dongcong.net
 
 

Giáng Sinh An Bình


SUY NIỆM GIÁNG SINH 2012:

Giây phút nửa đêm
Mẹ Đồng Trinh cung nghiêm quỳ gối
Đôi tay Người âu yếm Hài Nhi,
Trái tim Người lời nào diễn tả,
Ủ ấm Hài Nhi mới hạ sinh,
Một Hài Nhi ngọt ngào yêu dấu
Hơn bụi hồng dưới ánh bình minh,
Mắt lim dim nhìn đôi mắt Mẹ,
Ôi, Thánh Nữ, Con Chúa lòng mình.

Người đến trần gian đêm Linh Thánh:
Như nắng trời xuyên suốt thủy tinh,
Không tì vết nào hằn để lại,
Một giọt sương lấp lánh cỏ xanh,
Vì sao nhỏ gieo vào lòng Mẹ,
Một Hài Nhi tìm sữa tinh khôi.
Những hy vọng tội đời trần thế
Đọng nét mi con trẻ nghỉ ngơi.

Và từ độ nửa đêm thánh thiện,
Trái tim người hàng triệu xuyến xao
Sửng sốt yêu thương vì Người đến,
Cứu độ thế gian, gửi Ngôi Lời.
Trong tối tăm Người là Ánh Sáng,
Thần Khí Người ánh mắt trẻ thơ,
Tôi nguyên thủy trần gian xóa sạch,
Giữa nửa đêm mở lại Thiên Đàng.

Jos. Tú Nạc, NMS – Giáng Sinh 2012

Bé gái bán diêm
Trời giá buốt, tuyết rơi đầy, và dần đi vào tối, rồi tối hẳn – buổi tối cuối cùng của một năm. Trong cái lạnh và tăm tối ấy, ở đó, một bé gái nghèo đang lang thang dọc trên con phố, đầu trần, đi chân không. Khi ra khỏi nhà cô bé đã mang dép; đúng thế, nhưng nó có ý nghĩa gì thân thương với cô bé? Đôi dép thật rộng, đôi dép mà mẹ cô bé đã mang và để lại cho đến hôm nay; nên rất rộng, và cô bé đáng thương đã để mất   khi băng qua con phố, vì cỗ xe song mã đã cuốn đi mất hút.
Một chiếc ở đâu không tìm thấy; còn chiếc kia bị thằng ranh con tóm lấy rồi chạy biến. Thế là cô bé tinh khôi bước đi trên đôi chân trần bé nhỏ, cái lạnh đã làm đôi bàn chân thâm tím. Bé xách một số diêm gói trong chiếc tạp dề cũ kỹ, và bé cầm một bao trong tay. Suốt một ngày dài không một người nào mua cho bé lấy một bao, không ai cho một xu lẻ.
Bé lê bước cùng với lạnh run và đói – một bức tranh vô cùng thiểu não, tội nghiệp bé làm sao! 
Những bông tuyết phủ trên mái tóc dài vàng hoe xõa xuống những lọn xinh đẹp quanh cổ bé. Nhưng cái đó, giờ đây bé không một lần nghĩ đến. Từ những khung cửa sổ, những ngọn nến lung linh tỏa sáng, và mùi ngỗng quay bốc thơm ngào ngạt, và ta biết đó là đêm giao thừa, vâng, bé đã nghĩ đến nó. Trong một góc giữa hai căn nhà, ở chỗ bức tường này nhô ra ngoài bức tường kia, bé tự ngồi xuống và thu mình lại. Đôi bàn chân bé nhỏ của bé co sát vào người, nhưng càng lúc bé càng cảm thấy lạnh hơn, mà nếu về nhà, bé không dám cả gan, vì bé chẳng bán được bao diêm nào và không có đồng nào mang về: bố bé chắc sẽ đánh đòn, và ở nhà thì cũng lạnh thế thôi, vì trên đầu bé chỉ có cái mái nhà, gió lùa tứ phía, mặc dù những vết nứt to tướng đã được bít lại bằng rơm và giẻ rách.
Hai bàn tay của bé hầu như tê cóng. Nếu bé dám lấy chỉ một que ra khỏi bao, ôi, một que diêm có thể ban cho bé một thế giới an nhàn, sung túc, bé đưa nó vào sát tường, và sưởi ấm những ngón tay của bé. Bé rút ra một que, “xoẹt!” Ánh sáng rực rỡ làm sao, cháy sáng làm sao! Một ngọn lửa chiếu sáng và ấm áp, giống như một ngọn nến. Khi bé cầm nó trên tay: một ánh sáng tuyệt vời. Có vẻ thật như cô bé tinh khôi đang ngồi trước một cái lò sưởi bằng sắt to lớn, với những chân đế bằng đồng bóng loáng và trên trốc được trang hoàng lộng lẫy. Ngọn lửa bốc cháy với sức mạnh thật thiêng liêng: nó sưởi ấm thật thích thú. Bé gái duỗi chân ra để nó cũng được sưởi ấm. Nhưng ngọn lửa nhỏ nhoi vụt tắt, cái lò sưởi bóng loáng biến mất, trong tay bé chỉ còn lại que diêm cháy rụi. Bé quẹt một que diêm nữa sát tường: nó bừng cháy rực rỡ, và chỗ mà ánh sáng chiếu vào bức tường, ở đó trở nên trong suốt giống như bức màn che, để bé có thể nhìn thấu vào bên trong căn phòng. Mặt bàn được trải một chiếc khăn trắng như tuyết. Bên trên là bộ bát đĩa bằng sứ huy hoàng tráng lệ, và con ngỗng quay được nhồi táo và mận khô đang bốc mùi thơm nghi ngút. Và đó là những gì còn tuyệt vời hơn được trông thấy. Con ngỗng nhảy khỏi cái đĩa, đi loạng choạng trên sàn nhà với dao và nĩa ôm trước ngực. Khi nó bước đến bé gái đáng thương, que diêm vụt tắt và chẳng còn gì ngoài bức tường ẩm thấp, lạnh lẽo, dày đặc bỏ lại phía sau. Bé đánh một que diêm nữa. Bây giờ bé đang ngồi đó dưới cây Giáng Sinh lộng lẫy tuyệt vời: nó lớn hơn và được trang trí nhiều hơn cây mà bé đã nhìn thấy bên kia cửa kính trong ngôi nhà của thương gia giàu có.
Hàng ngàn bóng đèn đang tỏa sáng trên những cành cây xanh, và những bức tranh tươi vui đầy màu sắc, như bé đã trông thấy trong cửa sổ của một hiệu buôn, đang nhìn xuống bé. Cô bé tinh khôi chìa tay về phía chúng, giờ đây bé thấy chúng tựa những vì sao trên thiên đàng và một vì sao rơi xuống tạo thành một vệt dài ánh lửa. “Một người nào đó vừa qua đời!” Bé gái nói, vì bà nội của bé, duy nhất là người yêu thương bé, và là người bây giờ không còn nữa, đã nói với bé, rằng hễ có một ngôi sao sa, một linh hồn về với Chúa. Bé quẹt một que diêm nữa sát bức tường: nó lại bừng sáng, và trong ánh sáng huy hoàng ấy bà nội đứng đó, vô cùng sáng láng và rực rỡ, rất đỗi hòa nhã, dịu dàng, với vẻ yêu thương chân thành trìu mến.
“Bà ơi!” Một tiếng nấc nghẹn ngào. “Ôi, hãy dẫn cháu đi với bà nhé! Cháu biết bà sẽ ra đi khi que diêm cháy rụi, bà sẽ bỏ cháu như chiếc lò sưởi bóng loáng, như con ngỗng quay bốc mùi thơm nghi ngút, và như cây Giáng Sinh lộng lẫy tuyệt vời!” Bé vội vàng quẹt cả bao diêm sát bức tường, vì bé muốn cầm chắc bà ở lại với mình. Và những que diêm đã bùng lên ánh sáng chói lọi còn sáng hơn cả ánh sáng giữ trưa: bà nội trước đây chưa bao giờ đẹp đến thế và cao đến thế. Bà ôm cháu bé tinh khôi, trong vòng tay của bà, rồi hai bà cháu bay vào vùng ánh sáng và trong niềm hân hoan tận trên cao, rất cao, và nơi đó không còn giá lạnh, không còn đói khát, cũng không còn lo lắng băn khoăn – hai bà cháu sống cùng Thiên Chúa.
Nhưng trong góc phố, vào lúc bình minh giá buốt, bé gái đáng thương còn ngồi đó, với đôi má ửng hồng và nụ cười trên môi, dựa sát vào tường – bé đã chết cóng vào đêm cuối cùng của năm cũ. Bé ngồi bệt cóng ở đó với những que diêm, một hộp đã cháy tàn. “Nó muốn sưởi ấm cho nó,” người ta nói. Không một ai biết được những gì đẹp đẽ mà bé đã nhìn thấy; ngay cả bé đã mơ về chốn huy hoàng thiên phúc mà ở đó,  cùng với bà, hai bà cháu hân hoan bước vào một năm mới.
(“The Little Match Girl” – Hans Christian Andersen)
Jos. Tú Nạc, NMS 2012

