyết ấy đối với người tín
hữu hôm nay. Theo nhận định của Sơ-mô (M. Schmaus): là thành phần
ưu việt của Giáo Hội, Đức Ma-ri-a Nữ Vương nói lên “đặc tính vương
giả của những người khác, một đặc tính được đặt nền tảng trên
sự liên kết với Chúa Ki-tô.’’ Đức Ma-ri-a không phải là một nhân
vật tách biệt hay xa lạ. Mẹ là người thông hiệp với tất cả mọi
ki-tô hữu, những người được thông phần vào chính vương quyền của
Chúa Ki-tô.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã trình bày tư cách vương giả của Dân
Thiên Chúa như một năng lực giải thoát và phục vụ (x. LG 36).
Áp dụng những ý nghĩa này vào Đức Ma-ri-a, chúng ta thấy Mẹ là
Nữ Vương bởi vì khi còn tại thế, nhờ ơn Chúa Ki-tô, Mẹ đã chu
toàn một sứ mệnh mà Mẹ vẫn tiếp tục chu toàn trên thiên quốc,
một sứ mệnh gồm ba chiều kích:
1) Đức Ma-ri-a đã toàn thắng bạo quyền sự dữ. Ngay từ giây phút
được đầu thai vô nhiễm, Đức Ma-ri-a không hề phục lụy tội lỗi.
Mẹ là tạo vật không dính dáng tơ vương đến đường lối tội lỗi,
tức là Mẹ không hề bị lung lạc hay chia sẻ vì ảnh hưởng của ma
quỉ là tên chia rẽ. Mẹ không hề ở dưới ách tội lỗi là cái làm
xa lìa Thiên Chúa và nhân loại. Không như E-và, Mẹ đã nghe theo
sứ thần và hết lòng chấp nhận sứ điệp Thiên Chúa. Được lên trời
hồn xác, Mẹ đã được thông phần với Đức Ki-tô vinh thắng kẻ thù
cuối cùng là sự chết (1Cr 15:26). Và cùng với Chúa Ki-tô, Mẹ hoạt
động để giải thoát thế gian khỏi tội lỗi.
2) Đức Ma-ri-a hiểu rằng đời Mẹ là một đời để phục vụ, bao hàm
một tư cách vương giả theo Phúc Âm (Lc 22:24-40). Mẹ tự xưng là
“Nữ Tì Thiên Chúa’’ (Lc 1:38), phượng thờ duy một Thiên Chúa và
hoàn toàn phụng sự chương trình cứu độ của Người.
3) Đức Ma-ri-a đã chấp thuận cộng tác cho Nước Chúa trị đến. Mẹ
hưởng ứng sứ điệp Sứ Thần loan báo về Đấng Mê-si-a dòng Đa-vít,
Đấng sẽ cai trị muôn đời trên nhà Gia-cóp (Lc 1:32-33). Lời sấm
của tiên tri Na-than (2Sm 7:12-16) mà Phúc Âm Lu-ca có đề cập
đã nuôi dưỡng niềm hy vọng của Ít-ra-en. Tuy nhiên đối với giới
nghèo (anawim) mà Đức Ma-ri-a cũng là một thành phần, niềm hy
vọng được nhìn thấy Đấng Mê-si-a đã đem lại nhiều lợi ích trên
bình diện tôn giáo như an bình, công chính, thánh thiện và giải
thoát. Khi đón tiếp Đức Vua Mê-si-a, Đức Trinh Nữ cũng đón nhận
vương quốc Thiên Chúa, một vương quốc sẽ được Con Mẹ sau này thanh
tẩy khỏi mọi dính dáng theo kiểu quốc gia trần gian.
B.
Vương quyền Đức Ma-ri-a có nến tảng vững chắc dựa vào Phúc Âm.
Vương quốc Thiên Chúa mà Chúa Giê-su rao giảng có một trật tự
khác với các nước trần gian. Trong khi vương quyền thế gian được
biểu hiện bằng thống trị, áp đặt và những khát vọng ích kỷ, thì
vương quyền Chúa Ki-tô được tỏ hiện qua tình yêu và phục vụ chân
lý đến mức độ hoàn toàn từ mình (Ga 18:36-37) và khước từ bạo
lực.
Theo ý nghĩa Phúc Âm, vương quốc Thiên Chúa là sự cai trị của
Thiên Chúa trên cuộc sống con người (Mt 7:21), sự cai trị hàm
ẩn quyền được làm nghĩa tử Thiên Chúa, tình huynh đệ phổ quát
và những hành vi “quyền năng” như chữa bệnh và làm phép lạ. Một
vương quốc như thế dành cho những ai tiếp nhận trong đức tin với
một tâm hồn rộng mở, trong tinh thần nghèo khó và trong đau khổ
(Mt 5:3-10; 18:3-4).
Theo cách hiểu này, Đức Ma-ri-a là người được thừa hưởng Nước
Chúa vì Mẹ được thông phần quyền năng Chúa Thánh Thần thông truyền
để giải thoát thế gian khỏi những sự dữ của nó (những phép lạ
chữa bệnh và hối cải tại các đền thánh Đức Mẹ đã minh chứng điều
này) và để đem lại cho nhân loại quyền làm nghĩa tử Thiên Chúa
và sự trưởng thành ki-tô hữu. Có thể nói rằng tìm hiểu về Đức
Ma-ri-a sẽ thấy Nước Chúa sáng tỏ và ngược lại.
