Suy Niệm nhiều tác giả-thanhlinh.net
CẢI TỬ HOÀN SINH (CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA)
Cũng vì biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan đánh dấu việc mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn xuất hiện công khai khởi đầu cho sứ vụ của Người sau 30 năm sống ẩn dật tại Na-da-ret, nên có thể nói lễ Hiển Linh khép lại mùa Giáng Sinh và lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa mở đầu cho năm Phụng vụ mới (CN I/TN). Tuy nhiên, truyền thống phụng vụ Đông phương coi biến cố này vẫn là một thành phần trong lễ Hiển Linh, vì cùng mang một ý nghĩa: Thiên Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Hơn nữa, có thể nói đây là tột đỉnh của việc Chúa Hiển Linh, nên Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa thật xứng đáng dùng để kết thúc mùa phụng vụ Giáng Sinh, là mùa cử hành mầu nhiệm Chúa tỏ mình ra. Về Phụng vụ thì cả 2 ý nghĩa nêu trên đều hợp lý, nhưng về lich sử thì biến cố Hiển Linh và biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa cách nhau tới 30 năm,
Việc tỏ mình ra của Đức Giê-su có thể xếp theo trình tự: Khi Đức Mẹ thăm viếng người chị họ Ê-li-da-bet, thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ; nơi máng cỏ Bê-lem, thiên sứ báo tin cho các mục đồng; ngôi sao Tình Yêu dẫn 3 đạo sĩ từ Đông phương đến thờ lạy Người; khi chiịu phép cắt bị, ông Si-mê-on và bà Anna ẵm kính Đức Giê-su và nói tiên tri trong đền thờ; khi được 12 tuổi, tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, Người đã khiến các kinh sư luật sĩ phải kinh ngạc; và cho tới hôm nay, khi đã được 30 tuổi, Người đi giữa quần chúng đến sông Gio-đan xin ông Gio-an làm phép rửa. Việc làm này thêm một lần nữa chứng tỏ cụ thể Đức Giê-su đã vâng phục tuyệt đối ý định của Thiên Chúa Cha (Chúa Cha sai Chúa Giê-su xuống thế làm người, mà đã làm người dưới thế thì đương nhiên phải chịu phép rửa như lề luật đã định). Ngoài ra, khi chịu phép rửa, Người còn tiên báo toàn bộ sứ vụ mà Người sẽ thi hành: Đó là phép rửa mà Người hằng lo lắng khắc khoải để hoàn tất ("Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!" – Lc 12, 50).
Đức Giê-su Thiên Chúa vì vâng lệnh Chúa Cha không những chỉ chịu phép rửa một lần, mà còn tới 2 lần: 3 năm sau phép rửa tại sông Gio-đan, Người lại chịu phép rửa một lần nữa. Lần này Chúa không chịu phép rửa bằng nước, mà bằng chính Máu và Thịt của Người. Nguời đã chịu phép rửa thay cho nhân loại bằng chính sinh mệnh của Người trên thập tự giá. Nói cách khác, Đức Giê-su đã lấy Máu của Người để rửa sạch tội lỗi cho nhân loại, đồng thới lấy Thịt của Người để tái sinh và nuôi dưỡng loài người trong đời sống mới. Chính biến cố Đức Giê-su Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan là tiền đề dẫn vào Phép Rửa mà Đức Giê-su hằng “lo lắng khắc khoải” thực hiện. Người còn gọi đó là Chén Đắng và theo bản tính loài người, Người đã kêu cầu cùng Chúa Cha cho khỏi phải uống ("Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" – Mt 26, 3). Vâng, quả thật “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.” (Dt 5, 7) vì Chén Đắng (tức Phép Rửa lần thứ 2) ấy.
Một cách cụ thể, Phép Rửa tại sông Gio-đan tiên báo đầy đủ tiến trình mầu nhiệm cứu độ, từ cuộc khổ nạn chết trên thập tự giá đến Phục Sinh vinh hiển. Do đó đã có cảnh trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu, và tiếng Chúa Cha tuyên bố từ trời cao: "Con là Con Chí Ái của Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con". Cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su đã có từ trước vô cùng, vậy tại sao hôm nay Chúa Cha lại phán: “hôm nay Ta đã sinh ra Con”? Nếu coi Phép Rửa tại sông Gio-đan là tiền đề cho cuộc tử nạn của Chúa Giê-su, thì Lời phán dạy của Chúa Cha thật vô cùng ý nghĩa. Cuộc tử nạn của Chúa chính là phép rửa Người phải gánh chịu thay cho nhân loại và tới ngày thứ ba thì Người từ cõi chết sống lại hiển vinh. Sống lại tức là phục sinh, là tái sinh (sinh ra một lần nữa). Lời Chúa Cha đã bao hàm ý nghĩa “Hôm nay Ta đã sinh ra Con lần nữa” vậy. Ngoài ra, trong Phép Rửa tại sông Gio-đan có đầy đủ cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nên nói sự kiện này là cao điểm nhất cho biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra.
Phép rửa là phép thanh tẩy con người để trở nên con cái Thiên Chúa, bạn của Đức Ki-tô (Ki-tô hữu), nhưng Đức Giê-su đã là Con của Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật sự rồi, tại sao còn chịu phép rửa? Cái mắc míu vấn đề chính ở chỗ này, và cũng vì thế nên Thánh Gio-an Tẩy Giả đã một mực từ chối, không dám làm phép rửa cho Người ("Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" – Mt 3, 14). Tuy nhiên, Đức Giê-su đã trả lời thẳng thắn: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (Mt 3, 15). Khi nói: ”Nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, rõ ràng là Đức Vua Công Chính chỉ muốn chứng tỏ cho loài người hiểu là Người đã tuyệt đối vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người; và đã làm người như bao người khác, thì Người cũng sẵn sàng giữ đúng lề luật để làm gương ("Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành" – Mt 5, 18).
