PHÚC
ÂM THEO THÁNH MÁT-THÊU
Xem:
- Tân Ước
So với thánh Lu-ca, thánh Mát-thêu đã viết về Đức Ma-ri-a không
nhiều. Ngài chỉ ghi lại sự kiện liên hệ đến Mẹ trong những biến
cố thời thơ ấu của Chúa Giê-su, nhưng tuyệt nhiên không đề cập
gì về kinh nghiệm nội tâm của Mẹ. Trong Phúc Âm Máát-thêu, chúng
ta không tìm được một lời nào của Đức Ma-ri-a, không biết thái
độ phản ứng và lời kinh của Mẹ trong biến cố Sứ Thần truyền tin
Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Ma-ri-a thực sự hiện diện trong Phúc Âm
Mát-thêu, nhưng kín đáo nhạt nhòa.
Mặc dù ít, nhưng qua những lần Phúc Âm Mát-thêu đề cập đến sự
hiện diện của Đức Ma-ri-a, ta vẫn thấy được đằng sau một cụm từ
được lập đi lập lại “Con Trẻ và Mẹ Ngài” (2:11,13,20,21) một mầu
nhiệm thâm sâu. Ngài không nói về một quan hệ thân thuộc, nhưng
về một cộng đồng định phận (community of destiny). Để hiểu được
đầy đủ ý nghĩa về “Thánh Mẫu học” hạn chế hàm ẩn trong Phúc Âm
Mát-thêu, chúng ta hãy đối chiếu với Phúc Âm Lu-ca và nên lưu
ý đến hình thức văn chương đặc thù cũng như ý tưởng thần học căn
bản của thánh Mát-thêu.
1. Những Điểm Tương Đồng và Tương Phản
Đối chiếu sơ qua giữa trình thuật Thời Thơ Ấu của Chúa Giê-su
trong Phúc Âm Mát-thêu và Phúc Âm Lu-ca, ta thấy có những khác
biệt về không gian và về hình thức ngôn từ. Vì viết cho cộng đồng
gốc Do Thái, nên thánh Mát-thêu đã trình bày Hài Nhi Giê-su bằng
một hình thức ngôn ngữ rất quen thuộc với người Do Thái thời ấy
là hình thức “midrash.” Đó là một thể loại thuật sự được Thánh
Kinh dùng để trình bày một hoàn cảnh hiện tại. Do đó, Phúc Âm
thánh Mát-thêu có rất nhiều điểm tương đồng với trình thuật Thời
Thơ Âëu của Môi-sen. Việc lựa chọn hình thức ngôn ngữ cũng như
những phân đoạn phù hợp với mục đích tổng quát của thánh Mát-thêu
là trình bày Chúa Giê-su thành Na-da-rét thực sự là Đấng Mê-si-a,
là “con vua Đavít” (1:1,16) và là “Con Thiên Chúa Hằng Sống” (16:16;
27:54).
So với các chương đầu trong Phúc Âm thánh Lu-ca, các chương 1
và 2 trong Phúc Âm thánh Mát-thêu cung cấp dữ liệu không phong
phú lắm, và các thuật sự có tính cách sắp đặt (schematic). Trong
khi thánh Lu-ca trình bày vai trò Thánh Giu-se tương đối ẩn khuất
để làm nổi bật vai trò của Đức Ma-ri-a, thì thánh Mát-thêu xem
ra ngược lại. Ngài quan sát và trình bày thời thơ ấu của Chúa
Giê-su trong tương quan với địa vị của Thánh Giu-se. Chính Thánh
Giu-se được mời gọi và được các thị kiến trời cao hướng dẫn. Chính
Ngài đặt tên và đem “Hài Nhi và Mẹ Người” đến nơi Ngài đã được
truyền.
