Tìm hiểu vị “Giáo hoàng Học giả”
VietCatholic News (13 Mar 2009 17:51)
Gần 4 năm đã trôi qua kể từ ngày Bênêđictô XVI được tuyển chọn làm giáo hoàng. Và trong 4 năm này đã nổ ra một số những điều gây tranh cãi. Dưới đây là những nhận xét của David Willey thuộc đài BBC về hiệu suất từ trước đến nay của cựu Hồng Y Joseph Ratzinger.
Đức giáo hoàng sống trong cách biệt?
Ngồi nơi chiếc bàn giấy trong văn phòng làm việc to rộng có trần nhà cao ở tận đỉnh Điện Tông tòa, nhìn ra những tháp chuông, mái vòm, đền đài kỷ niệm và những nóc nhà của thành phố Roma, Đức giáo hoàng Bênêđictô có lẽ bằng lòng khi nghĩ rằng ngày nay người đứng đầu Giáo hội Công giáo không còn là “Người Tù của Điện Vatican” hoặc là “Vị Giáo chủ-Hoàng đế” như người ta thường gọi các vị tiền nhiệm của ngài.
Nhưng trong một cuộc gặp gỡ riêng tư với những linh mục các xứ đạo tại Roma ít ngày trước đây, ngài đã phải thú nhận rằng, bị giam hãm trong ngôi điện với những bức bích họa, ngài cảm thấy một chút xa vời, một chút cách biệt cuộc sống của những linh mục đó và những thách đố thường ngày họ phải đối mặt khi thi hành mục vụ giữa một xã hội thay đổi nhanh chóng và không ngừng trở thành đa văn hóa, đa tôn giáo nơi Kinh thành Muôn thuở.
Đầu tuần này, trong một cuộc viếng thăm chính thức hiếm hoi tại tòa Thị chính Roma, Bênêđictô đã dùng một từ ngữ đẹp đẽ để mô tả thủ đô của nước Ý. Ngài gọi Roma là “thủ đô khác thường”.
Roma quả thực là một nơi khác thường, bởi vì co cụm trong khu vực đô thị đông đúc của nó là lãnh thổ tự trị còn sót lại của giáo hoàng, chiếm một diện tích chỉ bằng cỡ 40 sân đá bóng gộp lại. Một hệ thống lâu đài bao quanh bằng tường thành và một quảng trường là tất cả những gì còn lại của những lãnh địa giáo hoàng trước kia ở trung tâm nưóc Ý.
Phia sau những bức tường thành
Trong nội vi Thành phố Vatican, ngự trị một không khí yên tĩnh và trật tự.
Tản bộ qua những thửa vườn riêng được chăm sóc kỹ lưỡng của Đức giáo hoàng, dưới cặp mắt soi mói của lính cảnh vệ Vatican, bạn vẫn còn nghe được tiếng ồn ào vẳng lại từ dòng xe cộ di chuyển không ngừng của thành phố Roma ngay phía bên ngoài những bức tường thành.
Bên cạnh các văn phòng của thống đốc Thành phố Vatican là nhà ga xép, nơi không có chuyến xe lửa chở hành khách nào đậu lại, mà chỉ có những hàng hóa miễn thuế dành cho các nhân viên Tòa thánh được chở tới mỗi tuần một lần đi vào lãnh địa của giáo hoàng bằng một toa tầu đóng kín.
Tiếp tục đi quanh phía sau Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, bạn sẽ gặp Xưởng đúc tiền ngày xưa (Đức giáo hoàng thường đúc tiền riêng), vườn rau và nhà kiếng, cung cấp rau quả, hoa tươi cho bàn ăn của giáo hoàng và mật ong cho bữa ăn điểm tâm của ngài.
Thành phố Vatican cũng có Sở Bưu điện và tem riêng, đài phát thanh và báo Osservatore Romano, một nhà in, một thư viện lừng danh, một tiệm bán thuốc men do các tu sĩ hay nữ tu điều hành.
“Những hớ hênh của giáo hoàng”
Viện Bảo tàng và Nhà thờ Sistine mới là nơi lôi kéo những đám người rất đông tới viếng.
