dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Chứng Nhân Chúa Kitô
 
 
Biên soạn: Rev. John, CMC
 
<<<    

 

Đấng Đáng Kính Maria Mađalena Bentivoglio, O.S.C. 

Người lập chi nhánh Dòng kín Thánh Clara tại Hoa Kỳ. (1834-1905)

     Một thời gian ngắn trước khi Annetta Bentivoglio ra đời, mẹ của em đã đến viếng hang toại đạo. Quỳ trước hài cốt của một trong những vị tử đạo, bà nguyện cầu cho con trẻ lớn lên có được nhân đức của thánh nhân. Tuy nhiên, vì tính tinh nghịch và láu lỉnh của bé, hơn một lần mẹ bé đã phải thốt lên: "Con thật không giống một vị thánh tí nào!"

     Annetta sinh ngày 29 tháng 7 năm 1834, trong Lâu Đài các Thiên thần ở Rôma. Bé là con thứ 12 trong số 16 người con của ông bà Bá tước Đaminh và Angela Sandri Bentivoglio. Cha bé là một vị tướng trong quân đội của Đức Giáo Hoàng. Mẹ bé là một người đàn bà hiền thục và đạo hạnh, nhưng không thuộc hàng quý phái như cha của Annetta. Trong gia đình rất sùng đạo ấy, sau này đã có năm người con gái gia nhập các tu viện.

     Lúc thiếu thời, Annetta có nhiều đặc tính của người trưởng thành. Em rất sùng đạo, bác ái và rất tế nhị. Nhưng em cũng là người đầy tự ái và rất tinh nghịch. Có lần vì bị thầy cô nhốt vào phòng có khoá ở lầu hai, em đã tính leo ra khỏi cửa sổ trốn thoát, nhưng cũng may là bị phát giác kịp thời.

     Cũng như các trẻ khác trong gia đình, Annetta ở ký túc xá trong khi theo học. Tại đây, mọi người còn nhớ em là người thích cầu nguyện, thường quan tâm đến người khác, và có thiện chí muốn nên tốt. Trong Ngày Đầu Năm 1840, em đã làm một quyết định thật đơn giản: "Con sẽ là một người tốt". Mọi người cũng nhớ Annetta trong thời gian theo học, cũng như trong suốt đời em, em là một người cao thượng và luôn vui tươi.

     Trong một cuộc du ngoạn, em được diễm phúc cùng đi với thánh nữ Mađalena Sophia Barat. Thánh Mađalena là một người bạn của gia đình, và cũng là Vị sáng lập Dòng Thánh Tâm. Trong cuộc du ngoạn, em Annetta đã chọc ghẹo, đùa giỡn và thử sự nhẫn nại của Vị Thánh lập dòng. Sau này, Annetta vẫn còn nhớ mãi đêm đó tại nhà trọ, hai người được chia sẻ một chiếc giường, Annetta nói: "Tôi đã ngủ chung với vị thánh và tôi đã đạp người".

     Lúc lên 14 tuổi, Annetta đã hầu như thắng được ý riêng của mình, và bắt đầu hướng tư tưởng và hành động lên Thiên Chúa. Sau cái chết của cha mẹ, Annetta đã một thời sống với hai người chị, với các Sơ dòng thánh Catarina Siena, và các Sơ dòng Đaminh. Tại đây, chị đã dùng nhiều giờ đến trước Thánh Thể, để tìm hiểu Thánh Ý Chúa cho cuộc đời mình, vì Annetta còn đang phân vân không biết Chúa muốn gọi mình vào dòng kín hay vào dòng hoạt động. Sau cùng, ơn gọi sống đời chiêm niệm đã thắng, và tháng 7 năm 1864, Annetta đã được nhận làm thỉnh sinh dòng Thánh Clara Nghèo ở San Lorenzô. Costanza và Matilda, hai người chị của Annetta cũng vào Dòng này, nhưng Matilda sau này vì mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo nên không thể tiếp tục.

     Ngày 4 tháng 10 năm 1865, bá tước Annetta Bentivoglio trở thành Sơ Mary Mađalena Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chị của Sơ muốn giữ lại tên rửa tội của người, nhưng Annetta lại mong ước được lấy tên của một tội nhân mà ngày xưa đã thu hút được chính Trái Tim Chúa Nhân Lành. Trong gần 10 năm, chị em gia đình Bentivoglio ở tại tu viện San Lorenzo. Trong thời gian này, dưới sự hướng dẫn của dòng Thánh Clara, Sơ Mary Mađalena luôn cố gắng hết sức để thắng mình trong mọi trường hợp. Lúc còn trẻ, Sơ ước mơ lớn lên được diễm phúc tử đạo. Ước mơ của Sơ đã thành sự thật, nhưng không phải qua một cái chết anh dũng và vinh quang; Sơ đã đón nhận một sự tử đạo liên lỉ qua việc hằng ngày bóp chết ý riêng. Khi về già, Mẹ Mary Mađalena đã thú nhận rằng, trong những ngày đầu Mẹ thường bị cám dỗ muốn quăng đi cuốn sách nguyện. Thêm vào đó, những của ăn thanh đạm và khô lạnh đã làm cho Sơ thật chán ngán.