Bêlem và Canvê

Ôi dịu thay,
Maria nhậm lời sinh Vương Đế:
Dấu son lòng tôn kính với ngất ngây,
Tim trinh nữ Mẹ khiêm nhường vui hát.

Nhìn những gì Mẹ âu yếm trong đời,
Những tấm khăn, chân tay Người nhỏ nhắn,
Ôi, thiết tha Mẹ âu yếm hôn Người,
Gối mượt mà cho Người nằm êm ái.

Ôi, Bêlem êm đềm và chiêm ngắm,
Nhiệm vụ kính trân Mẹ đã hoàn thành!

Ôi, Canvê êm đềm và chiêm ngắm,

Buồn làm sao Mẹ lặng ngắm con mình,
Những gì kính phục, nhẫn nại cảm thông,

Mẫu tâm Mẹ bao não nề thổn thức,
Mẹ lặng nhìn, vẻ dịu dàng tái nhợt,

Và xót xa trong tay “Người âu yếm”,
Chân tay Người “âu yếm” những dấu đinh,

Nụ hôn Người cay đắng, tội loài người.
Ôi, Canvê êm đềm và chiêm ngắm,
Công cuộc hoàn thành thân phận làm người!

(Vọng Giáng Sinh 17-12-2012)
Jos. Tú Nạc, NMS

Đêm Linh Thánh
Có một người đàn ông bước đi trong đêm tối để mượn những hòn than đang cháy về nhóm một ngọn lửa. Ông ta đi từ túp lều này đến túp lều kia và gõ cửa. “Các bạn ơi, làm ơn giúp tôi với!” ông ta lên tiếng. “Vợ tôi vừa sinh một cháu bé, và tôi phải nhóm một ngọn lửa để sưởi ấm cho nhà tôi và cháu bé.”
Nhưng con đường về đêm, mọi người đang say ngủ. Không một ai lên tiếng trả lời.
Người đàn ông cứ đi, và đi mãi. Cuối cùng ông ta thấy một đốm lửa leo lét cuối con đường dài. Rồi ông ta đi theo hướng đó và thấy một đống lửa đang cháy ngoài trời. Những con cừu đang ngủ quanh đống lửa, và một người chăn cừu già ngồi canh chừng bầy cừu.
Khi người đàn ông muốn mượn lửa tiến gần tới bầy cừu, ông ta thấy ba con chó to tướng đang nằm ngủ dưới chân người chăn cừu. Cả ba con đều thức khi ông ta lại gần và bạnh cằm thật to, như thể chúng muốn cắn; nhưng chẳng nghe thấy một tiếng nào. Người đàn ông để ý thấy lông trên lưng chúng dựng đứng, và hàm răng trắng, sắc của chúng lấp lánh trong ánh lửa. Chúng chồm về phía ông ta.
Ông ta có cảm giác như một con cắn vào chân mình, một con cắn vào tay còn một con bám vào cổ họng mình. Nhưng hàm và răng của nó không cho phép nó, và người đàn ông ấy chẳng bị đau đớn tổn thương gì cả.
Bây giờ, người đàn ông chỉ muốn đi xa hơn, tìm thứ mà ông đang cần. Nhưng những con cừu nằm đâu lưng và rất sát nhau đến nỗi ông không tài nào bước qua chúng được. Rồi người đàn ông bước lên lưng những con cừu và đi qua chúng tới ngọn lửa. Và không một con nào thức giấc hay cử động.
Khi người đàn ông đến gần ngọn lửa, người chăn cừu nhìn lên. Ông ta là một lão già cáu kỉnh, người mà không có gì là cảm tình, thân thiện và là người trông cộc cằn, thô lỗ. Khi lão thấy người đàn ông lạ đến, lão chộp cây gậy dài và nhọn, cây gậy mà lão luôn cầm trong tay mỗi khi đi chăn đàn cừu, ném vào người đàn ông. Cây gậy nhắm thẳng về hướng người đàn ông, nhưng, chưa đụng đến người đàn ông ấy, cậy gậy đã chệch sang một bên và bay vèo qua ông ta, tít mãi tận đồng cỏ.
Bấy giờ, người đàn ông mới bước tới lão chăn cừu và nói: “Người tốt bụng ơi, hãy giúp tôi với, và cho tôi mượn một đốm lửa nhỏ! Vợ tôi vừa sinh một cháu bé, và tôi phải nhóm một ngọn lửa để sưởi cho nhà tôi và cháu.”
Thay vì lão trả lời không, nhưng khi lão đã suy nghĩ rằng tại sao những con chó lại không cắn người đàn ông này, và những con cừu không chạy xa ông ta, và cây gậy đã không lao trúng ông ta, lão hơi sợ, và không dám từ chối lời yêu cầu của người đàn ông này.
