Chia sẻ Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa NC 2016 ( Lc 3, 15-16. 21-22 )
Con yêu dấu của Cha
Đức Giám mục Thomas Msusa, thuộc giáo phận Blantyre, miền Nam Malawi. Sinh ra là đạo Hồi giáo, ngài đã trở lại đạo Công giáo. Năm nay ngài 53 tuổi là phó Giám đốc hiệp hội tám nước thành viên Hội đồng Giám mục Phi châu Đông phương. Ngài được thụ phong linh mục ở Dòng Truyền giáo Mẹ Maria, Dòng còn có tên là Dòng Truyền giáo Montfortains. Ngài chia sẻ câu chuyện trở lại đạo Công giáo của mình và của cha mình:
“Tôi làm việc ở địa phận Zomba trong mười năm. Mỗi năm có 100 đến 150 người rửa tội ở nhà thờ chính tòa và còn có nhiều người khác được rửa tội ở các giáo xứ. Tôi hỏi họ vì sao họ trở lại. Họ cho biết nhờ nghe đài phát thanh Radio Maria, một đài rất quan trọng ở đất nước tôi và lúc nào đài cũng có mặt ở những lễ lớn. Trước khi nghe được đài Radio Maria thì họ chỉ nghe toàn tuyên truyền chống đạo Công giáo. Khi biết được sự thật về Giáo hội, họ quyết định theo đạo Công giáo. Đây không phải là vấn đề ở đất nước tôi. Trong làng tôi có đến 99,9 % dân số là người theo Hồi giáo. Cha tôi là một tu sĩ Hồi giáo.
Tôi rời nhà lúc lên 7 vì tôi muốn đi học. Tôi ở lại giáo xứ. Đến năm 12 tuổi, tôi xin được rửa tội. Tôi muốn làm linh mục. Và thế là tôi được gởi vào chủng viện. Khi tôi học xong, gia đình không nhận tôi, tôi ở lại giáo xứ. Tôi được thụ phong linh mục và để tạ ơn Chúa, tôi muốn dâng thánh lễ tại nhà. Tôi xin những người trưởng lão trong Giáo hội và xin bác tôi, người đã trở lại Công Giáo, tổ chức cho tôi một thánh lễ ở ngoài trời. Nhiều người trong gia đình tôi và cha tôi đến dự. Cha tôi nói với tôi: «Hồi đó cha không muốn con vào đạo Công giáo nhưng bây giờ cha tin, nhờ con mà có thể tất cả chúng ta sẽ được lên Thiên Đàng».
Khi đã làm Giám mục, tôi về nhà và mời bà con đến nhà. Lúc đó cha tôi quỳ xuống và nói: «Cha xin được rửa tội». Tôi tươi cười nói với cha tôi: «Cha ơi, bao nhiêu năm qua cha nói con sẽ xuống hỏa ngục. Cha muốn xuống theo với con không?» Tôi nói thêm: «Nếu cha muốn theo đạo, cha phải học giáo lý ba năm». Cha tôi chấp nhận và tôi đã rửa tội cho cha tôi năm 2006. Ngày 29 tháng 10 tôi sẽ về Malawi để mang bình an đến cho gia đình tôi. Cha tôi bây giờ đã lớn tuổi và bị bệnh, cha phải tuyên bố trước mặt tất cả mọi người là cha muốn theo đạo, để tránh tất cả mọi vấn đề khi ông chết. Đó là trách nhiệm của tôi, trách nhiệm của một Kitô hữu là cho cha tôi một mộ phần theo đạo Công giáo.
Một ví dụ khác, hồi mới đầu cha tôi nói với tôi: «Con sẽ xa văn hóa của chúng ta». Bây giờ ngay cả người tộc trưởng cũng cho tôi một ngôi làng và mời tôi làm trưởng làng. Tôi chăm lo cho 62 gia đình. Là Giám mục, tôi còn nhiều trách nhiệm khác, bây giờ chị tôi là trưởng ngôi làng này. Đó là ngôi làng vừa Công giáo lẫn Hồi giáo. Sau Thượng Hội đồng Phi châu năm 2006, tôi đã mời cả người Công giáo và người Hồi giáo. Chúng tôi bắt đầu bằng dâng thánh lễ và sau đó chúng tôi cùng ăn với nhau. Tôi nói với họ: «Anh chị em hãy quên vấn đề của mình, hôm nay là ngày lễ chung vui». Người công giáo nhận Mình Thánh Chúa trước sự hiện diện của người Hồi giáo. Từ đó, ai cũng sốt ruột mong chờ đến ngày này. (Nguyễn Tùng Lâm dịch, Một giám mục Công giáo rửa tội cho người cha theo đạo Hồi giáo của mình, Phanxicovn)
Bí Tích Thanh Tẩy luôn là niềm vui, bình an và hạnh phúc. Tin Mừng Luca hôm nay tường thuật Đức Giêsu chịu Phép Rửa từ tay ông Gioan Tẩy Giả, nêu bật lên tấm gương chói lọi khiêm hạ, cầu nguyện và hiệp nhất của “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.”