     Sau 10 năm sống trong tu viện, theo lời mời của một người Mỹ thuộc Dòng Ba Thánh Phanxicô, hai chị em Bentivoglio được sai sang Mỹ để thành lập một tu viện chiêm niệm. Thêm vào đó, vì thời cuộc chính trị ở Ý đang rất lộn xộn, Đức Thánh Cha Piô IX rất đồng ý với việc lập một trụ sở ở Mỹ, để nếu các Sơ Dòng Clara Nghèo cần thiết phải rời Âu Châu, Ngài có nơi để phái các Sơ đi. Trong bài giã từ, Đức Thánh Cha đã lưu ý họ về những khó khăn họ sẽ phải gặp, và Ngài cũng xin họ hãy trở nên một tấm gương, một "bài giảng trong âm thầm, được hoà điệu bởi việc nguyện cầu và sự kết hợp với Thiên Chúa, để làm cho nhiều người nhận biết rằng hạnh phúc chân thật không tìm thấy trong những sự tạm bợ và vật chất".

     Ngày 12 tháng 10 năm 1875, hai chị em Bentivoglio đến thành phố Nữu Ước. Hai Sơ đến tạm trú tại một nữ tu viện, và miễn cưỡng phải nhận sự giúp đỡ của các nữ tu tại tu viện này, vì lúc này hai Sơ chưa có phương tiện để có thể tự túc. Hơn nữa, các Sơ gặp phải trở ngại lớn trong việc giao tiếp với người bản xứ, vì hai Sơ chỉ biết nói tiếng Ý và tiếng Pháp. Theo dự tính ban đầu của nhóm người mời các Sơ sang Mỹ, các Sơ sẽ lập tu viện tại Minnesota. Nhưng khi đến Nữu Ước, vị linh mục được chỉ định hướng dẫn các Sơ lại có một ý định khác. Sự bất đồng ý kiến giữa nhóm người mời các Sơ và vị linh mục này đã làm cho các Sơ thật khó xử. Sau cùng, các Sơ đã đệ đơn sang Toà Thánh Rôma để xin chỉ dẫn. Sau chín tháng dài chờ đợi, thư trả lời mới đến. Theo bức thư đó, các Sơ được chỉ dạy hãy đi xin sự giúp đỡ của bất cứ vị Giám Mục nào tại Mỹ. Một điều không may là trong khi các Sơ không có một đồng dính túi, không biết ngôn ngữ bản xứ, mà nước Mỹ lại rộng lớn, các Sơ thật không biết làm sao để đi các nơi tìm sự giúp đỡ được.

     Qua sự giúp đỡ của bạn bè, các Sơ đệ đơn xin một số Giám mục. Đầu tiên, các Đấng có một thái độ thật hờ hững. Các giáo phận Mỹ lúc đó đang cần các giáo sư và các vị làm việc tông đồ trong cánh đồng truyền giáo. Rất ít người nhận ra sự cần thiết của những tu sĩ chiêm niệm. Một vị Giám mục đã nói với hai Sơ rằng Ngài không muốn họ ở trong giáo phận Ngài vì ơn gọi của họ không phù hợp với người Mỹ và với tinh thần quốc gia Mỹ.

     Lúc đầu các Sơ dự định định cư ở Philadelphia và New Orleans, nhưng sau cùng cơ sở đầu tiên của các Sơ được thành lập tại Cleveland vào tháng 8 năm 1877. Sau một thời gian ngắn, các Sơ Dòng Clara Nghèo người Đức cũng đến ở chung. Nhưng việc dung hoà hai bộ luật cũng đã gây nên nhiều khó khăn. Sau cùng, các Sơ người Ý đã thành tâm nhường cho nhóm các Sơ gốc Đức căn nhà, và đi lập cơ sở mới tại Omaha, Nebraska. Tại đây, không những họ được một người bạn quảng đại cho họ một tu viện, mà Đức Cha cũng niềm nở tiếp đón họ.

     Ở Omaha, dù với sự giúp đỡ của các người bạn quảng đại, nhiều khó khăn vẫn thường xảy ra vì sự ngăn cách gây nên bởi hàng rào ngôn ngữ. Trong một cơn thử thách, mà Mẹ Mađalena đã can đảm chấp nhận không một chút kêu ca, một Sơ đã nói:  "Họ nghĩ rằng chúng ta là những người khờ dại. Người ta đang gièm pha tố cáo chúng ta, vậy mà Mẹ vẫn cười được!" Mẹ đáp lại:

     Tôi không thể cầm mình được. Trọn cuộc sống, tôi đã xin Chúa ban cho nhiều thánh giá; bây giờ Ngài đã ban cho, lẽ nào tôi lại không vui?

