Chia sẻ tin mừng năm C
Tác giả: AM Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 3 MC NC 2016 (Lc 13, 1-9)
Dấu chỉ cảnh báo
Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 là một trận động đất mạnh 9,0 Mw ngoài khơi Nhật Bản, xảy ra lúc 05:46 UTC (14:46 giờ địa phương) vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Trận động đất có vị trí tâm chấn nằm cách ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Oshika, Tohoku 72 kilômét (45 mi) tại độ sâu 32 kilômét (20 dặm). Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ghi nhận cường độ mạnh nhất của thảm họa ở mức 7 tại miền Bắc tỉnh Miyagi, mức 6 tại các tỉnh khác và mức 5 tại Tokyo.
Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10 km (6 mi).
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Trận động đất và sóng thần đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại quốc gia này, bao gồm những hư hỏng nặng nề về đường bộ và đường sắt, cũng như gây cháy nổ tại nhiều khu vực, kèm theo một con đập bị vỡ. Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước. Nhiều nhà máy phát điện đã ngưng hoạt động và ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại nhà chứa các lò phản ứng, khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn. Ngày 18 tháng 3, ông Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử Quốc tế đã cho biết cuộc khủng hoảng này "cực kì nghiêm trọng". Mọi cư dân trong phạm vi bán kính 20 km (12 mi) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và 10 km (6 mi) từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima II đã phải sơ tán. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ khuyến cáo công dân của họ phải di tản cách các nhà máy điện 80 km (50 mi).
Theo các ghi chép về cường độ động đất, đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Nhật Bản và là một trong năm trận động đất mạnh nhất thế giới, từ khi các thiết bị ghi nhận được sử dụng từ năm 1900. Đây được cho là sự va đập kiến tạo lớn nhất giữa Bắc Mỹ và Thái Bình Dương trong 1.200 năm. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố: "Trong vòng 65 năm từ sau Thế chiến thứ II, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và gay go nhất mà Nhật Bản phải đối mặt." Trận động đất đã di chuyển đảo Honshu 2,4 m về phía Đông và làm lệch trục Trái Đất khoảng 10 cm.
Ước tính thiệt hại lúc đầu tại những nơi bị ảnh hưởng của Nhật Bản vào khoảng từ 14,5 đến 34,6 tỉ USD. Ngày 14 tháng 3, Ngân hàng Nhật Bản đã rót 15.000 tỉ ¥ (183 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng, để giảm thiểu ảnh hưởng thị trường tài chính. Ngày 21 tháng 3, Ngân hàng Thế giới ước tính thiệt hại lên vào khoảng 122 đến 235 tỉ USD. Chính phủ Nhật Bản cho biết tổn thất do động đất và sóng thần tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra. (Động đất và sóng thần Tōhoku 2011, Wikipedia)
Thảm hoạ sóng thần Tōhoku bất ngờ đổ ập xuống phía Đông Nhật Bản gây kinh hoàng cho nhân loại, nhắc nhở mọi người đang sống trong thế giới đầy bất trắc, luôn tiềm ẩn thiên tai, hay nhân tai do chính con người tham lam, hám lợi, khai thác, phá huỷ môi trường, hoặc do thù địch gây nên chiến tranh. Vì vậy, cuộc sống vốn mỏng dòn, lại càng thêm yếu đuối, mỏng manh, càng bất lực hơn trước sức mạnh sự dữ tung hoành. Nếu ai không sẵn sàng chuẩn bị đón nhận cái chết, thì thật thiếu khôn ngoan.
Bước vào Tuần 3 Mùa Chay Thánh, Tin Mừng thánh Luca hôm nay phát đi thông điệp cấp bách, cảnh báo con người phải canh tân nếp sống, qua những dấu chỉ rất cụ thể, công khai diễn ra ngay trước mắt mọi người. Nếu ai cứ tiếp tục bảo thủ, cố chấp, ngang bướng, không chịu đổi mới, sẽ phải chịu án phạt nặng nề.
Dấu chỉ
Hai sự kiện nóng hổi xảy ra công khai. Mấy người Galilê bị quan Tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôê đè chết, đều là những dấu chỉ quan trọng cho tất cả những ai đang sống. Đừng kiêu căng mạo nhận là quan toà, để kết án những người tử vong, mà hãy tỉnh táo xét mình, sám hối, ăn năn, cải hoá, kẻo chẳng còn thì giờ hay cơ hội như những người xấu số kia. Hai lần liên tiếp, Đức Giêsu đều tha thiết cảnh tỉnh: “Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.”