Rửa (hoặc tẩy) là dùng nước để làm sạch, tẩy xoá đi những ô uế, dơ dáy. Việc dùng nước trong nghi thức Thanh Tẩy chỉ là tượng trưng, để cho loài người thấy bằng mắt và qua kinh nghịêm từng trải về việc làm sạch, sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong nghi thức ấy. Ý nghĩa chính của bí tích Thánh Tẩy là rửa sạch tâm hồn, tẩy xoá tội lỗi; vì thế, khi thực hành phép rửa là phải cầu xin Chúa Thánh Thần, bởi chính Thần Khí Chúa mới làm sạch được tâm hồn con người, như lời dạy của Thánh Gio-an Tẩy Giả: "Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3, 11). Chúa Thánh Thần chính là nguồn suối tẩy rửa nhơ uế, là ngọn lửa vừa để thiêu đốt những tì ố xấu xa, vừa là sức mạnh giúp con người trở nên can đảm, có nghị lực đối mặt với ba thù, đồng thời hun đúc tình yêu (lửa Mến) trong điều răn nền tảng (mến Chúa yêu người). Biểu tượng Chúa Thánh Thần là “Nước” và “Lửa” cũng là vì thế.
Người Ki-tô hữu khi được lãnh nhận phép rửa phải coi đó như một đặc ân – một hồng ân – Thiên Chúa ban cho. Hầu hết Ki-tô hữu đã được nhận phép rửa ngay từ khi mới sinh (trừ một số tân tòng lãnh nhận khi đã trưởng thành, quen gọi là “trở lại Đạo”) và như thế là khởi đầu cho sứ vụ của mình – sứ vụ một ngôi sao Tình Yêu trong Giáo Hội có trách nhiệm đem lại ánh sáng cho trần gian ("Chính anh em là ánh sáng cho trần gian" – Mt 5, 14). Thật là ý nghĩa khi khởi đầu cuộc sống trần gian, con người được lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bởi chính đây là lúc người Ki-tô hữu nhận được sự sống mới, sự sống của ân sủng, sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và cùng lúc coi hết mọi Ki-tô hữu là con cùng một Cha. Đó chính là một mầu nhiệm khai sinh con người mới trong đời sống mới, được chính Đức Giê-su Ki-tô uỷ thác sứ vụ rao giảng Lời Chúa, làm nhân chứng sống cho Tin Mừng Cứu Độ (”Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” – Mt 28, 19).
Chỉ tiếc một điều, con người không ý thức được, nên đã coi phép rửa chỉ như là một nghi thức gia nhập của một tôn giáo (theo Đạo – ai chưa rửa tội thì chưa có Đạo, ai đã rửa tội rồi mới là người có Đạo). Vì thế, con người đã tự dập tắt sự sống mới, để đắm chìm trong hận thù ghen ghét, đố kỵ kiêu căng…, rồi đi đến tình trạng mà Kinh Thánh miêu tả như là “chết lần thứ hai”. Chết một lần vì tội Nguyên tổ, bây giờ lại chết lần thứ hai vì chính mình tự kết án mình, đến độ có thể nói loài người không chỉ giết Đức Ki-tô một lần trên thập giá, mà hàng ngày, hàng giờ vẫn tiếp tục đánh đòn, giết Người luôn mãi. Phải chăng vì thế mà Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, mà phải chịu phép rửa tới hai lần? Hoá cho nên, nếu anh là người chịu phép rửa từ lúc sơ sinh, anh cần phải học để hiểu cho tường tận về bí tích Thánh Tẩy, còn nếu anh chịu phép rửa lúc trưởng thành (tân tòng), anh đã được giáo dục tường tận, thì lại càng cần phải tâm tâm nịêm niệm về mầu nhiệm này. Tắt một lời, dù anh ở vào trường hợp nào thì cũng vẫn cần, rất cần được bồi dưỡng và phát triển – thông qua các bậc sinh thành, các người đỡ đầu, cộng đoàn dân Chúa – nhận thức và nhất là đức tin về một bí tích “cải tử hoàn sinh” con người của anh trong đời sống mới: Bí tích Thánh Tẩy.
Đức Giê-su Thiên Chúa còn chịu phép rửa tới 2 lần, còn anh, anh hãy xin cho được chịu phép rửa hàng năm – không, anh hãy xin cho được chịu phép rửa hàng ngày – vì hàng ngày anh vẫn liên tục đánh đòn Chúa, tìm giết Chúa, tâm hồn anh vẫn liên tục nhơ uế, rất cần được tẩy rửa cho sạch tội lỗi. Bằng cách nào ư ? Chắc anh đã tìm ra: Chính là bằng cách lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa, tham dự các bí tích, thực hành các nhân đức, và nhất là cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ. Chỉ có như thế, anh mới được chính Đức Giê-su Ki-tô làm phép rửa cho anh bằng Thánh Thần và lửa, rồi cũng chính Người sẽ dang hai tay đón anh vào Trái Tim Người như Lời Người đã cầu xin cùng Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Ôi! Lạy Chúa! Con biết tội con nặng lắm rồi, rất cần được thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa như Lời Chúa – thông qua Thánh Gio-an Tẩy Giả – đã hứa. Cúi xin Chúa cho con được thanh tẩy tâm hồn con, con người con, cả cuộc sống của con hàng ngày hàng giờ, bằng những bí tích nhiệm màu, nhất là bí tích Thánh Tẩy mà Chúa đã dạy con trên sông Gio-đan năm xưa, để con xứng đáng là Con Thiên Chúa Cha và là Con Giáo Hội hiền thê của Chúa. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa).
