THÁNH
MẪU HỌC
Xem:
- Tài Liệu Giáo Huấn của Giáo Hội
Thánh Mẫu học là một phân nghành của hệ thống thần học nghiên
cứu về Mẹ Thiên Chúa. Sau khoa học về chính Thiên Chúa, không
ngành nào cao quý và xứng đáng cho bằng ngành học về Mẹ Ngài.
Lý do là vì sau Thiên Chúa và Nhân Tính thánh thiện của Chúa Ki-tô,
Đức Ma-ri-a giữ địa vị cao nhất vượt hết mọi thụ tạo trên bình
diện ân sủng và vinh quang. Vì Đức Ma-ri-a giữ một vị trí trung
tâm trong chương trình của Thiên Chúa nên ngành học về sứ mệnh
và những đặc ân của Mẹ nhất định cũng giúp chúng ta ngưỡng mộ
những phân ngành khác trong thần học Công Giáo.
1. Phân Loại
Những nội dung của Thánh Mẫu học có thể được phân chia hợp lý
như sau:
Phần một: Bàn về sứ mệnh cá biệt của Đức Ma-ri-a, tức là thiên
chức Mẹ Thiên Chúa (mẫu tính thần linh) và những hệ quả của thiên
chức ấy là mẫu tính tinh thần, địa vị trung gian phổ quát và quyền
nữ vương vũ trụ. Phần dẫn nhập của phần này bàn về ơn tiền định
đặc biệt của Mẹ.
Phần hai: Bàn về những đặc ân của Mẹ như vô nhiễm nguyên tội,
đầy ơn sủng, không mắc tội riêng, đồng trinh trọn đời, tri thức
cao vời, thân xác nguyên tuyền, phục sinh và hồn xác lên trời.
2. Nền Tảng
Ta có thể rút ra những chân lý phong phú về Đức Ma-ri-a, hoặc
được chính thức trình bày (formally) minh nhiên hay mặc nhiên,
hoặc được tiềm ẩn trình bày (virtually) trong Thánh Kinh và Thánh
Truyền là hai nền tảng gắn liền của Thánh Mẫu học.
a)
Về Đức Ma-ri-a trong Thánh Kinh có những lời tiên tri Cựu Ước
(St 3:15; Is 7:14; Gr 31:21; Mk 5:2-3), và đặc biệt là các trình
thuật Tân Ước về biến cố Truyền Tin (Lc 1:26-38), Thăm Viếng (Lc
1:39-56), Thiên Thần hiện đến cùng Thánh Giu-se trong giấc mơ
nói về sự đồng trinh của Mẹ (Mt1:18-25), Chúa Giáng Sinh (Lc 2:1-7),
Mẹ dâng Con trong Đền Thánh (Lc 2:22-38), tiệc cưới Ca-na (Ga
2:1-11), Đức Ma-ri-a dưới chân Thập Giá (Ga 19:25-27), thánh Phao-lô
nói về địa vị Mẹ Thiên Chúa (Gl 4:4), và thị kiến thánh Gio-an
về Người Nữ mặc mặt trời (Kh 12:1-18).
b) Thánh Truyền tức là những chân lý mặc khải không có trong Thánh
Kinh, nhưng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới
sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và Huấn Quyền Giáo Hội. Những
chân lý này được lưu truyền lại cho chúng ta qua tác phẩm của
các giáo phụ và các tiến sĩ Giáo Hội, các thần học gia và các
văn sĩ Công Giáo trong những thế kỷ nối tiếp nhau, và các sách
phụng vụ của Giáo Hội v.v...
3.
Huấn Quyền Giáo Hội
Các dữ liệu gồm chứa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền phải được
giải thích sao cho hoàn toàn phù hợp với Huấn Quyền Giáo Hội,
tức là Đức Thánh Cha và các giám mục hợp nhất với ngài.
Chính Huấn Quyền Sống (Living Magisterium) của Giáo Hội thiết
lập các tiêu chuẩn gần của đức tin (proximate norms of faith)
và có quyền giải thích ý nghĩa xác thực của mặc khải siêu nhiên;
chỉ có Huấn Quyền Giáo Hội - chứ không phải các nhà thần học -
có quyền phán quyết dứt khoát về từng vấn đề.
4. Nguyên Lý Đệ Nhất
Theo
chúng tôi, “nguyên lý đệ nhất” là chân lý nền tảng cung ra nguyên
nhân tối cao cho các luận đề đa dạng của một ngành khoa học nào
đó. Các thần học gia không đồng ý với nhau về vấn đề nguyên lý
đệ nhất của Thánh Mẫu học. Theo đa số các nhà thần học gia, nguyên
lý đệ nhất của Thánh Mẫu học là thiên chức Mẹ Thiên Chúa. Những
vị khác cho là vai trò E-và Đệ Nhị (tức là Đồng Công Cứu Chuộc)
của Đức Ma-ri-a. Nhóm thứ ba nghiêng về mẫu tính hôn ước (bridal
motherhood) của Đức Ma-ri-a. Và không ít vị chủ trương nhận việc
Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Ki-tô Toàn Thể. Ô. Sem-mơ-rô (O.Semmelroth)
ủng hộ nguyên lý Đức Ma-ri-a là mô phạm của Giáo Hội, và A. Muy-ê
(A.Muller) hậu thuẫn nguyên lý Đức Ma-ri-a đầy ân sủng.