Khiêm hạ
Trong đời phàm, bản năng con người luôn có xu thế hướng thượng, ước muốn thăng tiến bản thân, mưu tìm vị trí cao hơn thiên hạ để tồn tại và tiến thân, thoả mãn lòng vị kỷ hẹp hòi, tánh kiêu ngạo cố hữu, thói đam mê quyền lực, tật háo danh.
Thế nhưng vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước là ông Gioan Tẩy Giả, lại chân thật lại hạ mình trước muôn dân, đang lũ lượt kéo đến, sám hối, ăn năn, chờ đợi được lãnh nhận Phép Rửa: “"Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!" Sự khiêm hạ của Gioan thật đáng cho người Kitô hữu khâm phục và noi theo. Tuy thế, tấm gương tự hạ của Đức Giêsu còn sáng chói hơn thế nữa.
Khi Đức Giêsu cùng hoà mình vào đám đông, đến xin lãnh nhận Phép Rửa, ông Gioan thấy Người, liền từ chối ngay, vì e rằng làm như thế là quá phạm thượng, bất kính. Nhưng Đức Giêsu thuyết phục Gioan chấp hành. Một sự khiêm hạ vô tiền khoáng hậu. Đấng Thánh Chiên Thiên Chúa tự hạ, dìm mình xuống sông Giocđan, để cho thụ tạo là ông Gioan làm nghi thức thanh tẩy. Trong khi, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” ( Pl 2, 6-7 )
Đức Giêsu trong trắng vô ngần, đã tự nguyện hạ mình nhập thể, còn gánh lên vai tất cả tội lỗi nhân loại, trở nên Con Chiên hiến tế hoàn hảo, khấn xin Thiên Chúa Cha thương xót tha thứ.
“Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng, khi suy nghiệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, con Thiên Chúa hạ mình, chịu mọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc suốt 33 năm, vì yêu chúng ta.” ( Đường Hy Vọng, số 510 )
Cầu nguyện
Để luôn lắng nghe, tâm sự và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu luôn luôn kết hợp mật thiết với Ngài qua những buổi cầu nguyện liên lỉ.“Lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra..”
Người cầu nguyện sáng tối hằng ngày, trước và sau khi rao giảng, trước khi quyết định tuyển chọn các môn đệ, cũng như trước cuộc thương khó kinh hoàng.
Trước khi chính thức bước vào sứ vụ cao cả, đem Tin Mừng rao giảng đến muôn dân, Đức Giêsu đã vào hoang mạc tĩnh tâm, chay tịnh, cầu nguyện ròng rã suốt 40 ngày đêm. Người cũng luôn mời gọi tín hữu chuyên tâm tỉnh thức và cầu nguyện, hầu xứng đáng lãnh nhận Lòng Thương Xót Chúa. “Hãy tỉnh thức luôn, cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con người." ( Lc 21, 36 )
“Con hãy cầu nguyện luôn luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: “Hãy cầu nguyện không ngừng..” ( Đường Hy Vọng, số 123 )
Hiệp nhất
Hoà mình vào dòng thác người tỉnh ngộ, ăn năn, sám hối, đến xin ông Gioan Tẩy Giả ban Phép Rửa, Đức Giêsu cùng kề vai, sát cánh, gần gũi, thân thiết đến với những thân phận tội lỗi, mặc dù Người hoàn toàn vô tội. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” ( Ga 1, 14 ) Bởi vì “Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” ( Lc 19, 10 ), như Người luôn công khai tuyên bố mục đích nhập thể: ”Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” ( Mc 2, 17 ) Như vậy, Đức Giêsu đã tự nguyện trở nên Con Chiên Hiến Tế, lãnh nhận toàn thể tội lỗi con người, chịu hy sinh đền tội thay cho nhân loại.
Đức Giêsu còn luôn bộc lộ cho mọi người biết Người đến trần gian, để thực thi Thánh Ý Cha, cứu chuộc nhân loại khỏi vòng tội lỗi và sự chết: ”Này con đến để thực thi ý Cha.“ ( Dt 10, 7 ) Như thế qua cầu nguyện, Người luôn kết hợp mật thiết, hiệp nhất cùng Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa:“Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha." Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất cùng hiện diện, thật vô cùng kỳ diệu!
Qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu đã kiến tạo nên sự kết hiệp mật thiết, hiệp nhất đất với Trời, Thiên Chúa với nhân loại, con người hài hoà với nhau và con người với mọi loài thụ tạo.“Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” ( Ep 4, 3-6 )
“Tôi tin có Hội Thánh, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Một niềm tin, một hạnh phúc, một quyết tâm.” ( Đường Hy Vọng, số 250 )
Lạy Chúa Giêsu, qua trình thuật Tin Mừng hôm nay Chúa muốn dạy bảo chúng con biết sống khiêm nhường, cầu nguyện và hiệp nhất với Chúa và tha nhân, để có thể xứng đáng lãnh nhận ơn cứu rỗi, còn được vinh dự làm “con yêu dấu”, nhờ Lòng Thương Xót Chúa vô cùng.
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Đồng Trinh đã khiêm hạ, chỉ dám tự nhận làm Nữ tỳ Thiên Chúa, luôn vâng phục Thánh Ý Chúa. Mẹ đã được hồng ân hiệp nhất với Con Mẹ trong thân xác lẫn linh hồn. Khấn xin Mẹ chỉ bảo và cầu bầu chúng con biết hạ mình, cầu nguyện noi theo Mẹ và Con Mẹ, để luôn có Chúa ở cùng. Amen.
AM Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa (Lc 3, 15-16, 21-22)
Con Yêu Dấu
AM Trần Bình An
Anh Sanjay Kumar, một thợ điện 42 tuổi đã gánh cha và mẹ trên vai đi suốt quãng đường 216km, từ Uttar Pradesh đến thủ đô Delhi, Ấn Độ, để giúp hai vị phụ huynh thực hiện ước nguyện, được tắm nước thánh sông Hằng ở Haridwar.
“Rất nhiều bạn trẻ không hiểu được niềm hạnh phúc được phục vụ cha mẹ. Tôi gánh cha mẹ trên vai để thể hiện sự kính trọng và biết ơn vì họ đã cho tôi được sống trên thế giới này. Đối với tôi, họ chính là những vị thần.” Kumar nói. Cha mẹ của Kumar là ông Lala Ram, 95 tuổi và bà vợ, 80 tuổi đã rất cảm động trước hành động của con trai mình.
“Chúng tôi đã cản nó đừng nên làm việc này, nhưng nó không chịu nghe, lại còn quỳ xuống xin phép.” Mẹ anh cho biết. Bất chấp trời mưa to, đường lầy lội, Kumar vẫn gánh cả cha và mẹ cùng lúc trên vai đi một quãng đường khoảng 25-30km mỗi ngày. Họ chỉ dừng lại giữa đường để rửa ráy và ăn uống. Mỗi lần dừng lại, Kumar đều quỳ xuống chân cha mẹ và nhận lời chúc phúc của họ. Câu chuyện này lan đi rất nhanh từ làng này sang làng khác. Hàng ngàn người dân đã đến gặp họ để nhận lời chúc phúc của cha mẹ Kumar. (theo Hindusantimes 3/8/2010)
Bài trích thuật Tin Mừng thánh Luca hôm nay còn giới thiệu một người con hiếu thảo vô cùng hơn nữa. Không ai có thể mường tượng nổi rằng, con một bậc đại vương lại sinh hạ nơi hang bò lừa hôi hám, trong đêm đông giá rét, trong sự ghẻ lạnh của thôn xóm. Không ai có thể tin rằng, người con đó hoàn toàn tự nguyện, rời bỏ chốn cao sang, xuống lám thân phận người nghèo nàn, cùng đinh. Thực tế, Cha Người còn uy danh gấp bội vua chúa thế gian. Thế mà Người đã vâng lời nhập thể, để thi hành sứ mạng cứu nhân độ thế.
Vâng lời nhập thể
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài đã tác tạo muôn vật, muôn loài, và nhất là dựng nên con người. Nhưng con người sớm vong ân bội nghĩa, phạm tội, chống báng lại Đại Ân Nhân. Nhưng Tình Yêu Chúa không hề suy giảm, đã cho Con Một xuống thế ở giữa loài người, để cứu thoát khỏi ách phạt muôn đời. Người Con vâng phục và khiêm nhường nhập thế trong cảnh cơ hàn. Thái độ này mới có thề xóa nhòa đi tội bất tuân và kiêu ngạo của tổ tông loài người. Nên ngày Chúa Giêsu giáng sinh trở nên ngày hồng phúc cho toàn thể nhân loại.