JM. Lam Thy ĐVD. - thanhlinh.net
SUY NIỆM TIN MỪNG CHỦ NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (C)
(Lc 3, 15-16. 21-22)
ĐỨC GIÊSU CŨNG CHỊU PHÉP RỬA ( Lc 3,21)
Tựa đề làm cho chúng ta suy nghĩ ngay, một Vị Thiên Chúa làm Người, nghĩa là Người hoàn toàn Thánh Thiện tốt lành tuyệt đối. Nhưng Người cũng chịu phép rửa, mà là phép rửa do một người tự xưng là không đáng cởi quai dép cho Người. Như Gioan Tẩy giả đã nói : “Tôi , tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng đến sau tôi, Người mạnh thế hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người, sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa”.( Lc 3, 16).
Như vậy, chúng ta thấy vấn đề nêu trên đã được Tin Mừng Luca hôm nay làm rõ vấn đề.
Thứ nhất: Đức Giêsu là Đấng Mesia.
Trong khi mọi người đến với ông Gioan Tẩy Gỉa, để nghe rao giảng sự sám hối để ăn năn và để lãnh nhận ơn cứu độ. Trong hình thức sám hối của Gioan có phép rửa, nhưng phép rửa của Gioan chỉ thưc hiện bằng nước. Nghĩa là phép rửa của Gioan là phép rửa tượng trưng, do phàm nhân thực hiện, phép rửa của Gioan chỉ mang hình thức sám hối, chứ không có giá trị canh tân như phép rửa do Chúa Giêsu thưc hiện. Điều nầy nói lên điều gì ?! Thưa, nói lên ý nghĩa đích thực của Đấng Cứu Độ. Gioan không phải là Đấng Messia, ông cũng không mạo nhận điều nầy, bởi vì ông là người công chính, nhìn nhận và tôn trọng sự thật đó là sự khiêm tốn đích thực. vì ông không phải là “sự thật”, ông là người dọn đường cho sự thật, sự thật là Đấng Cứu Thế.
Như vậy, tại sao Đấng cứu thế cũng chịu phép rửa hoàn toàn bằng nước bởi Gioan? Trong khi chính Người sẽ thực hiện phép rửa có giá trị cứu độ, hay nói cách khác phép rửa của Người là phép rửa có Thánh Thần và Lửa.? Thưa, chính là Người muốn kết hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong Người có bản tính Thiên Chúa, có nghĩa là Thiên Tính Đức Chúa Trời ở trong Người. Như vậy, nơi Người có Thánh Thần và Lửa, nhưng chưa có nước. Vậy hình thức là nước, nơi phép rửa của Gioan là cần thiết để phối hợp giữa Thiên Tính và Nhân Tính nới Chúa Giêsu.
Như vậy, Chúa Giêus chịu phép rửa bởi tay Gioan, không phải Người là một tội nhân, mà là một bí tích, Người thiết lập một Bí Tích, hay nói cách khác Người kiện toàn một Bí tích quan trọng mở đầu cho ơn cứu độ. Mà sau nầy, Người đã nói: “ Nếu ai không tái sinh bởi nước và Thánh Thần thì không được vào Nước Trời”. ( Ga 3.5b). Như vậy, nước là một hình thức tái sinh cùng với Thấn Khí của Thiên Chúa. Việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-dan, là một biến cố đồng thời là một mầu nhiệm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì, Phép rửa mà Đức Giêsu chịu bởi tay Gioan tại sông Gioc-đan, không phải chỉ nước bởi Gioan mà là có Ba Ngôi Thiên Chúa và có tiếng phán từ Trời: “ Con là Con yêu dấu của Cha ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (c 22).
Như vậy, phép rửa là hình thức tái sinh vào Nước Thiên Chúa, là dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa Thiên Tính và nhân tính, giữa tình yêu và sự tha thứ,
Giữa sự vô hình và hữu hình, giữa sự thiêng liêng và trần thế, giữa đất và trời.
- Thứ hai : Sự khiêm nhường của mầu nhiệm NhậpThể.
Có nghĩa là Chúa Giêsu hoàn toàn trút bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, lãnh nhân sứ vụ phàm nhân, để như là một bảo chứng chứng minh sự vâng lời tuyệt đối đối với mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsus Con Thiên Chúa. Vì như thế, mới hoàn toàn phù hợp với thân phận là Người. Thứ nữa, như là một bài học khiêm nhường dành cho nhân thế, để minh chứng sự rao giảng của Đức Kitô, Ngôi Lời đã làm Người. Lời nói đi đôi với việc làm.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con bài học khiêm nhường, để trong mọi sự chúng con phải biết tự hạ, vâng lời, vâng lời cho đến cùng như Chúa đã vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, dù cho kẻ ấy lớn hơn hay nhỏ hơn, bề trên hay bề dưới của chúng con. Để trật tự được xây dựng, củng cố và hiệp nhất trong tình yêu thương . Amen
13/01/2013
P. Trần Đình Phan Tiến (bước theo)- thanhlinh.net
Chúa Chịu Phép Rửa - CON YÊU DẤU CỦA TA
(Dành cho Thiếu Nhi)
Các em Thiếu Nhi rất thân mến!
Khi nào thì các em cần rửa tay chân? Khi tay chân dơ bẩn, cần phải rửa sạch sẽ. Để làm gì? Ạ, để giữ gìn vệ sinh và tránh bệnh tật nguy hiểm. Thông thường các em còn phải tắm mỗi ngày nữa. Mặc dù có những em cũng làm biếng tắm lắm, nhất là những hôm trời lành lạnh như mấy hôm nay. Có ai 3 tháng mới tắm một lần không? Có hả? Có thì mang đi làm yaourt được rồi đấy!
