|
TẬN
HIẾN CHO ĐỨC MẸ
Xem:
- Sùng Kính Đức Ma-ri-a
- Thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho
- Thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê
1. Tận Hiến Bản Thân
Theo nghĩa chặt, và nhất là khi liên hệ đến từng cá nhân (trường
hợp duy nhất chúng ta đang xét ở đây), “tận hiến’’ là một hành
vi được Thiên Chúa xác lập. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể dành
riêng và thánh hóa một hữu thể bằng cách cho hữu thể ấy thông
phần sự thánh thiện của Người. Và nếu con người có thể “tận hiến
bản thân” để được thực sự thuộc về Thiên Chúa theo một cách thức
mới mẻ, thì phải hiểu rằng đó là một đáp ứng, một đồng ý tự ràng
buộc vào hành vi tận hiến xuất phát từ Thiên Chúa. Áp dụng ở đây
sát nghĩa câu: “Ngươi hãy trở nên chính mình.”
Về điểm này, Chúa Ki-tô là một điển hình đặc biệt có thể làm sáng
tỏ vấn đề. Vào giờ phút trọng đại khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn
để sống trọn vẹn “giờ” của Ngài và để chu toàn sứ mạng cứu độ,
Ngài đã nói: “Giờ đây Con tự thánh hiến vì họ, để họ cũng được
thánh hiến trong chân lý” (Ga 17:19). Họ đây là các Tông Đồ được
đặc ân trực tiếp nghe lời Chúa, nhưng theo văn mạch thì Lời Chúa
còn vươn rộng đến cả “những kẻ nhờ chúng mà sẽ tin vào Con” (Ga
17:30). Đối với Chúa Giê-su, “tự thánh hiến” là thực thi điều
Cha sai Ngài đến để chu toàn, là làm công việc mà Nhân Tính thánh
thiện của Ngài được “định lệnh” bằng chính sự kiện Nhập Thể, ngay
từ giây phút đầu tiên hiện hữu trong cung lòng Đức Ma-ri-a.
Bởi mầu nhiệm Nhập Thể, trong mầu nhiệm Nhập Thể, và thuộc về
mầu nhiệm Nhập Thể, Nhân Tính Chúa Giê-su đã được thánh hiến,
để khi trở nên thành người, Chúa Giê-su tức khắc được lập thành
(ipso facto) Đấng Cứu Thế, Tiên Tri, Vương Đế, Tư Tế và Của Lễ
để được sát tế cứu độ thế nhân. Ngài là “Đấng được xức dầu” ưu
việt, là “Đấng Ki-tô” trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, Nhân Tính
của Ngài thuộc về Ngôi Lời, và trở nên nơi cư ngụ của Chúa Thánh
Thần. Bằng một hành vi tự do của ý chí nhân tính, khi Chúa Giê-su
chấp nhận cái Ngài là, và làm điều Ngài được sai đến để chu tất,
Ngài có thể nói rằng Ngài đã “tự thánh hiến.” Vì thế nơi Chúa
Ki-tô, điều có thể được gọi là hành vi thánh hiến “khách quan”
đã được sinh ra trong Nhân Tính của Ngài qua mầu nhiệm Nhập Thể.
Điều Chúa Ki-tô thực hiện đã đem đến “sự thánh hiến”cho các môn
đệ của Ngài, đó là được thuộc về Thiên Chúa một cách rất đặc biệt,
vì Chúa Ki-tô đã thông truyền cho họ chính sự sống của Ngài bằng
cách - nói cho chính xác - làm cho họ được trở nên những người
được thông dự vào hành vi thánh hiến của chính Ngài.
Nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu cũng được thánh hiến và được
“xức dầu” bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Họ dự phần, theo mức
độ của mình, vào hành vi thánh hiến chính thức của Chúa Ki-tô,
trong nhiệm vụ Vua, Tư Tế và Tiên Tri của Ngài (x. 1Pr 2:9; 2Pr
1:3-4; Kh 5:9). Cùng với Chúa Ki-tô và qua Chúa Ki-tô, họ được
“định lệnh,” được nhận lãnh sứ mạng vì vinh quang Thiên Chúa và
vì phần rỗi thế gian. Họ không còn thuộc về chính mình. Họ thuộc
về Chúa Ki-tô, Đấng đã thông truyền sự sống của Ngài cho họ. (Trong
những hiệu quả của hành vi thánh hiến này, chúng ta phải phân
biệt những hiệu quả thánh hóa chính bản thân các chủ thể nhờ việc
thông truyền ân sủng với những hiệu quả do sự “định lệnh” hay
sửa dọn các chủ thể ấy cho một sứ mạng bằng cách làm cho họ trở
thành những khí cụ của Chúa Ki-tô).
Ơn gọi của những người đã chịu phép Thánh Tẩy là “sống hành vi
thánh hiến này bằng một sự tín trung tự nguyện và hết sức hoàn
hảo với điều họ đã tuyên thệ theo đuổi. Khi sống “như con cái
Thiên Chúa,” họ chu toàn cách chủ quan hành vi thánh hiến khách
quan của họ; như Chúa Giê-su, họ cũng tự thánh hiến. Đây là ý
nghĩa rất sâu xa của các lời khấn, những lời tuyên thệ của bí
tích Thánh Tẩy và lối sống phù hợp với các hứa quyết ấy. Hành
vi thánh hiến của bí tích Thánh Tẩy là hành vi cấu thành, nền
tảng của ki-tô hữu. Tất cả những hành vi thánh hiến khác sau đó
đều bao hàm và đặt nền tảng trên đó, chẳng hạn hành vi thánh hiến
của các tu sĩ hay những hành vi thánh hiến khác đều “định lệnh”
và chuẩn bị chủ thể cho một thánh vụ đặc biệt (chẳng hạn sứ vụ
linh mục).
2. Tận Hiến cho Đức Ma-ri-a
Xét theo nghĩa chặt, hành vi tận hiến làm cho người ta thuộc về
Thiên Chúa và Chúa Ki-tô (vì Ngài cũng là Thiên Chúa). Vậy có
thể tận hiến cho Đức Ma-ri-a được không? Xin trả lời là có, bởi
vì theo ý định Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a liên hệ đến đời sống ki-tô
hữu và với sự nên thánh của chúng ta. Dĩ nhiên Mẹ không như Chúa
Ki-tô là cội nguồn ơn cứu rỗi, nhưng Mẹ được đặt làm từ mẫu cho
cuộc sống làm con cái Thiên Chúa của chúng ta. Tuy nhiên Mẹ luôn
luôn hợp nhất với Chúa Giê-su và tuỳ thuộc vào Ngài: “Mẹ là Mẹ
của chúng ta trên bình diện ân sủng’’ (LG 61). Vì thế, theo nghĩa
đầy đủ, hành vi tận hiến cho Đức Ma-ri-a ít nhất cũng mặc nhiên
bao hàm một sự qui hướng thực sự và chính yếu về Chúa Ki-tô và
về phép Thánh Tẩy đã liên kết chúng ta với Ngài. Theo lời thánh
Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho: “Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng
Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa thật và là người thật phải là cứu
cánh tối hậu của tất cả mọi việc sùng kính của chúng ta; nếu không,
các việc ấy chỉ là giả dối và lường gạt.’’
Nhưng thánh Lu-i Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho không bằng lòng
với mức độ “qui hướng mặc nhiên’’ khi ngài khởi xướng đường lối
tôn sùng hoàn hảo Đức Ma-ri-a. Theo thánh nhân, tận hiến là minh
nhiên nhận Chúa Giê-su Ki-tô làm cứu cánh tối hậu: “Chúng ta tận
hiến cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là chúng ta đồng thời cũng tận hiến
cho Chúa Giê-su Ki-tô: tận hiến cho Đức Ma-ri-a như một phương
thế hoàn hảo mà Chúa Giê-su đã chọn để liên kết Người với chúng
ta và để chúng ta liên kết lại với Người; và tận hiến cho Chúa
- như cứu cánh cùng đích của chúng ta, Đấng mà chúng ta mang nợ
mọi sự những gì chúng ta có vì Người là Cứu Chúa và là Thiên Chúa
của chúng ta.’’ Hiển nhiên, theo thánh nhân, hành vi tận hiến
này phải là một cái gì thực tế chứ không phải chỉ lý thuyết suông,
phải là “một việc làm mới lại hoàn hảo các lời hứa quyết và dốc
lòng khi chịu phép Thánh Tẩy.’’
