(tiếp theo)
Bởi vậy chúng ta không được cộng tác
vào việc nên thánh của mình theo những tư tưởng của mình nhưng phải
hoàn toàn theo ơn soi sáng của Chúa Giêsu, vì Ngài là nghệ sĩ thần linh.
Chính Ngài nắm giữ kế hoạch mà ta phải tuân theo. Công việc của ta,
tài nghệ của ta là phải vô cùng mềm dẻo dưới sự uốn nắn của Chúa.
Phải vâng theo các ước muốn và các sự thúc đẩy của Chúa. Chúng ta
phải bước đi như người mù dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu, hoàn toàn
tin tuởng vào sự khôn ngoan thần linh của Ngài, ngày qua ngày, từng
sợi một theo dòng ngày tháng, dưới bàn tay của Người thợ Dệt thần
linh là Chúa Giêsu. Rồi sẽ đến ngày, sau khi chết, Chúa Giêsu sẽ chỉ
cho ta thấy những chỗ đầy nghệ thuật mà Ngài đã thực hiện trên tấm
vải cuộc đời của ta, với sự cộng tác của ta, và chúng ta sẽ vô cùng
vui sướng tạ ơn Ngài về công trình nghệ thuật mà chúng ta đã nhẫn nại
hoàn thành trong đêm tối của đức tin.
Chúng tôi thích nhắc lại đây mấy lời
Đức cha Charles Gay đã nói với một con thiêng liêng của ngài, khi
cô này tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong những tiến bộ thiêng liêng:
"Con ngạc nhiên về hai điều, một là về những sự khốn nạn cứ tồn
tại ở trong con, mặc dầu lòng mến Chúa đã gia tăng trong tâm hồn
con, hai là về những tiến bộ có vẻ chậm chạp trong tình mến yêu
Chúa. Con phải nhớ hiền thê của Chúa Giêsu là một bông huệ giữa bụi
gai: gai góc sẽ giữ cho con mãi khiêm nhường, vì đức khiêm nhường rất
cần thiết và rất có ích cho lòng mến của con. Cho đến hết đời mình,
chúng ta phải biết rằng nhân đức của ta cần đến những yếu đuối của
mình để cải thiện mình. Vậy cũng như Thánh Tông Đồ Phaolô mà Chúa
Giêsu đã dạy cho biết giáo lý này, chúng ta phải vui mừng và hãnh
diện trong những sự yếu đuối của mình, để sức mạnh của Chúa Giêsu
được tràn lan và tỏ rõ hơn trong ta. Còn về chuyện con thấy mình tiến
bộ chậm quá, con chỉ cần tiến bộ theo nhịp Chúa muốn." Thiên
Chúa có những đường lối khiến tâm trí ta không hiểu được. Con hãy
tín thác nơi Chúa về sự mau chậm này, cũng như trong mọi sự. Điều
con viết cho cha đó, đã nhắc cha nhớ một lời đầy thương xót mà Chúa
mới nói gần đây với một linh hồn về một linh hồn khác: "Điều
nó còn thiếu, chính là điều Cha chưa làm cho nó." Và linh hồn
đó đã được an ủi vô cùng. Cha nghĩ điều này cũng đúng cho con. Và
con có thể chia sẻ phần bánh an ủi này. Ôi sự bình an! Chúng ta phải
cảm tạ Chúa dường nào! Vì bình an là điều rất bổ ích cho ta.
Từ vực sâu của sự bất lực, chúng ta
hãy kêu cầu Chúa. Giờ ân phúc đã gần. Như đã được trình bày trên
đây, cảm tưởng sâu xắc về sự bất lực của mình là một ơn trọng đại của
Chúa. Đó là điều Thiên Chúa tìm trăm ngàn cách để thực hiện ở nơi
ta. Chúng không ngừng đào sâu vực thẳm của sự bất lực và cảm tưởng
về hư vô ở trong ta. Nhưng công việc nên thánh của ta không dừng lại
ở đó. Để nên thánh, ta phải có đủ hai điều: phải hoàn toàn thất vọng
về mình, và phải trọn vẹn tin tưởng nơi Chúa. Vậy cùng với cảm thức
sâu xa về sự bất lực của mình, ta phải có tâm tình tín thác tuyệt đối
nơi Thiên Chúa. Mỗi ngày tôi đào sâu thêm vực thẳm của sự bất lực của
tôi, nhưng với ơn Chúa, tôi cũng phải hằng ngày xây đắp niềm cậy
trông nơi Chúa. Ý thức đau đớn về sự bất lực và về những sự khốn nạn
của tôi sẽ phải là sự khởi đầu cho việc xây dựng niềm cậy trông vô
biên nơi Chúa. Với ơn trợ lực của Chúa, sự thất vọng về mình phải
được biến thành sự cậy trông trọn vẹn nơi Chúa.
Không gì có thể mang lại cho ta ý tưởng
đầy đủ về hai tâm tình này bằng hình ảnh đứa trẻ thơ. Bé nhỏ, yếu
đuối, không có khả năng nào hết, đứa trẻ thơ tự nó không thể làm gì
hết. Nhưng nếu có người cha âu yếm ở cạnh nó để lo lắng cho nó, thì
sự bất lực của nó sẽ là nguyên lý của sức mạnh. Chúng ta biết tại
sao thế. Đứa trẻ thơ muốn bước đi, nhưng nó không có khả năng: hai
chân nó quá yếu, không thể mang nổi nó. Cũng có thể một nguy hiểm
đe dọa nó, và nó tìm cách tự bảo vệ. Nhưng cánh tay yếu ớt của nó
hoàn toàn bất lực. Hạnh phúc thay cho nó! Cha nó đang đứng đó. Nó
ngẩng mặt nhìn cha nó. Cha nó đã hiểu: ông cúi xuống, bồng nó lên,
ôm ghì nó trên trái tim mình. (còn tiếp)
|