     Ông Creighton, người bạn và là vị ân nhân của các Sơ đã quảng đại giúp đỡ về tài chánh. Cộng thêm số tiền Mẹ Mađalena xin được, các Sơ đã có thể thành lập một cơ sở vững chắc ở Omaha. Nhiều người Mỹ đã gia nhập Dòng, và mặc dù với tiện nghi nghèo nàn, thiếu thốn, một dòng kín Thánh Clara Nghèo cuối cùng đã được thiết lập. Ông Creighton là một trong những người đầu tiên nhận ra hiệu quả đắc lực của lời cầu nguyện của các Sơ. Ông đã xin các Sơ khấn cho một đôi bạn trẻ không con. Chỉ trong một thời gian ngắn, đôi bạn trẻ này gửi điện tín báo tin vui: "Sinh đôi! Xin các Sơ ngừng cầu nguyện".

     Mẹ Mary Mađalena có lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Giuse. Mẹ thường phó dâng những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của cộng đoàn trẻ này cho Ngài. Nhiều lần, Mẹ đã đặt tấm giấy hay lời thỉnh nguyện trong cánh tay tượng thánh Giuse của tu viện. Ông Creighton đã có lần phải bật cười khi thấy Mẹ đã đặt quả cà chua trong tay Thánh Cả.

     Sau 7 năm ở Mỹ, dòng kín Omaha ngặt theo Giáo luật được thiết lập vào tháng 7 năm 1882. Để giúp kiến thiết tu viện, chính các Sơ tham gia vào công việc. Dù với luật nội vi của tu viện cũng không là bảo đảm giúp cho các Sơ thoát khỏi những lời vu khống.

     Trong một thời gian ngắn, Mẹ Maria Mađalena đã phải miễn cưỡng sang viếng Toà thánh bốn lần. Tuy nhiên, trong mọi khó khăn, Mẹ tỏ ra rất dũng cảm trong khi đón nhận những thánh giá Chúa gửi đến mà không một lời oán than những người vu khống Mẹ, và cũng không tìm cách biện minh. Tinh thần nhẫn nại của Mẹ quả là một tấm gương đáng cho mọi người noi theo.

     Tuy cuộc sống trong dòng kín thật nhiệm nhặt, Mẹ Mađalena luôn giữ được một tâm hồn vui tươi. Trong một lá thư viết cho người chị, Mẹ viết:  "Chúng em không có giầy và vớ; không biết chúng em có thể chịu đựng được không. Chắc chắn  một điều là chúng em không muốn nuông chiều ai cả, nhưng chúng em cũng không muốn giết ai hết".

     Mẹ Mađalena đã kiên nhẫn chịu đựng và không bao lâu Mẹ đã lôi kéo được các thỉnh sinh từ khắp nơi gần xa. Không lâu sau, một cơ sở đã được thiết lập tại New Orleans và rồi ở Evansville, Indiana. Ngày nay ở Mỹ có tất cả 16 nhà trực thuộc chi nhánh Dòng Clara Nghèo này.

     Trong năm 1897, Mẹ Maria Mađalena đến cư ngụ tại cơ sở của Dòng tại Evansville. Dù đã 63 tuổi và với sức khoẻ yếu kém, thêm vào đó Mẹ cũng phải chia sẻ sự đói rách, lạnh lẽo và nghèo khó với Chị Em Dòng trong lúc ban đầu, Mẹ vẫn tin rằng ơn gọi của Mẹ không chỉ đơn giản ở việc kiến thiết một cộng đồng Thánh Clara Nghèo tại Mỹ, nhưng còn để truyền bá Dòng. Vì lý do này Mẹ đã nói với một Sơ rằng, Mẹ luôn sẵn sàng để bắt đầu một cơ sở mới bất cứ lúc nào, bất kể sức khoẻ hay tuổi tác Mẹ ra sao.

     Sau đây là một tích truyện cho thấy Mẹ Maria Mađalena luôn cầu xin sự phù trợ của các thánh trong việc thu hút những ơn gọi mới vào Dòng. Một hôm, khi vào văn phòng của Mẹ, một Sơ thấy có năm búp bê giấy được cắt từ cuốn sách quảng cáo của hãng Sears và đặt chung quanh tượng thánh Antôn. Khi Sơ này hỏi về mấy búp bê giấy ở đó, Mẹ giải thích là đang cầu xin thánh Antôn ban cho tu viện thêm một vài thiếu nữ "giống như vậy". Truyện kể lại, năm thỉnh sinh trẻ đã gia nhập tu viện năm đó, và tất cả đã bền vững và trở thành những nữ tu thánh thiện.