“Ông hãy lấy bao nhiêu cho đủ thì lấy!” lão nói với người đàn ông.
Nhưng rồi ngọn lửa hầu như cháy sạch. Không còn một que củi hay một nhánh cây sót lại, duy nhất một đống than đỏ rực, và ngay chỗ người lạ ấy chẳng có lấy một cái leng hay cái xẻng để ông xúc những cục than cháy đỏ.
Lão chăn cừu thấy vậy, lại nói: “Ộng hãy lấy bao nhiêu cho đủ thì lấy!” và lão lấy làm thích thú rằng người đàn ông này sẽ không thể lấy được một cục than nào.
Nhưng người đàn ông dừng lại và nhặt những cục than bằng tay không, đoạn nhét chúng vào áo khoác của mình. Và tay ông không bị phỏng khi sờ vào chúng, những cục than cũng không làm cháy áo của ông; ông mang chúng đi như thể chúng là những hạt đậu hay những quả táo.
Và khi người chăn cừu, một người vô cùng độc ác và nhẫn tâm, thấy tất cả sự việc, lão bắt đầu tự hỏi mình. Quái lạ, đêm nay là đêm gì mà những con chó không cắn, những con cừu không hốt hoảng, cây gậy không tác hại, hay đống lửa không làm cháy sém? Ông gọi người lạ lại và nói với ông ta: “Đêm nay là đêm gì? Và nó xảy ra như thế nào mà tất cả mọi vật đều tỏ ra thương cảm ông?”
Rồi người đàn ông nói: “Tôi không thể nói với ông, ông hãy tự biết.” Và ông ta mong muốn trở về nhà, để ông có thể nhóm ngay một ngọn lửa sưởi ấm vợ và con mình.
Nhưng lão chăn cừu không muốn bỏ mất hình ảnh người đàn ông này trước khi lão tìm ra những gì mà tất cả điều này có thể báo trước. Lão đứng dậy và đi theo người đàn ông đến khi họ đến chỗ người đàn ông này ở.
Lão chăn cừu thấy người đàn ông này không có một thứ gì ngay cả một cái lều để trú ngụ, mà ở đó vợ ông và đứa bé đang nằm trong một hang đá, nơi mà không có một thứ gì ngoài cái lạnh và những vách đá trơ vơ.
Nhưng lão chăn cừu nghĩ rằng đứa bé vô tội nghèo hèn này có thể chết cóng trong hang đá đó; và, mặc dù lão là người chai đá, lão đã xúc động, và thầm nghĩ muốn giúp đứa bé. Và lão đã cởi chiếc ba lô ra khỏi vai, được làm từ da cừu màu trắng, đưa nó cho người đàn ông xa lạ, và nói rằng ông hãy cầm lấy và đặt đứa bé ngủ trong đó.

(“The Holy Night” Selma Lagerlof)
Jos. Tú Nạc, NMS (16-12-2012)

Ký ức
Ký ức là ngôi nhà kỳ lạ
Tự ta xây bằng mối tâm tư
Nơi tình yêu và tiếng cười ấp ủ,
Quá khứ đời giăng mắc suy tư.
Những ngày lễ như Lễ Giáng Sinh
Ta hồi tưởng những gì chất chứa,
Thức dậy từ tiềm thức lung linh
Bao cảm xúc ấm lên lần nữa.
Bất cứ nơi nào ta bước đi
Ngôi nhà này hành trang theo đó
Giúp đỡ chan hòa với bất kỳ,
Xây dựng thêm … thêm … và chia sẻ.
Ngôi nhà không bao giờ cùng tận
Cứ mọc lên, mọc nữa, mọc thêm
Vì niềm vui thuộc về ký ức
Luôn nảy sinh mãi mãi nhiều thêm.

(Vọng Giáng Sinh 2012)
Jos. Tú Nạc, NMS

 

Chúc mừng Giáng Sinh Chúa Hài Đồng

Tiết trời đông giá buốt lạnh căm
Cạnh nhau ta ngồi bên lò sưởi
Vai tựa kề vai ấm truyền hơi 
Nét mặt trông nhau vẻ lặng thầm.
Ta ngồi chờ nghe chuông Giáng Sinh
Và đêm lai láng phúc an bình
Nụ hôn Giáng Sinh ta gửi gắm
Tha thiết trong ta dệt mộng lành.
Đó là lúc hân hoan hạnh phúc
Chất ngất hồn ta bao đắm say
Vì đêm nay, ôi đêm cực thánh
Dấu ấn tình yêu ta ngất ngây.
Chúc mừng Giáng Sinh
và …
sau đó Tân Niên
Chúa Hài Đồng giáng trần Đêm Linh Thánh.
 