Các em thấy trên Tivi người ta quảng cáo nhiều loại xà bông diệt khuẩn: nào là Lifebouy, nào là Safeguard… nhằm diệt các vi khuẩn có hại và nguy hiểm bám trên da.
Ngay từ thời xa xưa con người đã biết ý thức về việc giữ gìn vệ sinh thân thể, tức là tắm rửa. Việc thanh tẩy còn có ý nghĩa tôn giáo nữa, như trong đạo Do thái. Người ta gọi đó là phép rửa, nhằm khu trừ các bệnh tật của linh hồn, tức là tội lỗi và các thói hư tật xấu…. Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa này cho dân chúng và Chúa Giêsu cũng đã đến để lãnh nhận phép rửa của Gioan.
Vậy cha hỏi các em nè, phép rửa mà các em cũng như cha đã lãnh nhận và phép rửa mà Chúa Giêsu chịu từ tay Gioan có giống nhau không? Thưa không. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận là Bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập để tha tội, tội chung và tội riêng, đồng thời cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Đây là phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi đó khi rửa tội, các em nghe linh mục đọc: “Cha rửa con, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Còn phép rửa mà ông Gioan thực hiện thì sao? Có tha được tội nguyên tổ và tội riêng không? Có làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa không? Có nhân danh Ba Ngôi không? Thưa không. Vì đây chỉ là nghi thức sám hối, kêu gọi mọi người ăn năn hoán cải, sửa đổi đời sống, hầu chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế và đón nhận ơn tha tội mà Chúa Giêsu sẽ ban sau này.
Nhưng Chúa Giêsu có tội không? Chắc chắn là không rồi. Vì lẽ đó mà ban đầu ông Gioan không dám làm phép rửa cho Chúa Giêsu như lời ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa. Thế mà Ngài lại đến với tôi”. Vậy tại sao Chúa lại phải lãnh nhận phép rửa của Gioan? Chúa lãnh nhận phép rửa của Gioan vì Chúa muốn đồng cảm với con người chúng ta để chia sẻ kiếp người yếu đuối mỏng manh, dễ bị tổn thương bởi chính tội lỗi của mình, cũng như dễ làm người khác bị tổn thương. Chúa hòa vào dòng người tội lỗi ấy để đến xin Gioan làm phép rửa cho, như một cử chỉ nhắc nhở và khích lệ thánh Gioan tiếp tục can đảm làm chứng nhân và làm tiền hô cho Chúa. Sau hết, Chúa đón nhận phép rửa của Gioan để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn, nghĩa là để Chúa Cha có thể giới thiệu Ngài với nhân loại chúng ta.
Mặc dù Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, không vướng mắc một tội lỗi nào, nhưng vì yêu thương và muốn cứu chúng ta khỏi tội lỗi, nên Ngài đã vâng lời Chúa Cha, xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu hèn của con người. Hành động này đã làm cho Chúa Cha hài lòng, nên Chúa Cha đã xác nhận: “Này là con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.
Các em thân mến! Qua Bí tích Rửa Tội, các em đã được Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa và được trở nên con cái Thiên Chúa. Vậy các em hãy dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân, vì Chúa đã cho các em được làm con của Người, được gọi Chúa là Cha và được đón nhận mọi người như là anh em, chị em của mình.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, ngay gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Vậy lúc này đây, các em hãy dâng lên Chúa quyết tâm sống thật tốt, thật xứng đáng là con Thiên Chúa qua cuộc sống của mình. Cụ thể là luôn biết yêu thương, thảo hiếu trong gia đình, biết hoà nhã khiêm tốn đối với mọi người chung quanh, và biết chăm chỉ siêng năng học hành nơi trường lớp. Có như thế, các em mới có thể được nghe Chúa nói với mình: “Đây là cu Tí, cu Tèo; đây là bé Na, bé Ni yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về các con… Ta rất vui và rất yêu thương tất cả các con…”. Chứ không phải nghe lời Chúa nói: “Đây là con yêu…quái của Ta; Ta… buồn lòng về nó”.
Các em thích nghe câu nào? Câu thứ nhất hay câu thứ hai? Tất nhiên là câu trên rồi. Vậy thì các em hãy biết sống xứng đáng là người con ngoan của Chúa nhé!
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long (thanhlinh.net)
Con là con yêu dấu của Cha (Lc 16, 22 )
Bài tin mừng hôm nay Thánh Luca tường thuật lại việc Chúa Giêsu chịu Phép rửa trên sông Gioóc –Đăng bởi tay Gioan. Ông viết rất rõ :”Khi tòan dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa “. Còn Gioan, ông minh định :” Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa “.
Đức Giêsu xuống thế làm người. Người tuân thủ lề luật và đã cùng với Mẹ Maria và Thánh cả Giuse sống trung tín trong đạo Do Thái. Khi thời đã đến, Người bước vào cuộc đời rao giảng bằng Phép rửa và chính trong lúc này Thiên Chúa đã xác nhận :”Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con “.
Lạy Chúa,
Con đã được cha mẹ và người thân yêu đưa đến nhà thờ để đón nhận Bí tích Thanh Tẩy khi vừa ra đời trên dưới một Tháng tuổi. Ngày ấy dù con chưa biết gì, nhưng rồi lớn lên trong lòng tin, con hiểu và tin rằng con được thừa hưởng một gia tài ân sủng Chúa trao cho con. Ngay từ lúc đón nhận giọt nứơc nhỏ trên trán với lời của vị Linh mục :” Tôi rửa con – Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần “ Chúa đã đóng ấn nơi con. Con được trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa. Ấn tín Chúa trao cho con là để tiếp tục loan truyền Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trần gian để giải thóat con người khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi, Đấng đã vì tình yêu thương chết thay cho con người và đã sống lại để muôn người được phục sinh với Người trong nơi vĩnh cửu. Con cũng đã được lãnh nhận ánh sáng Đức Kitô, lãnh nhận chiếc áo trắng tinh tuyền với lời căn dặn :”Hãy giữ tấm áo này tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa “ Và như thế mỗi người chúng con trở thành công dân nước Trời.