Con người thì thường trái lại: “Con vua thì được làm vua, con của sãi chùa thì quét lá đa.” Mặc nhiên công nhận cái tôn ti trật tự đó, hầu như đúng đắn và hợp tình hợp lý, dù rất phi nhân bản và bất công. Nhưng Thiên Chúa không chấp nhận thói đời đó. Ngay bản thân mỗi người, cũng khó thoát ra khỏi tháp ngà của cái tôi bền vững và độc đoán. Khó thoát khỏi những đam mê hưởng thụ, để quan tâm, giúp đỡ, an ủi và chia sẻ với tha nhân
Vâng lời gánh tội trần gian
Người Con tinh tuyền, chẳng hề nhuốm tội tình nào, nhưng Người cũng sánh vai với dân chúng tội lỗi, xin ông Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa: “Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê su cũng chịu phép rửa.” (Lc 3, 21)
Khi xin ông Gioan làm phép rửa, Người đồng hành cùng dân Người trên đường sám hối. Người khiêm nhường tự hạ, bên cạnh những kẻ gian manh, dâm ô, độc ác. Đồng thời, Người cũng chính thức gánh nhận tội lỗi loài người, để rồi hóa giải bằng chính cuộc Khổ Nạn sau này. Người chính là con chiên hy tế chuộc tội với Chúa Cha.
Con người thì lại chọn thái độ mackeno của quan Philatô: Rửa tay vô trách nhiệm. Dửng dưng, vô cảm với tội ác, với gian manh, với thói xấu và với cả sự đau khổ của đồng loại. Cơn cám dỗ này như chứng bịnh hay lây, đang lan tràn như vũ bão trong xã hội thực dụng, khiến cho lương tâm dần trở nên băng giá với đồng loại. Xa nhau, dần coi nhau như thù địch cần loại bỏ.
Gắn bó mật thiết với Chúa Cha
Người luôn cầu nguyện liên lỷ với Thiên Chúa hằng ngày, tỏ ra mối liên kết gắn bó chặt chẽ với Chúa Cha. Ngay khi đi rao giảng sau này, dù mệt nhọc, dù mải mê chăm lo đoàn dân bơ vơ không người yên ủi, Chúa Giêsu vẫn không hề sao nhãng, dành thì giờ chiều tối, để thiết tha cầu nguyện.
Do vậy, vừa lãnh nhận phép rửa xong, Người liền sốt sáng “cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người, dưới hình dáng như chim bồ câu.”(Lc 3, 22) Mặc khải cho toàn dân thấy Người chính là Đấng Messia, chính là Ngôi Hai nhập thể. Đấng mà dân Chúa hằng mong đợi bao lâu.
Con người trái lại thường kiêu ngạo, tự mãn, vô ơn, khg hề nhìn nhận Tất cả đều là hồng ân. Nên không cần cầu nguyện, không cần tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Vẫn cậy vào sức mình, cậy vào tài năng và may mắn, con ngưới thường hợm hĩnh hãnh diện về bản thân mình, mà không cần biết ân huệ từ đâu ban cho mình..
Con dấu yêu
Với tấm lòng vâng phục, khiêm nhường và câu nguyện, Chúa Giêsu được nhìn nhận xứng đáng là Người Con dấu yêu. “Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là con yêu dâu của Cha; Cha hài lòng về con.” (Lc 3, 22)
Người con hiếu thảo là luôn biết vâng phục theo ý cha. Chúa Giêsu luôn làm theo Thánh Ý Cha. Như khi mới 12 tuổi, Người ở lại rao giàng trong Đến Thờ. Người đặt mối tương quan với Thiên Chúa, bên trên tương quan huyết thống. Luôn luôn dành ưu tiên cho Chúa.
Người con yêu dấu luôn làm đẹp lòng cha. Chúa Giêsu chấp nhận cuộc sống bần hàn, chấp nhận bị xua đuổi, bị đố kỵ, ganh ghét, thù địch, vì không hề sống theo ý riêng, không theo bản năng con người, vốn ham sống sợ chết, ham hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp, vinh thân phì gia. Hơn nữa, Người còn chấp nhận cuộc đời sóng gió, kết thúc bằng cái chết khổ nhục, để thực hiện hoàn hảo công cuộc cứu rổi loài người khỏi chết lầm than.
Người con yêu dấu luôn biết phụng dưỡng cha, hầu chuyện, gặp gỡ, thăm hỏi, tâm sự với cha. Bằng những buổi cầu nguyện liên lỷ và sốt sắng, Chúa Giêsu luôn hiện hữu bên cạnh Chúa Cha.
Chúa Cứu Thế đã cách mạng, muôn triệu người hưởng ứng, khẩu hiệu cùa Ngài: “Vâng lời đến chết!” ( Đường Hy Vọng, 395)
Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng, khi suy nghiệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu mọi sự, ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta.”(Đường Hy Vọng, 510)
Lạy Chúa Giêsu, Người bắt đầu sứ vụ bằng khiêm tốn nhận phép rửa, xin dạy cho con biết khiêm nhường hối lỗi, để nhận được sự thứ tha của Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết vâng lời và khiêm nhường như Mẹ, để xứng đáng lãnh nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, hầu con thêm sức mạnh chống trả các cơn cám dỗ, mà trung thành đi theo Chúa mãi. Amen.
- dongcong.net