     Bởi vì tu viện ở Evansville lúc đầu không phải là dòng kín, nên các Sơ có thể gặp gỡ những người dân thuộc miền chung quanh. Tình bằng hữu đó vẫn còn được tiếp tục cả sau khi tu viện này trở thành dòng kín. Thêm vào đời sống cầu nguyện và công việc hướng dẫn tu viện, Mẹ Maria Mađalena giao thiệp bằng thư từ với rất nhiều người. Mẹ tặng cho họ những lời khuyên thật khôn ngoan cũng như những lời chỉ bảo tốt lành về đường thiêng liêng.

     Mẹ Maria Mađalena luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Thánh Ý Chúa muốn nơi Mẹ. Tại Evansville, Mẹ hầu như bị mù một mắt, còn mắt kia thì đang trong tình trạng nguy hiểm có thể cũng mất luôn. Trong một lá thư cho người bạn, Mẹ viết:  "Cám ơn chị cầu nguyện cho con mắt của tôi. Nếu Thánh Ý Chúa muốn cho tôi giữ được một mắt, tôi rất vui mừng; tuy nhiên, tôi luôn sẵn sàng vâng theo nếu Chúa nhân lành của chúng ta muốn cất đi cả mắt kia. Nếu điều đó xẩy đến, tôi sẽ có được nhiều giờ hơn để kết hiệp với Ngài trong nguyện cầu, vì không phải lo đến những chuyện trần gian. Nguyện xin Thánh Ý Chúa được thực hiện".

     Đến năm 1905, sức khoẻ Mẹ Maria Mađalena bắt đầu sút giảm. Trong mấy giờ trước khi Mẹ qua đời, nhiều hiện tượng phi thường đã xảy ra.

     Ao ước được chết trên sàn nhà như thánh Phanxicô Assisi, Mẹ đã xin các Sơ cất hết các đồ đạc khỏi phòng tư của Mẹ. Với bộ áo dòng trên người, Mẹ được đặt nằm trên một tấm chiếu đối diện với tượng chịu nạn. Ngày 18 tháng 8 năm 1905, quãng 12 Sơ hiện diện trong phòng của Mẹ đọc kinh dọn mình chết lành. Còn các Sơ khác thì ở ngoài hành lang. Mặc dù mành cửa đang đóng, chung quanh người Mẹ Maria Mađalena lúc Người qua đời xuất hiện một luồng sáng chói lọi. Tất cả các Sơ trong phòng đều được xem thấy ánh sáng này. Sau khi Mẹ chết, vì các mạch máu đã bị bế tắc, nên xác Mẹ chỉ được ướp một cách đơn Sơ. Xác Mẹ được đặt trên một tấm ván đợi ngày chôn cất. Dù được đặt ngoài trời với nhiệt độ nóng bức của mùa hè trong suốt 26 ngày, xác Mẹ vẫn tươi tốt. Nhiều người làm chứng rằng hương toả chung quanh xác Mẹ tương tự như mùi thơm của nước hoa hay của hoa.

     Ngày 12 tháng 9 năm 1905, xác Mẹ được đặt vào quan tài và nắp quan tài đã được gắn xi. Liền ngày sau đó, các ơn lạ, nhất là ơn được chữa lành bệnh, đã được ban nhờ sự cầu bầu của Mẹ Maria Mađalena. Vào tháng Giêng năm 1907, nghi thức cải táng đã diễn ra trước sự hiện diện của các Sơ và một công chứng viên. Xác Mẹ vẫn còn nguyên vẹn mặc dù da có phần hơi sạm, nhưng sau đó màu da đã trở lại bình thường. Một lần nữa, nhiều người hiện diện ngửi thấy một hương thơm kỳ diệu.

     Quan tài một lần nữa được niêm ấn. Sau đó, các Sơ xin Đức Giám Mục Indianapolis mở cuộc điều tra về cuộc đời Mẹ Maria Mađalena. Sau bốn lần thỉnh cầu, tháng 5 năm 1928 Đức Cha Chartrand mở cuộc điều tra. Cuộc điều tra kéo dài bốn năm và bản báo cáo được đệ qua Rôma tháng 5 năm 1932. Lúc này, một cuộc cải táng nữa đã được thực hiện và xác Mẹ vẫn còn nguyên vẹn. Sau lần cải táng này, xác Mẹ được chôn táng lại và được yên nghỉ cho đến ngày nay.

     Mẹ Maria Mađalena được tuyên phong lên hàng Đáng Kính năm 1932. Ngày 01 tháng 4 năm 1969, Thánh bộ Phong Thánh ở Rôma ra sắc lệnh cho phép mở cuộc điều tra để phong chân phước cho Mẹ Maria Mađalena Bentivoglio.
 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)