Trở thành công dân Nước trời, con phải làm gì ? Lời Chúa để lại trong Kinh Thánh là ánh sáng soi đường cho con đi. Hiến chương nước trời chính là những lời chúc phúc cho những ai tuân giữ lời Chúa và đem ra thực hành . Hàng chục năm qua đi trên trần gian, con đã làm những gì thực thi lời Chúa dạy ? Có những người anh em chưa tin vào Chúa hỏi con : Gia nhập vào Hội Thánh Chúa được gì và mất gì ? Được thì hẳn là nhiều lắm. Con có được con đường thiêng liêng để đi, con có được ánh mắt nhân từ của Chúa yêu thương , có đôi vai của Chúa từng cõng con đi trên đường khi con vất vả, gian nan, ngã lòng. Có ơn thêm sức khi con thất vọng, mang vác nặng nề. Chính Chúa đã để lại những lời này “ Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng “. Còn mất đi những đam mê tội lỗi, những ích kỷ, bon chen. Mất đi những ý nghĩ thấp hèn, tham lam bất chính, mất đi những lo toan vô bổ vì con luôn có Chúa ở cùng .
Xin cho con nhân ngày lễ mừng kính Chúa chịu Phép rửa, con luôn xác tín Chúa yêu thương con nên con càng phải đáp trả tình yêu ấy. “ Lạy Chúa! Trọn đời con đã dâng cho Ngài, trọn đời con bước theo chân Ngài. Con muốn Chúa ở đâu thì cho con ở đó, để đời con dâng làm hy tế, để cuộc đời con luôn trong Chúa muôn đời “
Fx Đỗ Công Minh - (thanhlinh.net) .
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
SỐNG TƯỚC VỊ LÀM CON
by Lm Nguyễn NGuyên (thanhlinh.net)
Sống ở đời, ai cũng mang trong mình một tâm lý thường tình là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trổi hơn người khác. Tất cả những điều đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước nọ? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác? Hận thù bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn đạp người khác xuống để chiếm lấy vị trí của họ? Nói hành, nói xấu, vu khống, dèm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác, cho người khác là không biết gì?...
Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên Thần. Ông bà nguyên tổ loài người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau…
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Quang cảnh trong biến cố Ngài chịu phép rửa mà chúng ta vừa nghe trong tin mừng, có lẽ làm chúng ta thấy mình hổ thẹn biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Ngài đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người.
Ngài đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giầu sang. Trái lại, Ngài chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.
Và hôm nay, khi bước xuống dòng sông để lãnh nhận Phép rửa của Gioan, chúng ta mới thấy hết sự khiêm nhường của Thiên Chúa chúng ta. Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Ngài lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa như một người dân tầm thường và tội lỗi. Ngài khiêm hạ đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy giả đang được mọi người ngưỡng mộ và kính phục để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên.
Ngài mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn của con người. Ngài hoá kiếp phàm nhân để nếm trải nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân. Ngài đang cùng nhịp đập con tim với mọi người để cảm thông và yêu thương tất cả, một sự liên đới của tình yêu. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ như thế, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha xác nhận “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ngày xưa, do sự kiêu căng của nguyên tổ loài người, cửa trời đã đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửa trời lại được mở ra. Trời mở ra nghĩa là mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xóa bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cánh Cửa Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.
Vậy chớ gì khi mừng kính Chúa Giêsu chịu phép Rửa, mỗi người chúng ta cảm nhận rằng, Ngài đang ở gần chúng ta hơn chúng ta tưởng. Ngài đang ở gần chúng ta khi chúng ta mạnh mẽ, lúc chúng ta yếu đuối; buổi thành công, cũng như hồi thất bại; phút sa ngã cũng như thời đứng lên; những ngày nắng ấm, những chiều giông bão… đã luôn luôn có Ngài bên cạnh, để rồi mỗi người khiêm tốn và quyết tâm ra khỏi chính mình, ra khỏi những ích kỷ, dứt bỏ những khuynh hướng xấu, đoạn tuyệt với tội lỗi… hầu cất bước tìm về với Ngài. Ngài sẽ băng bó, Ngài sẽ chữa lành, sẽ vác trên vai, sẽ rửa gội thương tích và đem chúng ta về lại trong tình yêu thương của Chúa Cha. Nhất là để chúng ta nghe được những lời yêu thương mà Thiên Chúa đã nói với Chúa Giêsu ngày xưa bên dòng sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Amen.
Sống ơn gọi làm người.
Những người vô thần thường quan niệm con người là loài linh trưởng cao cấp, nhờ lao động, mà về sau đã tiến hóa thành người. Chính quan niệm này dẫn tới lối sống buông thả theo bản năng tự nhiên của đại bộ phận giới trẻ trong một số nước XHCN còn lại ngày nay. Họ không thể và không còn nhận ra đâu là giá trị thực con người mình. Đồng thời, trước những tiến bộ vượt bậc của khoa học, được hưởng một đời sống vật chất tiện nghi đầy đủ và hấp dẫn cộng thêm có chút tài năng hơn người, với những tham vọng quyền lực đã đạt được, càng khiến họ dễ có ảo tưởng về mình. Tuy nhiên, cho đến nay dường như tất cả vẫn không làm họ thỏa mãn và do đó họ tiếp tục tìm kiếm trong vô vọng “nguồn gốc con người”. Bởi vì, nếu chỉ biết cậy dựa vào sự khôn ngoan vốn còn nhiều giới hạn của mình, thì chắc chắn họ không bao giờ hiểu được con người từ đâu mà đến cũng như sau này sẽ đi về đâu ?