(Vọng Giáng Sinh – 2012)
Jos. Tú Nạc, NMS

 

Cây Giáng Sinh đầu tiên   
Có nhiều truyện kể về cây Giáng Sinh. Một trong số những truyện đó có câu chuyện   về ông Martin Luther, nhà lãnh lãnh đạo tôn giáo vĩ đại, đang trên đường về nhà vào đêm trước Giáng Sinh, ngắm những vì sao. Khi về đến nhà, ông cột những cây nến vào những cành của một cây linh sam trồng bên ngoài nhà ông, đề chúng có thể chiếu sáng như những vì sao trên trời.
Dân chúng ở Mỹ bắt đầu treo những quả táo hồng trên cây cũng như những cây nến lên cây và chẳng bao lâu sau đó, những cây linh sam nhỏ được mang vào trong nhà.
Quận công Albert, người chồng gốc Đức của Nữ hoàng Victoria đã mang đến Anh quốc truyền thống trang hoàng cây thông vào dịp Lễ Giáng Sinh. Năm 1841, ông đã trang hoàng một cây Giáng Sinh thật đẹp ở Lâu đài Windsor và Nữ hoàng Victoria đã nói rằng trẻ em trong hoàng gia “trầm trồ khen lấy khen để cây Giáng Sinh Đức với những cây nến sáng lung linh của nó.”
Trong huyền thoại này, cây Giáng Sinh thấy phần nào vai trò của mình trong ngày Chúa sinh ra đời.
Cây linh sam bé nhỏ
Một cây linh sam bé nhỏ đứng trong góc của một chuồng nuôi gia súc. Nó dõi nhìn những người chăn cừu mang theo những món quà của họ, và những nhà thông thái mang những món quà của mình, và ngay cả những súc vật cũng quỳ trước Chúa Giê-su Hài Đồng. Một cậu bé chăn cừu phóng tới để dâng một con cừu non mới đẻ, một bé gái chăn cừu nhảy múa tiến về phía trước để dâng cho Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng những bông hồng trắng. Và lần lượt từng người một, những nhà thông thái bước về phía Chúa Giê-su trong những bộ nhung lụa của họ và kính cẩn cúi đầu chào rồi họ quì xuống. Chẳng những cây linh sam bé nhỏ không có gì dâng tặng, mà thậm chí nó còn không di chuyển được. Nó đành phải đứng yên tại chỗ.
Cây linh sam bé nhỏ ước ao nó có thể đi ra ngoài tìm một vật gì đó dâng cho Chúa Hài Đồng. Nó rất muốn làm cho Người được vui lòng. Nhưng nó e mình chẳng có gì để Chúa Hài Đồng có thể làm đẹp lòng Người. Tất cả cái nó có chỉ là những cái gai nhọn, làm xước da mà thôi. Cây linh sam nhỏ bé cúi đầu hổ thẹn.
Để thỏa mãn ước mơ của cây linh sam đáng thương ấy, các vì sao từ trời đêm đã sa xuống như những tia sáng lấp lánh ánh bạc và đậu trên cây linh sam bé nhỏ. Bỗng nhiên, những cành cây linh sam rực sáng.
Mọi người đều quay lại. Cây linh sam đã chiếu sáng khắp chuồng gia súc: những con chuột đồng nhếch nhếch ria mép trong những đống cỏ khô, những con lừa hít hít không khí, và những con bò rống lên. Con cừu non nhảy múa về phái cây linh sam, rồi chạy trở lại, đoạn lại nhảy chân sáo về phía cây linh sam.

Jos. Tú Nạc, NMS (12-12-12)

 

Hồi chuông Giáng Sinh
Ta vẳng nghe chuông đổ lễ Giáng Sinh
Thánh ca muôn thuở lời xao xuyến,
Và ngân vang và ngọt lịm tâm tình
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!
Và tâm tư miên man, giờ đã đến,
Bao tháp chuông giáo đường khắp hành tinh
Đã rền vang cùng lời ca quyến luyến
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!
Vẫn reo ca trên đường đi muôn lối,
Thế giới ngày đêm khúc hát thanh bình,
Giọng hát, tiếng chuông, lời hát uy linh
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!
Từ chốn tối tăm, tranh giành nguyền rủa
tiếng súng vang rền những cuộc chiến chinh,
Chợt tắt lim vì thánh ca réo rắt
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!
Tưởng chừng như trận động đất tan tành
Lò thiêu đá của trần gian lục địa,
Những cảnh đời lầm than đã tái sinh
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!
Trong tuyệt vọng tôi lặng lẽ cúi mình,
Và khẽ nói: “Nào an bình dưới thế”,
“Vì hận thù giễu cợt một bài ca
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!”.
Chợt chuông đổ từng hồi vang xa thẳm:
Chúa không chết, mà Người ngủ lặng thinh,
Tội Lỗi khuất phục, Công Chính hiển vinh,
Ý lành nhân loại, thế gian an bình!
(Mùa Vọng 2012)
Jos. Tú Nạc, NMS

Bài thánh ca Giáng Sinh cho thế giới

(“A Christmas Carol for the World” – Per Ola và Emily D’Aulaire)

Mỗi mùa Lễ Giáng Sinh, những giọng hát bằng nhiều ngôn ngữ đã tái tạo một bài hát tuyệt vời ra đời trong hoàn cảnh tầm thường cách đây 194 mùa Giáng Sinh.

”Silent night, Holy night
All is calm, all is bright
Round yon Virgin
Mother and child
Holy infant so tender and mind
Sleep in heavenly peace
Sleep in heavenly peac
e.”

Tuyết nhẹ rơi trên những ngôi nhà bằng gỗ và đá ở Oberndorf, một ngôi làng Áo gần Salzburg. Trong làng, người dân trang hoàng đèn nến, trái cây và hạt trên những cây vân sam mà họ đã chuẩn bị cho những đêm thánh vô cùng này. Chẳng mấy chốc nữa đây, tiếng chuông từ ngôi nhà thờ cổ kính của Oberdorf sẽ ngân vang để loan báo Thánh Lễ lúc nửa đêm, và giáo dân sẽ tưởng niệm ngày Đức Ki-tô ra đời với những lời kinh và tiếng hát.

