Chia sẻ tin mừng năm C
Tác giả: AM Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 2 MC NC 2016 (Lc 9, 28-36)
Cầu Nguyện biến đổi
Hơn 10.000 người đã tụ tập tại một nhà thờ làng thuộc Tổng giáo phận Tellicherry ở Kerala, sau khi tin tức lan truyền rằng khuôn mặt của Chúa Giêsu xuất hiện trên Bánh Thánh trong Thánh Lễ buổi sáng. Tổng giáo phận đã vội vã tập hợp một đội điều tra hiện tượng xảy ra tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua, Vilakannur, khoảng 50 km về phía đông của thành phố Kannur.
Linh mục chánh xứ Cha Thomas Pathickal, 60 tuổi, nói với trang web mattersindia. Vị linh mục đã cai quản Giáo xứ này từ ba năm trước, cho biết ngài đã làm theo sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục George Valiamattam, của Tổng giáo phận Tellicherry để giữ cho "phép lạ" Thánh thể bên trong Nhà tạm Thánh thể trong nhà thờ.
Hơn 500 giáo dân đang cầu nguyện trong nhà thờ, khi họ chờ đợi các cuộc điều tra Tổng giáo phận, quyết định phổ biến cho mọi người biết. Các quan chức cảnh sát cấp cao từ các Quận, Huyện và địa phương cũng kéo đến, cũng như người dân từ các Giáo xứ khác kéo đến Vilakannur. Nhiều phương tiện xe cộ cũng kéo đến đông nghẹt cả con đường đến vùng Paithalmala, nơi đây cũng là một địa điểm nổi tiếng cho du khách ưa du lịch mạo hiểm.
Cha Thomas Pathickal nói hiện tượng này xảy ra khi Giáo xứ đang chuẩn bị cho lễ Chúa Kitô Vua vào ngày 24 tháng 11. Tường thuật lại sự việc, Cha nói tại thời điểm trong Thánh Lễ sáng lúc 7:00, Cha nhận thấy một điểm trên Bánh Thánh, "trở nên lớn và sáng hơn, sau đó xuất hiện khuôn mặt Chúa Giêsu." Ngài để Bánh Thánh đó sang một bên và tiếp tục Thánh Lễ bằng Bánh Thánh khác trong Nhà tạm.
Sau Thánh lễ, Cha gọi ông thủ từ đến, người này sau khi xem cũng nói với Cha rằng đó là gương mặt của Chúa Giêsu. Sau đó Cha đặt Bánh Thánh đó vào Mặt nhật và để lên bàn thờ trong Thánh đường. Hàng trăm người khác cũng nhìn thấy khuôn mặt sáng ngời của một người đàn ông râu tóc dài. "Chỉ có màu đen và trắng, ngoài ra không có màu nào khác", Cha Pathickal nói khuôn mặt sáng ngời đó vẫn có thể nhìn thấy được, sau khi Cha cất Bánh Thánh trong Nhà tạm, lúc đó khoảng 11 giờ sáng theo như sự hướng dẫn của Đức Tổng giám mục. Cha Thomas cho biết lòng tin của Cha trở nên mạnh mẽ sau khi nhìn thấy "Phép lạ". Cha cho biết mình phải đến Naduvil, trụ sở chính quyền địa phương của vùng này (cách 3 km về phía đông) vì một số vấn đề khi họ nghe về tin này. "Tôi đã chạy vội đến đây và thật may mắn khi được thấy Chúa Giêsu," Cha nói thêm. Cha cho biết nhiều người đã thất vọng khi Cha từ chối để cho họ được nhìn thấy Bánh Thánh.
Được thành lập vào năm 1962, Giáo xứ có hơn 500 gia đình và 1.250 người Công giáo và hầu hết trong số họ là thế hệ thứ hai và thứ ba của những người đã di cư từ Trung tâm Kerala thế kỷ trước. (Miracle at Vilakkannoor, Kannur, Kerala, India 2013)
Từ hơn hai năm nay, Lm Thomas và giáo xứ Vilakannur được diễm phúc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa Giêsu trên Thánh Thể, như xưa ba môn đệ đã được hưởng phúc chiêm ngưỡng Người hiển dung.
Trong Tin Mừng thánh Luca Chúa nhật thứ hai Mùa Chay hôm nay, tường thuật Đức Giêsu sau khi cầu nguyện, đã biến hình sáng láng, diệu kỳ trước ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Hai ông Môisen và Êlia, đại diện cho Lề Luật và Ngôn sứ, cùng hiện đến đàm đạo với Người về cuộc Xuất Hành sắp đến. Trong khi ba đấng còn mải mê ngủ vùi, khi chợt tỉnh dậy thì cuộc hiển dung sắp kết thúc, được nghe tiếng phán từ trời: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người."
