dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Giáo Lý Thánh Vịnh
 
 
Cao Tấn Tĩnh
 
<<<    

Chúa là Đấng tạo dựng nên thế gian ra tay bảo vệ dân của Ngài

(Ca Vịnh Giuđích, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất)

1.  Bài Ca Vịnh chúc tụng chúng ta vừa đọc (Jdt 16:1-7) được cho là của bà Giuđích, một nữ anh hùng đã làm rạng danh cho tất cả mọi người nữ dân Yến Duyên, vì bà đã mang một sứ mệnh cho thấy quyền lực giải phóng của Thiên Chúa tỏ ra vào giây phút tăm tối sống còn của dân Ngài. Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai chỉ cống hiến cho chúng ta một số câu để đọc mà thôi. Những câu Ca Vịnh này kêu gọi chúng ta hãy cử hành, hãy cả tiếng ca khen, hãy đánh trống gõ chiêng, để chúc tụng Chúa là "Ðấng dẹp tan chiến loạn".

Lời diễn tả cuối cùng, lời cho thấy dung nhan chân thực của Thiên Chúa, Ðấng yêu chuộng hòa bình, đã dẫn chúng ta đến với một thế giới tư tưởng làm nên bài ca này. Ðây là bài ca về một cuộc chiến thắng lọt vào tay dân Yến Duyên một cách hoàn toàn lạ lùng, một việc can thiệp của Thiên Chúa nhúng tay vào để giải cứu họ khỏi cảnh thảm bại toàn diện sắp xẩy ra.

2.  Vị tác giả sách thánh đã dựng lại biến cố này ở vào mấy thế kỷ sau đó để hiến cho anh chị em cùng niềm tin với mình, thành phần cảm thấy chán nản trước hoàn cảnh khó khăn, một mẫu gương có thể làm cho họ phấn chấn hơn. Bởi thế, vị tác giả này nói đến những gì đã xẩy ra cho Yến Duyên vào thời Vua Nebuchadnezzar, vì giận dữ trước cảnh đám dân này không chịu làm theo các ý đồ thống trị và những chủ trương ngẫu tượng của vua, đã sai khiến tướng Holofernes phải thi hành một mệnh lệnh đặc biệt trong việc phải ra tay khống chế và hủy diệt họ. Không ai dám chống lại vua, người đã tôn mình làm thần linh. Vị tướng của vua, người có cùng một giả tưởng với vua, đã cười nhạo lời cảnh báo cho ông biết đừng có đụng đến dân Yến Duyên, vì làm thế là đụng đến chính Thiên Chúa vậy.

Thực ra, để trấn an đồng đạo trong thời của mình trong việc sống trung thành với Vị Thiên Chúa của giao ước, vị tác giả sách này muốn nhấn mạnh đến nguyên tắc là con người phải tin cậy nơi Thiên Chúa. Kẻ thù đích thực mà dân Yến Duyên cần phải sợ không phải là những thù địch nắm quyền lực trên thế gian này, mà chính là lòng họ bất trung với Thiên Chúa.  Ðó mới là những gì làm cho họ hụt hẫng việc bảo vệ của Thiên Chúa cũng như làm cho họ bị tổn hại. Một khi trung thành với Ngài, họ có thể cậy dựa vào quyền năng của một Vị Thiên Chúa "mãnh lực diệu kỳ và bất khả thắng vượt" (câu 13).


3. Toàn thể câu truyện về nữ anh hùng Giuđích đã chứng tỏ sáng ngời nguyên tắc này. Cảnh tượng diễn ra là cảnh đất nước Yến Duyên bấy giờ đang bị các thù địch xâm chiếm. Thảm kịch thời đại ấy sống lại nơi bài ca vịnh: "Quân Assyria tràn xuống từ các miền núi phía bắc; các chiến binh đông đảo của họ tiến đến; các chiến binh ấy chặn vây các thung lũng, kỵ binh của họ phong tỏa các ngọn đồi" (câu 3). Bài ca vịnh chua chát nhấn mạnh tới việc ngông cuồng ngạo mạn của kẻ thù là "Họ nghênh ngang cho rằng họ sẽ thiêu hủy lãnh thổ của tôi, sẽ dùng gươm sát hại đám giới trẻ, sẽ chà đạp dưới đất lũ măng sữa của tôi, cùng bắt lấy trẻ em của tôi làm mồi, và chiếm các trinh nữ làm chiến phẩm" (câu 4).  