Cũng đừng tự phụ, kiêu hãnh con nhà đạo gốc, thành phần ưu tuyển, kinh kệ, lễ lạc sáng chiều, ăn chay làm phước, hãm mình hy sinh, mà cố tình phớt lờ, coi thường, bỏ qua Lời Chúa mời gọi sám hối. Ông Gioan Tẩy Giả đã nghiêm khắc cảnh báo những kẻ giả hình, khôn ranh, ma mãnh, mưu mô, xảo quyệt như rắn độc: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (Mt 3, 9-10)
Hả hê thấy người khác gặp sự khó, xôn xao, hào hứng tám chuyện không may xảy đến bạn bè, hàng xóm, láng giềng, người Kitô hữu vô tình hay hữu ý, bỗng dưng trở nên những vị quan toà nghiêm minh, sắc sảo, sáng suốt, cầm cân nảy mực, tha hồ ném đá thiên hạ. Đó chính là giết người nhẹ nhàng và tinh tế không bằng gươm đao, giáo mác, mà bằng chính cái lưỡi lắt léo, không xương, tự cao tự đại, hợm hĩnh, kiêu căng, đạo đức giả. Hãy giữ chay mắt, chay tai, chay miệng lưỡi và giữ chay tâm hồn.
Hoa Trái
“Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có.” Nếu cây tươi tốt, xum xuê xanh lá, mà không thể sinh nụ, đơm bông, kết trái, thì cây thành vô dụng, chỉ đáng chặt bỏ làm củi. Người Kitô hữu cũng vậy, nếu chỉ biết chăm lo, o bế thân xác, vinh thân phì gia, thì cũng khác chi cây cối khô cằn. Vì thế, ngôn sứ Gioan Tiến Hô đã hết lời mời gọi: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối.” (Lc 3, 8) Dốc lòng ăn năn cách trọn là chân thành trở về với Chúa, trung thực thi hành Lời Chúa dạy.“Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn.” (Cl 1, 10)
Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4, 22-24)
Cụ thể như, đừng gian dối, hãy nói sự thật, đừng nổi nóng, oán giận, đừng trộm cắp, hãy làm ăn lương thiện, đừng chửi thề, nói lời độc địa, hãy nói những lời tốt đẹp xây dựng và làm ích cho tha nhân, nhất là đừng làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc… Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. (Ep 4, 25-32)
Lòng Thương Xót
Lời can gián, van xin của Người Làm Vườn Giêsu biểu lộ Lòng Thương Xót vô cùng:“Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi." Người ra sức che chở, bênh vực, gìn giữ cây xanh của Người. Hơn nữa, Người còn van xin Chủ Vườn tạo điều kiện cho Người chăm sóc kỹ lưỡng hơn, bón phân tốt hơn, cũng như xin gia hạn thêm thời gian để cây kịp sinh hoa trái. Bởi vì “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” (Tv 103, 8-11.13).
Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt, mở lòng chúng con nhìn thấy, hiểu thấu những điều Chúa muốn ngỏ lời qua những dấu chỉ thời đại, qua những biến cố, sự kiện trong đời, qua những thảm hoạ, tai ương hoạn nạn của tha nhân, hay của chính chúng con. Xin giúp chúng con sớm giác ngộ, mà quyết tâm sám hối, ăn năn, canh tân, trở về với Chúa cực nhân, cực ái, tràn đầy lòng thương xót.
Kính xin Mẹ Maria, giàu tình mẫu tử, luôn thương yêu nhắc nhủ chúng con trong từng phút giây, dốc tâm trở về với Lòng Thương Xót vô biên của Chúa, để chúng con có thể sinh hoa thơm trái ngọt, quên mình, yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.
AM. Trần Bình An
Bài chia sẻ Tin Mừng CN 3 MC NC (Lc 13, 1-9)
Lời Cảnh báo
Thông thường, thấy hoạn nạn, đau khổ xảy đến người khác, ai cũng dễ dàng phê phán rằng họ bị quả báo, hay bị trừng phạt do tội lỗi gây ra. Đương nhiên, nghĩ mình tốt lành, tốt phước hơn họ, mới may mắn thoát khỏi tai ương, đau khổ. Đây chính là điều Đức Giêsu kịch liệt phản bác trong trích đoạn Tin Mừng Luca Chúa nhật 3 mùa Chay hôm nay. “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.”