Như vậy, qua Tin Mừng, cầu nguyện hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng, như hạnh ngộ cùng Thiên Chúa, lắng nghe Thánh Ý Chúa để vâng phục thi hành, cùng niềm hy vọng Nước Trời.
Cầu nguyện hạnh ngộ
Hàng ngày, sau khi giảng dạy, Đức Giêsu luôn lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, như đúc kết những những thành quả và thất bại trong ngày, giãi bày cùng Đức Chúa Cha, lẫn tâm sự vui buồn. Tuy có rất nhiều người hăng hái, đón nhận, nghe theo Người rao truyền ơn cứu độ, nhưng cũng không ít người phản đối, chống báng, vì lời dạy quá tân kỳ, gây “sốc” với mọi người.
Trước những biến cố quan trọng, hay khúc quanh cuộc đời sắp diễn ra, Đức Giêsu càng hết sức tha thiết cầu nguyện: Khi Người chịu phép rửa (Lc 3, 21), sau khi nổi tiếng chữa người phung (Lc 5, 16), cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông đồ (Lc 6, 12), trước khi loan báo sự thương khó lần thứ nhất (Lc 9, 18), trước khi Người hiển dung (Lc 9, 28), vui mừng tạ ơn Đức Chúa Cha (Lc 10, 21) Trước khi dạy Kinh Lạy Cha (Lc 11, 1), cầu xin cho Phêrô vững lòng tin (Lc 22, 32), cầu nguyện trước khi chịu thương khó (Lc 22, 41- 42), cầu xin tha thứ cho kẻ dữ hại mình (Lc 23, 34), cầu nguyện phó linh hồn trong tay Chúa Cha (Lc 23, 46)…
Cầu nguyện vốn là việc rất cần thiết và cấp bách của người Kitô hữu, con của Chúa, hầu luôn được hân hạnh gặp gỡ Ngài. Bước vào mùa Chay Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người chay tịnh qua ba cách thức chính yếu. Đó là cầu nguyện, ăn chay và bác ái. “Cầu nguyện giữ vị thế đầu tiên, đó là việc tỏ ra cởi mở và tin tưởng vào Chúa: nó là cuộc gặp gỡ riêng tư với Người, việc thu ngắn khoảng cách gây ra bởi tội lỗi. Cầu nguyện tức là nói rằng: "Con là kẻ thiếu thốn, con cần Chúa. Chúa là sự sống của con và là ơn cứu độ của con." (Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng lễ Tro 10. 2. 2016)
“Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 142)
Cầu nguyện hiệp nhất
Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Cả hai người đại diện cho Cựu Ước đến an ủi, chia sẻ, đồng cảm và đồng tình với Đức Giêsu, dấn thân vào cuộc thương khó và tử nạn sắp đến.
Cầu nguyện còn là tỉnh thức lắng nghe, đón nhận và tìm hiểu Thánh Ý, thể hiện qua các chứng nhân, dấu chỉ, ngôn sứ, cùng chấp nhận, vâng phục đau khổ, gian nan, thách đố, mà cao điểm là dâng hiến cuộc đời, hiệp nhất vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu.
“Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào?” (Đường Hy Vọng, số 130)
Cầu nguyện hy vọng
Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Với con người, cầu nguyện còn có khả năng biến hình, thăng hoa, thánh hoá, bộc lộ thần tính mà Thiên Chúa đã ẩn giấu, khắc ghi trong từng người, ngay từ khi Ngài tạo dựng. Nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu, ba môn đệ được hạnh phúc chiêm ngưỡng Nước Trời, như Người đã phán: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt tại đây, có những kẻ sẽ không phải chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 27)
Như thế, cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, sẽ gia tăng niềm hy vọng được vào Nước Chúa, cùng thoát khỏi cái chết vĩnh viễn. Nhờ sốt sắng cầu nguyện, các thánh thường được xuất thần, vinh dự “thấy Nước Thiên Chúa,” ngay khi còn sống dưới dương thế.
Với người giáo dân bình thường, cầu nguyện là đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa Quan Phòng trong mọi tình huống vui buồn, đau khổ, gian nan, phó dâng lên Chúa, để được an ủi và bình an. Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Roma luôn siêng năng cầu nguyện trong lúc nguy nan:“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12, 12)
“Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự, sẽ nghe lời con."Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.”(Đường Hy Vọng, số 127)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình khi đang cầu nguyện, dung nhan sáng láng, thánh thiện, biểu lộ Thần tính của Người, xin phù trợ, đốt lửa mến cho chúng con sốt sắng cầu nguyện, để chúng con cũng được biến đổi, có thể hạn chế nhân tính, kềm hãm thú tính, hầu chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển Thần tính, siêng năng gặp gỡ, tâm tình, hiệp nhất với Thánh Ý, cũng như hoàn toàn tin cậy, phó thác, hy vọng vào Lòng Thương Xót Chúa vô biên, xứng đáng làm con Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con luôn tha thiết cầu nguyện, luôn biết lắng nghe tiếng gọi đi theo Chúa, luôn sống theo Thánh Ý nhiệm mầu, mặc dù gian nan, đau khổ, hiểm nguy thách thức, hầu luôn được hiếp nhất với Chúa trong niềm hy vọng tràn trề. Amen.