Với tư cách cá nhân, chúng tôi nhận nguyên lý đầu tiên: Đức Ma-ri-a
là Mẹ Thiên Chúa là nguyên lý đệ nhất của Thánh Mẫu học vì điều
này khá phù hợp với tông huấn Fulgens Corona của Đức Pi-ô XII
ban hành năm 1954, dịp kỷ niệm đệ nhất bách chu niên định tín
giáo lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
5. Phong Trào Thánh Mẫu Học Hiện Nay
Ở đây, chúng tôi nói đến những nỗ lực đồng bộ của các học giả
Công Giáo cố gắng đề cao niềm ngưỡng mộ sâu xa đối với các đặc
ân của Đức Ma-ri-a, nhất là trên quan điểm khoa học. Phong trào
này được khởi hứng trước hết là do sự kiện giáo lý Đức Ma-ri-a
Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được định tín năm 1854 và các tông thư
của đức thánh Giáo Hoàng Pi-ô X, của Đức Bê-nê-đíc-tô XV, Đức
Pi-ô XI, Đức Pi-ô XII, Đức Phao-lô VI và Đức Gio-an Phao-lô II.
Một nhân tố khác cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển
nền Thánh Mẫu học nghiêm túc là việc ấn hành các tài liệu giáo
phụ và phụng vụ quan trọng, chẳng hạn các tác phẩm “Giáo Phụ Đông
Phương” do Gơ-ráp-phin Nô (Graffin-Nau), “Giáo Phụ Hy Lạp” của
nhà xuất bản Bá-linh (Berlin), “Giáo Phụ La-tinh” của nhà xuất
bản Viên-na (Vienna), bộ sưu tập Bơ-luym bơ-rê-vơ (Blume-breves)
về các thánh ca phụng vụ thời Trung Cổ v.v... Các bộ sách giá
trị này đã giúp các học giả loại bớt được rất nhiều tài liệu thiếu
chân xác nhưng lại được khai thác rộng rãi trước kia.
Để có một bằng chứng về sự phát triển của Thánh Mẫu học trong
những năm gần đây, chúng ta có thể trưng ra những hội nghị Thánh
Mẫu học mang tính cách quốc gia cũng như quốc tế đã được Hàn Lâm
Viện Thánh Mẫu học Quốc Tế tổ chức dưới sự lãnh đạo của linh mục
quá cố Sác-lơ Ba-líc O.F.M. (Charles Balíc, +1977) và việc ra
đời của các hội Thánh Mẫu học tại Bỉ (1931), tại Pháp (1934),
tại Hoa Kỳ (1960) và tại Đức (1952).
Cũng nên nhắc đến các thư viện Thánh Mẫu đồ sộ phong phú đã tạo
điều kiện dễ dàng và phấn khích các sinh viên nghiên cứu Thánh
Mẫu học. Các thư viện quan trọng gồm có thư viện đại học Quốc
Tế của dòng Tôi Tớ Đức Mẹ tại Rô-ma, thư viện đại học Đê-tơn (Dayton),
bang Ô-hai-ô (Ohio), Hoa Kỳ (được thành lập năm 1943).
Sau cùng, chúng tôi cũng phải đề cập đến các đặc san khoa học
chuyên đề Thánh Mẫu học. Trước nhất là đặc san Marianum từ năm
1939 do các cha dòng Tôi Tớ Đức Mẹ tại Rô-ma, đặc san Ephemerides
Mariologicae từ năm 1951 tại Ma-rít (Madrid), Tây Ban Nha do các
cha dòng thánh Cơ-la-rê (Claret). Cả hai đặc san này đôi khi có
những bài được viết bằng Anh Ngữ. Chúng ta cũng có thể đề cập
đến những tài liệu phát hành hằng năm của các hội Thánh Mẫu học
đã được kể đến ở trên. Những tài liệu quan trọng gồm Etudes Mariales
do hội Thánh Mẫu học Pháp từ năm 1935, Estudios Marianos do hội
Thánh Mẫu học Tây Ban Nha từ năm 1942, và Marian Studies của hội
Thánh Mẫu học Hoa Kỳ từ năm 1950. Ấn bản Marian Studies luôn có
sẵn tại các thư viện Thánh Mẫu tại đại học Đê-tơn, bang Ô-hai-ô,
Hoa Kỳ.
Dù chỉ thoáng nhìn qua bộ mặt phục hưng của Thánh Mẫu học hiện
tại, chúng ta cũng tin rằng Thánh Mẫu học nay không còn là một
phần phụ thêm của thần học về mầu nhiệm Nhập Thể như trong nhiều
thế kỷ trước. Thánh Mẫu học giờ đây đã trở thành một chuyên ngành
quan trọng.
6. Tài Liệu Tham Khảo
*
J.B.Carol, O.F.M. (ed.) Marialogy, 3 vols (Milwaukee Wis.: Bruce
Publ., 1954, 1957, 1961).
* J.B.Carol, O.F.M., Fundamentals of Mariology (New York: Benji
Bros., 1956).
* The New Catholic Encyclopedia (1967).
* Pohle-Preuss, Mariology (St. Louis, Mo.: Herder 1926).
* Scheeben-Geukers, Mariology, 2 vols. (St.Louis, Mo.: Herder,
1946-1947).
J.B. Ca-rôn
|