Hàng năm có tới 4 triệu người tới tham quan – hơn số người đến dự các cuộc triều yết của Đức giáo hoàng rất nhiều. Họ mua vé vào cửa và đi thành hàng đoàn qua các máy đếm của bảo tàng viện, đóng góp vào việc duy trì những bộ sưu tập độc đáo các tranh vẽ, các bức bích họa và điêu khắc phản ảnh khiếu thẩm mỹ đổi thay của các giáo hoàng đã bảo trợ nghệ thuật qua bao nhiêu thế kỷ.
Bây giở trở lại câu hỏi tôi đặt ra trên kia. Có phải cái lồng sơn son thếp vàng lạ lùng trong đó giáo hoàng sinh sống cả cuộc đời, có nghĩa rằng ngài trở thành tách biệt khỏi những mối quan tâm thông thường của đa số trong bầy chiên của ngài – quá chìm đắm trong các nghiên cứu về thần học và học thuật – đến độ mất cả liên lạc với những người tín hữu Công giáo bình thường?
Tôi đặt ra câu hỏi đó chỉ vì một loạt những sự việc hoặc lời bình luận đã tạo ra bất ngờ cũng như phê phán và đã được mô tả (ngay cả trong giới báo chí Công giáo) là “những điều hớ hênh của giáo hoàng.”
Đó là chuyện đề cập đến mối liên hệ lịch sử giữa Hồi giáo và bạo lực từng gây ra xúc phạm nghiêm trọng trong nhiều nước theo Hồi giáo.
Đó là quyết định nhận lại vào giáo hội một giám mục bảo thủ từng gây tranh cãi. Bênêđictô đã “không biết” về thành tich chống báng Do thái của giám mục này, theo lời tuyên bố của Vatican.
Trong một lá thư gửi cho các giám mục Công giáo Roma trên khắp thế giới, Đức giáo hoàng Bênêđictô nhận rằng vụ đó đã bị xử lý sai.
“Đức giáo hoàng thường tìm được từ ngữ đúng vào lúc chung cuộc”
Và rồi đó là việc thăng chức giám mục không suôn sẻ cho một linh mục người Áo từng gây ra tranh luận. Ông ta đã từ chức ngay sau đó.
Linh mục này đã đưa ra nhận xét rằng trận bão Katrina xảy ra là do Thiên Chúa bất bình vì tội lỗi của cư dân thành phố New Orleans; ý kiến đó đã gây nên một cuộc phản kháng nho nhỏ nơi giáo hội Công giáo tại Austria (Áo).
Câu trả lời dường như là vì Đức giáo hoàng Bênêđictô điều hành tổ chức qui củ, cương quyết và vì ngài dựa vào một nhóm quá nhỏ nhoi những người cố vấn thân cận để giúp ngài đưa ra các quyết định.
Điều này có thể có nghĩa là đôi khi các thủ tục hành chánh thông thường, hành động phân quyền trong Phủ Quốc vụ khanh (trung tâm thần kinh của chính phủ trung ương Giáo hội Công giáo) không được thực thi đúng đắn.
“Vị giáo hoàng học giả”
Nhưng trong khi đó, một tông thư mới của Đức giáo hoàng – là hình thức giáo huấn cao nhất của ngài – sắp được công bố.
Tông thư đó đề cập đến các vấn đề luân lý và xã hội đàng sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngài nói rằng tông thư chứng tỏ khó viết hơn lúc đầu ngài tưởng bởi vì sự phức tạp không lường trước của hiện tượng kinh tế tan rã.
Nhưng Đức giáo hoàng thường tìm được những từ ngữ thích hợp vào lúc chung cuộc.
Đứng trên ban công trong cuộc viếng thăm tòa thị chính thành phố Roma, được xây cất trên địa điểm của một ngôi đền đã biến mất từ xa xưa, Đức giáo hoàng bày tỏ mối cảm tình với cảnh ngộ khốn khó của người dân thành phố Roma hiện đại đang mất công ăn việc làm và chịu khổ đau vì cuộc suy thoái kinh tế như bao nhiêu người khác.
Vị “giáo hoàng học giả” không cưỡng được cơn cám dỗ phải trưng dẫn một câu viết bằng chữ Latinh, không phải trong Kinh Thánh, nhưng là của thi sĩ Ovid người La mã đã viết 2000 năm trước: "Perfer et obdura: multo graviora tulisti."
Ngài thúc giục: “Hãy kiên trì và chịu đựng. Trong quá khứ các bạn đã thắng thế những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều.”
Nguồn: David Willey/BBC
Phụng Nghi
dongcong.net suu tam
|