AM. Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 2 MC NC (Lc 9, 28 -36)-năm 2013
Ai được lên Núi Chúa?
Vào ngày 12-4 -1961, Yuri Gagarin trở thành phi hành gia người Nga đầu tiên. Chiếc phi thuyền Vostok-1 bay được một vòng quanh qũy đạo trái đất trong 1 giờ 48 phút, với vận tốc 17,000 miles một giờ. Anh trở thành một anh hùng của dân tộc Nga vào lúc đó, vì đã làm cho cả nước Nga hãnh diện vì sự tiến bộ của họ. Sau đó, đã có một buổi tiếp tân rất lớn để vinh danh anh. Người bạn thân và đồng nghiệp của anh là phi hành gia Alexei Leonov thuật lại.
Lúc đó Tổng bí thư Nikita Khrushchev hỏi dồn Gagarin: "Vậy nói cho tôi biết, anh có thấy Thiên Chúa trên đó không?" Lưỡng lự một chút, Gagarin trả lời dứt khoát: "Vâng thưa ngài, tôi có thấy!” Khrushchev cau mày, ông dặn dò: "Đừng nói với bất kỳ ai." Vài phút sau, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Nga lại bên, hỏi Gagarin: "Vậy, con cho cha biết, con có nhìn thấy Thiên Chúa trên đó không?" Gagarin do dự trả lời: "Không, thưa cha con không thấy." Ngài dặn: "Đừng nói với bất cứ ai." (Giai thoại trong New Age Journal ,Vol. 7(1990),p. 176)
Thực tế Yuri Gagarin đã được rửa tội trong Giáo Hội Chính Thống, nhưng do áp lực của Soviet đối với Kitô giáo, anh buộc phải dè chừng lại chính mình. Sau khi bay vào vũ trụ, Gagarin đã tới nhà thờ Ba Ngôi Thiên Chúa của Đan viện Thánh Sergi lớn nhất nước Nga, để tạ ơn Thiên Chúa đã cho chuyến bay thành công tốt đẹp...
Xưa kia, ông Môsê lên núi Sinai, được Thiên Chúa ban 10 Điều Răn, rồi ngôn sứ Êlia lên núi Khôrép, được Thiên Chúa ban cho sứ vụ. Nay Chúa Giêsu lên núi Tabor cùng với ba vị Tông đồ, Phêrô, Gioan, Giacôbê, diện mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Người đàm đạo với hai vị tiền bối Môsê và Êlia về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.
Nhưng muốn được vinh dự lên núi Chúa, đâu phải đơn giản, dễ dàng và thoải mái như bây giờ leo núi bằng cáp treo.
Thanh tẩy
Chuẩn bị lên núi Thiên Chúa, Ông Môsê nhắc nhở dân chúng phải tấy uế, giữ mình thanh sạch cả tâm hồn lẫn thể xác. “Ông Môsê từ trên núi xuống nói với dân và bảo họ giữ mình cho khỏi nhiễm uế; họ giặt quần áo. Ông Môsê bảo: “Trong ba ngày, anh em phải chuẩn bị sẵn sàng. Đừng gần gũi đàn bà.” (Xh 19, 14 -15)
Trước khi bước vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu vốn chẳng hề vương vấn tội nhơ, vẫn lặng lẽ, khiêm hạ đến cùng ngôn sứ Gioan Tiền Hô, để được chịu phép Thanh Tẩy, cùng được tràn đầy ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Nhưng than ôi, chiếc áo trắng ngày chịu Phép Rửa Tội của tôi, nay đã hoen ố, lốm đốm, đen đúa, vền vện đỏ đen, lấm lem dầu nhớt, lỗ chỗ vết thủng, rách rưới, tả tơi. Chẳng còn tươm tất, nguyên vẹn, sạch sẽ, trinh nguyên, như tâm hồn trẻ thơ nữa. May thay, sau khi ăn năn, sám hối, nhờ ơn Hòa Giải, tấm áo đã được tấy trắng, tuy không còn được như mới, nhưng cũng trở nên sạch sẽ, thơm tho, lành lặn, không còn là mớ giẻ rách bỏ đi, chỉ đáng vất vào lò lửa không bao giờ tắt.