Sự khác biệt quan điểm ở đây không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng
ta xét đến đối tượng được Phúc Âm Mát-thêu nhắm đến. Ngài viết
cho một cộng đồng mà sự kiện Đấng Mê-si-a có tổ phụ là vua Đa-vít
mang một tầm quan trọng số một. Ngài muốn trình bày việc Chúa
Giê-su thuộc về dòng tộc Đa-vít bằng một sự kiện thực tế, tức
là việc Chúa được Thánh Giu-se thuộc dòng dõi Đa-vít tiếp đón
và lãnh nhận. Như thế, Thánh Giu-se không phải là một nhân vật
bù nhìn. Chính nhờ Thánh Giu-se mà Chúa Giê-su mới có được một
chỗ đứng hoàn toàn hợp pháp trong lịch sử và truyền thống dân
tộc Do Thái. Và Thánh Giu-se, “Người Công Chính” đã phục vụ Chúa
Hài Nhi và Mẹ Người theo ơn soi động từ mặc khải Ngài đã tiếp
nhận.
Trong khi lưu ý đến những khác biệt giữa Phúc Âm Mát-thêu và Phúc
Âm Lu-ca, ắt hẳn chúng ta phải kinh ngạc trước sự tương đồng về
sự kiện căn bản, tức là việc Chúa Giê-su được đầu thai trinh khiết,
dấu chỉ nói lên nguồn gốc thần linh của Người cũng như việc Người
được sáp nhập vào dân tộc tuyển chọn (Do Thái). Đằng sau lối viết
khác biệt về mặt thần học, chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều
chủ điểm tương đồng trong các trình thuật của hai Phúc Âm giúp
soi sáng lẫn nhau. Những tương đồng chính yếu là:
a) Tầm quan trọng của thông tin mặc khải giúp hiểu ra các biến
cố và phương hướng hành động (trong Phúc Âm Mát-thêu là các giấc
mơ; trong Lu-ca là những lần hiện ra).
b) Tính phổ quát của sứ mạng Chúa Giê-su (trong Mát-thêu là việc
ba Đạo Sĩ đến cung bái; hoạt động kiến tạo của Chúa Giê-su tại
Ga-li-lê, xem Mt 4:18; trong Lu-ca là lời cầu nguyện của cụ già
Si-mê-on).
c) Các hình ảnh tiên báo cuộc tử nạn (trong Mát-thêu, chạy trốn
sang Ai Cập và việc Hê-rô-đê tàn sát các Anh Hài tại Bê-lem; trong
Lu-ca, lời tiên tri về “lưỡi gươm” và việc Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem
vào dịp lễ Vượt Qua).
d) Việc hoàn thành các lời Thánh Kinh. Về mặt sự kiện, hai Phúc
Âm đưa ra những cách nhìn khác biệt nhưng lại bổ túc lẫn nhau
để làm sáng tỏ mầu nhiệm Chúa Giê-su, mầu nhiệm đã được trình
bày một cách biểu trưng qua các biến cố thời thơ ấu của Người.
2. Tính Liên Tục và Gián Đoạn
Thần Học Phúc Âm Mát-thêu: Chương 1 và 2
Phúc
Âm thánh Mát-thêu bắt đầu bằng một câu trang trọng mang nhiều
ý nghĩa với người Do Thái: “Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con Đa-vít,
con Áp-ra-ham’’ (1:1). “Gia phả...’’ nói một cách tiềm ẩn, không
cường điệu về dòng tộc của Chúa Giê-su, đứng đầu là một tổ phụ
(St 5:1). Qua cụm từ “con Áp-ra-ham...,’’ thánh Mát-thêu cho thấy
ngay chủ ý của ngài là hướng về lịch sử một dân tộc, lịch sử một
tuyển chọn và một giao ước, trong đó Thiên Chúa là phía chủ động.
Điểm trung tâm, đồng thời là điểm tột cao của lịch sử ấy là Đức
Ki-tô, con vua Đa-vít...,’’ đó là Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a đã
được hứa và được trông đợi, Đấng sẽ làm cho lịch sử ấy được nên
viên mãn.