Trong biết bao nhiêu câu trả lời về nguồn gốc con người, Kinh Thánh đưa ra một định nghĩa rất đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc: Con người là hình ảnh Thiên Chúa.
Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh đã mô tả con người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất và thổi sinh khí vào cho trở thành một sinh vật, và Thiên Chúa đã phán "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta" (St 1, 26). Như thế, con người là hình ảnh Thiên Chúa, là một bản vị có lý trí, ý chí và khả năng đặc biệt, nên con người là chóp đỉnh của tạo thành. Nơi con người có cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần, nghĩa là con người duy nhất xác hồn. Tuy “là tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng đồng thời lại được linh động hóa bởi tinh thần là hồn thiêng, nên con người không thể nhầm lẫn khi nhận biết về mình. (x. MV 14).
Thiên Chúa dựng nên con người có nam và có nữ (St 1, 27), nghĩa là có sự khác biệt về giới tính với những nét độc đáo riêng, nhưng đồng thời lại bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa.
Phẩm giá cao quí này càng được bộc lộ rõ nét và trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Đấng đã làm người ở giữa chúng ta, tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa đã nhắc nhở ta về điều này. Cũng như chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người bày tỏ tất cả ý nghĩa của bản thân và cuộc sống con người.
Mặt khác, là tiền hô của Đấng Cứu Thế, thánh Gioan có rất nhiều uy tín, nên được nhiều người tìm đến nghe ông rao giảng và xin chịu phép rửa, nhưng không vì thế khiến ông có ảo tưởng về mình hay có tham vọng mờ tối. Thánh Gioan đã sống đúng vai trò của mình là người dọn đường cho Đấng đến sau ông. Sống ơn gọi làm người là sống đúng phẩm giá con người, đồng thời thi hành đúng chức năng và công việc mình đảm nhận.
Nếu phép rửa của Gioan là phép rửa giục lòng người ta ăn năn sám hối, thì phép rửa của Đức Giêsu mới thực sự làm biến đổi con người trở thành tạo vật mới: Con Thiên Chúa. (x. Lc 3,15-16). Vì là Con Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật. Nhờ vậy, con người có khả năng nhận biết, yêu mến và đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu được mời gọi trở nên ánh sáng thế gian (Mt 5,14), ánh sáng thì phải chiếu tỏa, soi lối cho đời sống chính mình và tha nhân. Để những ai đang khao khát tìm kiếm sự thật, biết chạy đến cùng Giêsu, nhờ Lời Chúa hướng dẫn họ sống đúng ơn gọi làm người và phẩm giá của mình..
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết trân trọng những con người cụ thể con gặp trong cuộc sống dù họ là ai, trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay ốm đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Người.
Phanxicô Xaviê-thanhlinh.net
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - Năm C (Jan. 13th 2013)
Để Là Con Chúa
Trong những ngày Cha Christopher Lê Huy Bảng, CSsR (1918-2002)-Giám Tập tiên khởi của Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại-đau nặng sắp qua đời, có lần ngài được hỏi: “Nếu được nghe Chúa nói với Cha một lời, Cha muốn được Chúa nói lời nào với Cha?” Cha đã trả lời: “Tôi muốn được nghe Chúa nói với tôi: Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha (Lc 3:22).” Chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng có cùng ước muốn như Cha Christopher. Đây cũng chính là lời Chúa Cha đã nói với Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan để mọi người cùng nghe thấy. Lời này được cả ba thánh sử Mát-thêu, Mác-cô và Luca ghi lại trong sách Tin Mừng của các ngài (Mt 3:17, Mc 1:11, Lc 3:22), và được Hội Thánh cho công bố trong Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa mà chúng ta cùng cử hành hôm nay.
Mùa Giáng Sinh là mùa của yêu thương, nên cũng là mùa của niềm vui, niềm vui của trao ban và lãnh nhận những quà tặng giữa những người thân thương. Quà tặng quý giá nhất mà toàn thể nhân loại nói chung và từng người nói riêng được Thiên Chúa trao tặng trong mùa Giáng Sinh này không gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng Cứu Chuộc nhân thế đã được sinh ra trong máng cỏ Bêlem. Người là Đấng sẽ sống phận người như chúng ta, rồi chết tức tưởi trên thập giá để rồi sống lại và ban cho chúng ta sự sống đời đời.
Chúng ta được tự do để chấp nhận hay từ khước Chúa Giêsu, món quà yêu thương của Thiên Chúa. Chấp nhận Chúa Giêsu có nghĩa là tin vào Người và chịu Phép Rửa Tội để trở nên chi thể của Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh Công Giáo. Đó cũng là chấp nhận ơn trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa như Thánh Gioan đã công bố trong phần nhập đề của Tin Mừng của người: “Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là những ai tin vào Danh Người” (Ga 1:12). Hội Thánh cho kết thúc mùa Giáng Sinh với Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa mà chúng ta cùng cử hành hôm nay giúp chúng ta tiếp tục sống niềm tin vào Chúa Giêsu trong suốt năm Phụng Vụ với niềm vui vì đã được ơn được làm con Thiên Chúa qua Phép Rửa Tội.
Làm thế nào để sống trọn ơn làm con Chúa?
Thánh Gioan Tông Đồ trong thư thứ nhất của người đã chỉ ra ba điều kiện để chúng ta sống trọn ơn gọi làm con Chúa, cũng là để chúng ta được bước đi trong ánh sáng Chúa Kitô, ánh sáng dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Đó cũng là ba điều kiện để chúng ta sống đẹp lòng Chúa, để chúng ta có thể được nghe Chúa Cha nói với chúng ta những lời Người đã nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3:22).