Chay tịnh và cầu nguyện
Ông Môsê dẫn dắt dân Israel bốn mươi năm trong sa mạc, một cuộc lữ hành trường kỳ, gian lao, khổ cực, một cuộc chay tịnh hoàn hảo, chỉ có bánh manna và nước lã. Tuy nhiên lòng dạ dân Israel vẫn chưa tĩnh, còn ngồn ngang trăm bề, nhung nhớ củ hành của tỏi Ai Cập, lẫn bụt thần dân ngoại.
Khi đào thoát khỏi tay hoàng hậu Ideven, ngôn sứ Êlia chạy trốn trong sa mạc, kiệt sức, ông được thiên sứ dưỡng nuôi bánh và nước. Tâm hồn thanh tịnh, phó thác vào tay Chúa Quan Phòng, ngôn sứ Êlia đi một mạch, suốt bốn mươi đêm ngày tới Khôrép, là núi của Thiên Chúa, để được giao sứ vụ. (1V 19, 8)
Chúa Giêsu khởi đầu công cuộc cứu độ nhân thế, bằng bốn mươi ngày đêm chay tịnh và cầu nguyện trong hoang mạc, chịu tôi luyện hết cơn cám dỗ này đến cám dỗ khác. Một lòng một dạ trung kiên, đi theo Thánh Ý Chúa Cha, đã được công khai xác nhận: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng lời Người!” (Lc 9, 35)
Bước vào Mùa Chay Thánh, tôi lại coi chay tịnh chỉ như nghi thức bắt buộc của tín hữu Công giáo, nên chỉ tuân giữ theo hỉnh thức: kiêng thịt và ăn chay. Mà lòng dạ chẳng hề chay tịnh, chẳng hề thay đổi được gì. Vẫn cứ ham hố sự đời: tình, tiền, chức tước, địa vị… Cứ làm như tôi qua mặt Chúa dễ dàng, như lừa dối ông giám thị nhà trường, hay đốc công, giám sát tại công ty, xí nghiệp. Tôi đang theo đạo, giữ đạo, sống đạo hình thức, chứ nào sống trung thực Tin Mừng! Làm sao tôi xứng đáng lên núi Chúa?
Từ bỏ mình & Vác thánh giá
Cuộc xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập trước tiên có ý nghĩa từ bỏ tất cả những gì dính líu đế thân phận nô lệ. Ông Môsê đã giải thoát dân Israel, và dẫn đưa về miền Đát Hứa. Còn Chúa Cứu Thế sau này giải phóng con người toàn diện, khỏi ách nô lệ cũa ma qủy.
Không những từ bỏ những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ, Chúa Giêsu còn đòi hỏi từ bỏ chính mình, bỏ cái tôi kiêu căng, tự phụ, lố bịch, để chấp nhận đau khổ, sỉ nhục và đọa đầy, vác thánh giá mà theo Người, nếu ai muốn lên Núi Chúa.
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay thiệt thân, thì nào có lợi ích gì?” (Lc 9, 23 -25)
Ông Môsê, ngôn sứ Ê lia, và cả Chúa Giêsu đã sẵn sàng từ bỏ mình, nhập thể, chấp nhận vác thập giá, chấp nhận đau khổ, thử thách, để được vinh dự đến với Thiên Chúa. Còn tôi lại chạy trốn khó khăn, khổ cực, đòn vọt, để yên thân, no cơm ấm cật. Tôi từ bỏ vợ con, anh em, bè bạn, để lấy vợ bé, để ngoại tình, để kết bè kết bạn với kẻ xấu, với ma quỷ, hầu được vinh hoa phú quý, sao dám mơ tưởng lên Núi Chúa?
“Abraham đã ra đi, vì hy vọng đến Đất Hứa. Maisen đã ra đi, vì hy vọng cứu dân Chúa khỏi nô lệ. Chúa Giêsu đã ra đi từ trời xuống đất, vì hy vọng cứu nhân loại.” (Đường Hy Vọng, số 4)
Lạy Chúa Giêsu, được diện kiến Thiên Chúa là cõi phúc tuyệt vời, xin cho con luôn sống trong nguồn ơn thánh của Chúa, để linh hồn con có thể cảm nghiệm được sự vui sướng ngọt ngào, khi có Chúa ở cùng.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con thanh tẩy, thắng vượt mọi cám dỗ, biết từ bỏ mình, để được diện kiến Thánh Nhan Chúa. Amen.
AM Trần Bình An (24-2-2013)
Ai lên Núi Chúa, tác giả: Hùng Lân & Trần Đình Nam, trình bày: Mai Hương.
http://www.cuocdoidanghien.com/index.php?option=com_swm15_
music_management&browse=true&category_id
=1&album_id=158&song_id=1370&lang=vi
- dongcong.net