Như thế, thánh Mát-thêu đã giới thiệu với chúng ta những khía
cạnh sâu xa nhất của mầu nhiệm Chúa Giê-su. Ngài trình bày Chúa
Giê-su trước tiên theo những cội nguồn lịch sử được chuẩn bị qua
quá trình trưởng thành tiệm tiến của các thế hệ đi trước, và thâu
tóm trong Người lịch sử của dân tộc được kén chọn (cũng cư ngụ
tại Ai cập và “xuất hành’’ tương tự như Môi-sen). Chính trong
Người mà lịch sử bắt đầu từ Áp-ra-ham mới có được ý nghĩa chính
yếu và sự toàn thành của nó. Thánh Mát-thêu còn cho chúng ta thấy
một chiều kích nữa nơi Chúa Giê-su: đó là nguồn gốc thần linh
và sự siêu việt của Người. Chúa Giê-su đến từ một nơi khác. Không
ai sinh ra Người, nhưng Người lại được sinh ra (1:16) không nhờ
ai khác ngoài Chúa Thánh Thần (1:20). Người là Đấng được ưu tuyển
và được thánh hiến để mang lại một ý nghĩa mới và quyết định cho
lịch sử Ít-ra-en, “bởi vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội’’ (1:21).
Cũng với dấu chỉ ấy, thánh Mát-thêu còn đưa ra một lối đọc lại
(rereading) Thánh Kinh theo yêu sách của một biện chứng: tính
liên tục và gián đoạn. Chúng ta biết tầm mức quan trọng người
Do Thái, độc giả của Phúc Âm thánh Mát-thêu dành cho Thánh Kinh.
Cho nên không có gì lạ khi ngài thường xuyên trưng dẫn Thánh Kinh
để minh chứng Chúa Giê-su là chính Đấng mà Thánh Kinh đã tuyên
báo, và cũng chính nơi Người, Thánh Kinh sẽ được nên trọn. Cụ
thể hơn nữa, trong toàn bộ năm phần trong Phúc Âm của mình, phần
nào cũng được thánh Mát-thêu xây dựng quanh một đoạn trích Thánh
Kinh. Đôi khi lời Thánh Kinh còn được đan kết trong bản văn của
ngài (1:23; 2:6); và có khi, lời trích được dùng để kết thúc trình
thuật (2:15,18,23).
Quả thật trong quá trình viết Phúc Âm, thánh Mát-thêu có thể trình
bày bản văn hoặc theo một bố cục riêng hoặc muốn gửi gắm vào đó
những ý nghĩa mà chúng ta không ngờ. Nhưng chính bố cục này nói
lên mục đích của ngài. Theo ngài, chúng ta phải đọc lại Thánh
Kinh trong ánh sáng của Chúa Giê-su. Vì chính Chúa Giê-su là tiêu
chuẩn để giải thích Thánh Kinh, và chỉ trong Chúa Giê-su, Thánh
Kinh mới có một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa toàn thể: “Các ngươi
đã nghe giới luật... Còn Ta, Ta bảo các ngươi...’’ (5:21-22,27-28,31-32,33-34,38-39,43-44).
3. Tính Liên Tục và Gián Đoạn
Cách Tiếp Cận Mầu Nhiệm Đức Ma-ri-a
Hình ảnh Đức Ma-ri-a được phác họa nổi bật trên hậu cảnh cực kỳ
phong phú và gợi cảm theo những chiều hướng của phối cảnh “liên
tục và gián đoạn.’’
Một mặt, Đức Ma-ri-a xuất hiện trong sự liên tục với dân tộc được
kén chọn:
- Với chuỗi dài danh tính những nhân vật trung gian (1:1-17) chuẩn
bị cho Chúa Giê-su đến;
- Với những phụ nữ nổi bật trong lịch sử Ít-ra-en nhờ sự can thiệp
tự do và nhưng không Thiên Chúa dành cho họ, vượt mọi trông đợi
và mọi biên giới (như các bà Tha-ma, Ra-háp, Rút, và bà vợ của
U-ri-a);
- Vì lời tiên báo về Đấng Em-ma-nu-en (Is 7:14; Mt 1:23), lời
tiên báo nói lên tất cả niềm hy vọng của Ít-ra-en về Đấng Mê-si-a
đã được nên trọn nơi Mẹ trong thực tế lịch sử;
- Trong sự liên tục với kinh nghiệm của dân tộc Ít-ra-en, kinh
nghiệm đã được Mẹ tiếp tục sống trong sự gắn bó mật thiết với
số phận của Con Mẹ (lánh nạn ở Ai Cập rồi “xuất hành’’);
-
Trong sự liên tục, hay đúng hơn, trong sự thông hiệp với tất cả
những người một ngày kia sẽ hợp thành gia đình thật sự của Chúa
Giê-su, bao gồm“những ai làm theo thánh ý của Cha trên trời...’’