Bên trong nhà thờ Thánh Nicolas, tuy nhiên, không khí nặng nề ảm đạm vào đêm vọng Giáng Sinh năm 1818. Cha xứ Joseph Mohr, 26 tuổi, vừa nhận ra chiếc phong cầm bị hư hỏng nặng. Cho dù bàn đạp được bơm cứng hơi thế nào đi nữa, ngài cũng chỉ có thể làm cho cây đàn cũ kỹ ấy phát ra những tiếng khò khè. Cha Morh thất vọng. Đợi đến lúc thợ sửa đàn đến được giáo xứ này, chắc lễ Giáng Sinh đi qua lâu rồi. Đối với một cha xứ trẻ, lễ Giáng Sinh mà thiếu nhạc là điều không thể tưởng tượng được.

Cha Mohr có một thiên khiếu âm nhạc. Khi còn là một cậu bé, đứa con trai ngoài giá thú của một cô thợ may với một người lính, cậu đã kiếm tiền bằng cách ca hát, chơi đàn vi-ô-lông và ghi-ta nơi công chúng. Ở bậc trung học, rồi lên bậc đại học, cậu đã sống bằng đồng tiền kiếm được khi trình diễn ca nhạc. Làm việc chăm chỉ cùng với tài năng của mình đã gây sự chú ý đến một tu sỹ người mà đã thuyết phục cậu bước vào nhà dòng.Thụ phong linh mục năm 1815, cha Mohr được bổ nhiệm đến Oberndorf vào năm 1817. Ở đó, ngài không chỉ rao giảng ca vịnh, mà còn làm ngạc nhiên một số người trong giáo đoàn của mình với cách chơi ghi-ta, chuyển một cách dễ dàng từ nhạc điệu dân gian sang nhạc điệu thánh ca.

Bây giờ phải đối mặt với với một khủng hoảng xảy ra vào lễ Giáng Sinh. Vị linh mục trẻ rút về phòng làm việc yên tĩnh của mình. Nhận ra rằng những bài thánh ca Giáng Sinh truyền thống không phù hợp với đàn ghi-ta. Ngài quyết định sáng tác một bài mới. Cúi xuống tờ giấy trắng, với cây bút lông duyên dáng sẵn sàng, ngài nghĩ về một gia đình thuộc giáo xứ mà mới đây ngài đã viếng thăm và làm phép rửa tội cho đứa bé mới chào đời của họ. Ký ức về người mẹ ôm đứa con được ủ ấm để chống lại cái lạnh mùa đông đã khiến những suy nghĩ của cha Mohr đến một sự ra đời khác nữa cách đây hơn hai ngàn năm.

Ngập ngừng do dự, ngài bắt đầu viết. Cây bút của ngài di chuyển y như thể được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình nào đó. Một điệp khúc được gợi lên, “Stille nacht, heilige nacht!” xuất hiện trên tờ giấy: “Đêm thầm lặng, Đêm thánh.” Bằng những câu giản dị, mộc mạc như một bài thơ dành cho nhi đồng. Vị cha xứ trẻ này nói về phép lạ lễ Giáng Sinh trong sáu khổ thơ. Tưởng chừng đó là những lời chảy xuống tự thiên đàng.

Khi ngài viết xong thời gian còn rất ngắn. Những vần thơ này còn phải được phổ nhạc kịp lúc cho Thánh Lễ nửa đêm. Cha Mohr quyết định tìm một người bạn thân tên là Franz Xavier Gruber, 31 tuổi, một thầy giáo ở làng Arnsdorf cạnh bên, là người soạn nhạc giỏi hơn ngài.

Không giống như cha Mohr, Gruber đã phải giấu niềm đam mê âm nhạc của mình. Với người bố khắt khe của ông, một người thợ dệt, âm nhạc không phải là nghề thích hợp để kiếm sống. Nên cứ vào buổi chiều, Franz đã phải lén ra khỏi nhà để đi học lớp nhạc của một thầy giáo địa phương. Ông đã học rất giỏi đến nỗi một ngày nọ khi bố ông nghe ông chơi phong cầm, ông đã bớt gay gắt và để cho con trai mình học nhạc.

Franz cũng quyết định trở thành một thầy giáo. Hồi đó người ta muốn thầy giáo còn phải là một người chơi phong cầm và là người điều khiển dàn hợp xướng ở nhà thờ địa phương. Được gửi đến Arndorf để dạy học, Gruber lại còn được chào đón tại nhà thờ Thánh Nicholas gần đấy.

Khi Gruber đọc những lời bài hát của Cha Mohr, Ông chắc hẳn đã bị tác động mạnh bởi cái đẹp và sự trong sáng của lời bài hát. Ông bước tới chiếc đàn dương cầm của mình và bắt đầu làm việc trong lúc Cha Mohr trở về nhà thờ.

Sử dụng ba trong số hòa âm cơ bản nhất trong kỹ năng âm nhạc, phong cầm thủ ấy đã tạo nên một giai điệu mộc mạc và gợi cảm sâu sắc. Rội gần nửa đêm ông mang bài hát đến cho Cha Mohr. Với thời gian vừa đủ để tập dượt, hai người đồng ý rằng Cha Mohr sẽ chơi ghi-ta và hát bè cao trong lúc ông Gruber hát bè trầm. Sau mỗi phiên khúc, dàn hợp xướng sẽ cùng hát điệp khúc.

Vào lúc nửa đêm, giáo dân xếp hàng một bước vào nhà thờ, có lẽ đang mong đợi chiếc dàn phong cầm sẽ ngân lên khắp nhà thờ âm hưởng của những bài hát mừng Giáng Sinh. Thay vào đó, nhà thờ vẫn im lặng khi họ ngồi chen chúc trên những hàng ghế dựa hẹp bằng gỗ.

Cha Mohr bước vào gian giữa nhà thờ và ra dấu cho thầy Gruber đến đứng cạnh mình. Cầm chiếc đàn ghi-ta, cha xứ có lẽ đã giải thích cho con chiên biết rằng, mặc dù chiếc phong cầm bị vỡ, tuy thế Thánh Lễ nửa đêm vẫn có nhạc: ngài và ông Gruber đã chuẩn bị một bài hát Giáng Sinh đặc biệt cho giáo đoàn.