Qua những sự kiện mấy người Galilê bị Quan Tổng trấn Philatô giết chết, và mười tám người bị tháp Silôê đè chết, Đức Giêsu muốn nhắc nhủ mọi người, hãy thực hành ngay việc ăn năn, sám hối, kẻo không còn cơ hội hoán cải, nếu bị chết bất ngờ như các nạn nhân đó.
Vậy đừng tự mãn, tự kiêu, tự tin mình đã tốt lành, đạo đức, vì năng chầu lễ, kinh kệ, ăn chay, hãm mình, làm phước, tự cảm thấy thánh thiện, mà chai lỳ, hay bỏ qua lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Giêsu. Hãy xét mình thấu đáo, kỹ lưỡng, ngoài bổn phận, trách nhiệm con chiên, còn thiếu sót chi nữa với tha nhân, qua Kinh Thương Người Có 14 Mối.
Trong dụ ngôn thứ hai, Đức Giêsu đòi hỏi mỗi người sống đạo phải sinh hoa kết quả, là chứng từ của người Kitô hữu đã nghe và thực hành Tin Mừng. Đó cũng chính là hoa trái do Đức Chúa Thánh Thần hiện diện tác động: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5, 22-23)
Vậy mỗi người chúng ta cần dốc lòng sám hối, hoán cải, để có thể sinh hoa thơm, trái ngọt dâng lên Thiên Chúa nhân mùa Chay thánh này. Xin Chúa ban thêm hồng phúc, sức mạnh, cho chúng ta biết từ chối xác thịt, thế gian và ma quỷ, để can đảm trở về với Lòng Thương Xót vô biên.
Thérèse Huỳnh Thị Thuý Hằng
Chia sẻ Tin Mừng CN 3 MC NC
Phúc và họa
Theo dữ liệu mới được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập, về vụ nổ thiên thạch xảy ra sáng 15/2/2013 tại Nga, kích thước ước tính của vật thể trước khi rơi vào bầu khí quyển Trái đất là 17 m (thay vì 15 m như tính toán trước đó), với khối lượng 10.000 tấn.
Năng lượng phát ra trong vụ này tăng từ 30 kiloton (theo ước tính ban đầu) lên gần 500 kiloton, tương đương với 30 quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima năm 1945. Rất may là hầu hết năng lượng của vụ nổ đã bị hấp thụ bởi bầu khí quyển. Thiên thạch đã lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất, gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabin, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Urals của Nga.
Hơn 1.200 người dân ở các địa phương bị thương, trong đó có 50 người phải nhập viện. Tỉnh trưởng Chelyabin, ông Mikhail Yurevich cho biết tại tỉnh này có 100.000 nhà ở, bệnh viện và trường học bị vỡ kính cửa sổ hoặc hỏng mái với tổng thiệt hại ước tính lên hơn hơn 33 triệu USD.
Các chuyên gia cho rằng các khối thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái đất từ 5 - 10 lần mỗi năm. Nhưng khả năng xảy ra nổ thiên thạch lớn trên diện rộng khiến 1.200 người bị thương ở Nga mới đây chỉ xảy ra một lần trong ít nhất 100 năm. (Internet)
Thiên tai vừa xảy ra khiến người tín hữu Kitô hôm nay liên tưởng ngay đến vụ tháp Silôác đổ xuống, khiến 18 người tử vong. Điều Chúa Giêsu muốn nói đến nhân sự kiện này, là sự phán xét, lòng sám hối và lòng thương xót. (Lc 13, 1-9)
Xét mình thay xét người
Khi nghe thuật lại vụ một số người Galilê bị quan Tổng trấn Philatô sát hại, Chúa Giêsu không rơi vào cái bẫy bộc lộ quan điểm chính trị, không phán xét những nạn nhân đáng thương hay xấu số. Mà Người lại kêu gọi chính những người kể chuyện, hãy xét lại chính mình.
Nhân tiện, Chúa Giêsu thuật lại sự kiện 18 nạn nhân bị tháp Silôác đổ, Người cũng kêu gọi người nghe hãy coi lại bản thân.