Việc tận hiến hoàn hảo vì được thực hiện nhờ Đức Ma-ri-a là “phương
tiện hoàn hảo’’ và vì tính cách “toàn thể’’ của nó theo nghĩa
là mọi sự, tuyệt đối mọi sự chúng ta là và mọi sự chúng ta có
đều phải được dâng hiến. Hơn nữa, vì hành vi tận hiến đòi có một
thái độ sống phù hợp trong việc làm, nó yêu sách những ai thực
hiện hành vi tận hiến phải nỗ lực “làm mọi việc nhờ Mẹ Ma-ri-a,
trong Mẹ Ma-ri-a và cho Mẹ Ma-ri-a để có thể thực thi các hành
động ấy cách hoàn hảo hơn nhờ Chúa Giê-su, trong Chúa Giê-su và
cho Chúa Giê-su.’’ Theo quan điểm của cha Đơ Phi-nan-sơ (de Finance),
đây là cách diễn tả hoàn hảo ý nghĩa của việc tận hiến (Dict.
de Spiritualité, art Consécration, fasc. XIII, col. 1583).
3. Tận Hiến Người Khác cho Đức Ma-ri-a
Đức Pi-ô XII đã dâng hiến toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm
Mẹ Ma-ri-a ngày 31 tháng 10 năm 1942. Ở một số địa phương, cha
mẹ cũng tận hiến con cái cho Đức Ma-ri-a khi chúng được chịu phép
Thánh Tẩy. Đâu là lý lẽ nền tảng cho những việc này khi mà những
“chủ thể’’ chẳng nói một lời nào? Đa số những người thực hiện
hành vi tận hiến trên có một quyền bính, một trách nhiệm đối với
các “chủ thể’’ mà họ tận hiến.
Quyền bính, nói cho cùng đều phát xuất từ Thiên Chúa, nên những
ai có thẩm quyền phải phục vụ những người được ủy thác cho họ.
Trên căn bản, hành vi của những người có thẩm quyền ấy là một
sự công nhận mục đích nội tại trách vụ của họ, tức là đem cho
Thiên Chúa, “làm cho thuộc về Chúa’’ những người được họ coi sóc.
Và làm đến mức độ phạm vi quyền bính cho họ có thể cho phép. Thiên
Chúa chấp nhận những hành vi ấy; điều này có nghĩa là những hành
vi của những vị có thẩm quyền không phải là không có hiệu quả
gì trên những đối tượng được dâng hiến. Dâng hiến người khác cho
Đức Ma-ri-a cũng có thể nói là có cùng những lý do như thế và
có những ý nghĩa giống như hành vi tự hiến mình cho Mẹ, và Mẹ
cũng chấp nhận hành vi ấy. Vì vậy việc dâng hiến ấy không phải
không có tầm quan trọng.
Trách
nhiệm thực thi việc tận hiến trước tiên thuộc về các bậc cha mẹ
(hay người đỡ đầu). Trong công tác mục vụ, nên vun trồng tập quán
dâng hiến các trẻ em cho Đức Mẹ. Các bậc phụ huynh (hay người
đỡ đầu) hãy công nhận địa vị và vai trò của Đức Ma-ri-a trong
đời sống của trẻ em mới được rửa tội để thắt chặt mối liên kết
giữa đứa trẻ với Chúa Ki-tô mật thiết hơn. Thông thường, điều
này nghĩa là họ sẽ đề cao lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a trong nhiệm
vụ là những người giáo dục Ki-tô giáo cho đứa trẻ.
A.
Bốt-sa
|
|