Với Cha Mohr gẩy đàn ghi-ta, hai giọng hát dịu êm chẳng bao lâu đã tràn khắp giáo đường. Dàn hợp xướng hát bản hòa âm gồm bốn đoạn này ở mỗi điệp khúc. Giáo dân lắng nghe với sự ngạc nhiên trước bài thánh ca tinh khiết và tươi mát như dòng suối ở dãy núi Alps. Sau đó, Cha Mohr cử hành thánh lễ Misa, và giáo đoàn quỳ xuống cầu nguyện. Ngày trước lễ Giáng Sinh ở nhà thờ Thánh Nicholas đã thành công.

Câu chuyện tưởng như đã kết thúc ở đây. Cha Mohr và ông Gruber sáng tác bài thánh ca của họ như một sự thay thế cho khó khăn tạm thời mà họ gặp phải và có lẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc trình diễn lại bài hát này. Mùa xuân sau đó, một người thợ sửa đàn đã vá lại chiếc phong cầm ấy. Chẳng bao lâu, cha Mohr được chuyển đến một xứ khác. Mất vài năm, bài thánh ca đó đã rơi vào im lặng như cái đêm mà nó đã đem lại vẻ vang vào năm 1818.

Nhưng may mắn thay cho thế giới, chiếc phong cầm ở nhà thờ Thánh Nocholas vẫn dở chứng. Vào năm 1824 hay năm 1825 gì đó, giáo xứ này đã thuê một người thợ sửa đàn phong cầm bậc thầy tên là Carl Mauracher đóng lại nó. Trong lúc làm việc, tình cờ ông Mauracher thấy bài hát của Cha Mohr và ông Gruber sáng tác. Sự giản dị phổ quát của bài hát đã lôi cuốn người thợ sửa phong cầm lớn tuổi này. Trông nom việc sửa lại chiếc đàn phong cầm của nhà thờ Thánh Nicholas, Gruber đã vui vẻ đồng ý khi ông Mauracher xin bản sao bài “Silent Night.”

Khi rời Oberndorf, Mauracher đã mang theo bài hát này. Những người nghe bài hát qua giọng hát của ông đã say mê vì lời cùng giai điệu của nó. Chẳng mây chốc những đoàn dân ca vùng Tyrol, những người mà thường xuyên tỏa khắp Âu châu đã bổ sung bài “Silent Night” vào tiết mục trình diễn của họ.

Trong số những người đưa bài hát này vào tiết mục trình diễn phải nói đến là ban nhạc Gia đình Strasser. Bốn anh chị em trong ban nhạc với những giọng hát thần tiên đã trình diễn tại những hội chợ thương mại trong lúc họ bán bao tay mà gia đình họ làm ra. Vào năm 1831 hay 1832 gì đó, ban nhạc Strasser đã hát bài “Đêm thầm lặng” tại một hội chợ ở Leipzig, Đức. Khán giả rất thích bài hát này. Sau đó không lâu, một nhà xuất bản địa phương đã in bài hát này lần đầu tiên, chỉ công nhận nó như bài Tirolerlied hay một bài hát thuộc vùng Tyrol. Không đề cập gì đến cha Mohr hay ông Franz Gruber gì hết.

Lời hát và điệu nhạc giờ đây đã lan đi nhanh chóng. Chẳng bao lâu, “Đêm thầm lặng” đã cùng với ban nhạc Rainers vượt qua Đại Tây dương, một gia dình các ca sỹ dân ca trình diễn và chu du khắp Hoa Kỳ. Ở Thành phố Nữu Ước vào năm 1839 hay 1840 gì đó, ban nhạc Rainers đã gưới thiệu bài hát này với thế giới nói tiếng Anh.

Khán giả khắp mọi nơi bắt đầu tin rằng “Đêm thầm lặng” vượt lên trên một bài dân ca mộc mạc. Một số thính giả cho đó là một trong những ca khúc của Haydn. Nhưng ờ trong làng của mình, ông Gruber và Cha Mohr vẫn không hay biết gì về những xôn xao mà bài hát của họ gây ra. Cha Mohr đã qua đời vì bệnh viêm phổi, không một xu dính túi, năm 1848 ở tuổi 55. Ngài không bao giờ biết rằng bài hát của ngài đã vươn tới những vùng xa xôi nhất trái đất.

Mãi đến năm 1854, Gruber mới nghe nói về sự thành công của bài hát, khi người điều khiển buổi hòa nhạc phục vụ vua Frederick William IV của nước Phổ bắt đầu truy tìm nguồn gốc của bài hát này. Khi lời đồn đãi đến tai Gruber, lúc đó ông 67 tuổi, ông đã viết một lá thư tới Berlin kể vế nguồn gốc của bài hát.

Thoạt tiên, ít có học giả nào tin rằng hai con người khiêm tốn ấy lại có thể nghĩ ra một bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng như thế. Năm 1863 khi ông Gruber qua đời, quyền tác giả của ông vẵn bị thách thức. Cùng năm ấy, Cha John Freeman Young, người mà sau này trở thành Giám mục Tân giáo ở Florida đã dịch ba khổ thơ của bài hát này sang tiếng Anh mà ngày nay chúng ta vẫn hát.

Không còn bất kỳ một tranh cãi nào về tác quyền của nguyên thủy bài hát này. Các tượng đài ở Áo đã biểu lộ lòng tôn kính đối với Cha Mohr và ông Gruber, và di sản của họ đã trở thành một phần thiết yếu của Lễ Giáng sinh khắp mọi nơi. Ông William E. Studwell ở Đại học Northern Illinois, Hoa Kỳ, một chuyên gia thánh ca Giáng Sinh đã nói, “Đêm thầm lặng là biểu tượng âm nhạc của Lễ Giáng Sinh.”