Thay vì dễ dãi làm quan tòa, quen thói xét xử người khác, thì khiêm tốn làm tội nhân, để biết ăn năn, thống hối tội lỗi của chính mình. Khi phán xét người khác thì mặc nhiên tự coi mình làm kẻ cả, có thẩm quyền xét xử công tội người khác, một biến tướng của tánh kiêu ngạo, chính là tiếm quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Ồ! tôi vô tội, tôi đâu trộm cắp, đâu gian tham, ức hiếp, hại ai? Tôi đạo đức lễ lạy hằng ngày, kinh sách hằng đêm. Nhưng tôi hay ra cái điều hiểu biết, trí thức, khôn ngoan, sắc sảo nhận định, nhạy bén phê phán, xét đoán, thâm thúy phẩm bình thiên hạ, tôi còn phạm những điều thiếu sót nữa. Vậy tôi phỏng sẽ được phúc trường sinh, hay họa sa hỏa ngục?
Sám hối
Sau hai biến cố và tai họa vừa nhắc đến, Chúa Giêsu rút ra một bài học, một kết luận chung duy nhất: “Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy!” (Lc 13, 3&5)
Từ cái chết thể xác, Chúa nhắc đến cái chết linh hồn, cái án phạt muôn đời. Từ cái thuyết nhân quả đời này, Chúa áp dụng thuyết nhân quả vào đời sau.
Có thành tâm xét mình, tôi mới biết tội lỗi đã vấp phạm đến tha nhân và đến Chúa như thề nào. Tôi ân hận đã xúc phạm đến anh em, bè bạn, vợ con, hàng xóm, đồng nghiệp, và nhất là xúc phạm đến Chúa. Tôi đã phạm tội và đã thiếu sót, vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu đức Ái, thiếu đức Trong sạch, lỗi phép Công bằng… Lúc này, tôi đang gặp họa, hay sắp có phúc?
Lòng Thương Xót
Lòng nhân từ của Chúa Giêsu không dừng lại nơi đây, mà mở ra một niềm hy vọng tươi sáng. Với dụ ngôn cây vả không trái sau ba năm vun trồng, ám chỉ sau ba năm nghe rao giảng, mà con người vẫn cứng lòng, không chịu nghe theo Tin Mừng, Chúa Giêsu chân thành biểu lộ Lòng Thương Xót vô ngần.
“Thưa ông, ông cứ để nó lại năm nay nữa, tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13, 8-9)
Như thế, khi nghe người làm vườn nài nỉ, van xin chủ vườn khoan chặt cây vả không sinh hoa kết trái, tôi có nhận ra Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa chăng? Vì Thiên Chúa “là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung.”(Tv 103, 8) Ngài còn cho tôi cơ hội và thời gian, để hoán cải, để đơm bông kết trái, tất nhiên tôi phải chịu nhiều thách đố, chịu lột xác đau khổ, tỉa cành, chặt rễ, khấc thân, vô phân. Vậy tôi còn phúc nào hơn nữa?
Ngay sau vụ mưa sao băng ở Nga vào ngày thứ sáu 15/2/2013, thiên thể 2012 DA14 lớn bằng bể bơi Olympic, có bề ngang tới 50 mét với sức mạnh có thể xóa sổ một thành phố cỡ như London, đã bay sượt qua trái đất ở khoảng cách gần 28 000km, khoảng cách bằng 1/10 khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, và không gây hại gì, (BBC)
May mắn, chưa có mảnh thiên thạch nào đó rơi ngay xuống vùng tôi cư ngụ, chắc chắn vì lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Đó chính là hồng phúc của Người Cha Nhân Từ.
“Con đau đớn vì thấy nhiều phản bội với Chúa: tốt, nhưng chưa đủ. Phải làm như Mađalêna “được tha nhiều vì đã yêu nhiều.” Phải làm như Gioan, trốn bỏ Chúa trong vườn Giệtsimani, nhưng trở lại đứng bên thánh giá, dốc quyết hằng yêu mến bằng hành động.” (Đường Hy Vọng, số 890)
Lạy Chúa Giêsu, chưa bao giờ nhân loại gặp nhiều thiên tai, hoạn nạn như hiện nay, xin Chúa thức tỉnh lòng trí con, để chân thành ăn năn sám hối, hầu xứng đáng được hưởng lòng từ bi thương xót của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, đã bao lần Mẹ hiện ra, nhắc nhủ, khuyên lơn mọi người, hãy ăn năn sám hối, xin Mẹ gúp con biết hoán cải trở về với Chúa, đừng tiếp tục thách thức lòng vị tha nhân hậu của Chúa nữa. Amen.
AM Trần Bình An 3-3-2013
- dongcong.net