C. Vương quyền Đức Ma-ri-a có đặc tính vô song và tham dự vào
vương quyền Chúa Ki-tô do quan hệ mẫu tử. Nếu “mọi quyền hành
trên trời dưới đất” đều thuộc về Chúa Ki-tô (Mt 28:18) thì Đức
Ma-ri-a đã được mời gọi tham dự vào vương quyền, vào quyền bính
và vào quyền tự do hành động ấy để hành xử trong mối hiệp nhất
hoàn thiện với thánh ý Chúa Cha. Lời tuyên bố của Sứ Thần (Lc
1: 32-33) cho thấy rằng vai trò vị hiền mẫu nữ vương (gebirah)
thực hiện trong vương quốc nhà Đa-vít đã được trao phó cho Đức
Ma-ri-a.
Theo các nghiên cứu của H. Ca-den (H. Cazelles) và G. F. Cơ-guyn
(G.F. Kirwin), người ta thấy vị hiền mẫu nữ vương có một địa vị
ưu việt, tức là một ảnh hưởng trên đức vua và có cùng một số phận
như số phận đức vua (Dc 3:11). Nếu được áp dụng vào Đức Ma-ri-a
thì Mẹ là “cộng tác viên của Con Thiên Chúa trên dương thế, là
cộng tác viên vào quyền cai trị vương giả, vào vinh quang của
Người (H. Ca-den).
Đức Ma-ri-a là Hiền Mẫu Nữ Vương (Gebirah) trong Tân Ước, là Mẹ
của Đức Vua cao vời trong triều đại vô tận, Mẹ đã hiện thực hóa
hôn lễ của Ngôi Lời với nhân tính. Mẹ mời gọi chúng ta làm mới
lại giao ước với Chúa Ki-tô (Ga 2:5), và làm trung gian cho chúng
ta trước Con Mẹ, cũng như thi hành quyền hiền mẫu phổ quát với
những môn đệ được Chúa Giê-su yêu dấu (Ga 19: 25-27).
D. Vương quyền Đức Ma-ri-a phải hòa hợp với những yêu sách hợp
lẽ của não trạng thời nay. Để sáng nghĩa và được con người thời
nay đón nhận, vương quyền ấy trước hết phải gạt bỏ mọi bóng dáng
của chủ nghĩa chuyên quyền (authoritarianism) hoặc thứ ảnh hưởng
xem ra dung hòa với tự do của con người. Điều này đòi hỏi một
nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của chế độ quân chủ trong
Thánh Kinh, theo Kát-pơ (W. Kasper), một chế độ “đồng nghĩa với
hy vọng mong hiện thực hóa một lý tưởng chưa từng được thể hiện
trên trần gian này, đó là lý tưởng về một triều đại công chính.
Theo lối suy nghĩ của các dân tộc Đông Phương cổ xưa, sự công
chính không hệ ở việc cai trị công bình theo luật pháp cho bằng
việc trợ giúp và bảo vệ những người đang cần thiết, những người
yếu đuối và những người nghèo khó. Chủ quyền tối thượng Thiên
Chúa là chủ quyền đầy yêu thương, và vinh quang Thiên Chúa được
biểu hiện qua sự tự do cai trị để yêu thương và tha thứ của Ngài.”
Như thế, vương quyền của Đức Ma-ri-a thực sự đối nghịch với sự
đàn áp và chủ nghĩa nô lệ bởi vì vương quyền ấy nói lên sự tham
dự của Mẹ vào một công trình đem đến hy vọng và là biểu trưng
của một tình yêu nhân ái sâu xa.
Những ai nói rằng họ là vua của chính họ, là người định đoạt số
phận của chính họ vẫn cần đến một người nào đó hay một giá trị
nào đó để phấn khích mình. Ngày nay, chúng ta chấp nhận quyền
lãnh đạo của những nhân vật ưu tú, hiện thân cho những giá trị
của chúng ta và có ảnh hưởng đến chiều hướng của cuộc sống xã
hội hoặc cá nhân.
Vì vậy, có thể lặp lại rằng khi tôn vinh Chúa Giê-su là Vua, thế
hệ ki-tô hữu tiên khởi đã ứng dụng lối loại suy văn hóa lịch sử
(historico- cultural analogy) theo đó, ông vua là một qui điểm
tuyệt đối và minh nhiên được Thiên Chúa đảm bảo. Tuyên xưng Chúa
Giê-su là “Vua Vũ Trụ” cũng giống như nói rằng toàn thể mọi người
đều gặp được nơi Chúa Ki-tô một câu trả lời chính xác cho vấn
đề số phận riêng của họ.
Tương tự, Đức Ma-ri-a là Nữ Vương thi hành vai trò lãnh đạo đối
với Dân Chúa. Bằng vào uy thế, và sự ưu việt trong tư cách là
ki-tô hữu tiên khởi và là mẫu gương của Giáo Hội, Mẹ trình bày
một qui điểm (point of reference) cần thiết cho các tín hữu. Nơi
Mẹ, họ có thể tìm được bí quyết cho định phận vương giả làm con
cái Thiên Chúa của họ và một tấm gương biết dành cho Thiên Chúa
một vị thế ngày càng lớn hơn trong cuộc đời họ.
Đơ
Phi-ô-rê, A. Buy-ô-nô
|