Thực ra, bài thánh ca này giờ đây được hát khắp các lục địa trên thế giới bằng nhiều ngôn ngữ, từ tiếng gốc Đức đến Welsh, từ tiếng Swahili đến tiếng Afrikaans, từ tiếng Nhật đến tiếng Nga, từ tiếng Triều Tiên đến tiếng Việt Nam rồi tiềng Trung Hoa – tất cả cùng diễn tả một cảm giác sâu lắng về sự thanh bình và niềm hân hoan. Nó đã được ghi âm với những giọng ca của những ca sỹ, từ Bing Crosby đến Elvis Presley.

Qua bao năm, bài thánh ca mộc mạc này đã biểu hiện một quyền lực mạnh mẽ để tạo ra cảnh an bình trên thiên quốc. Chẳng hạn trong thời gian ngưng bắn Lễ Giáng Sinh năm 1914, những người lính Đức dọc theo phòng tuyến mặt trận phía Tây đã bắt đầu hát bài “Đêm thầm lặng.” Từ phía bên kia của vùng cấm địa. Những binh sỹ Anh cũng cùng hát bài hát đó.

Trong cùng cuộc chiến ấy, tại trại tù binh Seberi, các tù binh người Đức, Áo và Hungari bỗng cùng đồng thanh hát bài “Đêm thầm lặng.” Với những giọt nước mắt rưng rưng trong khóe mắt, viên cai tù người Nga nói bằng tiếng Đức bồi, “Đêm nay là lần đầu tiên trong hơn một năm của cuộc chiến mà tôi đã có thể quên giữa các anh và tôi xem nhau như những kẻ thù.”

Ở Tiệp Khắc bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vào năm 1944, một sĩ quan Đức thăm một trại mồ côi đã hỏi xem có em nào biết bài “Đêm thầm lặng” bằng tiếng Đức không. Một bé trai và một bé gái ngập ngừng bước tới, rồi bắt đầu hát “Stille Nacht, heilige Nacht.” Viên sỹ quan nhoẻn miệng cười, nhưng sau đó hai đứa trẻ ngừng hát, như chừng chúng bắt đầu nhớ ra điều gì, và trông chúng sợ hãi. Ở vùng đất của quốc gia đó, những người biết tiếng Đức chủ yếu là người Do Thái. Thấy vẻ sợ hãi của chúng, viên sỹ quan này đã dỗ dành chúng. “Đừng sợ,” ông nói. Ông ta cũng bị xúc động bởi sự kỳ diệu của bài hát.

Bẩy năm sau đó, vào một lễ Giáng Sinh trong thời chiến tranh Triều Tiên, một người lính Mỹ trẻ tên là John Thorsness đang trong phiên gác anh nghĩ mình đã nghe thấy tiếng quân địch. Ngón tay đặt trên cò súng, anh thấy một đám đông người Triều Tiên đi ra từ bóng tối, họ đang mỉm cười. Khi người lính trẻ này đứng sững sờ, nhóm người này đã hát bài “Đêm thầm lặng.” – bằng tiếng Triều Tiên, sau đó họ lui dần vào bóng tối.

Bài hát đã được sáng tác rất xa về không gian và rất lâu về thời gian: “Đêm thầm lặng, đêm thánh, tất cả đều êm đềm, tất cả đều ngời sáng …” Những lời hát khó quên giai điệu mộc mạc ấy vẫn lưu lại trong tâm hồn của chúng ta như đã từng lắng đọng trong tâm hồn của mọi người trên khắp thế giới kể từ khi một vị cha trẻ và một người bạn của ngài làm thầy giáo làng đã hát nó lần đầu tiên cách đây 194 năm.

(Mùa Vọng Giáng Sinh 2012)

