dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Tuổi Thơ Anh Hùng
 
 
 
<<<    

2. ĐẮM TẦU

Hồi thế chiến thứ hai, một chiếc tiềm thủy đĩnh thuộc hải quân Italia bị trúng thủy lôi của Đức. Ai đứng trên boong thì bị bắn tung lên trời rồi rơi xuống biển và chìm nghỉm. Ai ở trong tầu thì bị kẹt cứng trong thân tầu bị gẫy gập làm hai và bị lôi xuống lòng đại dương.

Trong hoàn cảnh ấy ai mà còn nghĩ tới việc cứu các đồng đội bị kẹt nằm dưới biển sâu nữa. Thế mà sau khi cố gắng bơi được vào bờ, các binh sĩ thoát nạn của chiếc tiềm thủy đĩnh bị trúng thủy lôi đó đã bắt liên lạc với bộ chỉ huy gần nhất và tổ chức toán cấp cứu. Tuy nhiên, bốn giờ đồng hồ sau, chiếc phà máy chở toán cấp cứu với các dụng cụ cần thiết mới tới nơi xảy ra tai nạn.

Thân chiếc tiềm thủy đĩnh gẫy làm hai chìm sâu mười một mét dưới lòng biển. Khi mấy chuyên viên của toán cấp cứu lặn xuống tới nơi họ mới vui mừng khám phá ra rằng các binh sĩ bị kẹt trong tầu vẫn còn sống và đang ở cả trong phòng phóng thủy lôi phía đầu tầu. Họ áp sát tai vào thân tầu và dùng ký hiệu nói truyện với anh Santinô, trung sĩ tiểu đội phó. Nhờ đó họ biết rằng còn có 8 binh sĩ bị mắc kẹt trong thân tiềm thủy đĩnh. Toán cấp cứu trấn an các binh sĩ trong tầu, khuyên họ cứ bình tĩnh chờ đợi.

Trong khi đó, hạ sĩ Giovanni chỉ huy đội cấp cứu khẩn trương bàn tính kế hoạch: dùng tầu cần câu để câu thân tiềm thủy đĩnh lên là điều khó vì đòi hỏi quá nhiều thời giờ, các binh sĩ bị kẹt trong tầu sẽ chết vì thiếu dưỡng khí. Ngoài ra nhỡ thời tiết thay đổi bất thình lình thì coi như họ đã cầm chắc cái chết rồi.

Suy đi nghĩ lại, Giovanni thấy chỉ còn một cách tuy nguy hiểm liều lĩnh nhưng có cơ may nhất để cứu sống họ. Đó là một trong các binh sĩ bị kẹt trong tầu phải mở cửa để cho nước vào phòng phóng thủy lôi, rồi từ đó theo các nấc thang lần mò cho tới cửa chính của tiềm thủy đĩnh. Các binh sĩ trong phòng sẽ phải lội đi bì bõm nhưng không sợ thiếu dưỡng khí và có thể cầm cự được lâu hơn. Nhưng cũng có thể xảy ra điều trái ngược, đó là nước ngập hoàn toàn cho tới trần. Và trong trường hợp ấy nếu không lần mò ra được tới cửa chính cũng sẽ có thể bị chết ngộp. Tuy nhiên, xét cho cùng Giovanni thấy không còn giải pháp nào khác.

Anh liền cho toán cấp cứu lặn xuống để giải thích cho đồng đội bị kẹt trong tầu hiểu. Sau một hồi bàn tính trung sĩ Santino tình nguyện mở cửa. Trước khi làm cử chỉ liều lĩnh này, anh bắt tay và ôm hôn từ giã các bạn đồng đội. Rồi Santinô tiến tới mở cửa. Anh làm dấu thánh giá thầm xin Chúa hộ phù cho mọi người được tai qua nạn khỏi, rồi mở cửa.

Nước bên ngoài ùa vào khiến anh tối tăm mặt mũi. Trong thân tầu tối đen như mực, Santinô lần theo các nấc thang. Nhưng quần áo bị các thanh sắt gẫy nằm ngổn ngang trong thân tầu ngập nước móc lại, khi sắp ra tới cửa chính Santinô cởi bỏ quần áo và chuẩn bị lách mình ra ngoài, chợt anh mới nghĩ lại là các bạn còn ở bên trong, không biết những nguy hiểm từ phòng ra tới cửa. Anh liền quyết định quay lại báo cho bảy người bạn đồng đội còn trong phòng phóng thủy lôi hay. Thế là anh lội ngược trở lại. Vừa thấy anh nhô đầu lên, bảy người còn lại đều lo lắng hỏi:

- Không có lối thoát à, Santinô?

Santino vừa vuốt nước trên mặt vừa trả lời:

- Có chứ! Có lối thoát. Nhưng mình trở lại báo cho các cậu biết những chướng ngại từ đây ra tới cửa.

Sau đó anh giải thích cho các bạn biết phải làm sao để khỏi mất giờ, tốn sức và bị kẹt, là phải vất bỏ quần áo trước khi phóng ra cửa.

Một lúc sau đó, lần lượt bảy cái đầu từ lòng biển theo nhau nhô lên và được toán cấp cứu kéo vào phà. Nhưng còn thiếu một người, đó là anh bạn bị sốt rét. Mặc dầu các bạn đồng đội khuyến khích, anh ta sợ không đủ sức lần mò trong tăm tối nên đã ở lại trong phòng phóng thủy lôi ngập nước.

Thấy thế, hạ sĩ Giovanni, trưởng nhóm cấp cứu, liền vội vàng cởi quần áo, đeo ống lặn và phóng xuống. Ai cũng biết các nguy hiểm đang chực chờ, nhưng không ai trong bọn kịp ngăn anh ta.

Xuống tới nơi Giovanni gọi anh lính bị bệnh:

- Tôi đem anh lên đây. Hãy dùng ống lặn của tôi mà thở. Đừng lo cho tôi, Chúa sẽ giúp tôi. Không sao đâu. Anh cứ yên trí!

Nói rồi anh cởi ống thở đeo cho người lính bị bệnh và đẩy anh ta ra ngoài. Trong khi đó toán cấp cứu và bảy người lính đã thoát nạn hồi hộp đợi chờ từng phút, từng giây. Mười lăm phút trôi qua mà chưa thấy tăm hơi Giovanni và người lính bệnh đâu, mọi người đều vô cùng thất vọng. Bỗng hai cái đầu trồi lên mặt biển. Giovanni phun nước khỏi miệng, hít một hơi dài rồi la lớn:

- Chúa giúp đó, các bạn à!

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu." Khi nói câu ấy Chúa Giêsu đã diễn tả trung thực tình yêu của Ngài đối với nhân loại, đồng thời Ngài muốn mời gọi chúng ta bước theo gương Ngài.

Từ đó tới nay biết bao tâm hồn quảng dại đã đáp lại lời mời gọi của Chúa sống theo gương Ngài và hiến thân vì anh em dù có phải liều mạng. Điều đó xem ra vượt quá sức con người hèn yếu và nhát đảm. Nhưng với lòng xác tín vào ơn trợ lực của Chúa, mỗi người chúng ta đều có thể làm được khi gặp dịp. Câu truyện trên đây là một bằng chứng điển hình và sống động.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)