(12:50).
Nhưng thánh Mát-thêu cũng nhấn mạnh như thế về điểm gẫy triệt
để (radical break) nơi Đức Ma-ri-a bằng việc liên kết sự hiệp
thông của Mẹ vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô với tặng ân của Thiên Chúa
và Chúa Thánh Thần. Thí dụ trong bảng gia phả với thế chủ động
nhân loại được làm nổi bật, khi đến Đức Ma-ri-a, thánh Mát-thêu
đã viết: “Đức Ma-ri-a, bởi Người mà Đức Giê-su, gọi là Ki-tô,
đã sinh ra’’ (1:16). Bằng cách dùng thể thụ động, “bởi Người mà
Đức Giê-su đã sinh ra,’’ thánh Mát-thêu giới thiệu với chúng ta
chủ điểm cốt lõi của mầu nhiệm: Chúa Giê-su là hoa trái tặng ân
Thiên Chúa, do sáng kiến của Thiên Chúa. Người là hoa trái của
Chúa Thánh Thần (1:18,20). Nhưng cách dùng từ ấy cũng phù hợp
với Đức Ma-ri-a. Vai trò của Mẹ trong việc làm cho mầu nhiệm Nhập
Thể thành một thực tại là một mầu nhiệm ân sủng rất đặc biệt,
một thành quả của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và sự hiệp
nhất trong hành động của Chúa Thánh Thần. Hơn ai hết, Đức Ma-ri-a
có thể nói: “Hiện tôi có là gì là bởi ơn Chúa. Và ơn Người xuống
cho tôi đã không hư luống’’ (1Cr 15:10).
Sau cùng, mặc dù đề cao vai trò của Thánh Giu-se, nhưng theo Phúc
Âm Máát-thêu, rõ ràng là Thánh Giu-se đang phục vụ một mầu nhiệm
lớn lao: “Hài Nhi và Mẹ Ngài.’’ Chắc chắn, sứ mạng Thánh Giu-se
liên can trước hết đến sứ mạng của Chúa Giê-su nhưng cũng hàm
chứa sự chấp nhận ơn gọi cá biệt và sự liên kết đặc biệt của Đức
Ma-ri-a với số mệnh của Chúa Giê-su. Thánh Giu-se đã hòa mình
vào mầu nhiệm đang diễn ra nơi Đức Ma-ri-a: “Đừng sợ nhận Ma-ri-a
làm bạn mình’’ (1:20).
Có lẽ nếu xét đến ý nghĩa sự việc Đức Ma-ri-a liên kết đặc biệt
với số mệnh của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ hiểu được lời nhận xét
kỳ lạ của thánh Mát-thêu khi ghi lại việc ba Đạo Sĩ đến thờ lạy
Chúa: “Họ gặp thấy Con Trẻ cùng Ma-ri-a Mẹ Ngài’’ (2:11), và càng
kỳ lạ hơn khi thánh sử không đề cập gì đến sự hiện diện của Thánh
Giu-se. Phải chăng còn một ý nghĩa vào đó chưa được trình bày
ở đây? Phải chăng là vì thánh sử có một trực cảm siêu nhiên (theological
intuition) nào đó trước hiệu quả sự việc Đức Ma-ri-a bồng Hài
Nhi cho các đạo sĩ, đại diện cho mọi người tìm kiếm và tiếp nhận
Người trong đức tin, chiêm ngắm và thờ kính? Đây không phải là
điều vô lý, vì một trực cảm tương tự đã tạo hứng khởi cho nhiều
hoạ phẩm “Mẹ và Chúa Con.” Tuy nhiên, giải thích như thế xem ra
có vẻ như tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm trong trình thuật hơn
là tìm hiểu ý nghĩa trình thuật theo sát nguyên tắc của khoa chú
giải Thánh Kinh.
J.P.
Pơ-rê-vô
|