Jos. Tú Nạc, NMS

Việc chọn tên gọi
Joy Smith là một nhà văn. Cách đây năm năm, con trai và con dâu của bà chờ hạ sinh một đứa bé. Bà Joy có bốn cháu trai. Nhưng đứa cháu mới ra đời của bà là một bé gái. Đó là một sự kiện đặc biệt. Bà Joy phân vân không biết đặt tên đứa bé là gì. Bà hy vọng bà sẽ hài lòng với cái tên mà con trai và con dâu bà lựa chọn.
“Sau khi đứa bé ra đời, James con tôi nói với tôi là sẽ đặt tên là bé Katherine Grace. James nói sẽ gọi tắt Katherine là Katie . Tôi nghĩ đó là một cái tên đẹp, nghe hạnh phúc. James cũng đặt tên bé gái sau tên mẹ tôi, Grace. Điều này thể hiện tình yêu và tôn trọng sự tưởng nhớ của bà. Cả hai cái tên đã làm tôi vô cùng sung sướng!”
Tên bạn là gì? Bạn có thích cái tên ấy không? Nó có thể thậm chí không bao giờ phải suy nghĩ về để thắc mắc. Nó chỉ là tên của bạn. Nhưng nó sẽ mãi là “bạn” nếu bạn được gọi bằng vài cài tên nào đó nữa không?
Trẻ em hình như nhận biết hết sức đặc biệt về tên của chúng. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 25% trẻ em không muốn giữ tên mình tí nào nếu bạn bỏ đi tên của chúng. Một nghiên cứu nữa cũng cho thấy khoảng một phần thanh niên muốn cha mẹ chúng đặt cho chúng một cái tên khác.
Một số người đã đổi tên khi trưởng thành. Nhiều người đã không dùng tên cha mẹ đặt cho trong công việc của mình. Bạn đã bao giờ nghe Stefani Germanotta hát chưa? Chắc chưa bao giờ? Nhưng câu trả lời sẽ là “có” nếu thay bằng gọi cô là Lady Gaga! Có thể bạn không bao giờ nghe đến cái tên Margaret Hookham. Nhưng nếu chúng ta đặt tên lại cho cô là Margot Fonteyn, chúng ta có thể nhận ra cô là một vũ công ballet nổi tiếng. Và bạn đã xem phim Marion Morrison đóng vai chính – hoặc John Wayne chưa?
Những người này cảm thấy rằng cái tên khai sinh của họ nghe không “đúng” với công việc của họ muốn thực hiện. Nhưng điều gì làm cho cái tên trở nên “đúng”?
Trong nhiều nền văn hóa, có những ý tưởng đặc biệt về cách chọn lựa tên gọi. Ví dụ, nhiều người đã chọn một cai1ten6 mà nó mà nó thuộc về gia đình họ hang nhiều năm. Điều này làm cho con trẻ một cảm giác phụ thuộc. Nó nói lên đứa bé ở đâu và từ đâu.
Nhưng có những cha mẹ khác thực hiện ngược lại. Họ tạo một từ hoàn toàn mới được dung để đặt tên cho con mình. Hoặc dung một từ mới mà trước đó chưa có tên nào được đặt. David và Victoria Backham đã chọn một cái tên khác thường cho đứa con trai thứ ba của họ. Họ gọi nó là Cruz. Cruz là một từ Tây Ban Nha có nghĩa là thập tự. Nó có vài ý nghĩa. Red Cross là một nhóm giúp đỡ những người gặp hoạn nạn. Nhưng thập tự cũng có nghĩa là một công cụ của định mệnh và cái chết. Và nó còn có nghĩa là bạn đang giận dữ. Đó là một Cái tên khác thường dành cho một bé trai.
Chọn một cái tên đẹp cho một đứa trẻ không phải là việc dễ dàng. Nhiều cha mẹ đã tìm những cuốn sách để hiểu về ý nghĩa của những cái tên. Họ muốn nói về một điều gì đó mà họ cảm nhận khi đứa bé chào đời. Họ có thể chọn một cái tên để mang một thông điệp. Nathaniel có nghĩa “được ban bởi Thiên Chúa”. Wunamd có nghĩa là “Thiên Chúa từ nhân”. Edith ngĩa là “món quà giá trị”. Amanda mang ý nghĩa “tình yêu xứng đáng”. Fara là “tác động niềm vui”.
Những cái tên như thế nói với gia đình và bạn hữu rằng bạn hạnh phúc biết bao khi sống cùng đứa bé mới ra đời. Những cái tên khác có thể nói lên điều gì đó, những sự kiện xung quanh sự ra đời của con trẻ. Ở Phi châu, đứa con trai đầu lòng có thể tên là Mosi. Ở Nhật, tên Kazuo cũng có nghĩa là sinh đầu lòng. Ở Phi châu, tên Ama có nghĩa là “sinh vào thứ Bẩy”. Còn ở Trung quốc, Huyu nghĩa là “sinh vào mùa đông”.
Nhưng trong một số nền văn hóa, cha mẹ thường dung những cái tên mà nó mang một loại thông điệp hoàn toàn khác. Một bé gái có thể được gọi là “No-good” chỉ vì nó là một bé gái và cha mẹ nó muốn một đứa con trai. Hoặc một đứa trẻ yếu đuối bệnh tất có thể được gọi là “Burden” – một gánh nặng mà cha mẹ không muốn cưu mang. Những cái tên như vậy đã gây nỗi bất hạnh sâu sắc. Suốt cuộc đời của chúng. Những người có những cái tên như vậy nhớ rằng cha mẹ mình không muốn đoái hoài đến mình. Cái tên như “No-good” ảnh hưởng đến mặc cảm của bé gái với chính mình và gia đình mình.
Nhưng những cái tên của chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của chúng ta – cách chúng ta ứng xử hoặc việc làm của chúng ta khi chúng ta trưởng thành không? Một số chuyên viên nói rằng có thể. Có phải những bé gái có tên là Malak ứng xử như một thiên thần không? Và những bé gái có tên là Mahira nhanh nhẹn và đầy nghị lực không? Có phải những bé trai có tên là Cahil thì thiếu kinh nghiệm chăng? Hoặc nhựng bé trai được đặt tên là Huang thì đều giàu có chăng? Nững nhà khoa học nghiên cứu tên gọi nói rằng tên gọi có thể ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ, nhưng chỉ phần nào. Sự dạy dỗ của cha mẹ mới là vô cùng quan trọng. Những người có tên giống nhau chưa hẳn đã ứng xử giống nhau. Họ hoàn toàn không có những điều giống nhau.
Chẳng có cha mẹ nào nói con mình sau này trưởng thành sẽ là loại người như thế nào. Ngay cả cha mẹ đặt tên con trai là Fahim điều đó không có nghĩa đứa trẻ sẽ trở nên thông minh. Tất cả chỉ có thể là hy vọng.
Nhưng Thiên Chúa đặt tên cho một ai đó thì điều đó hoàn toàn chính xác bởi Người biết mỗi người sẽ rở nên như thế nào. Lịch sử đã chép một số người mà đã được Thiên Chúa   đặt tên.
Khi Abraham được sinh ra, cha mẹ ông gọi là Abram. Nhưng khi ông 99 tuổi, Thiên Chúa đã bảo ông đổi tên thành Abraham. Cái tên mới này có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc” và nó hoàn toàn đúng. Tất cả những quốc gia Ả-Rập và Israel cùng có một người cha cổ đại, Abraham.
Một người nữa được Thiên Chúa đặt tên là Giê-su. Trước khi Chúa Giê-su ra đời Thiên Chúa đã nói với Maria, mẹ Người “Con sẽ đặt tên cho hài nhi là Giê-su, vì hài nhi ấy sẽ cứu vớt dân mình khỏi mọi tội lỗi”.
Người Ki-tô giáo tin rằng điều đó chính xác những gì mà Chúa Giê-su đã làm. Và chúng ta tin rằng Người vẫn mãi thực hiện. Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giê-su sẽ xóa mọi tội lỗi cho bất kỳ ai tin tưởng nơi Người. Chúa Giê-su thanh tẩy tâm hồn họ, như thể họ không bao giờ làm điều gì sai phạm.
Ở đầu truyện chúng ta nói về đứa cháu gái của Joy. Tên của bé là Katherine. Joy đã nhận ra rằng cái tên Katherine có nghĩa là tinh khôi. Joy hy vọng Katherine sẽ là một cô gái tốt. Nhưng cái tên ấy cũng có một ý nghĩa đặc biệt đối với Joy. Joy là một Ki-tô hữu. Bà cũng hy vọng rằng Katherine sẽ đặt niềm tin vào Đức Ki-tô. Joy tin đó là cách duy nhất để trở nên đúng nghĩa với cái tên của bé.
Jos. Tú Nạc, NMS

 


-dongcong.net sưu tầm 3 tháng 12-2012

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)