Trường hợp xẩy ra như lời nữ anh hùng Giuđích diễn tả đây cũng giống như những trường hợp khác dân Yến Duyên đã trải qua, những trường hợp xem ra không còn lối thoát thì ơn cứu độ mới xuất hiện. Ơn cứu độ trong chuyến Xuất Ai Cập với cuộc vượt qua Biển Ðỏ một cách lạ lùng không phải là trường hợp này hay sao? Cả bấy giờ nữa, việc chiếm đóng của một đạo binh đông đảo và hùng hậu đã làm tiêu tan đi mọi niềm hy vọng. Thế nhưng, tất cả những sự ấy xẩy ra chỉ làm cho quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện, Ðấng tỏ mình ra cho thấy như là một vị bảo vệ vô địch của dân Ngài. 

4.  Việc làm của Thiên Chúa còn tỏ ra cho thấy vinh hiển hơn nữa, ở chỗ, Ngài không dùng đến chiến binh hay quân binh. Như đã xẩy ra trước đó, vào thời của bà Ðêbôra, Ngài đã loại trừ Sisera bằng một người nữ là Jael (Jgs 4:17-21), giờ đây, Ngài lại dùng một phụ nữ tay không đến để hộ giúp dân Ngài trong lúc gian nan. Với một niềm tin mãnh liệt, nữ anh hùng Giuđích đã tiến vào trại của địch quân, dùng nhan sắc để quyến rũ vị lãnh binh, để rồi sau đó đã giết hắn chết một cách nhục nhã. Bài ca vịnh hết sức nhấn mạnh đến sự kiện này là "Chúa Toàn Năng đã làm cho họ lũng đoạn bằng bàn tay của một người nữ. Mãnh lực của họ không bị hạ bởi tay của những nam nhân trẻ trung, hay hắn không bị đánh đập bởi con cái Titans, hoặc bị đè bẹp bởi những tay khổng lồ, mà là bị hạ bởi Giuđích, con gái của Merari bằng nhan sắc mỹ miều của nàng" (Jdt 16:5-6). 

Con người của Giuđích đã trở nên mẫu người khiến cho chẳng những truyền thống dân Do Thái, mà ngay cả đến truyền thống Kitô giáo cũng phải nhấn mạnh đến ý thích của Thiên Chúa chuộng dùng những gì là mỏng dòn và yếu đuối, thế nhưng, cũng chính vì thế, lại là những cái được chọn để tỏ ra quyền năng thần linh. Vị nữ anh hùng này cũng là một nhân vật gương mẫu cho thấy ơn gọi và sứ mệnh của người phụ nữ, một thân phận được kêu gọi ngang hàng với nam nhi, cũng như được kêu gọi để đóng một vai trò quan trọng trong dự án của Thiên Chúa. Một số những diễn đạt nơi sách Giuđích, không nhiều thì ít, được truyền sang truyền thống Kitô giáo, một truyền thống nhìn thấy được tiền thân của Ðức Maria nơi vị nữ anh hùng Do Thái này. Chúng ta đã chẳng nghe thấy vang vọng những lời của nữ anh hùng Giuđích hay sao, khi Ðức Maria hát lên trong ca vịnh Ngợi Khen là "Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi ngai tòa của họ và đã nâng người hèn mọn lên" (Lk 1:52). Người ta đã hiểu được tại sao truyền thống phụng vụ chung cho Kitô hữu cả Ðông lẫn Tây đều thích gán cho Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, lời chúc tụng hiến cho vị nữ anh hùng Giuđích: "Bà là vẻ vang của Giêrusalem, là vinh quang sáng ngời của Yến Duyên, là niềm hãnh diện lớn lao của dân nước chúng tôi" (Jdt 16:9). 

5.  Từ cảm nghiệm về cuộc chiến thắng, bài ca vịnh Giuđích kết thúc bằng một lời mời gọi hãy dâng lên Thiên Chúa một bài ca mới, bằng cách nhận biết Ngài là Ðấng "cao cả và hiển vinh". Ðồng thời, tất cả mọi tạo vật cũng được khuyên dụ là hãy thuận phục Ngài, Ðấng dựng nên hết mọi sự bằng lời của mình, và hình thành tất cả mọi sự bởi thần linh của Ngài. Ai có thể cưỡng lại tiếng của Thiên Chúa? Nữ anh hùng Giuđích đã mạnh mẽ nhắc lại điều này là: trước Ðấng Hóa Công và là Vị Chúa của lịch sử, núi non sẽ rung động đến tận nền móng của mình và đá tảng sẽ chảy ra như sáp ong (x Jdt 16:15). Chúng là những ám tỉ cố ý nhắc nhở cho biết là hết mọi sự chỉ là "không" trước quyền năng Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài ca vịnh chiến thắng này không muốn gây nên kinh hoàng mà là ủi an. Thật vậy, Thiên Chúa dùng quyền năng vô địch của mình để hỗ trợ những ai trung thành với Ngài: "Chúa sẽ tiếp tục tỏ lòng xót thương đối với những ai kính sợ Ngài" (Jdt 16:15).

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 5/9/2001)

 

<tiểu mục <trang nhà
 
 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)