Điều kiện thứ nhất là chúng ta phải đoạn tuyệt với tội lỗi. Điều kiện này khởi sự bằng việc chúng ta phải nhờ đức tin mà nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, thành thật sám hối, quyết tâm ghét bỏ và xa lánh mọi tội lỗi, đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa nhờ công nghiệp Chúa Kitô, luôn sống trong lòng kính sợ Chúa và tâm tình khiêm nhường thống hối để khỏi tái phạm tội. Thánh Gioan tuyên bố dứt khoát: “Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại lề luật của Thiên Chúa. Thế mà anh em biết: Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi” (1Ga 3:4-5). Tội đáng chúng ta phải ghê sợ hơn là là tội đánh mất đức tin cũng là đánh mất ý thức về tội lỗi, cũng là khước từ lòng thương xót của Chúa. Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1:8-9). Đức Cha Fulton J. Sheen cũng thường nói: “Điều xấu nhất không phải là tội lỗi mà là sự chối tội”.
Điều kiện thứ hai là chúng ta phải tuân giữ các giới răn Chúa, nhất là luật mến Chúa yêu người. Vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:16), nên là con Thiên Chúa chúng ta cũng phải là những người biết yêu thương. Thánh Gioan viết: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1Ga 4:14-15). Và “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 4:23). Đây cũng chính là đặc nét của các môn đệ Chúa Kitô như chính Người xác định: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).
Điều kiện thứ ba là chúng ta phải đề phòng thế gian, các lạc thuyết và các ngôn sứ giả. Đây là điều kiện quan trọng bảo đảm cho chúng ta trung thành thực hiện hai điều kiện trên. Thực vậy, ai trong chúng ta cũng cảm thấy tự đáy lòng mệnh lệnh của Chúa là phải làm lành lánh dữ. Nhưng để có được cái nhìn chính xác về tội phúc, chúng ta cần phải có đức tin ngay chính và lương tâm trong sạch. Chính tinh thần thế gian, các lạc giáo và các ngôn sứ giả khiến chúng ta bị lầm lạc trong việc phân biệt chính tà, tội phúc. Để chúng ta khỏi bị đánh lừa bởi tinh thần thế gian, các lạc giáo và các ngôn sứ giả, chúng ta cần phải có tinh thần cầu nguyện và hy sinh hãm mình hay sự khôn ngoan của thập giá, biết yêu mến vâng phục Đức Thánh Cha là Đại Diện của Chúa Kitô và giáo huấn của Hội Thánh là Mẹ và là Thầy của chúng ta. Chính nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Kitô.
Tất cả các lạc thuyết và các ngôn sứ giả đều giống nhau ở một điểm là chối bỏ tuyệt đối tính của Chúa Kitô; nghĩa là không tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại; hoặc chống phá giáo huấn của Hội Thánh, không nhìn nhận sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Đây là điều Thánh Giám Mục Antôn Maria Claret (1807-1870) từng xác quyết: “Lý do duy nhất mà xã hội đang tiêu vong là vì nó từ chối lắng nghe lời của Hội Thánh, lời sự sống, lời Thiên Chúa. Mọi kế đồ của ơn cứu chuộc sẽ vô ích nếu lời (giáo huấn) của Hội Thánh không được phục hồi hoàn toàn.” Vì vậy, việc học hỏi và thực hành giáo lý như được trình bày trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo là một điều cần thiết trong đời sống đức tin.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn bước đi trong ánh sáng đức tin theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, để chúng con luôn có được niềm vui và sống trọn ơn gọi là con Chúa, con Mẹ, con Hội Thánh. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng-thanhlinh.net
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA CHỊU RỬA
xuanha.net
Lc 3, 15-16,21-22
3,15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan,
biết đâu ông chẳng là Đấng Mêsia.
3,16 Ông Gioan trả lời mọi người rằng, "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước,
nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến,tôi không đáng cởi quai dép cho Người.Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
---
3,21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Chúa cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,
3,22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng, Con là Con yêu dấu của Cha; Con hoàn toàn làm hài lòng Cha.
2. Suy niệm: Con yêu dấu
1.Chúa Giêsu chịu Rửa
Khi giảng khuyên người ta ăn năn sám hối để được tha tội, Ông Gioan khuyên mọi người xuống sông Giođan chịu rửa tỏ ra lòng sám hối, để được tha tội, đón ơn cứu chuộc. Người Do thái không cho nghi lễ của ông là kì dị, vì họ quen lấy sự tắm rửa phần xác liên quan đến sự tắm rửa phần hồn (Lv 7, 1-15).
Chúa Giêsu cũng xuống sông Jordan xin rửa. Ngài vô tội mà đã làm một việc khiêm tốn như vậy có ý nghĩa gì?
1/ Ngài xin rửa để công nhận Gioan tiền hô của Ngài. 2/ Để Gioan có dịp làm chứng về Chúa 3 Ngôi: Cha, Con, và Thánh thần. 3/ Ngài chịu rửa dưới nước để thông ban cho nước sức thiêng liêng, sau này Ngài sẽ dùng nuớc trong Bí tích Rửa tội để tẩy xóa tội tổ Tông trong linh hồn người ta (Phạm Ngọc Chi, Phúc âm dẫn giải Tập I, trang 157)
Khiêm nhượng như vậy, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha khen tận tình: "Con là Con yêu dấu của Cha; Con làm hài lòng Cha mọi đàng". Rồi đây ta sẽ thấy CGS làm hài lòng Chúa Cha bằng cách luôn "Vâng phục ý Cha" trong suốt đời.
Nhân Năm Đức Tin, ta coi sách Giáo lý Công giáo viết: Về phần Ngài, phép Rửa của Chúa Giêsu là sự Ngài chấp nhận và khai mạc sứ mạng người Đầy tớ đau khổ của Ngài. Ngài tự liệt mình vào số các tội nhân (Is 53,12), và Ngài là "Chiên con của Thiên Chúa xoá tội trần gian" (Ga 1,29). Ngài đã làm trước kỳ hạn cuộc "rửa" bằng cái chết đẫm máu của mình (Mc 10,38; Lc 12,50). Ngài đã đến để "thực hiện sự công chính toàn vẹn" (Mt 3,15), nghĩa là Ngài trọn vẹn vâng phục thánh ý của Cha Ngài. Vì tình yêu, Ngài đã ưng nhận phép Rửa của sự chết để tha thứ tội lỗi chúng ta (Mt 26,39)...(số 536)
2.Chúng ta được Rửa tội:
Sách Giáo lý cũng viết: Nhờ phép Rửa tội, người Kitô hữu được kết hiệp với Chúa Giêsu là Đấng đã chịu Rửa trước khi Ngài chết và Sống lại. Người Kitô hữu phải xuống nước với Chúa Giêsu để rồi đi lên với Ngài, để được tái sinh bởi nước và bởi Thánh Thần, hầu trở nên con cái yêu dấu của Chúa Cha và được "sống đời sống mới" (Rm 6,4). (số 537) .
Người "con yêu dấu" siêng cầu nguyện để biết ý cha, bỏ ý mình theo ý Cha, những lúc vui sướng cũng như lúc buồn sầu.
Nhiều người nhớ rất kĩ ngày sinh của mình, vợ nhớ ngày sinh của chồng, chồng nhớ ngày sinh của vợ không thì không dám chắc, cha mẹ nhớ ngày sinh của con, con cái nhớ ngày sinh của cha mẹ, bồ tèo nhớ ngày sinh của nhau, quên mừng là có chuyện. Và người ta rình rang mừng nhau với quà cáp, tiệc tùng lớn nhỏ...
Nhưng một ngày quan trọng hơn là ngày Rửa tội, ngày được tha tội Tổ tông, được làm con Chúa, làm con Hội thánh, hỏi có mấy người nhớ, để cám ơn Chúa, để sống tử tế theo đức tin...Khi hỏi chứng chỉ rửa tội để đâu, mấy ai nhớ?
Nếu ai ý thức ngày quý trọng này, nên dự lễ, hoặc đọc kinh tạ ơn Chúa, rồi "mở tiệc" cho gia đình cùng vui thì cũng rất tốt. Nhất là nhớ ngày Rửa tội để quyết giữ linh hồn trong sạch, và vì là con Hội thánh, quyết xây đắp HT, mời người gia nhập HT thì còn tốt hơn nữa.
Truyện: Alleluia "Trong một giờ phụng vụ Lời Chúa của giáo phái Baptist tại Maryland, khi vị Mục sư đang hùng hồn giảng thuyết về Phép Rửa Tội, ông đã đưa ra một câu hỏi:
- Có bao nhiêu người tại đây đã đón nhận được ơn cứu độ của Đức Kitô Cứu Chúa và muốn chịu Phép Rửa?
Chàng thanh niên ngồi tận cuối thánh đường đứng lên và tiến về phía Mục sư:
-Thưa tôi muốn được chịu Phép Rửa.
-Vậy anh có tin Đấng Christ, Ngài đã chết để cứu chuộc chúng sanh không?
-Thưa có, chàng thanh niên hiên ngang đáp, dĩ nhiên là tôi tin nên tôi mới đến đây.
Thế là cả nhà thờ reo vang trong tràng pháo tay dài và đưa người vô thần đến giếng Rửa tội. Họ đã dìm toàn thân ông xuống nước. Một lúc sau ông lóp ngóp đứng lên, bước ra khỏi giếng. Ông hân hoan vui sướng trong cuộc sống mới và chạy khắp cùng nhà thờ, dơ 2 tay cao như người chiến thắng trong cuộc đô vật và hô to:
-Hot dog, hot dog, hot dog!
Cả Cộng đoàn phì cười bỡ ngỡ. Sau một giây phút yên lặng, vị Mục sư đã khám phá ra rằng bất cứ lần nào được sự may lành, ông ta chỉ biết kêu lên Amen để diễn tả niềm sung sướng bằng cách hô to "Hot dog", vì món hot dog là món ăn tuyệt vời, hợp khẩu vị của ông nhất.
Tuy nhiên, vị Mục sư đã ôn tồn dạy cho ông biết thêm cách cầu nguyện:
-Anh thân yêu, giờ đây anh đã được ơn cao trọng là trở thành con cái của Thiên Chúa. Anh hãy cảm tạ Ngài bằng câu: "Amen, Alleluiah. Praise The Lord".
Ông ta kính cẩn thưa vâng, rồi chạy một mạch về nhà, miệng không ngớt tung hô Thiên Chúa:
-Amen, Amen, Alleluiah. Praise The Lord. Hot dog, Hot dog, hot dog!!!
3.Tôi quyết tâm:
-Tìm xem Chứng chỉ Rửa tội của tôi bây giờ ở đâu? Tôi sẽ nhớ và quí ngày RT của tôi hơn ngày sinh nữa. Tôi sẽ giữ linh hồn sạch tội trọng, và tránh những tội cố tình khi đã kịp biết. Sau khi trót phạm tội trọng, tôi sẽ xưng tội sớm hết sức để lấy lại ơn Thánh hóa, sự bình an tâm hồn.
-Cầu xin Me Maria giúp con được sống đức tin như trên. Amen.
(hết mùa Giáng sinh, bắt đầu mùa thường)
dongcong.net 2013
- dongcong.net